Tháng 9, chúng ta đang bước vào mùa thu với những buổi “sáng mát trong như sáng năm xưa”. Trong không khí kỉ niệm ngày Quốc khánh của dân tộc, Tạp chí Văn nghệ Quân đội ra số đặc biệt 948 + 949 dày 200 trang với nhiều nội dung sinh động, hấp dẫn.
Mở đầu Tạp chí là bài đối thoại giữa PV VNQĐ và Thiếu tướng An Phương Nam - Cục trưởng Cục Quân nhu mang tên Bảo đảm quân nhu trong xây dựng thế trận hậu cần tại chỗ. Khi chúng tôi đang trò chuyện với Thiếu tướng An Phương Nam thì một đồng chí Trợ lí mang vào một chiếc áo mẫu xin ý kiến, đó là chiếc áo quân phục thường dùng mùa hè đang được nghiên cứu hoàn thiện ở những chi tiết nhỏ nhất, từ bổ sung đường chỉ trên hai vai đến việc lót thêm một lớp mex cho phần nẹp áo, để chiếc áo được phẳng hơn, giữ phom dáng tốt hơn cho bộ đội khi mang mặc. Và câu chuyện về cái ăn, cái mặc của người lính hôm nay cứ theo thế mà tuôn chảy…
Chuyển thể truyện ngắn - điện ảnh: Cứu cánh của nghệ thuật là thẩm mĩ, là cái đẹp là bài trò chuyện thú vị và chuyên sâu giữa TS. Nguyễn Thanh Tâm và TS. Nguyễn Văn Hùng. Chuyển thể tác phẩm văn học sang điện ảnh không còn là vấn đề xa lạ với công chúng nghệ thuật. Tuy nhiên, khi đứng trước một tác phẩm được chuyển thể, đặc trưng của hai loại hình nghệ thuật vẫn tạo cho khán giả những liên tưởng, so sánh nhất định, từ đó nảy sinh nhiều câu chuyện xoay quanh việc thưởng thức hay thẩm định tác phẩm từ văn học đến điện ảnh.
Đã bao giờ các bạn trẻ nghĩ mình sẽ trở thành bộ đội chưa? Trong thời bình, các chàng trai có rất nhiều ngành/nghề khác nhau để lựa chọn theo đam mê và sở thích. Nhưng đam mê hay sở thích nhiều khi cũng cần phải có những cú hích để chúng ta có thể nhìn nhận rõ hơn và đưa ra những lựa chọn chính xác. Chàng trai trong truyện ngắn Một cú nhảy của Đào Sĩ Quang đã trở thành bộ đội như thế nào? Truyện ngắn chứa đựng rất nhiều chi tiết thú vị, hấp dẫn và cũng không kém phần bất ngờ dành cho bạn đọc.
Tiếng đời rộn rã của Nguyễn Thu Phương đem đến những câu chuyện đời thường mà chúng ta có thể gặp ở bất cứ nơi đâu. Những thanh âm ồn ào, náo động quen thuộc của phố, của người có đang làm phiền bạn? Bạn có từng nghĩ cuộc sống sẽ thế nào nếu một ngày thiếu vắng sự rộn rã của tiếng đời xung quanh? Trần đã phát minh ra máy lọc tiếng ồn, nhưng kết quả mà chiếc máy mang lại có như anh mong đợi khi nó đã triệt tiêu cả những âm thanh báo hiệu sự hiện diện của sự sống, của cảm xúc…
Đàn châu chấu ma của Triều La Vỹ tiếp tục cho thấy sự dài hơi và nội lực của nhà văn này với thể loại truyện lịch sử. Lấy bối cảnh là cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương giữa thế kỉ 19 với vai trò chính của Cao Bá Quát và Lê Duy Cự nhà văn đã tái hiện lại lịch sử với cái nhìn đa chiều, sâu sắc. Một Cao Bá Quát ngang tàng khí phách và một vị vua tự phong đã không thể thay đổi xã hội đương thời. Lịch sử đã hạ màn, vai hề đã chết, nhưng những gì mà quá khứ để lại vẫn không thôi chất vấn, ám ảnh người viết, người đọc hôm nay.
Ngày về Kinh Bắc của Nguyễn Minh Cường tái hiện sự khốc liệt của chiến tranh với con người thuộc cả hai bên chiến tuyến. Chiến tranh không cho họ sự lựa chọn và khi chiến tranh qua đi thì nỗi mất mát và khoảng trống còn lại là rất lớn. Chỉ có tình yêu, nỗi nhớ và sự khoan dung, hòa giải giữa các dân tộc, giữa những con người mới có thể nguôi ngoai…
Bóng biển của Trần Quỳnh Nga kể về câu chuyện tình yêu gắn với biển. Chú Phục và cô Mai đã không thể đến được với nhau, dẫu yêu nhau tha thiết và dẫu bao lần họ đã ngồi ở mũi đá, chụm đầu vào nhau cùng hướng ra biển những đêm trăng tròn như lời nguyền. Những con người được sinh ra gắn với biển, mang trong mình tình yêu với biển, biển như một mẫu số chung để họ tìm về và nhận ra nhiều điều đã mất… Truyện day dứt người đọc bởi những dở dang, những tha thiết khi những mối tình không thể đến tận cùng với nhau.
Ngoài ra, phần Văn xuôi còn có ghi chép Tôi đi Trường Sa của Đinh Phương, đó là những trải nghiệm và cảm nhận sâu sắc của một nhà văn trẻ khi lần đầu đến với Trường Sa; Những kỉ niệm về Bác Hồ của Trình Quang Phú là bài viết kể lại những lần gặp Bác Hồ đầy xúc động và ý nghĩa của nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh; tản văn Về với má của Ngô Nữ Thùy Linh, Nhà cũ của Hoàng Đăng Khoa; kí ức người lính Thủy thủ đoàn một người của Đỗ Văn Nhâm.
“Truyện ngắn hay tác giả tự chọn” số này giới thiệu truyện ngắn Tráng A Khành của nhà văn Đỗ Bích Thúy cùng những chia sẻ của chị khi viết truyện ngắn này.
Phần Thơ với sự hiện diện của nhiều tác giả quen thuộc đã gắn bó với VNQĐ: Mai Liễu, Nguyễn Việt Chiến, Lê Quang Sinh, Vi Thùy Linh, Mã Giang Lân, Nguyễn Thị Mai, Bạch Diệp, Trần Quang Đạo, Lê Huy Mậu, Bình Nguyên Trang, Trần Quốc Toàn, Võ Văn Luyến, Hoàng Chiến Thắng, Ngô Gia Thiên An…
Hình ảnh người lính gắn với lịch sử và tình yêu quê hương, đất nước là đề tài không bao giờ vơi cạn trong thơ. Các nhà thơ hôm nay vẫn không ngừng tìm kiếm và sáng tạo để làm mới những đề tài lớn lao cũng như đi sâu vào những câu chuyện của văn hóa, của thiên nhiên, của con người để thấu hiểu và khám phá, khơi gợi những vẻ đẹp ẩn tàng.
“Thơ trong những tập thơ” giới thiệu thi tập Quá một như không của Trần Hưng do nhà văn Phùng Văn Khai chọn và giới thiệu.
“VNQĐ giới thiệu” số này là chân dung tác giả Nguyễn Văn Hùng cùng chùm thơ ấn tượng của anh.
Phần Văn học nước ngoài giới thiệu tiểu luận Về chuyện đọc của nhà thơ Mĩ gốc Anh W. H. Auden do Nguyễn Huy Hoàng dịch từ nguyên bản tiếng Anh.
Phần Bình luận văn nghệ với sự góp mặt của các tác giả: Lường Tú Tuấn, Lê Tú Anh, Trung Sỹ, Kiều Mai Sơn, Đức Thuận, Lê Si Na, Lê Thiếu Nhơn, Trương Nguyên Việt.
"Tuyên ngôn độc lập" - nhìn từ lí thuyết hành động giao tiếp là bài viết với những góc nhìn mới mẻ của tác giả Lường Tú Tuấn. Đất nước ta đang đứng trước nhiều thử thách trong hoàn cảnh của một quốc gia đang phát triển, câu hỏi đặt ra bức thiết lúc này là: Nguồn lực nào cho sự canh tân và sự lớn mạnh của đất nước trong hiện tại và tương lai? Có lẽ, một trong những “nguồn vốn” vô giá như một thứ “gia bảo” của chúng ta là những tư tưởng nền móng, cấp tiến và nhân văn, nhân bản đang hiện diện đầy đủ, sinh động trong bản Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh. Ứng xử đúng đắn nhất đối với di sản là đưa di sản vào cuộc sống để di sản ấy nuôi dưỡng và cùng dân tộc lớn lên.
“…Vậy là cứ thế, cứ thế tôi viết… Khi viết ta dốc lòng ra, lại có thêm nhiều chỗ trong lòng dành cho các tác phẩm mới đọc, cho các bạn viết mới quen. Bây giờ mọi người gọi tôi là nhà văn, thì tôi cũng coi như họ thường gọi anh xe ôm, anh cửu vạn, thế thôi. Viết cũng là một công việc chuyên chở, có điều không phải chở người, mà là chở tình yêu đất nước, chở lòng bác ái nhân văn, chở chuyện đời vui buồn của bản thân và tha nhân”. Đó là một trích đoạn trong bài Vậy là cứ thế, cứ thế tôi viết… của nhà văn Trung Sỹ. Bài viết sâu sắc và xúc động về hành trình cầm bút viết văn của tác giả Chuyện lính Tây Nam.
Còn nhiều bài viết hấp dẫn, mang tính phân tích, kiến giải, luận bình về các lĩnh vực của văn học nghệ thuật. Những đề tài cũ được nhìn nhận theo những nghiên cứu mới; những chân dung và tác phẩm được lí giải, phân tích kĩ lưỡng; và những câu chuyện, trao đổi về nghề viết sẽ góp phần làm nên sự phong phú cho phần này.
Tạp chí VNQĐ số 948 + 949 với nhiều tranh, ảnh đẹp dự kiến sẽ phát hành ngày 10/9/2020. Thân mời các bạn đón đọc!
Văn
P.V Thiếu tướng An Phương Nam - Cục trưởng Cục Quân nhu: Bảo đảm quân nhu trong xây dựng thế trận hậu cần tại chỗ
Đào Sĩ Quang Một cú nhảy
Đinh Phương Tôi đi Trường Sa (Kì 2)
Nguyễn Thu Phương Tiếng đời rộn rã
Triều La Vỹ Đàn châu chấu ma
Trình Quang Phú Những kỉ niệm về Bác Hồ
Nguyễn Thanh Tâm TS. Nguyễn Văn Hùng: Chuyển thể truyện ngắn - điện ảnh: Cứu cánh của nghệ thuật là thẩm mĩ, là cái đẹp
Nguyễn Minh Cường Ngày về Kinh Bắc
Ngô Nữ Thùy Linh Về với má
Hoàng Đăng Khoa Nhà cũ
Đỗ Văn Nhâm Thủy thủ đoàn một người
Trần Quỳnh Nga Bóng biển
Đỗ Bích Thúy Tráng A Khành
Thơ
Mai Liễu Đã lâu chưa trở lại Tân Trào; Lặng thầm; Nỗi nhớ nhà sàn
Nguyễn Việt Chiến Núi; Xưa; Nhạc thiêng
Lê Quang Sinh Lính đảo về phép; Bên nghĩa trang liệt sĩ; Trưa ở phá Tam Giang
Vi Thùy Linh Đàn bồ câu Picasso; Trái mùa
Tạ Bá Hương Đôi mắt; Người đàn bà bên ô cửa
Mã Giang Lân Anh trở về; Núi; Miền Trung
Nguyễn Thị Mai Hà Nội có cầu Long Biên; Bờ dậu
Bạch Diệp Đợi; Sắp hết thì giờ rồi; Nước mắt anh
Phùng Văn Khai Thơ người không trang điểm (Đọc Quá một như không của Trần Hưng)
Trần Quang Đạo Cơm mới; Đường nắng; Khóa tình
Lê Huy Mậu Cầu Dùng; Qua thành Vinh
Bình Nguyên Trang Xin tình yêu còn lại; Nguyện cầu tháng tám
Trần Quốc Toàn Hồn tháp; Lễ tạ ơn
Võ Văn Luyến Bản nháp của đời người; Đời sông
Hoàng Chiến Thắng Tháng bảy; Gọi nàng
Mai Tuyết Giấc mơ chưa kết trái; Nghe tháng chín nói gì
Ngô Gia Thiên An Khoảnh khắc thủy tinh; Đồng cảm
Thy Nguyên Nhớ mẹ; Thủy Nguyên ngày xa phà Bính
My Tiên Vô định
Hoàng Thụy Anh Ánh sáng; Rung động
Nguyễn Hồng Những câu thơ lên gốm
Nguyễn Thị Anh Đào Đất nước; Bờ cạn
Hà Ngọc Về thôi; Hồi ức
Đinh Hương Giang Sông Gianh; Mơ hồ
Ngô Mậu Tình Bà tôi
Phạm Thùy Ngân Nhớ
VNQĐ giới thiệu thơ Nguyễn Văn Hùng: Đích thực; Ở nghĩa trang Long Bình; Bên cỏ
Văn học nước ngoài
W. H. Auden Về chuyện đọc (Nguyễn Huy Hoàng dịch từ nguyên bản tiếng Anh)
Bình luận văn nghệ
Lường Tú Tuấn Tuyên ngôn độc lập nhìn từ lí thuyết hành động giao tiếp
Lê Tú Anh Ý nghĩa cuộc Cách mạng tháng Tám nhìn từ thành tựu văn xuôi Việt Nam đầu thế kỉ XX
Kiều Mai Sơn Tân Trào - nguồn sóng mới
Trung Sỹ Vậy là cứ thế, cứ thế tôi viết...
Đức Thuận Về sự xuống cấp của việc sử dụng tiếng Việt và câu chuyện đối thoại văn hóa
Lê Si Na Biểu tượng hoa hồng từ nữ cảm tôn giáo của Colleen McCullough
Lê Thiếu Nhơn Game show truyền hình trong nỗi loay hoay thoái trào
Trương Nguyên Việt Không thể nói trời không trong hơn
Minh họa, ảnh
Bìa 1: Sôi động Ảnh: Vũ Kim Khoa
Minh họa: Tô Chiêm, Lê Trí Dũng, Nguyễn Văn Đức, Tào Linh, Hải Kiên, Ngô Xuân Khôi, Nguyễn Đăng Phú, Vũ Đình Tuấn, Đặng Tiến, Lê Anh Vân.
VNQD