Suốt cuộc trò chuyện cùng ông một sáng cuối đông Hà Nội, tôi cố kìm tiếng cười khoái trá và sự vỡ lẽ thích thú của mình trước những trả lời dí dỏm và thông tuệ của ông. Tôi tin bạn đọc VNQĐ cũng như tôi từ đây thêm hiểu và yêu Hà Nội, cũng như thêm hiểu và yêu ông. Ông là “một người Hà Nội” - họa sĩ, nhà văn Đỗ Phấn. |
- Ông có thể đưa ra định nghĩa về “Hà Nội” và về “người Hà Nội” của riêng mình?
+ Ngoài tên gọi là một địa danh hành chính ra Hà Nội còn là một trung tâm văn hóa quan trọng của Việt Nam. Chính vì thế văn hóa thị dân lâu đời ở đây có những nét khác biệt. Rất khó lòng để biến một người sinh ra lớn lên ở Hà Nội thành một người ở tỉnh khác, thành phố khác. Có thể gọi đó như một cốt cách của người Hà Nội. Chẳng riêng gì thổ âm vùng miền mà ngay cả cách ăn nói cũng khó lẫn vào đâu được. Người Hà Nội ăn nói chậm rãi, âm lượng đủ nghe, tròn vành rõ chữ. Dù họ có sống lâu ở tỉnh khác hay thậm chí là ở nước ngoài đi chăng nữa ta cũng dễ dàng nhận ra cốt cách ấy. Điềm đạm, thận trọng, nhún nhường. Hà Nội không phải là mảnh đất dành cho các trọc phú khoe khoang. Đại khái anh xây một lâu đài nguy nga đúc tượng dát vàng đặt lên nóc nhà thì người Hà Nội không những không khen ngợi mà còn biết ngay anh thuộc hạng người nào và mới ở đâu ra.
- Người Hà Nội về cơ bản là bao gồm trí thức và thương dân. Có cảm giác như hai sắc dân này của Hà Nội cứ tương giao tương tranh, cứ muốn hoán vị cho nhau?
+ Đúng thế. Dù sao thì Hà Nội vẫn luôn có thể quy về hai hạng người như vậy. Và khát vọng thì luôn là của những người cảm thấy thiếu thốn một mặt nào đó trong cuộc sống hiện thời. Đám trí thức không dư giả lắm luôn mong muốn làm ăn buôn bán gì đó kiếm tiền. Đám thương gia giàu có lại mong ước chinh phục các đỉnh cao học vấn. Nhưng rốt cuộc những người thay đổi được cuộc đời mình và con cháu luôn ít. Phần lớn vẫn phải quay về với nghiệp nhà. Điều này vừa hay vừa dở. Dở ở chỗ nó làm cho xã hội có phần ngưng trệ, kém phát triển. Nhưng hay ở chỗ người ta có điều kiện đào sâu tìm kiếm thành công ngay trong nghề nghiệp của mình.
- Ông nói gì khi nói về thú ăn chơi của người Hà Nội?
+ Người Hà Nội nói chung ăn chơi kĩ lưỡng. Nhưng tất nhiên thành phần ăn chơi hiểu theo nghĩa bây giờ là trai gái, rượu chè, hút xách thì Hà Nội cũng không bao giờ nhiều bằng các tỉnh khác. Đơn giản vì mảnh đất này luôn là nơi tập trung tinh hoa của cả nước. Anh giỏi hơn người tất có người khác giỏi hơn anh. Chẳng có gì đáng khoe khoang tự hào cả.
Ăn chơi điềm đạm kĩ lưỡng cũng là một phẩm chất của con người nơi đây. Do được rèn luyện nhiều đời cũng có mà do tiếp biến văn hóa từ các vùng miền khác cũng nhiều. Thí dụ như dù rằng giờ đây có khá nhiều loại hoa giống mới du nhập vào Hà Nội nhưng người Hà Nội vẫn thích chơi những loại hoa truyền thống mùa nào thức ấy. Không thấy ai rước một giò phong lan về nhà treo giữa mùa hè dù rằng chợ hoa bán đầy cả bốn mùa. Mùa hạ là phải loa kèn, sen, hồng…
Người Hà Nội chơi hoa không quá chú trọng vào loại hoa. Người ta quan tâm nhất đến cách cắm một lọ hoa cho đẹp. Và đặc biệt khi nhà có đàn ông thì không bao giờ đàn bà đảm nhận việc cắm hoa. Thậm chí khi đến nhà ai đó chơi còn biết được bình hoa hôm nay là do bà xã ông ấy cắm. Ngay cả ở những trường dạy nữ công thì giáo viên dạy cắm hoa vẫn thường là đàn ông. Chẳng phải đàn ông ở đất này cần cù chăm chỉ hơn nơi khác. Chỉ là đàn bà nơi đây dù học hành trường lớp nữ công cẩn thận cũng chưa bao giờ cắm hoa đẹp bằng đàn ông. Ngay cả chợ hoa ngày tết thì khách đàn ông vẫn chiếm ưu thế. Chẳng biết vì sao.
Miên man phố lạ gồm 21 truyện ngắn, là những mẩu chuyện xoay quanh cuộc sống của con người, cảnh vật nơi phố thị, những sự việc tưởng vụn vặt cũ kĩ nhưng cũng có thể trở thành đề tài đầy sức hút để tác giả thủ thỉ, tâm tình với bạn đọc.
- Cũng như thế giới hoa và những thế giới khác, thế giới món ngon Hà Nội có nhiều thức vốn dĩ được bắt nguồn từ nhiều vùng miền khác, khi đến Hà Nội thì tất nhiên được Hà Nội hóa; tuy nhiên nói đến văn hóa ẩm thực Hà Nội thì khó có thể phủ nhận được “bản quyền” của Hà Nội đối với các “danh tác” như chả cá, bún thang, bún ốc nguội..., thưa ông?
+ Đúng vậy. Nhưng chưa đủ. Rất nhiều người khi nói về món ăn Hà Nội đều dẫn ra những món đặc sắc đất kinh kì. Từ phở cho đến bún, từ chả cá cho đến giò chả, nem rán, bánh trái, vân vân… Nhưng phần lớn đều chú trọng vào cách thức chế biến. Thậm chí cực đoan hơn còn quả quyết chỉ có chế biến như vậy mới ngon. Thực ra câu chuyện ẩm thực ở đất này còn dài dòng và bao la hơn rất nhiều.
Đầu tiên phải nói đến cách ăn. Món bún ốc nguội chẳng hạn. Vật liệu để chế biến nó không có gì là cầu kì lắm nhưng để ăn được bát bún ốc nguội cho đúng vị ngon nhất thì lại không đơn giản tí nào. Đầu tiên là ngay từ cái bát chiết yêu rộng miệng thót chân phải kiếm cho bằng được. Đã có người lí giải việc người ta bán bún ốc nguội bằng cái bát này là bởi bài toán đánh lừa thị giác. Nó cho ta một cái nhìn tương đối đầy đặn mà những người muốn ăn no tạm an lòng. Thế nhưng câu chuyện lại hoàn toàn khác. Người Hà Nội cũ không bao giờ ăn bún ốc nguội để lấy no. Họ chỉ coi như quà vặt ăn vào bữa lỡ chứ không bao giờ là bữa chính. Vì những kĩ thuật truyền đời cho nên người ta sẽ không dùng thìa để ăn món này. Dùng thìa nhôm cho vào bát bún gây vị tanh khó chịu. Người bán hàng cũng múc và pha chế nước ốc nguội cho vừa âm ấm và dùng cái duộc nứa để múc. Người ăn sẽ dùng đũa gắp bún và ốc. Nước dùng sẽ được húp trực tiếp từ miệng bát. Cho nên cái bát chiết yêu chính là nhằm phục vụ mục đích húp không có bát nào thuận tiện hơn. Tất nhiên húp như thế nào lại là câu chuyện khác. Người bán bún ốc nguội không bao giờ nhể sẵn ra một rổ ốc. Họ chỉ nhể ốc khi có khách vào hàng. Con ốc nhể ra khỏi vỏ để trong đĩa rất nhanh chuyển vị tanh. Nước chấm cũng pha vào lúc ấy mà không thể pha trước cả hũ. Đại khái vào hàng ăn bún ốc nguội phải chờ người ta làm đến cạn một tuần trà mới xong bát của mình.
Món phở hay bánh cuốn chay cũng vậy. Vào ăn ở những hàng này thỉnh thoảng thấy vài ông bà kĩ tính còn giở gói húng Láng mang ở nhà đi ăn thêm. Vài hàng bánh cuốn chay mấy năm gần đây dùng quả quất thay cho dấm gạo làm vị chua cũng không được người Hà Nội tin dùng. Bởi vì cái mùi thơm của quả quất nó sẽ át đi hết cả thơm tho của bột gạo, hành lá phi mỡ lợn. Nhất là khi bát nước chấm còn có thêm chút cà cuống nữa thì mùi vị hoàn toàn bị quả quất phá vỡ.
Phở Hà Nội có cách ăn riêng của người Hà Nội. Nước dùng bao giờ cũng phải sôi già nóng bỏng. Dù là mùa hè nóng nực thì cũng không ai đặt bát phở của mình trước cái quạt máy mà ăn. Chính vì thế cho nên vài năm trước có anh chàng từ miền Nam ra mở quán phở bò lắp máy lạnh. Cứ tưởng là chiều được khách thích ngồi ăn mát mẻ mà không phải thế. Chỉ độ vài tháng là sập tiệm vì không có ai Hà Nội ăn phở máy lạnh cả. Phòng mát quá làm cho miếng thịt bò không kịp tái kĩ vừa độ. Vài hàng phở lâu đời Hà Nội còn có bí quyết cho một túi hạt tiêu sọ xuống đáy nồi nước dùng. Đảm bảo bát phở khi ăn đến thìa nước cuối cùng vẫn còn nóng rát.
Món chả cá ở Hà Nội bây giờ mở ra khá nhiều hàng nhưng số hàng ăn được cũng chưa nhiều. Đại khái con cá lăng bây giờ được nuôi đại trà trên những dòng sông phía Bắc thường được thu hoạch khi cá chỉ độ vài ba cân. Thịt còn nát và chưa có vị thơm đậm đà như cá ngoài thiên nhiên có con lớn hàng hai chục cân. Đã thế, bí kíp tẩm ướp và nướng được món chả này chưa bao giờ được tiết lộ ra bên ngoài. Người ăn có tinh ý đến mấy thì cũng không cảm nhận được vị mỡ chó người ta quét vào lúc nướng chả. Thế nhưng người đi ngoài đường thì đã cảm nhận được mùi thơm lừng lẫy gọi mời của món này. Chả cá là món ăn sang trọng bậc nhất của ẩm thực Hà Nội. Đã có một thời gian dài sau chiến tranh nguồn cung cấp cá lăng cạn kiệt nhưng hàng chả cá vẫn hoạt động bình thường. Người ta nghĩ cách thay thế cá lăng bằng cá nheo hay cá ngạnh. Dưới bàn tay phù thủy tẩm ướp của nhà hàng cũng ít khách hàng phân biệt nổi. Món ăn sang trọng bậc nhất này lại dùng thứ nước chấm vào hạng bình dân nhất. Mắm tôm vắt chanh cho thêm nửa chén hạt mít rượu trắng đánh sủi bọt. Tiếp đến là hạt tiêu, ớt tươi rắc vào. Cuối cùng là một que tre nhỏ như que đan áo chấm vào lọ tinh dầu cà cuống. Mười chấm như thế không chắc đã được một giọt. Thế nhưng tinh dầu cà cuống thật chỉ cần ba chấm thôi là thơm suốt bữa. Mỡ lợn sôi già trên bếp than hoa đặt lên bàn ăn. Hành và thìa là bỏ vào chảo cùng với cá đã nướng chín. Gắp một lá bún mỏng mảnh trắng muốt vào bát, lấy cá và hành thìa là chín tái cho vào tiếp theo. Rưới mắm tôm lên trên và rắc vào bát mươi hạt lạc rang giập giạp. Món ăn được thẩm thấu bằng mắt, bằng mũi trước tiên rồi mới đến vị giác phân biệt ra cái béo, cái bùi, cái chua, cái ngọt. Món chả cá mới có mặt ở Hà Nội độ hơn trăm năm thôi. Từ thời các cụ sinh hoạt phong trào Đông Kinh nghĩa thục được gia chủ họ Đoàn ở phố Hàng Sơn sáng chế ra. Thế rồi nó nổi tiếng đến mức người Pháp cho đổi hẳn tên phố Hàng Sơn thành ra phố Chả Cá. Con phố ấy bây giờ vẫn có tên gọi như thế.
- Danh thắng, di tích Hà Nội gắn với kí ức cá nhân ông như thế nào?
+ Danh thắng và di tích Hà Nội gắn chặt với tuổi thơ của lớp người U70 như chúng tôi. Lúc còn rất nhỏ chưa đi học đã được cha mẹ ông bà đưa đi những di tích xa nhà như Gò Đống Đa, Đền Quán Thánh, Chùa Kim Liên… Lớn hơn chút nữa có thể đi được xe đạp thì gần như chẳng còn di tích nào ở Hà Nội mà chưa từng đặt chân đến. Những danh thắng gần nhà như Hồ Gươm, Tháp Rùa, Cầu Thê Húc thì như một sân chơi gia đình của lũ trẻ sống quanh hồ. Đủ hết các trò từ câu cá, câu tôm, câu hậu duệ của “cụ” rùa hồ Hoàn Kiếm cho đến trèo cây sấu, cây me quanh hồ hái quả. Đuổi bắt, trốn tìm đến mệt lử lại leo lên cầu Thê Húc nhảy xuống hồ theo kiểu “que kem” thẳng đứng mà bơi lội. Đứa nào lớn hơn bơi tốt hơn sẽ bơi ra hẳn tháp rùa nghịch ngợm và nhặt trứng rùa.
Lũ trẻ gần như thuộc lòng từng gốc cây ngọn cỏ quanh hồ. Và rất may quanh hồ Hoàn Kiếm là gần đủ một bảo tàng cây Hà Nội. Từ lộc vừng, vông nem, hoa vô ưu, hoa gạo cho đến dừa, phượng, bằng lăng, bàng, me, sấu, đa, si, gáo... Cuối mùa hè sấu chín lấp ló trên tàng cây dùng súng cao su bắn rụng mang về cả đùm chấm muối ngon lành. Mùa bão cũng là mùa bàng chín. Trẻ con quanh hồ Gươm quá bước sang Tràng Thi nhặt bàng chín rụng trong mưa bão. Hàng cây bàng trên phố này có hai cây bàng đào quả chín cắn ra màu hồng tươi, ngon ngọt lịm.
Lớn hơn chút nữa là trò chơi đạp xe qua cầu Long Biên. Chỉ là để lúc về khoan khoái thả dốc Hàng Khoai mà thôi. Có điều rất lạ là nếu chỉ để thả dốc thì có thể dắt xe đạp ngược lên dốc rồi thả mà cũng không có đứa nào dám làm. Tất cả vẫn cứ ngoáy mông cật lực đạp sang cầu rồi mới quay về. Hà Nội chỉ có vài chỗ có thể cho xe đạp trôi dốc như thế mà thôi. Dốc Hàng Than, dốc cầu Long Biên, dốc Bà Triệu, dốc tòa nhà Ngân hàng Nhà nước. Dốc Ngân hàng luôn có công an canh gác nên hiếm khi lũ trẻ được tự do đạp xe lên xuống.
Đến tuổi trưởng thành thì những công viên Thống Nhất, Bách Thảo, Thủ Lệ và ven Hồ Tây là những địa điểm hẹn hò lí tưởng tuyệt vời. Rất nhiều đôi đã nên nghĩa vợ chồng ở những nơi như vậy. Hà Nội những năm ’68, ’69 thế kỉ trước còn có một con đường được gọi bằng tiếng lóng là đường “tẩy”. Đó là đoạn đường từ đầu Hàng Bài xuống đến hết Phố Huế ở khu vực Chợ Giời. Trai thanh gái lịch hàng tối đạp xe vu vơ trên đoạn đường ấy tìm bạn tình. Thuật ngữ “cưa đường” (tán gái) ra đời vào lúc ấy. Nhiều đôi nên vợ nên chồng nhưng cũng nhiều đôi chỉ là quan hệ ngắn ngày. Những năm chiến tranh ác liệt thanh niên ở phố nhập ngũ gần hết. Đoạn đường này lúc ấy đông nhất là đàn bà con gái. Về sau “đường tẩy” biến tướng thành nơi mặc cả bán mua nhan sắc. Lúc này con nhà tử tế ít khi dám bén mảng đến đấy.
- Ông quan sát và cảm nhận ra sao về cái vẽ của những họa sĩ Hà Nội tên tuổi và của những họa sĩ Hà Nội đang dần định danh?
+ Hội họa hiện đại Việt Nam không vô cớ có những bước đi tiên phong trong cả khu vực châu Á. Nơi đây từ 1925 người Pháp đã cho thành lập Trường Cao đẳng Mĩ thuật Đông Dương. Đơn giản vì dưới thời thực dân Pháp cai trị thì Hà Nội là thủ đô của liên bang Đông Dương gồm cả Lào và Campuchia. Kinh đô Huế chỉ còn là nơi triều đình nhà Nguyễn trị vì những năm cuối cùng.
Những ông thầy Pháp đầu tiên đến dạy ở trường không hẳn là những danh họa ở chính quốc. Họ chỉ là những họa sĩ hạng trung của nghệ thuật tân ấn tượng bên Pháp mà thôi. Những lớp họa sĩ hàn lâm đầu tiên của người Việt được đào tạo tại ngôi trường nằm ở số 42 phố Yết Kiêu này. Không giống như văn chương lúc ấy đã có nhiều tác phẩm viết về Hà Nội, hội họa vẽ về Hà Nội không nhiều. Và thành danh lại càng hiếm hoi. Tất nhiên không kể đến mảng tranh chân dung thiếu nữ Hà Nội tương đối nở rộ. Hầu như tất cả họa sĩ Đông Dương thời ấy đều có thử sức qua đề tài này và để lại khá nhiều kiệt tác.
Tranh phong cảnh vẽ những di tích danh thắng và phố phường Hà Nội chỉ thật sự nở rộ từ sau ngày tiếp quản Hà Nội năm 1954. Nhưng cũng chỉ thật sự nở rộ ở những họa sĩ từng sinh sống lâu đời ở đất này như Bùi Xuân Phái chẳng hạn. Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm và vài họa sĩ Đông Dương khác cũng có những tác phẩm bất hủ về Hà Nội nhưng sự nghiệp của các ông hướng đến những đề tài khác nhiều hơn. Cho đến bây giờ cái đọng lại lâu bền trong tâm trí khán giả nhất vẫn chỉ có một mình họa sĩ Bùi Xuân Phái với những tác phẩm vẽ phố phường Hà Nội. Những tác phẩm của ông Phái là một trải nghiệm lâu dài kì công và gian khổ với một Hà Nội đang dần mất đi nét đẹp cổ kính nghìn năm. Một con mắt nhìn đau đáu thương cảm với những ngói nâu tường cũ. Có lẽ không một ai vượt qua được ông trong việc gìn giữ những kí ức ấy. Tranh vẽ phố của Phái đã làm nản lòng hầu hết những ai có ý định vẽ phong cảnh phố phường Hà Nội bây giờ.
Họa sĩ tên tuổi của Hà Nội giờ đây khá nhiều nhưng đáng tiếc là họ cũng ít vẽ về Hà Nội. Phong cách tạo hình phong phú hơn ngày trước nhưng cũng đáng tiếc là chưa có nhiều thành công đáng kể. Biết làm sao được. Hội họa là thế. Không thể có những đột phá bất ngờ cũng là một đặc tính của thể loại. Ta có thể thấy khá nhiều thần đồng thi ca, văn chương, âm nhạc, vân vân. Hội họa hiếm khi thấy thần đồng. Và nếu có thì phần lớn dừng lại ở mức độ tranh thiếu nhi mà thôi.
- Ông có thể đưa ra một thuyết minh ngắn về thế giới hình ảnh trong tranh của mình?
+ Với gần 50 năm cầm bút vẽ, tôi trải qua gần hết những thể loại và chất liệu làm tranh. Đầu tiên là lụa và giấy dó. Tiếp theo là một ít sơn mài. Tiếp theo nữa là màu bột. Cuối cùng dừng lại ở sơn dầu cũng hơn 20 năm rồi. Tôi không gói gọn đề tài của mình vào một xu hướng nào nhất định. Hoàn toàn theo cảm xúc mà làm việc. Phong cảnh, chân dung, tĩnh vật và bố cục người đều được tôi quan tâm như nhau. Chỉ có lúc vẽ là cảm xúc quyết định sẽ vẽ gì. Đó cũng là một cách hành nghề chuyên nghiệp. Tôi sáng tác tự do đã hơn 30 năm rồi. Nếu không theo cách ấy thì không thể nào tiêu tốn hết thời gian của hơn 30 năm. Tôi thường vẽ trẻ con. Và đây là đề tài làm tôi đặc biệt hứng thú. Nhìn chung thì hội họa của tôi vẫn có chiều hướng hiện thực. Đôi lúc sáng tác vài bức có tính biểu hiện hay trừu tượng gì đó cũng chỉ là để lấp vào khoảng trống thời gian. Cũng có thể hiểu là những thử nghiệm.
- Liệu có “phân biệt đối xử” không khi nói rằng chỉ cần đi ngang Hà Nội thoáng chốc là có thể viết được về Hà Nội (một bài thơ, một tản văn…), còn để có thể vẽ được về Hà Nội thì phải sống đủ sống lâu sống sâu với Hà Nội, thưa ông?
+ Đó là một thực tế rất khó lòng phản bác. Sáng tác hội họa không vụt đến như một tứ thơ hay vài hợp âm của âm nhạc. Nó là quá trình chiêm nghiệm đúc rút. Nét đẹp mang tính hội họa không bao giờ có sẵn trong cảnh vật, con người. Họa sĩ phải tự mình tìm lấy nó. Và đó là cả một quá trình. Tôi sinh ra lớn lên bên bờ Hồ Hoàn Kiếm. Bắt đầu vẽ cái Tháp Rùa từ năm 1975 khi mới cầm bút. Và bức tranh gần đây nhất tôi vẽ về Tháp Rùa là vào khoảng giữa năm ngoái. Hàng vài chục bức như thế đã ra đời trong quá trình hành nghề và chưa thể dừng lại. Mỗi lần vẽ lại tìm ra một sắc thái của Tháp Rùa cổ kính tưởng đã mòn trơ trong cái nhìn lí tính. Thực ra nhiều lúc là Tháp Rùa tìm ra tôi chứ không phải là ngược lại.
- Ông bình luận gì về mảng văn chương đề tài Hà Nội, do người Hà Nội viết và do người không phải Hà Nội viết?
+ Mảng đề tài Hà Nội thì hầu như bất cứ ai cầm bút ở mọi miền đều có thể viết về nó. Nhất là các nhà thơ. Đôi khi họ chỉ cần thoáng qua một chút thời gian thôi là đã có thể viết được. Thậm chí có nhà thơ ở Sài Gòn chưa từng đặt chân đến Hà Nội cũng đã viết được những vần thơ xúc động khiến người Hà Nội nao lòng. Những là Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa/ Cái rét đầu đông giật mình bật khóc/ Hoa sữa thôi rơi những chiều tan học/ Cổ Ngư xưa lặng lẽ dấu chân buồn… (Bùi Thanh Tuấn) thì ngay đến cả những nhà thơ Hà Nội cũng khó lòng viết nổi. Người không sống ở Hà Nội có thế mạnh là cảm xúc. Họ sẽ bị cảnh vật con người nơi đây lôi cuốn khiến cho việc sáng tác dễ dàng và nhanh chóng hơn. Tuy nhiên để viết những thứ dài hơi như tiểu thuyết hay trường ca thì lại cần có thời gian nhiều hơn. Thậm chí là cả đời sống ở Hà Nội. Người nhiều năng lực sáng tạo sẽ viết những loại hình tiểu thuyết, trường ca, kịch. Người ít năng lực hơn vẫn có thể cần mẫn cả đời làm những biên khảo vụn vặt. Gọi là vụn thế thôi nhưng đóng góp của họ là không hề nhỏ.
Người Hà Nội xưa nay luôn có một bộ phận nhập cư mới khá lớn. Họ sẽ là người có những phát hiện lạ lùng mà cư dân cũ ở đây hầu như chẳng ai để ý. Chính vì thế cái viết của họ có thể sẽ rất lôi cuốn, hấp dẫn. Người Hà Nội cũ hơn lại có nhiều trải nghiệm. Điều này rất có lợi cho việc viết sâu về tính cách con người nơi đây. Nhưng sống bao nhiêu thời gian ở Hà Nội thì được gọi là đủ lâu lại là một câu hỏi khác. Tôi biết có những người sống gần hết đời ở Hà Nội nhưng cũng chẳng hiểu Hà Nội được bao lăm. Lại cũng có người chỉ thỉnh thoảng đáo qua hoặc sống ở Hà Nội ít thời gian thôi nhưng độ hòa nhập của họ lại rất xuất sắc. Đại khái như những người hay có tật nói to ở chỗ đông người thì dù có ở cả đời Hà Nội thì vẫn ông ổng mà thôi.
- Đường đến văn chương của ông như thế nào?
+ Tôi là người viết tay ngang nên chưa bao giờ có những hoạch định cho việc viết của mình. Tất nhiên ngoài việc xác định mình là tay ngang thì cũng có những cố gắng. Con đường đến với văn chương của tôi gần như là một sự ngẫu nhiên nhưng xét cho cùng thì yếu tố gia đình vẫn có tính chất quyết định. Tôi được sinh ra trong một gia đình chữ nghĩa khoa bảng nhiều đời ở Hà Nội. Thực ra khi quyết định bỏ trường Đại học Xây dựng đi học vẽ tôi đã làm cho cả nhà thất vọng. Nhưng ông bố tôi là người động viên tôi nhiều nhất. Có lẽ vì cụ đã từng làm Tổng biên tập một nhà xuất bản lớn nhiều năm nên có thể hiểu rõ rằng chữ nghĩa đã đến hồi suy yếu. Cụ lo rằng với khả năng của tôi thì ngay cả việc muốn sống bằng chữ nghĩa cũng là điều khó khăn. Và cụ đã đúng. Cho đến tận bây giờ dù đã in ra gần 30 cuốn sách thì tôi vẫn chưa bao giờ sống bằng việc viết lách.
Tôi đến với văn chương khá sớm vì yêu thích nó. Hồi đi học phổ thông cũng thỉnh thoảng viết vài truyện ngắn chép tay đưa cho các bạn cùng lớp xem. Bẵng đi vài chục năm cơm áo cho đến năm 2010 tôi mới in cuốn sách đầu tiên. Khi ấy đã ngoài 50 tuổi rồi. Tất nhiên trước đấy cũng tập tành viết những thứ lặt vặt in báo chơi. Thế nhưng tôi có nhiều bạn hữu làm văn chương chuyên nghiệp. Tôi thân với nhà văn Bảo Ninh từ khi chưa viết được chữ nào. Kể cả khi chơi với nhà văn Nguyễn Bình Phương sau này thì tôi cũng mới chỉ viết vài tản văn in báo mà thôi. Họ là những người động viên tôi đến với việc viết lách nhiều nhất.
- Ông chủ trương viết không nói ai, nhưng người ta vẫn thấy ông nói ai. Điều này có gì khác biệt cơ bản so với ở văn chương ám chỉ - một “thể loại” không nên tồn tại trong đời sống văn chương?
+ Tôi đặc biệt dị ứng với lối văn chương ám chỉ. Với tôi nó là không cần thiết và có phần hơi yếu kém về tư cách. Nếu không thể nói thẳng được thì thôi. Cũng chẳng mất công uốn éo câu chữ ám chỉ làm gì. Nhân vật trong sách của tôi tất nhiên sẽ làm cho nhiều người chạnh lòng. Nhưng đích đến của nó là tính cách chung của một hạng người chứ chẳng phải riêng biệt ai. Tất nhiên văn chương luôn có kẻ yêu người ghét. Với tôi thì chuyện đó lại càng nhẹ nhàng hơn ai hết. Bởi vì đã xác định mình là người viết tay ngang thì chẳng để ý đến chuyện ấy làm gì. Vả lại thời gian của tôi dành cho việc viết lách là khá ít.
- Giữa cái vẽ và cái viết của bản thân, có vẻ như ông đã không giấu giếm việc “thiên vị” cái vẽ?
+ Nghề vẽ không những nuôi sống cả gia đình tôi mà nó còn thường xuyên bồi đắp những thiếu hụt trong tâm hồn. Có thể nói ra điều này thì không mấy ai tin nhưng tôi bắt đầu việc viết cũng chính là từ nghề vẽ. Thực ra là ngược lại so với quan niệm của nhiều người cho rằng hội họa bắt đầu khi ngôn ngữ kết thúc. Với tôi, nhìn vào một bức tranh hay ảnh có thể viết được ngay và viết dài hơi hơn là ngồi xào xáo đống tài liệu toàn chữ nghĩa. Hình ảnh với tôi mới là nguồn tư liệu vô tận cho việc viết chứ không phải chữ nghĩa. Thế nhưng suy cho cùng ra thì cả hai công việc này của tôi có cùng một đích đến. Đó là cái đẹp, cái nhân bản.
- Có một điều mà tôi - một người tỉnh lẻ “ở trọ” Hà Nội chưa lâu - dần vỡ lẽ, đó là người Hà Nội thực ra luôn hướng-đến-cái-bình-thường…
+ Thực ra không phải người ta cố tình hướng đến mà nó như một quy luật sống ở mảnh đất này. Như tôi đã nói Hà Nội là nơi tinh hoa cả nước hội tụ về đây. Có thể anh đã từng lớn lao ở một địa phương khác nhưng cứ về sống ở Hà Nội một vài năm thôi là anh sẽ tự nhận thấy kích thước thật sự của mình.
Tôi không am hiểu lắm về phong thủy. Chẳng biết hình sông thế núi ở đây có gì đó đặc biệt để cho các tinh hoa luôn sống một cuộc đời bình thường khiêm nhường như những tinh hoa khác. Và quan sát kĩ hơn trong vòng một trăm năm trở lại đây còn nhận thấy thêm một điều khác biệt. Đó là những tinh hoa Hà Nội chưa từng kéo dài truyền thống ra được đến hai đời. Con cháu những nghệ sĩ, nhà khoa học và doanh nhân thành đạt đều trở thành người rất bình thường. Thậm chí vài người còn dưới mức bình thường. Đến bán phở thôi cũng không có nhà ai dám nhận mình là hàng phở gia truyền. Bởi vì phở bố và phở con luôn cách nhau một trời một vực về độ ngon. Đề biển phở gia truyền một thời gian có thể mất hết khách.
Nhưng cũng phải hiểu rằng tất nhiên cái bình thường của con nhà chữ nghĩa gia giáo hay có truyền thống kinh doanh thì họ vẫn là tầng lớp tinh hoa của Hà Nội. Chỉ có điều họ không tỏa sáng rực rỡ như cha ông mà thôi.
- Cám ơn ông vì cuộc trò chuyện thú vị này!
HOÀNG ĐĂNG KHOA thực hiện
VNQD