“…Nhiều cách nghĩ tào lao của ông thầy làm hư hại đến học trò ghê lắm. Có khi, cả một lớp, một khóa, thậm chí cả một thế hệ người ta hiểu văn học như thế này hay thế khác cũng bởi các ông thầy. Cái đó người ta gọi là hệ hình tri thức, là khung tri thức hệ. Nhiều người cả đời học văn, dạy văn chỉ ở trong một cái khung, cái hệ hình đó, không sao vượt thoát được. Cá nhân tôi luôn mong ước, mọi sự lí giải về văn học của người thầy chỉ nhằm giúp cho người học dần hình thành một thế giới quan về văn học, không phải là thứ bó buộc cách hiểu của người ta về văn học. Người học văn phải biết vượt ra khỏi cái khung của ông thầy, người xuất sắc có thể vượt ra cái khung của thời đại, và đến lượt mình, ông thầy phải giúp học trò vượt qua cái khung đó, thậm chí kể cả trong trường hợp cái khung đó là do mình tạo ra. Có như thế văn học mới phát triển được.”
Đó là một đoạn trích thú vị trong bài trò chuyện về việc dạy văn, học văn, phê bình, nghiên cứu văn học và mối liên quan giữa nhà văn và nhà trường... giữa nhà văn Uông Triều và PGS. TS. Phùng Gia Thế. Bài trò chuyện mang tên Người học văn phải biết vượt qua cái khung của ông thầy sẽ mở đầu Tạp chí VNQĐ số 953.
Phần Văn xuôi số này có các truyện ngắn: Huyết khói của Phan Đăng, Đồng xa khắc gợi của Phan Ngọc Chính, Bán mình của Kiều Bích Hậu; ghi chép Miền Trung lũ lụt, tình người của Nguyễn Hữu Quý, kí ức người lính Xóm vui ngày nắng của Trung Sỹ.
Huyết khói gây ám ảnh cho người đọc bởi sự cô đơn của người nghệ sĩ, sự cô đơn của con người trong cuộc sống vốn quá nhiều chênh vênh và bất trắc này. Nàng nhìn ánh mắt mẹ chăm chú quan sát ngọn lửa sém dần vào tranh, không thể đoán nổi tâm trạng cũng như ý nghĩ của mẹ mình lúc đó là gì. Chỉ có tiếng nổ tí tách trong lò, những nhân vật trong tranh từ từ chết là rõ nhất. Phải chăng sự bí ẩn mà mỗi người cất giữ cho riêng mình sẽ làm nên nỗi cô đơn khôn cùng cho chính họ. Truyện cuốn hút bởi sự đan xen giữa hiện thực và hư ảo.
Truyện kí Đồng xa khắc gợi ấn tượng tượng bởi lối viết giàu cảm xúc, tự nhiên. Những kí ức của một vùng đất, kí ức về những con người xưa cũ trở về sinh động, thân quen. Tuổi thơ của những đứa trẻ quê coi cánh đồng là cả thế giới thần tiên; những câu chuyện được thêu dệt; những tình yêu chớm nở đầu đời; sự chia li vì chiến tranh; hay sự thay đổi, biến chất của những con người cơ hội…
Bán mình hé lộ nhiều khía cạnh, góc khuất của xã hội. Người đọc không khỏi xúc động trước tình mẫu tử của Sam và vu Vẹt. Trong sự bất hạnh cùng quẫn của cuộc đời mình, Sam vẫn khao khát tìm ra nguồn sáng cho cuộc đời của đứa con trai khuyết tật. Đời chị xem như đã lỡ nhưng chị mong con sẽ được sống một cuộc đời bình thường, tự tin, đường hoàng, trong một cộng đồng thừa nhận nó… Và cho dẫu để có được điều đó cho con Sam phải đánh đổi. Truyện mang đến cái nhìn nhân văn sâu sắc.
Phần Thơ với sự xuất hiện của các tác giả: Phạm Trọng Thanh, Mai Thìn, Phạm Hồng Oanh, Nguyễn Hồng Hải, Đỗ Mai Hoà, Tuyết Nga, Nguyễn Đức Sơn, Đức Thuận, Đỗ Thành Đồng, Nguyễn Đức Phú Thọ, Trần Thế Vinh, Mai Văn Thuỷ, Đinh Tiến Hải. Mỗi trang thơ sẽ mở ra những không gian của lịch sử, văn hóa, cùng với đó là tình yêu quê hương, đất nước - một giá trị vĩnh hằng bất biến qua thời gian. Đời sống đương đại hôm nay với những vui buồn, trăn trở về tình yêu, thế sự, con người cũng được các tác giả đi sâu khai thác, khám phá để tìm ra những giá trị của đời sống và nghệ thuật qua các tác phẩm.
“Thơ trong những tập thơ” số này là bài viết Cô độc xoay lưng như con sói trong chiều của Nguyễn Thị Kim Nhung giới thiệu về thi tập Mùa Bạch Diệp của nữ thi sĩ Trần Bạch Diệp.
Văn học nước ngoài giới thiệu chùm thơ của nữ nhà thơ Mĩ vừa giành giải Nobel văn học 2020 - Louise Gluck. Chùm thơ do Nguyễn Huy Hoàng dịch từ nguyên bản tiếng Anh.
Phần Bình luận văn nghệ với sự góp mặt của các tác giả: Ngô Vĩnh Bình, Yến Thanh, Thái Phan Vàng Anh, Bùi Quang Tú, Vũ Kiều Chinh, Lê Hữu Trúc, Lê Hồng Lâm.
Không thuộc dòng văn học chấn thương, song bằng cách nhìn sâu vào những khuất lấp nội tâm của kiểu con người loay hoay xác lập, truy tìm căn tính, Sóng ngầm đem lại một cách nhìn mới về những thân phận nhập cư, những con người đang đánh mất dần tiếng mẹ đẻ để trở thành những công dân toàn cầu, không bị trói buộc bởi các đường ranh giữa các quốc gia, dân tộc. Bi kịch của họ không phải ở chỗ “nơi sống” mà chính là tình thế bị lưu đày trong tâm thức.
Bài viết Từ chấn thương đến xác lập, truy tìm căn tính Việt qua trường hợp Sóng ngầm của Linda Lê sẽ làm rõ hơn về vấn đề này.
Tiệc trăng máu là bộ phim remake (làm lại) mới nhất của điện ảnh Việt, trong số rất nhiều phim remake thời khan hiếm kịch bản hay của điện ảnh Việt nhiều năm trở lại đây. Trên thực tế, Tiệc trăng máu mới chỉ là bộ phim thứ ba trong rất nhiều phim Việt hóa được xem là thành công, cùng với Em là bà nội của anh và Tháng năm rực rỡ. Điều thú vị là cả ba bộ phim này đều do hai đạo diễn, nhà sản xuất Phan Gia Nhật Linh và Nguyễn Quang Dũng dàn dựng. Họ phối hợp, đổi chỗ và hỗ trợ cho nhau để có những bộ phim “xác ngoại, hồn Việt” gần gũi và có cảm xúc nhất.
Tiệc trăng máu: Những điểm sáng của một bản Việt hóa thành công sẽ lí giải sâu sắc trường hợp này.
Bên cạnh đó là những bài viết thú vị đề cập đến các vấn đề của văn học, nghệ thuật, những chân dung nhân vật - tác phẩm tiêu biểu của nền nghệ thuật đương đại hôm nay.
Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 953 dày 120 trang dự kiến sẽ phát hành ngày 20/11/2020. Thân mời các bạn đón đọc!
Văn
Uông Triều
PGS.TS Phùng Gia Thế:
Người học văn phải biết vượt qua cái khung của ông thầy 3
Phan Đăng
Huyết khói
Nguyễn Hữu Quý
Miền Trung lũ lụt, tình người
Trung Sỹ
Xóm vui ngày nắng
Phan Ngọc Chính
Đồng xa khắc gợi
Kiều Bích Hậu
Bán mình
Thơ
Phạm Trọng Thanh
Hoàn nguyên; Thơ ghi bên cọc Bạch Đằng
Mai Thìn
Cơn mưa không có nước; Tiếng vọng đầu
Phạm Hồng Oanh
Chú ơi; Đảo
Nguyễn Hồng Hải
Hoa cúc đàn bà nở ven đường; Khúc vu vơ
Đỗ Mai Hòa
Cà phê phố cổ; Dự cảm
Tuyết Nga
Độc thoại; Tháng chín; Thu khác
Nguyễn Đức Sơn
Tiếng đàn ghi ta trên đảo Trường Sa Lớn
Đức Thuận
Núi cũ
Đỗ Thành Đồng
Thức; Đêm miền Trung
Nguyễn Đức Phú Thọ
Đôi mắt cánh đồng; Đốm sáng; Khẽ
Trần Thế Vinh
Mảnh đất cuối đời; Lên thuyền tìm vọng cố hương
Mai Văn Thủy
Cặp ba lá; Xà cạp đồng chiêm
Đinh Tiến Hải
Con mắt đêm
Nguyễn Thị Kim Nhung
Cô độc xoay lưng như con sói trong chiều
(Đọc Mùa Bạch Diệp của Trần Bạch Diệp)
Văn học nước ngoài
Louise Gluck
Tình yêu đã mất; Ngựa; Anh túc đỏ; Ithaca; Những đàn thiên di đêm; Thuyết kí ức (Nguyễn Huy Hoàng dịch từ nguyên bản tiếng Anh)
Bình luận văn nghệ
Ngô Vĩnh Bình
Thượng tướng Phùng Thế Tài - những câu chuyện đời thường
Yến Thanh
Đề tài chiến tranh và người lính trong văn học hôm nay: Như thế và tại sao?
Thái Phan Vàng Anh
Từ chấn thương đến xác lập, truy tìm căn tính Việt
Bùi Quang Tú
Bùi Hiển - Chế Lan Viên và cái tình sâu nặng của văn nghệ sĩ
Vũ Kiều Chinh
Rap… điền vào chỗ trống của… thơ
Lê Hữu Trúc
Kiến trúc kì dị
Lê Hồng Lâm
Tiệc trăng máu - Những điểm sáng của một bản Việt hóa thành công
Minh họa, ảnh
Bìa 1: Phố gọi đông về Tranh của họa sĩ Công Quốc Hà
Minh họa: Tô Chiêm, Nguyễn Vân Chung, Phạm Minh Hải, Đặng Tiến, Vũ Đình Tuấn, PV...
VNQD