VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này

Nguyễn Thu Thủy: Biên kịch là nghề không dễ thở

Thứ Tư, 24/02/2021 22:39

Việc phim truyền hình Việt trở lại mạnh mẽ và chiến thắng trên sân nhà thì gần như khán giả cả nước đều biết đến. Và đằng sau những bộ phim dài tập thu hút công chúng phát sóng trên VTV, có một thành phần làm việc khá lặng lẽ, nhưng nhờ những đóng góp của họ, với những kịch bản tốt, đậm hơi thở đời sống cũng như có chiều sâu văn học đã góp phần làm nên thành công, dẫn đên sự trở lại ngoạn mục của phim truyền hình Việt. Biên kịch Nguyễn Thu Thủy là một người như thế. Chị vẫn được các đạo diễn, đồng nghiệp ở Trung tâm sản xuất phim truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam gọi vui là "biên kịch vàng" của VFC. VNQĐ đã có cuộc trò chuyện với chị!

Chào Nguyễn Thu Thủy! Năm 2020 vừa qua có thể coi là một năm thành công của chị nhỉ, khi mà liên tiếp các bộ phim chị tổ chức nội dung, tham gia biên kịch, biên tập đều tạo sóng gió trong dư luận và được vinh danh tại các giải thưởng?

Chào anh! Đúng là tôi đã có một năm 2020 nhiều điều để nhớ. Nhưng, làm phim là công việc tập thể, có lẽ tôi đã may mắn khi được cộng tác với những đồng nghiệp giỏi, những người có thể thúc đẩy, hỗ trợ, và cùng nhau sáng tạo khi làm việc, nên đã có cơ duyên có được những dấu ấn nghề nghiệp cho riêng mình.

Chị có thể cho tôi một chút hình dung về công việc của mình tại VFC?

Chức danh của tôi ở VFC là biên tập viên. Tôi phụ trách về nội dung, chuyên sáng tác, biên tập, và tổ chức kịch bản.

Trong sự chuyển mình của phim truyền hình Việt Nam phải kể đến vai trò nòng cốt của VFC mà cụ thể là những phim do VFC sản xuất nhận được sự quan tâm lớn của công chúng. Những bộ phim top đầu như “Về nhà đi con”, “Hoa hồng trên ngực trái”, “Quỳnh búp bê”… đều có tên chị, tôi muốn hỏi chị một khía cạnh góp phần vào sự chuyển mình ấy, đó là vai trò của kịch bản. Các biên kịch của VFC trong đó có chị đã tự vận động đổi mới như thế nào để bắt kịp guồng quay ấy?

Chúng tôi làm việc ở VFC, là nơi guồng máy về sản xuất phim truyền hình chuyên nghiệp và áp lực bậc nhất Việt Nam. Chúng tôi không chỉ cạnh tranh với các đơn vị xã hội hóa, mà đồng thời, còn nỗ lực để không trở thành những người thụt lùi so với thời cuộc và với chính mình. Tôi nghĩ không chỉ biên kịch đâu, mà tất cả các thành phần đoàn khác cũng như vậy, phảithường xuyên cập nhật công nghệ và học hỏi thêm chuyên môn mới. Riêng về phần nội dung, chúng tôi buộc phải kỉ luật, chuyên nghiệp hơn trong công việc, đồng thời về kĩ năng, cũngphải chú ý quan sát và nắm bắt cuộc sống nhanh nhạy, kĩ lưỡng hơn. Khi có sự cầu thị, khát vọng làm những bộ phim tốt, và muốn tiếp cận gần hơn đến khán giả, thì tự trong mỗi người, sẽ có ý thức về sự vận động và thay đổi.

"Về nhà đi con", bộ phim về đề tài gia đình mang lại nhiều thành công cho đoàn làm phim và biên kịch Nguyễn Thu Thủy. 

Và cá nhân chị, tôi biết chị đã từng đến, chạm ngõ với văn chương với tiểu thuyết “Gái già xì tin” để rồi sau đó, thay vì tiếp tục với những sáng tác văn học thì chị dùng những tố chất ấy phục vụ cho việc làm kịch bản. Đó là một cơ duyên hay một lựa chọn mang tính lí trí thưa chị?

Thật ra sáng tác văn học hay viết kịch bản, với tôi, cốt lõi đều là việc ta kể một câu chuyện nào đó. Tôi thích công việc của người kể chuyện nói chung, khi thì truyện ngắn, truyện dài, khi một bài thơ, hoặc khi là một kịch bản, miễn sao, câu chuyện đó đem lại những cảm xúc đẹp và tích cực cho đời sống.

Có điều, những sáng tác văn chương thì mang tính cá nhân và ngẫu hứng. Còn việc viết kịch bản thì là công việc và trách nhiệm với tập thể. Khi tôi chọn Biên kịch là một nghề nghiệp để kiếm sống, thì sự chuyên nghiệp và tính trách nhiệm được đặt lên cao hơn. Nó thực sự vừa là cơ duyên, cũng vừa là lựa chọn có chút lí trí của mình. Thi thoảng có những trường hợp đặc biệt, tôi viết truyện trước, rồi sau đó, tự mình chuyển thể thành kịch bản. Đó cũng là khi tôi thấy khoảng cách giữa niềm vui cá nhân, và công việc xích gần nhau lại.

Bây giờ nhìn lại thì chị đã đi một chặng đường kha khá cũng như đã có những thành quả nhất định với lĩnh vực kịch bản phim truyền hình. Cảm giác tên mình gắn với mỗi bộ phim có còn xao xuyến như những ngày đầu?

Thầy tôi - nhà biên kịch Nguyễn Quang Lập, thường nói về sự đáng yêu, sự “thơ ngây của người mới làm nghề”, khi dạy chúng tôi viết kịch bản. Thầy nói, những cảm xúc buổi đầu với nghề, sự say sưa, niềm hứng khởi, khao khát được làm nghề, là thứ rất hay, hãy giữ nó càng lâu càng tốt trên con đường nghề nghiệp. Quả thật, tôi vẫn nhớ về khoản nhuận bút đầu tiên, cảm giác xem phim đầu tiên, rồi khi gia đình nhìn thấy tên của mình đầu tiên trên màn hình… Đó là những cảm xúc đẹp và thích lắm.

Bây giờ, đã trải qua một chặng đường dài, không còn những bỡ ngỡ buổi đầu, có những điều đã trở thành quen thuộc, trở thành một phần của cuộc sống, nhưng tôi cũng không quên lời dặn của thầy. Và mỗi khi gặp những khó khăn, tôi cũng sẽ nhớ về thời điểm ấy, thời điểm vì sao tôi bắt đầu con đường này để đi, lấy thêm cho mình sức mạnh và động lực để đi tiếp.

Đâu là dấu mốc cho sự trưởng thành của một biên kịch, theo chị?

Tôi nghĩ đó là khi tôi nhìn rõ chính mình, thấy điểm yếu của mình là gì và giới hạn của mình ở đâu.

Đúng như chị nói, khác với sáng tạo văn học, kịch bản phim truyền hình đòi hỏi tính làm việc nhóm rất cao thay vì làm việc độc lập, và đòi hỏi tính chuyên nghiệp đến từng công đoạn cũng như phải đối mặt với những deadline chằng chéo, sát sạt. Chị đã đối mặt với những điều ấy như thế nào?

Kịch bản là khâu đầu tiên trong chu trình sản xuất một bộ phim và ảnh hưởng trực tiếp tới tất cả các khâu còn lại. Nếu kịch bản chậm trễ hay không đảm bảo chất lượng để sản xuất, sẽ dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng. Tôi vẫn thường nói với các biên kịch, những cộng sự của tôi rằng, hãy luôn nhớ, biên kịch là một nghề không dễ thở, đó là một công việc của tập thể mà trong đó, kỉ luật, ý thức tập thể là quan trọng nhất. Nên tôi luôn có kế hoạch cho công việc của mình và các cộng sự, và dùng kỉ luật để thực hiện đúng kế hoạch đó.

"Tôi vẫn thường nói với các biên kịch, những cộng sự của tôi rằng, hãy luôn nhớ, biên kịch là một nghề không dễ thở, đó là một công việc của tập thể mà trong đó, kỉ luật, ý thức tập thể là quan trọng nhất".
                                                                                         (Biên kịch Nguyễn Thu Thủy)

Trong hàng vài chục dự án đã tham gia chắc hẳn mỗi dự án đều để lại trong chị những kỉ niệm, và chắc hẳn đằng sau mỗi tập phim lên sóng là những câu chuyện hậu kì có khi còn… hấp dẫn hơn phim. Chị có thể chia sẻ một số kỉ niệm ấy?

Mỗi dự án, chúng tôi lại được hợp tác với ekip và thành phần đoàn khác nhau, nên kỉ niệm thì nhiều lắm. Nếu Tuổi thanh xuân (phần 1) là kỉ niệm về lần hợp tác đầu tiên với các biên kịch nước ngoài, cho mình nhiều cơ hội học hỏi về chuyên môn mà rồi từ đó thì tìm được tự tin cho chính mình, thì “Dưới bầu trời xa cách”, hợp tác với Đài QAB ở Nhật Bản, tôi có trải nghiệm “sáng tác đầu bờ”, đúng theo nghĩa đen của từ này. Sáng hôm đó, ra đến bối cảnh bờ biển mũi Bise, đạo diễn nảy ra ý tưởng đoạn mở đầu vào phim và muốn tôi ngồi viết về lời tự sự của nhân vật Eri. Thế là tôi ngồi bên bờ biển, cầm bút viết ngay trên tập KB, giữa ồn ào của cả đoàn làm phim, viết xong thì đọc ngay cho diễn viên diễn…

Hoặc như khi viết “Ngày ấy mình đã yêu”, tôi đã có những khán giả rất yêu quý, họ gửi cho tôi những món quà nho nhỏ từ nửa vòng trái đất. Điều đó, khiến tôi nhận ra, có đôi khi biên kịch cũng được yêu quý đến vậy.

Chị nhìn nhận thế nào về những kịch bản nước ngoài được Việt hóa? Đó có phải là một hướng để hội nhập hay “đi tắt” trong sản xuất phim truyền hình?

Là người tự tổ chức, tự sáng tác kịch bản, và cũng từng làm phim hợp tác cũng như Việt hóa, tôi cho rằng, mỗi một công việc có những yêu cầu và đặc thù riêng về chuyên môn, có những thuận lợi và cả hạn chế. Tôi chỉ đơn giản coi “việt hóa” là việc làm đa dạng thêm món ăn tinh thần cho khán giả, tăng thêm lựa chọn cho họ, chứ không phải là “đi tắt” hay “hội nhập” gì cả.

Tôi luôn coi đích đến cuối cùng của người sản xuất phim là làm ra một bộ phim hay, cho nên, tự sáng tác hay mua kịch bản nước ngoài về Việt hóa, thì cũng chỉ là những lựa chọn có cân nhắc mà thôi!

Về điều này, tôi thấy đôi khi công chúng hay soi xét xem kịch bản phim giống với kịch bản gốc thế nào, sao chép khô cứng câu chuyện hay có sáng tạo mà quên mất những mạch ngầm ẩn phía sau là công việc của các biên kịch, đó là làm sao kể câu chuyện ấy một cách hấp dẫn nhất để níu chân khán giả bên màn hình chứ không bỏ ngang chừng trước những bộ phim có độ dài tới vài chục tập. Xin hỏi, khi Việt hóa một bộ phim, điều chị quan tâm nhất là gì?

Khi được giao nhiệm vụ Việt hóa của một bộ phim, điều tôi quan tâm là dựa trên chất liệu của bản gốc, tôi còn không gian nào để phát triển câu chuyện không! Nếu như vẫn “còn đất” cho mình, thì tôi sẽ nhận.

Gần đây thấy chị đứng tên biên tập, biên kịch một số phim truyền hình về đề tài người lính như “Yêu hơn cả bầu trời”, “Mùa xuân ở lại”... Chị nhìn nhận về đề tài này thế nào? Chị có gặp khó gì khi làm việc với nó?

Hai phim Tết gần đây đều là những trải nghiệm hết sức đặc biệt với quá trình sáng tác của tôi. “Mùa xuân ở lại” là bộ phim về những cô giáo miền xuôi lên núi cắm bản và những anh lính biên phòng coi biên giới là nhà; còn “Yêu hơn cả bầu trời” thì là bộ phim về những chiến sĩ, học viên trường sĩ quan không quân, những người đào tạo và canh giữ bầu trời Tổ quốc.

"Mùa xuân ở lại" (đạo diễn Nguyễn Danh Dũng), một bộ phim về các cô giáo vùng cao và các chiến sĩ biên phòng do Nguyễn Thu Thủy viết kịch bản. 

Tôi và đồng nghiệp của tôi, Khánh Hà, là hai người xây dựng kịch bản 2 bộ phim này. Đặc biệt, chúng tôi đều là con nhà lính, nên được làm về đề tài người lính, tuy thách thức nhưng cũng vô cùng hào hứng. Với “Mùa xuân ở lại”, tôi đã lên Lai Châu khảo sát, đến những đồn biên phòng xa nhất, gặp gỡ những anh lính và những cô giáo từ miền xuôi lên núi cắm bản, trò chuyện tìm hiểu tâm tư của họ, đồng thời khám phá cả bản sắc văn hóa của vùng. Còn “Yêu hơn cả bầu trời”, chúng tôi đi khảo sát 2 lần trong 2 năm, gặp gỡ rất nhiều phi công, các thầy, các học viên, trò chuyện, tìm hiểu tư liệu… Cảm xúc thì nhiều lắm, nhưng lúc bắt tay vào viết thì rất khó khăn, vì phải viết sao cho chân thực, cho sinh động, đặc biệt là “Yêu hơn cả bầu trời” thì yếu tố chuyên môn của việc đào tạo bay đã khiến chúng tôi vò đầu bứt tóc. Nhưng rất may, chúng tôi đã có sự hỗ trợ của các thầy, các em trong trường, để kịch bản được hoàn thiệnsát thực nhất.

Và khi phim lên sóng những dịp Tết, điều ngọt ngào chính là, chúng tôi nhận được rất nhiều những yêu thương, quý mến, từ những người lính, những người mà thậm chí ngoài đời chúng tôi còn chưa có cơ hội quen biết.

Tôi thấy các biên kịch của VFC cũng phản ứng rất nhanh với cái gọi là các vấn đề “thời sự”, từ buôn bán phụ nữ, các tệ nạn xã hội đến những sự cố của gia đình hiện đại, nhưng tôi vẫn bất ngờ với bộ phim “Những ngày không quên” có bối cảnh đại dịch covid, thậm chí nó đã được phát đi, phát lại ngay khi dịch còn chưa kết thúc. Và một người quen làm chậm, nghĩ chậm như tôi tự hỏi “bằng cách nào mà các chị hoàn thành một bộ phim nhanh như một cơn gió vậy?”. Điều này chắc chắn phải bắt đầu từ khâu kịch bản chị nhỉ…

Dự án “Những ngày không quên” là dự án rất đặc biệt. Đó là những ngày không quên với cả nước, và cũng không quên trong quá trình làm kịch bản của chúng tôi. Là một dự án mang tính tuyên truyền, tính thời sự phải đảm bảo, cho nên chúng tôi không có cách nào ngoài việc “thần tốc, thần tốc hơn nữa”, kịch bản viết xong là đi quay ngay, thậm chí không có cơ hội để sửa chữa. Chúng tôi lúc đó đành tặc lưỡi “Phóng lao thì phải theo lao” thôi. Đó là bộ phim mà từ thời điểm viết kịch bản, đến khi lên sóng, có thời gian kỉ lục.

Trong năm qua cũng thấy chị nhận lời lên lớp về công việc viết kịch bản phim. Chị có nhận ra điều gì trong việc đào tạo các biên kịch hiện nay ở Việt Nam khi dự phần một chút vào công việc này?

Thật ra tôi chỉ tham gia một số buổi rất ít thôi, đó cũng là cơ hội để tôi tiếp cận với các bạn đang muốn bước vào lĩnh vực biên kịch, và quan sát các bạn ấy. Với việc đào tạo, tôi cho rằng không gì học tốt hơn bằng việc vừa học vừa làm, nó sẽ cho chúng ta những bài học sát sườn nhất.

Lĩnh vực biên kịch đang cần những nhân tố mới, những cảm hứng mới, tôi chỉ hi vọng rằng trên con đường không dễ dàng này, sẽ có những người mới, thực sự có năng lực, đủ say mê và sự chuyên nghiệp bước vào.

Vâng! Và một câu hỏi cuối dành cho chị, văn chương, nó hiện nay ở vị trí nào trong chị, vì thi thoảng tôi vẫn thấy chị đăng những sáng tác mình viết lên facebook?

Tôi nghĩ, văn chương luôn ở trong tôi, thậm chí ngay cả ở trong những kịch bản tôi viết. Chỉ là, tôi đã tìm phương thức khác nhau để truyền tải mà thôi!

Cám ơn chị đã chia sẻ! Chúc chị một năm mới với những thành công mới!

Nguyễn Thu Thủy sinh năm 1983 tại Hải Dương. Chị từng đoạt giải Học sinh giỏi Quốc gia môn Văn. Tốt nghiệp Đại học Khoa học xã hội & nhân văn Hà Nội, khoa Ngữ văn, Nguyễn Thu Thủy từng làm việc tại một nhà xuất bản, trước khi chọn và gắn bó với công việc viết kịch bản phim truyền hình.

Chị đứng tên biên kịch chung và riêng khoảng 40 bộ phim truyền hình trong đó có những phim có sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút đông đảo công chúng xem truyền hình như “Về nhà đi con”, “Hoa hồng trên ngực trái”, “Quỳnh búp bê”, “Ngày ấy mình đã yêu”… Đặc biệt, “Về nhà đi con” mà Nguyễn Thu Thủy tham gia biên kịch và biên tập đã giành giải Phim truyền hình ấn tượng VTV Awards 2019, giải “Cánh diều vàng” cho hạng mục “Phim truyền hình hay nhất” năm 2019, Giải Vàng đặc biệt hạng mục Phim truyền hình, Giải vàng biên kịch xuất sắc ở Liên hoan Truyền hình toàn quốc 2019, và nhận được Bằng khen đặc biệt của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch.

Gần đây “Hoa hồng trên ngực trái” cũng giành giải ở hạng mục “Phim truyền hình ấn tượng” tại VTV Awards 2020.

“Hướng dương ngược nắng” là bộ phim Nguyễn Thu Thủy tham gia tổ chức kịch bản, đang phát trên VTV3 cũng đang nhận được sự quan tâm lớn của khán giả.

 

TIỂU HOÀNH SƠN thực hiện

 

 

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)