Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 959 (cuối tháng 2/2021)

Thứ Tư, 17/02/2021 09:27

 “Việc nhìn lại một quãng thời gian của văn chương, ở đây ta đang nói riêng đến thể loại tiểu thuyết, theo tôi, bao giờ cũng cần thiết. Nhìn lại chỉ một năm qua thôi, cũng đã là cần, nói gì đến nhìn lại hai mươi năm đầu thế kỉ XXI, một quãng thời gian mà đời sống xã hội, từ toàn cầu cho đến mỗi quốc gia, đều có những biến động cực kì to lớn và sâu sắc. Bình thường, trong văn chương, hai mươi năm là đủ để ta chứng kiến sự chín muồi, thăng hoa của một thế hệ tác giả, đồng thời cũng là chứng kiến sự xuất hiện của một thế hệ tác giả kế tiếp. Điều ấy đã diễn ra ở tiểu thuyết Việt Nam hai mươi năm đầu thế kỉ XXI.”

Bài trò chuyện đầy thú vị hấp dẫn giữa nhà văn Uông Triều và nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam mang tên Tiểu thuyết là cái đích của người viết văn xuôi Việt Nam sẽ mở đầu Tạp chí VNQĐ số 959.

Phần Văn xuôi với các truyện ngắn: Khăn rằn vắt vai của Dương Đức Khánh, Nhân tài về quê của Phan Ngọc Chính, Đỉnh Giăng Màn mây phủ của Trần Quỳnh Nga; ghi chép Biên cương ngày cuối năm của Đinh Phương; kí ức chiến trường Những cái tết chiến trường của Nguyễn Trọng Luân.

Khăn rằn vắt vai gây ấn tượng với giọng văn mang đậm chất Nam Bộ của Dương Đức Khánh. Hình ảnh người lính sau giải phóng trở về với công việc văn chương viết lách được tác giả xây dựng mang nét đặc trưng phóng khoáng, tài tử. Nhưng cũng chính bởi sự phóng khoáng, tài tử ấy lại dẫn đến những hậu quả khó lường. Điều sau cùng còn lại là chất lính, chất nghệ sĩ mà nhân vật còn giữ lại được sau những biến động.

Nhân tài về quê là bức tranh hiện thực mà chúng ta có thể đã gặp, đã nghe, đã thấy, đã trải qua ở đâu đó, rất nhiều nơi. Nhân vật trung tâm của truyện là Cần, một chàng trai trẻ tuổi, về tỉnh nhà làm việc theo chương trình thu hút nhân tài. Nhưng bên trong cái vỏ bọc ấn tượng ấy vẫn là một bộ máy cũ kĩ, quan liêu, bảo thủ… Và Cần đã thực sự bị mắc kẹt trong bộ máy ấy với những sự tiêu cực tận cùng của nó. Liệu cậu có thể thoát ra và tìm lại chính mình với niềm đam mê cống hiến tài năng thực sự?

Đỉnh Giăng Màn mây phủ hấp dẫn bạn đọc bởi sự xen kẽ giữa hiện thực và huyền ảo. Một chàng trai làm khảo cổ bị níu chân níu lòng khi đến với khu vực lòng hồ thuỷ điện Ngàn Trươi. Nơi này có những hiện vật được cho là của nghĩa quân Phan Đình Phùng đề lại. Say mê khảo cổ, muốn tìm được những gì tiền nhân để lại để bảo tồn, Hoài đã ở lại nơi này và những câu chuyện li kì đã xảy đến…

Phần Thơ ghi dấu ấn với những tác phẩm đầu tiên tham dự Cuộc thi thơ 2021-2022 trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Những gương mặt trẻ trung, nội lực và đầy sáng tạo đã xuất hiện, hứa hẹn sự thu hút và hấp dẫn của cuộc thi. Cuộc thi đã bắt đầu, ban biên tập hi vọng sẽ tiếp tục nhận được sự cộng tác của đông đảo cộng tác viên thân quý trong và ngoài nước. Cảm hứng về đất nước quê hương, con người văn hoá, lịch sử, tình yêu… là bất tận, mong rằng mỗi người viết sẽ thực sự hết mình trong sáng tạo để chúng ta luôn có những hạt vàng trong những mùa thi ca.

“Thơ trong những tập thơ” số này là bài viết Một lặng im một hân hoan của nhà phê bình văn học Hoàng Đăng Khoa giới thiệu về thi tập Bên trời của nữ thi sĩ Trần Kim Hoa - Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2020.

Văn học nước ngoài giới thiệu chùm truyện ngắn của nhà văn người Mexico - Juan Rulfo do Nguyễn Huy Hoàng dịch từ nguyên bản tiếng Tây Ban Nha.

Phần Bình luận văn nghệ với sự hiện diện của các tác giả: Nguyễn Khắc Phê, Trần Đình Sử, Lê Thị Gấm, Nguyễn Thế Sơn, Ngô Đức Hành, Nguyễn Thị Tịnh Thy.

Ngày nay có nhiều nhà thơ hứng thú với thể thơ lục bát, nổi tiếng với lục bát, nhưng có lẽ ít người có ý thức phân biệt thể lục bát với thơ trữ tình lục bát, tìm hiểu xem thể thơ trữ tình lục bát hình thành từ bao giờ, và nếu như thế, thiết nghĩ khó mà nhìn ra hết những cách tân của thể thơ này. Muốn nhìn ra diện mạo của thơ lục bát đương đại thì phải có cái nhìn lịch sử, phải nhận ra lịch sử của thể thơ và của thể loại thơ trữ tình lục bát.

Bài viết Sự hình thành và phát triển của thể thơ lục bát trữ tình trong văn học Việt Nam sẽ bàn sâu hơn về vấn đề này.

“Bản sắc” là câu chuyện được nhắc đi nhắc lại trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển của nền mĩ thuật Việt Nam từ khi trường Cao đẳng Mĩ thuật Đông Dương chính thức thành lập. Ở từng giai đoạn phát triển, bản sắc văn hoá luôn trở thành một vấn đề được các thế hệ nghệ sĩ trăn trở và tìm tòi thể hiện; rất nhiều tên tuổi lớn đã để lại dấu ấn cá nhân đặc sắc của mình trong lịch sử mĩ thuật dân tộc.

Bài viết Bản sắc và hội nhập trong sáng tác mĩ thuật - thách thức và cơ hội đề cập đến vấn đề bản sắc trong giai đoạn hiện nay: Với những thực hành theo xu hướng nghệ thuật đương đại thì xử lí vấn đề bản sắc thế nào trong thời hội nhập khu vực và thế giới?

Bên cạnh đó là những bài viết nhiều lí thú, về các vấn đề đáng quan tâm của văn học nghệ thuật hôm nay.

Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 959 dày 120 trang dự kiến sẽ phát hành ngày 20/2/2021. Thân mời các bạn đón đọc!

Văn

Uông Triều

Nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam: Tiểu thuyết là cái đích

của người viết văn xuôi Việt Nam

Dương Đức Khánh

Khăn rằn vắt vai

Đinh Phương

Biên cương ngày cuối năm

Nguyễn Trọng Luân

Những cái tết chiến trường

Phan Ngọc Chính

Nhân tài về quê

Trần Quỳnh Nga

Đỉnh Giăng Màn mây phủ

 

Thơ

Hào Lê

Em là mùa xuân miền ngược

Myo

Về bà; Mùa lạc tiên; Hạt

Hoàng Anh Tuấn

Chó đá; Tất niên

Bế Kim Loan

Trước bức tranh cây bằng lăng mùa xuân;

Thiền viện Trúc Lâm

Phùng Thị Hương Ly

Ngày xuân bên bếp lửa; Trên núi

Thái Hạo

Bố; Vườn anh

Hoàng Thụy Anh

Quê; Khởi đầu

Nguyễn Hồng Vân

Địa đạo

Nhất Mạt Hương

Kí tự chiều

Hoàng Đăng Khoa

Một lặng im một hân hoan

(Đọc Bên trời của Trần Kim Hoa)

Pờ Sảo Mìn

Tổ ấm

Đặng Vương Hưng

Người của ngày xưa...

Bùi Sỹ Hoa

Trong cổ tích mây bay

Đỗ Huy Chí

Cùng mùa xuân ấy

Hoa Thành

Vớt một lời ru

Đinh Thị Hường

Mượn lời

Lê Tuyết Lan

Cơ hàn giấc tôi

Vũ Thiên Kiều

Ngày không rang trời

Duyên An

Lơ lửng

Khét

Đừng đi qua sông

Mai Diệp Văn

Những sắc hoa

Bùi Thúy

Đất quê hương

 

Văn học nước ngoài

Juan Rulfo

Chẳng là chúng tôi nghèo quá; Họ cấp cho chúng tôi đất

(Nguyễn Huy Hoàng dịch từ nguyên bản tiếng Tây Ban Nha)

 

Bình luận văn nghệ

Nguyễn Khắc Phê

Về cuốn tiểu thuyết lịch sử mới nhất

lấy Chủ tịch Hồ Chí Minh làm nhân vật trung tâm

Trần Đình Sử

Sự hình thành và phát triển của thể thơ lục bát trữ tình

trong văn học Việt Nam

Lê Thị Gấm

Hiện sinh: sự gặp gỡ Franz Kafka và Trần Dần

Nguyễn Thế Sơn

Bản sắc và hội nhập trong sáng tác mĩ thuật - thách thức

và cơ hội

Ngô Đức Hành

Những vần thơ ấm áp trái tim người lính

Nguyễn Thị Tịnh Thy

Gánh gánh… gồng gồng…

 

Minh họa, ảnh

Bìa 1: Tĩnh vật Tranh của họa sĩ Tùng Nguyễn

Minh họa: Lê Trí Dũng, Công Quốc Hà,

Phạm Minh Hải, Lê Huy Quang,

Nguyễn Anh Vũ, PV...

VNQD
Thống kê