Nhà báo, nhà thơ Trần Kim Hoa sinh năm 1966 tại Hà Tĩnh. Từ những năm 90 của thế kỉ trước, chị được biết đến với một giọng thơ giàu nữ tính, có phần mới lạ, hư ảo. Các tập thơ của chị được giới chuyên môn và độc giả chú ý. Bên cạnh đó, Trần Kim Hoa cũng nổi lên là một cây bút báo chí xông xáo, sắc sảo. Năm 2017, chị chính thức trở thành Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Bước chân vào lĩnh vực mới, chị và các đồng nghiệp đã có những nỗ lực không ngừng để đưa bảo tàng của giới báo chí nước ta ra mắt công chúng vào dịp tháng 6 vừa qua. |
- Bảo tàng Báo chí Việt Nam khai trương và mở cửa đón khách tham quan từ ngày 19/6/2020. Là người trực tiếp chịu trách nhiệm triển khai thực hiện Đề án xây dựng Bảo tàng, chắc hẳn chị có rất nhiều điều để chia sẻ?
+ Đúng là có rất nhiều điều, nhưng tôi chẳng biết phải bắt đầu từ điều gì. Phải nói thật là, tôi không được đào tạo chuyên môn về bảo tàng, nên khi được lãnh đạo gợi ý phân công sang phụ trách Đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam, tôi đã từ chối! Chỉ đơn giản, tôi tự thấy mình hợp với công việc của người cầm bút, như làm thơ, làm báo mà mình đã yêu thích, lựa chọn và gắn bó. Tuy nhiên, mấy tháng sau đó, tôi đã nhận nhiệm vụ và lao vào các công việc cụ thể. Khó khăn chồng chất, áp lực tứ phía, tôi vừa làm vừa học vô số điều liên quan đến mấy chữ “bảo tàng” và “đề án”.
Một ngày đẹp trời, tôi nhận ra rằng mình đang rất say mê công việc mới! Tôi tìm thấy điểm chung giữa nghề báo và nghề bảo tàng - những hành trình từ-không-đến-có, luôn bắt đầu bằng sự háo hức tìm kiếm, nghiên cứu, tham khảo, gặp gỡ, phân tích, tập hợp, củng cố hồ sơ, xác minh chi tiết, đi sâu, mở rộng, hệ thống hóa, làm đề cương, khai thác điểm nhấn, đặt titre và sử dụng ngôn ngữ đặc thù để hoàn thiện… Tóm lại, đó là câu chuyện về một tác phẩm báo chí lớn lao nhất, quan trọng nhất mang tên Bảo tàng Báo chí Việt Nam mà tôi và các đồng nghiệp đã may mắn được tham gia trong cuộc đời làm báo của mình!
- Phải chăng chính trong quá trình thực hiện, sự kết nối và khám phá có tính lịch sử, khoa học của hoạt động bảo tàng đã giúp chị và các đồng nghiệp không chỉ bị thu hút mà còn sớm trưởng thành hơn ở lĩnh vực mới?
+ Tôi tin rằng không chỉ tôi mà cả những nhà báo khác, nếu có cơ hội bước chân vào lĩnh vực bảo tàng và gắn bó với nó nhiều hơn việc chỉ đến để có một vài tin tức, hay bài viết để đăng báo, sẽ đều cảm nhận được sức hút mạnh mẽ của lịch sử, của thời đại, của những thế hệ đi trước, bao gồm những số phận cụ thể, những câu chuyện làm nghề gian khó và hi sinh trong từng hiện vật, tư liệu quá khứ để lại… Với tên gọi Bảo tàng Báo chí Việt Nam, câu chuyện đó đã chính thức được nhìn nhận liền mạch, có hệ thống một cách khách quan, khoa học hơn; không chỉ hướng tới dòng báo chí chủ lưu là báo chí cách mạng mà toàn bộ lịch sử báo chí của chúng ta từ thời kì khởi đầu đến nay đều được chú trọng nghiên cứu và từng bước tái hiện trong các không gian bảo tàng ở mức độ có thể nhất. Đây là điều khiến chúng tôi trong quá trình chuẩn bị cũng như khi mở cửa đón khách tham quan đã nhận được sự đồng cảm, chia sẻ và quan tâm sâu sắc hơn của các bộ phận công chúng. Bản thân tôi và các đồng nghiệp đều được mở mang rất nhiều, khi tiếp cận lịch sử, khi vì công việc mà phải tìm hiểu nhiều hơn, đọc nhiều hơn về việc cha ông mình đã nỗ lực ra sao để nghề báo ở Việt Nam sớm trở thành một nghề có uy thế trong xã hội ngay từ thuở sơ khai…
Tôi nhớ, Hội Báo toàn quốc đầu tiên tổ chức tháng 3/2017, Bảo tàng Báo chí Việt Nam khi đó chưa ra đời, còn hoạt động với danh nghĩa Ban quản lí dự án, đã tham gia tổ chức trưng bày Báo chí Việt Nam: 100 năm đề tài nữ, tác giả nữ nhằm tưởng nhớ tờ báo nữ đầu tiên - Nữ Giới Chung và tổng biên tập nữ đầu tiên - nữ nhà báo Sương Nguyệt Anh. Chúng tôi tiếp cận một số sách nghiên cứu đã xuất bản, luận án tiến sĩ và một số tài liệu khác thì thấy có những nhận xét như: “đề tài nữ trên báo chí Việt Nam xuất hiện đầu thế kỉ XX”, “khoảng những năm 1917-1918” hoặc “khoảng những năm 1908”… Tôi lấy làm băn khoăn nghi ngờ vì trong lịch sử dân tộc nói chung và lịch sử văn học nói riêng, đề tài nữ vốn là những đề tài đầu tiên và có dấu ấn mạnh mẽ nhất. Bấy giờ, trong tay chúng tôi chỉ có bốn tập lưu Gia Định báo - tờ báo quốc ngữ đầu tiên ra đời tại Việt Nam, gồm các số báo xuất bản các năm từ 1882 đến 1885. Qua nghiên cứu những gì mình có, chúng tôi đi đến khẳng định: “Đề tài nữ trên báo chí Việt Nam đã xuất hiện từ nửa cuối thế kỉ XIX, ngay trên tờ báo chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam”. Đó là một phát hiện thú vị, công việc tiếp theo thuộc về các nhà nghiên cứu, nhưng đã đem lại cho chúng tôi những động lực tích cực, nhất là vào thời điểm chúng tôi đang tập dượt làm bảo tàng vì mấy tháng sau Bảo tàng Báo chí Việt Nam mới được Thủ tướng Chính phủ kí Quyết định thành lập!
Một góc không gian trưng bày trong Bảo tàng Báo chí Việt Nam.
- Một cây bút nhiều năm làm báo khi đã dành sự đam mê, tâm huyết, yêu nghề cho bảo tàng, thì điều gì khác có ý nghĩa quyết định đã giúp chị và các đồng nghiệp vượt qua khó khăn, thử thách để từ một đề án trên giấy đến một Ngôi nhà Di sản được công chúng đón nhận?
+ Để trả lời câu hỏi này, tôi xin kể lại câu chuyện hướng nội hay hướng ngoại - một trong những khó khăn mà chúng tôi đã trải qua! Còn nhớ, khi nhận được thông báo phân bổ ngân sách, chúng tôi khá lúng túng vì cần quyết định sớm việc tự làm lấy hay thuê chuyên gia nước ngoài tư vấn thiết kế như một số bảo tàng đi trước đã làm rất thành công. Nếu thuê chuyên gia nước ngoài, quả thực rất khó ở chỗ chi phí cho giờ làm việc, lưu trú khách sạn và vé máy bay đều rất cao và phải tính bằng ngoại tệ trong khi chỉ được áp dụng quy định nhà nước để thanh toán ở mức rất phổ thông. Chưa hết, khi nghe con số chính xác vốn đầu tư trưng bày của Bảo tàng Báo chí Việt Nam, một vị có tiếng trong làng bảo tàng nói thẳng khi tôi có ý định mời ông giúp: Chừng đó chỉ đủ mua thiết bị điện của Đức thôi và làm sao đủ tiền trả chuyên gia (nội và ngoại) được! Tôi lặng người khi nghe xong rồi lập tức chuyển hướng tìm kiếm và đề xuất lãnh đạo chọn một đội kiến trúc sư trẻ ngay tại Hà Nội lên ý tưởng thiết kế, dù các bạn ấy chưa nhiều kinh nghiệm nhưng rất giàu đam mê sáng tạo. Tôi thực sự tin tưởng rằng, Việt Nam mình có rất nhiều kiến trúc sư và họa sĩ trẻ có tài, nhiều công trình giành giải cao ở quốc tế và khu vực, quan trọng là tìm ra họ. Ngay cả các cố vấn nội dung cho bảo tàng, cũng chủ yếu là “người nhà”, làm việc với tinh thần rất cao nhưng thù lao khiêm tốn. Mãi đến ngày mở cửa, khách tham quan lần lượt tìm đến và bày tỏ sự xúc động, ấn tượng trước diện mạo trẻ trung của bảo tàng, lúc đó tôi mới thực sự thở phào và thấy mình may mắn khi đã “cả gan” hướng nội!
- Vậy có lúc nào, khi gặp khó khăn, chị nghĩ tới việc buông bỏ hoặc có những hành động quyết liệt hơn ?
+ Cũng có chuyện đó. Một lần, hồi mới nhận nhiệm vụ, khi thấy cố gắng mãi mà công việc không chuyển biến được bao nhiêu, người thì ít, tiền thì không, tựa như người trong tay không cuốc xẻng mà phía trước là một cái núi cần phải xây, tôi đã làm đơn xin thôi chức “Trưởng Ban quản lí các dự án thành phần” với dự định quay trở lại làm báo. Các sếp tôi lờ đi không trả lời (cho đến tận giờ) và tôi thì cứ tiếp tục nghiêm túc làm việc và chờ quyết định từ trên… Rồi, một lần khác, nhận thấy những bất cập khi diện tích được phân làm bảo tàng nằm trên tầng ba toà nhà vốn xây dựng làm văn phòng hoàn toàn không phù hợp để tốn tiền tỉ làm bảo tàng, tôi nhiều lần đề xuất xin chuyển xuống tầng một để gần hơn với công chúng tham quan và giúp cho bảo tàng không bị “lãng phí”. Bảo tàng khi hoàn thành phải có những hoạt động khác với nhà truyền thống - trong khi nhà truyền thống của một số cơ quan báo chí lớn cũng được ưu tiên làm ở các vị trí trung tâm nhất, đẹp nhất - nhưng vẫn không được nhất trí. Tôi bèn viết thư tay, đưa trực tiếp lên Chủ tịch Hội, trong thư có câu đại ý “Ai rồi cũng sẽ về hưu, nhưng bảo tàng sẽ còn lại…”. Sau đó, rất vui là bảo tàng đã được đổi xuống vị trí đẹp, khá phù hợp như hiện nay!
- Từ một người viết báo trở thành người quản lí, chị đã phải “khác” đi như thế nào?
+ Tôi từ bé thơ vốn chỉ mơ về nghề báo, nghề văn, chẳng bao giờ nghĩ khác! Thế nên thời kì đầu làm quản lí, có lúc tôi cũng ấm ức vì khi chân tình thì bị nhận xét là kiểu gia đình, khi nghiêm khắc lại bị cho là tập làm sếp! Nhưng tôi sớm cho rằng những chuyện đó không quan trọng, vấn đề là mục tiêu phải hoàn thành. Tôi chủ trương thẳng thắn và chân thành như chính con người mình trong cuộc sống lẫn công việc, nên hầu như không phải “khác” đi chính mình. Tôi tự thấy, về cơ bản được bạn bè, đồng nghiệp hiểu và ủng hộ. Bằng chứng gần đây nhất là bảo tàng ít người song vẫn nhấc được kha khá “hòn đá to, hòn đá nặng” đó thôi!
- Báo chí chúng ta vẫn thường viết về bảo tàng trước khi có bảo tàng nghề của mình. Là người trong cuộc, chị nghĩ thế nào về sự chậm muộn này?
+ Có một câu rất thích hợp để trả lời câu hỏi này, đó là “đã chậm thì phải chắc”. Và để chắc, ắt không dễ. Tôi muốn dẫn chứng về áp lực phải có hiện vật gốc và công nghệ hiện đại trong sưu tầm và trưng bày của Bảo tàng Báo chí Việt Nam - một bảo tàng sinh sau đẻ muộn so với nhiều bảo tàng khác trong nước và trên thế giới. Chỉ nói đến sưu tầm hiện vật tư liệu gốc đã khó, lại càng khó hơn trong trưng bày khi mà công chúng hôm nay có quyền đòi hỏi, ngoài việc tái dựng câu chuyện lịch sử nghề báo, phải kể được câu chuyện công nghệ làm báo thời hiện đại! Nếu không làm được, không những sẽ bị chê là cũ kĩ, lạc hậu, chậm tiến mà rõ ràng không phản ánh đúng thực tại, bảo tàng có ra được cũng sẽ không được công chúng thừa nhận. Đây không chỉ là diện mạo, là công nghệ, là sự hấp dẫn của trưng bày hiện đại, mà còn là… tiền! Thực tế, hiện vật tài liệu báo chí thời kì đầu gần như không còn, nếu có đã thuộc về một số bảo tàng và nhà sưu tầm cá nhân trong và ngoài nước, một số ít lưu lạc, tản mát khắp đâu đó; hiện vật - công nghệ làm báo hiện đại, thì ngân sách đầu tư không thể kham nổi! Và bằng nhiều cách, dẫu là “nhà nghèo”, bước đầu chúng tôi đã vượt qua khó khăn này, dẫn chứng là trưng bày có tới 95% hiện vật, tư liệu bản gốc; các không gian trưng bày ngoài hiện vật gốc trong tủ, tư liệu trên đai vách, còn có hệ thống xuyên suốt đầu cuối các màn hình chiếu phim, màn hình số hóa phục vụ tra cứu; ngoài ra, khu trải nghiệm, khám phá hiện đã hình thành và khá bắt mắt, tới đây sẽ tiếp tục được nghiên cứu để phát triển thêm.
Tôi từ bé thơ vốn chỉ mơ về nghề báo, nghề văn, chẳng bao giờ nghĩ khác! Thế nên thời kì đầu làm quản lí, có lúc tôi cũng ấm ức vì khi chân tình thì bị nhận xét là kiểu gia đình, khi nghiêm khắc lại bị cho là tập làm sếp! Nhưng tôi sớm cho rằng những chuyện đó không quan trọng, vấn đề là mục tiêu phải hoàn thành. Tôi chủ trương thẳng thắn và chân thành như chính con người mình trong cuộc sống lẫn công việc, nên hầu như không phải “khác” đi chính mình. |
- Nhân chuyện chị nhắc đến hiện vật - yếu tố hàng đầu, cho thấy sự nỗ lực và tầm nhìn của người làm bảo tàng. Bên cạnh những số liệu, chúng tôi muốn biết thêm về quá trình Bảo tàng Báo chí Việt Nam tiến tới sở hữu một khối lượng di sản báo chí đáng kể như hôm nay.
+ Ngay khi bắt tay vào công việc, các chuyên gia bảo tàng đã nói với chúng tôi: “Cần ít nhất mười năm để ra được bảo tàng, vì chỉ khi có đủ hiện vật trong tay mới thiết kế trưng bày được”. Trên thực tế, Bảo tàng Báo chí Việt Nam do được triển khai trong bối cảnh đặc biệt nên đã không có điều kiện đi theo lộ trình thông thường đó. Ba năm đầu tiên, từ 8/2014 đến tháng 7/2017, bắt đầu quá trình sưu tầm, tìm kiếm hiện vật tư liệu, chúng tôi không có ngân sách cũng như thời gian vì phải đồng thời chuẩn bị các điều kiện theo quy định của luật Di sản để được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đồng ý, đề xuất Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam (7/2017). Ba năm tiếp theo, từ tháng 8/2017 đến 6/2020, chúng tôi có khoảng 1000 ngày làm sưu tầm một cách quyết liệt phục vụ dự án trưng bày đang song song triển khai. Có những khu vực mà khi làm thiết kế đến khi thi công sắp xong, nói thật, vẫn để trống và chờ khi nào sưu tầm được hiện vật thì lúc đó mới hoàn chỉnh! Thiết kế vách đồ họa cũng vậy, có những tư liệu đến phút chót mới khai thác được! Nếu không có sự chỉ đạo và đốc thúc mạnh mẽ của lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, thư kêu gọi hiến tặng hiện vật và tư liệu cho bảo tàng của Chủ tịch Hội, hay sự ủng hộ hết sức hết lòng của nhiều cơ quan báo chí, các cấp hội nhà báo, các tập thể và cá nhân trong và ngoài nước, đặc biệt là của các nhà báo lão thành luôn mong mỏi Bảo tàng Báo chí Việt Nam sớm ra đời và sẵn sàng giao lại cho chúng tôi những kỉ vật làm báo quý giá của mình, thì chắc chắn bảo tàng của giới báo chí chưa thể thành lập và hoàn thành các không gian trưng bày, ra mắt công chúng được! Đó mới là điều quan trọng nhất, giúp chúng tôi thấm thía một cách sâu sắc công việc mình đang làm. Sự tiếp sức, hậu thuẫn to lớn từ nhiều phía đã giúp chúng tôi rút ngắn được thời gian, chỉ mất ba năm để ra mắt được công chúng thay vì mười năm như nhận định ban đầu. Hai lăm nghìn hiện vật và tư liệu hiện có là khối tài sản lớn mà chúng tôi đã bỏ rất nhiều công sức để khai thác, tập hợp, nghiên cứu phân loại và bảo quản. Những hiện vật tiêu biểu được lựa chọn, thẩm duyệt phục vụ trưng bày cố định hiện mới chỉ chiếm một phần trong đó.
- Kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, đằng sau mỗi hiện vật là thời gian, là lịch sử, là những số phận, là mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu xương của những người đã ngã xuống, là thông điệp gửi gắm lại cho công chúng hôm nay, đặc biệt là công chúng trẻ, thưa chị?
+ Nhiệm vụ của người làm bảo tàng chính là như vậy. Bảo tàng không chỉ là sưu tầm và bảo quản hiện vật tư liệu trong kho, không chỉ khai thác để hoàn thành một trưng bày cố định được công chúng biết đến là xong, mà còn phải tiếp tục nghiên cứu, “đọc” được những thông điệp của quá khứ thông qua hiện vật và tư liệu, từ đó giới thiệu với công chúng một cách đầy đủ, hiệu quả và sâu sắc hơn bằng một số hình thức khác. Khi làm sưu tầm, không chỉ nghĩ rằng hiện vật của quá khứ là nhằm phục vụ cho câu chuyện về quá khứ mà phải hướng tới người thụ hưởng là công chúng trẻ, công chúng tương lai. Khi làm trưng bày cũng vậy, nếu kết nối được quá khứ và hiện tại lẫn tương lai bằng nội dung và hình thức sinh động thì đó sẽ là cách làm được hưởng ứng nhất vì chính nó đã phá đi những giới hạn nhỏ hẹp! Tuy nhiên, để làm được tốt nhất những điều đó, hiện chúng tôi vẫn đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ các hiện vật, tài liệu đã có; tiếp tục nghiên cứu sâu để từ đó có thể gợi mở được nhiều ý tưởng và phương thức kết nối như mong muốn!
Tập thơ mới của nhà thơ Trần Kim Hoa vừa ra mắt bạn đọc.
- Khi đứng trước các gian trưng bày trong bảo tàng, nhất là không gian dành để tưởng niệm những người làm báo đã hi sinh, tôi cảm thấy các hiện vật như đang “kể chuyện”. Cảm giác này không phải bảo tàng nào cũng mang lại được cho công chúng. Đằng sau những hiện vật mà người đi trước để lại, chắc vẫn còn những câu chuyện mà công chúng chưa được biết đến. Chị có thể chia sẻ một vài kí ức và ấn tượng có được từ những chuyến sưu tầm?
+ Trong các không gian trưng bày báo chí cách mạng từ 1925 đến nay của bảo tàng, có một số hiện vật tư liệu của các nhà báo đã hi sinh trong các cuộc chiến tranh vệ quốc. Tôi may mắn có điều kiện tiếp cận từ đầu với hầu hết các hiện vật, tư liệu đó. Tuy nhiên, di vật của các nhà báo liệt sĩ để lại không nhiều, vì nhiều nguyên do khác nhau, trong đó nguyên do lớn nhất là chiến tranh. Hiện, ngoài tủ trưng bày giai đoạn 1945-1954 có bản gốc tư liệu năm 1947 về nhà báo liệt sĩ Trần Kim Xuyến và một số hiện vật trong tủ “Nhà báo liệt sĩ” giai đoạn 1954-1975. Bảo tàng đã vận hành phục vụ công chúng tham quan một không gian riêng dành để Tưởng niệm những người làm báo đã hi sinh vì Tổ quốc và Nhân dân, vì sự nghiệp báo chí Việt Nam. Trên 500 người làm báo đã ngã xuống, nhiều người chỉ để lại vẻn vẹn một dòng tên, thậm chí không có cả một bức ảnh thờ, không có cả mộ phần. Nhà báo liệt sĩ Nguyễn Mai ở Cà Mau, khi mất chỉ để lại một số bản thảo thơ. Nhà quay phim Nguyễn Trưng, có người đồng đội là nhà báo liệt sĩ Nguyễn Văn Giá đã hi sinh trong một trận địch càn, chiếc máy quay phim gắn với giờ phút cuối cùng đó được ông mang về và gần 50 năm sau đã có mặt tại bảo tàng. Nhà báo liệt sĩ Đặng Loan, nguyên Tổng biên tập Báo Nghệ An miền Tây, hi sinh năm 1965 bởi bom Mĩ trên đường đi công tác, hơn nửa thế kỉ gia đình giữ mãi chiếc xe đạp Thống Nhất gắn với những chặng đường làm báo thời chiến của ông trước khi hiến tặng… Bảo tàng Báo chí Việt Nam với trách nhiệm sưu tầm và giới thiệu, giáo dục truyền thống, vẫn mong muốn có nhiều dịp được kể lại bằng hiện vật những câu chuyện nghề báo và sự hi sinh sống chết trong lửa đạn một thời; trong thời gian tới, sẽ làm tốt hơn bổn phận của mình trước lịch sử nghề vốn được tô thắm bởi một phần máu xương của các nhà báo đã hi sinh bằng những công việc cụ thể hơn, như làm sách, làm phim, tổ chức trưng bày chuyên đề…
- Bên cạnh công việc của một nhà báo, nhà quản lí, chị còn là một nhà thơ. Thơ cũng là duyên cớ để tôi được biết chị. Chị đã xuất bản bốn tập thơ trong khoảng thời gian từ 1990-2006 và từng đoạt giải thưởng thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Nhân đây tôi muốn chị chia sẻ thêm về con-người-thơ của mình.
+ Thơ là một phần con người tôi - một phần cuộc sống hiện thực và một phần cuộc sống trong mơ của tôi. Thơ khiến tôi được giải tỏa, được trong trẻo hơn trong thế giới mong manh lạ lùng của những kí ức và xúc cảm. Tuy thế, phần còn lại lớn hơn gần như không liên quan đến thơ mới là phần chi phối tôi mỗi ngày. Nói chung, tôi không có gì khác mọi người xung quanh với những mong muốn bình dị và luôn được nhắc nhớ bởi những bổn phận.
- Vậy những bổn phận đó có là rào cản giữa chị với thơ?
+ Tôi không nghĩ vậy vì bổn phận nói chung là thứ khiến mình trở thành một phần không tách biệt của đời sống. Mà trong đời sống thì bản thân nó hàm chứa cả thơ, không thể thiếu thơ, cho dù điều này không phải ai cũng thừa nhận. Nhìn chung, tôi yêu đời, yêu cuộc sống gắn với những bổn phận mặc dù không phải không có lúc cảm thấy những điều vô lí, mệt mỏi, chán nản và muốn thoát ra. Nhưng tôi cũng thuộc típ bảo thủ, có lẽ vậy, nên sau đó tôi lại tự hồi tâm chuyển ý để được trở về như mình nghĩ với một số điều vốn đã tâm niệm từ bé thơ, dù mình hôm nay thực ra đã đi xa con người của mình thuở ấy từ lâu lắm rồi. Trong tôi vẫn có những điều ngày xưa tôi tin thế nào thì giờ tôi vẫn tin thế, dẫu bây giờ “mắt chẳng còn đen, tóc chẳng còn xanh” nữa. Tôi có thế nào thì thơ tôi thế ấy và những hạn chế, mâu thuẫn trong chính bản thân tôi mới là rào cản cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Rào cản lớn nhất của tôi luôn là chính tôi. Vì những lí do đó nên thơ vẫn có chỗ đứng riêng trong cuộc đời tôi theo một cách nào đó, khiến tôi vẫn thấy chốn bình tâm ngay cả khi mất thăng bằng nhất.
- Thơ bắt đầu từ những rung động, những giấc mơ…
+ Những ám ảnh, rồi những giây lát dường như cuộc sống xung quanh tạm thời nhòa mờ đi, chỉ còn sự chiếm cứ, dâng lên của cảm xúc, của những mảnh vỡ còn lại sau cơn mơ… Nói chung chỉ khi có tâm trạng thì tôi mới có thể có thơ. Khi vui vẻ hay bình thường tôi chẳng viết được gì.
- Chị có thấy mình viết khác đi qua thời gian? Nếu có, vậy thì cái mà nhà thơ muốn thể hiện, kiếm tìm là gì?
+ Câu này khó trả lời chính xác quá. Đúng là có những điều khiến người làm thơ luôn phải bận tâm, kiếm tìm trong suốt cuộc đời mình. Nhưng tôi quan tâm nhất tới cảm xúc, chỉ khi nó tới thì mới có thơ. Tôi thấy rõ mình đã viết khác đi qua thời gian, bằng chứng là những bài viết hồi trẻ thì ngôn từ, chữ nghĩa cũng như cảm xúc dẫn dắt cũng trẻ hơn. Giờ già hơn rồi, so với trước, tự thấy viết khó hơn và bản thân cũng khó tính hơn, thường hay bị thoát ra khỏi cảm giác bâng khuâng tiếc nuối nhanh hơn mỗi khi làm xong một bài mới… Việc nuôi dưỡng cảm xúc, nắm bắt và gọi tên nó, không cứ chăm chỉ kiên trì là được. Sợ nhất là những lúc tự cảm thấy mình khô cằn, viết xong rồi đọc lại cảm thấy không phải là mình thì lại càng chán.
- Được biết chị sắp xuất bản tập thơ thứ năm, sau một quãng dài tạm ngưng. Chị có thể đưa ra vài lời phi lộ cho tập thơ mới này?
+ Hơn mười năm qua, sau khi tập thơ "Họa mi năm ngoái" xuất bản (Nxb Văn học, 2006), tôi làm thơ cho mình và độc thoại với mình là chính. Mấy năm vừa rồi, có lúc tôi cũng nghĩ đến việc ra một tập mới nhưng lại chưa sẵn sàng lắm, rồi vì mải bận công việc lại thôi. Năm nay, tôi thấy đã đến lúc có thể nhìn lại những bản thảo và nhìn lại mình bằng một tập thơ mới. Hi vọng rằng tới mùa thu, gia tài thơ của tôi sẽ có thêm một ấn phẩm nhỏ. Lúc này, tôi cũng cảm thấy run run khi tưởng tượng dung nhan của nó. Theo cách nào đó, “những câu thơ viết đợi mặt trời” của tôi cũng hệt như một giấc mơ nhỏ đang chuẩn bị khăn gói đi vào đời vậy...
- Dường như lâu nay phần lớn chúng ta vẫn e dè khi nói đến sự tiếp nhận thơ. Là người viết chị có từng hi vọng hay thất vọng khi nghĩ đến sự tiếp nhận của người đọc?
+ Sự tiếp nhận đó đương nhiên rất khác nhau, thậm chí không như mình hình dung, là lẽ thường. Có những chỗ không dành cho thơ, không phải cho thơ. Trước những chỗ như thế, tôi nghĩ và mong sao chiếc ghế dành cho thơ phải được đặt đúng chỗ. Cũng như các thời kì trước đây, trong đời sống hiện đại, thơ chỉ thực sự có chỗ của mình nơi có những người làm thơ và công chúng yêu thơ, đọc thơ, có thể dành cho thơ những cảm xúc thuần khiết nhất. Chỉ khi đó, thơ mới là thơ, mới bộc lộ và được cảm thấu đến tận cùng vẻ đẹp thầm kín ẩn chứa bên trong. Còn nếu nói về những hi vọng hay thất vọng của một người làm thơ trước sự tiếp nhận của người đọc hôm nay, phải thú nhận là tôi vốn không tự tin khi nói về thơ mình, nhưng tôi biết thơ tôi luôn là chính tôi trước cuộc đời; vậy nên, đi ra với cuộc đời luôn là một lựa chọn của trái tim, dẫu lựa chọn đó có thể đúng có thể sai, nhưng làm sao khác được khi mà mình còn may mắn có cơ hội để lựa chọn…
- Vâng, và có lẽ, chừng nào thơ vẫn còn thầm thĩ vẫy gọi cảm xúc, tri giác của chúng ta, thì chừng đó chúng ta vẫn còn có những câu thơ để nâng đỡ chính mình và để chia sẻ với nhau. Cảm ơn chị vì cuộc trò chuyện thú vị, ý nghĩa này!
NGUYỄN THỊ KIM NHUNG thực hiện
VNQD