Nhà văn Y Ban: 'Ta tài' chính là một cái bẫy mà người viết thường giăng ra cho chính mình

Thứ Hai, 14/06/2021 16:46

Y Ban là một trong những gương mặt tiêu biểu của văn chương Việt đương đại. Chị thành công rất sớm với giải Nhất cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội 1989-1990. Là người có sức sáng tạo bền bỉ, giọng văn mạnh mẽ, quyết liệt, những sáng tác của chị giàu tính thế sự, không ngần ngại bóc tách, giải phẫu con người ở những góc cạnh sâu kín nhất. Y Ban viết cả truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ. Nhân dịp nhà văn Y Ban nhận nhiệm vụ mới và các giải thưởng văn học gần đây đang có nhiều tranh luận, chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện với chị xung quanh chủ đề này và các vấn đề văn chương được quan tâm.

Nhà văn Y Ban hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng Văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội kiêm Chủ tịch Hội đồng Văn xuôi.

- Thưa nhà văn Y Ban, chị đã từng tham gia các hội đồng chuyên môn của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội và nhiều hội đồng khác nữa để chấm các giải thưởng văn chương. Theo chị phẩm chất của một thành viên ban giám khảo là gì khi nhận trách nhiệm “cầm cân nảy mực” các tác phẩm văn học?

+ Trong sáng. Từ trong sáng sẽ quyết định việc đọc vô tư hay không vô tư. Nói thì rất dễ nhưng khi ở trong cuộc khó khăn lắm. Các thành viên ban giám khảo trước tiên đều phải là các nhà văn hoặc nhà thơ, mà đã là người viết thì “văn mình vợ người” và luôn bị chi phối bởi cảm xúc. Người Việt ta luôn là “một trăm cái lí không bằng một tí cái tình”. Vậy nên ngồi ở cái ghế nóng này khó nói mạnh được lắm. Ấy là chưa kể văn chương đúng sai hay dở nó chấp tranh lắm.

- Mặc dù có những khách quan và minh bạch nhất định nhưng khi một giải thưởng văn chương nào đó được xướng lên thì vẫn có thể nhận được những ý kiến trái chiều hoặc phản đối kịch liệt. Nếu xảy ra trường hợp ấy, với tư cách là thành viên ban giám khảo chị sẽ phản ứng ra sao?

+ Rất may cho tôi đến bây giờ tất cả các cuộc thi văn chương mà tôi tham gia ban giám khảo đều chưa xảy ra các cuộc tranh luận kịch liệt nào. Có nhẽ văn xuôi dễ chấm hơn thơ chăng?

- Và nếu như tôi không nhầm thì chính chị đã từng từ chối một tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam nhiều năm trước. Chị suy nghĩ gì về việc ấy sau một thời gian đã trôi qua và lắng lại? Nếu không quá bí mật thì chị có thể chia sẻ cảm xúc của mình về “sự cố” ấy với những nhìn nhận từ ngày hôm nay.

+ Có một bí mật mà hôm nay khi bạn hỏi đến tôi sẽ quyết định chia sẻ (cười), ấy là tôi làm việc gì cũng tính toán mọi nhẽ chứ không phổi bò như mọi người vẫn nghĩ về tôi. Năm ấy tôi đang ngồi ghế ủy viên hội đồng văn xuôi, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về việc có nên tham dự giải thưởng hay không. Lí trí thì bảo tôi, mi ngồi trong hội đồng, lại tham dự thi có vẻ như không được trong sáng cho lắm, những nhà văn ngồi cùng hội đồng vì nể nang mà bỏ phiếu cho mi. Hoặc không vì nể nang, chỉ vì chất lượng tác phẩm thì cũng khó nói ra... Vì sự đắn đo đó tôi bèn nhờ một ông thầy tử vi gieo cho tôi một quẻ. Thầy phán: Y Ban ơi không được giải chính thức mà được giải gì áp áp ấy nhưng nổi tiếng lắm, tai tiếng lắm cho đến tận sang năm. Tôi nghe thầy phán xong thì ngẫm nghĩ, giải áp áp là giải “bằng khen” mà đã là giải “bằng khen” thì không thể nổi tiếng đến mức tai tiếng được. Rồi có một sự tò mò không hề nhẹ nổi lên soát gần hết cả trí não, tôi bèn quyết định tham dự.

Một bí mật nữa là tác phẩm Thành phố đi vắng đoạt giải thưởng chính thức năm đó chính tôi là người phát hiện và bảo vệ.

Rồi sự việc đã xảy ra như đúng quẻ mà thầy đã gieo cho sự việc của tôi. Tôi đến gặp thầy xuýt xoa, đúng thế, sao lại đúng thế chứ. Thầy phán xanh rờn, thì nó hiện hết cả lên lá số đây này, cứ thế mà đọc ra thôi.

Sau sự việc này tôi suy nghĩ rất nhiều về số phận của nhà văn. Tôi phát hiện ra một điều, ấy là giời đất đã mã hoá sẵn số phận của một nhà văn, giờ này phút này trên thế gian xuất hiện nhà văn này, viết như thế này. Ngày nọ tháng nọ sẽ xuất hiện nhà văn kia, viết như thế kia... Cứ lao động miệt mài với con chữ đi, cứ mơ mộng về các giải thưởng nọ kia đi, cứ mơ mộng về các tác phẩm để đời đi… Cái trò chơi số phận này rất là kinh tởm khi nó đặt vào não người viết một sự tự tin cay đắng: ta tài ta rất tài. Ta tài và các ngươi phải tìm tòi ra ta, các ngươi phải công nhận ta. "Ta tài" chính là một cái bẫy mà người viết thường giăng ra cho chính mình rồi rơi ùm vào đấy mà quẫy đạp. Cứ quẫy đạp thoải mái đi nhé, giời đất mã hoá sẵn rồi, giờ này ngày ấy tháng nọ vùng đất ấy lãnh thổ ấy dân tộc ấy sẽ xuất hiện người tài.

- Hội Nhà văn Việt Nam đang trên những bước đường cải tổ và đang được kì vọng với những làn gió mới, tư duy mới. Với tư cách là Phó Chủ tịch Hội đồng Văn xuôi chị có những suy nghĩ gì?

+ Quan trọng nhất là phải có các tác phẩm hay. Nếu không có những tác phẩm hay ban giám khảo hay hội đồng giời cũng không thể tòi ra được tác phẩm chất lượng. Nhưng tôi hi vọng rằng những cách làm mới sẽ khơi gợi niềm đam mê văn chương trong các tác giả mà bấy lâu nay mọi người còn đang thờ ơ.

- Và với một vai trò quan trọng hơn ở Hội Nhà văn Hà Nội: Phó Chủ tịch Hội, Chủ tịch Hội đồng Văn xuôi, chắc chị có không ít những dự định…

+ Tôi không có dự định gì. Thú thật làm công tác hội rất khó. Nhiệm kì mới với vai trò Phó Chủ tịch mới bắt đầu nhưng với nhiệm kì cũ tôi xin kể lại chuyện cũ. Nhiệm kì 2015-2020, Chủ tịch là nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ. Chúng tôi tràn đầy tâm huyết để đưa ra các dự định, dài hơi: mở cuộc thi tiểu thuyết; trung hơi: mở cuộc thi truyện ngắn và thơ; ngắn hơi: mở cuộc thi tản văn. Chúng tôi họp lên họp xuống bao nhiêu cuộc để viết, chỉnh sửa mục đích yêu cầu. Ban tổ chức, ban giám khảo, dự toán… tất tần tật rồi đưa ra trình. Họp với đối tác tại trụ sở Hội hai cuộc, đích thân Thu Huệ đến các ban bệ họp cũng dăm bảy bận và ôm về ngập tràn lời hứa ngập tràn hi vọng... cho đến khi hết nhiệm kì. Lại còn dự định mở gian hàng tại phố sách để cuối tuần các nhà thơ ra đọc thơ, các nhà văn ra kí sách cho bạn đọc… Không phải bánh vẽ đâu, bánh thật có không gian thật nhưng vấn đề đầu tiên đã cản bước. Xã hội hoá ư? Nói thì rất dễ mà khó hơn lên giời. Tài chính rất hạn hẹp theo một ba rem đã định sẵn từ năm trước, năm sau cứ thế mà làm theo, chệch phát không được thanh toán. Muốn tổ chức đi thực tế cho các nhà văn thì vay mượn hoặc bỏ tiền túi ra cho Hội mượn trước rồi về thanh toán sau. Tôi kể chuyện thật như đùa, từ ngày Y Ban lên chức quan văn lại thành con nợ, tôi phải viết giấy vay của một anh hội viên để đưa anh em đi thực tế…

- Lại hỏi chị một câu nhạy cảm nhưng cần thiết. Người Việt có câu: “Bầu dục đâu đến bàn thứ tám”, ý nói là món ngon còn lâu mới đến tay người bình thường, người ít quan trọng. Nhiều người cũng cho rằng, các giải thưởng văn học danh giá cơ bản là dành cho những người có vị thế và còn lâu mới “chạm” đến những người trẻ. Chị có nghĩ thế không?

+ Tôi không đứng về phía nhiều người trong câu chuyện này. Tôi khẳng định rằng nhiều người nhưng chưa chắc đúng. Tôi nhắc lại, tác phẩm, tác phẩm và tác phẩm. Phải đúng là tác phẩm hay. Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư được nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam khi còn rất trẻ đó thôi. Và nhiều tác giả trẻ nữa cũng đoạt các giải thưởng cao trong các cuộc thi văn chương uy tín. Tất cả các tác phẩm hay bổng lên sẽ không bao giờ bị bỏ sót. Có sót chăng là những tác phẩm làng nhàng, trao cũng được mà không trao cũng chả sao.

- Nhưng nói gì thì nói, các giải thưởng văn học có uy tín và trung thực vẫn có ảnh hưởng rất lớn đến những thế hệ người viết. Ví dụ tôi thấy các giải thưởng văn học từ Tạp chí Văn nghệ Quân đội từ lâu đã làm nên không ít những tên tuổi như Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Quang Thiều và rất nhiều người khác. Chuyện đã lâu nhưng tôi tò mò muốn biết rằng giải thưởng quán quân năm xưa của chị ở Văn nghệ Quân đội đã ảnh hưởng thế nào đến sự viết của chị, dù rằng sau này chị đã đoạt vô số giải thưởng văn học, trong đó có những giải mang tính quốc tế?

+ Giải thưởng của Tạp chí Văn nghệ Quân đội là một kỉ niệm đẹp nhất, một bước ngoặt lớn thay đổi toàn bộ cục diện của cuộc đời tôi. Thực ra thì tôi không chờ được đến lúc nhận giải. Tháng 10/1989 khi ấy Tạp chí Văn nghệ Quân đội in cho tôi hai truyện ngắn Người đàn bà có ma lực Bức thư gửi mẹ Âu Cơ, tôi quyết định bỏ “danh phận” giảng viên trường Đại học Y khoa Thái Bình để đi học khoá 4 Trường Viết văn Nguyễn Du.

Trong cuộc thi năm ấy tôi đã in 4 truyện với hành trình ngược từ cao xuống thấp. Khi in truyện ngắn Chiếc vương miện bằng cỏ xong, nhà văn Hồ Phương một lần gặp thân tình bảo tôi: Y Ban viết xuống tay rồi đấy nhé. Thú thực tâm trạng tôi hoảng hốt, cho đến hàng năm sau tôi không viết được thêm truyện ngắn nào. Có người bảo Y Ban chắc lại rơi tõm xuống cái hố im lặng rồi, nghĩa là đoạt giải nhất rồi lặn mất tăm như một số tác giả. Đó là thời kì rất khó khăn với tôi, mỗi khi nghĩ ra được tứ truyện định viết lại bị ám ảnh, viết xuống tay rồi đấy… Tôi đã vượt qua được cơn khủng hoảng đó khi tìm ra cái lí có chân của riêng mình: “Trăm bó đuốc bắt được một con ếch…”

- Năm 2020 vừa rồi chị mới in tuyển tập văn xuôi Truyện ngắn Y Ban kỉ niệm chặng đường 35 năm viết văn của mình. Một quãng đường dài như thế chắc chắn người viết trải qua nhiều cung bậc. Nghề văn đã cho chị những gì và liệu chị có phải đánh đổi điều gì với nghiệp viết?

+ Năm nay tôi tròn hoa giáp chi niên lần... thứ hai. Người Việt mình luôn thích ăn gian, mà thích nhất là ăn gian tuổi. Ngày trước các cụ chỉ ăn gian tuổi với thần chết. Thần chết bảo 48 tuổi ông này phải chết, ừ chết thì chết ông sợ gì nhưng 49 tuổi ông mí chết cơ. Ông cộng thêm một tuổi trong bụng mẹ nữa.

Thời bây giờ các luật xiết vào, cứ đến tuổi là về hưu, hết tuổi thăng quan tiến chức vậy nên phải sửa ngày tháng năm sinh cho trẻ hoá, cho đủ tuổi. Trót lọt rồi, yên vị rồi thì Nam Tào cầm tráp lùa, chết trẻ khoẻ ma nhưng lại điều tiếng là hết phúc… Khổ thế chứ cái chuyện ăn gian tuổi.

Lan man là cái tật của các bác văn già lẩm cẩm, thì tôi đúng tuổi ăn gian là 61, tuổi thực là 60 ngoái đầu nhìn lại thấy khối thứ. Tôi có hai nghiệp: nghiệp văn, nghiệp báo. Trước kia có câu: “Nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà nghèo.” May giờ thoát nghèo cả rồi.

Tôi được biên chế chính thức vào Báo Giáo dục và Thời đại từ tháng 10/1995 đến hết tháng 7/2016 thì cầm sổ hưu. Kể ra sự thăng trầm trong nghề viết của tôi thì nhiều lắm nhưng để đánh đổi thì tôi không phải đánh đổi cái gì. Tôi nhất quán trong suy nghĩ và hành động. Tôi kẻ đường thẳng để tiến theo cách của tôi. Nhiều người nhìn cái đường thẳng tôi kẻ đấy lắc đầu bảo, mày dại quá. Thì đúng tôi chả khôn mấy đâu. Năm ngoái trong lúc hoang mang về Covid tôi tự đúc kết bằng mấy câu thơ: Ta khôn như cỏ dại/ Ta dại như hoa hồng. Trong các loài thực vật tôi thích nhất là cỏ, tôi mê đắm các loại cỏ.

Cái đường thẳng tôi kẻ đấy là gì? Tôi cứ sống hồn nhiên như cỏ dại vậy, cũng đầy đủ các cung bậc cảm xúc ái ố hỉ nộ, tham sân si và tôi không tìm cách che giấu.

- Tôi được biết, với tập truyện ngắn này chị đã tự in, phát hành và bán rất chạy. Liệu đây có phải cách tiếp cận mới của người viết với bạn đọc khi hai bên gặp gỡ và trao đổi trực tiếp với nhau. Chắc chị đã nhận được nhiều phản hồi từ độc giả và không ít những trải nghiệm từ điều này và về việc tự bán sách của mình, chị có e ngại điều gì không?

+ Năm 2020, thời Covid năm thứ nhất dường như mọi thứ đều đảo lộn, nhưng từ năm trước tôi đã có ý định làm một tuyển tập truyện ngắn và tuyển tập tiểu thuyết. Và Covid dường như đã chặn đứng ý định đó của tôi khi ba nhà xuất bản từ chối... Tôi vốn là người không chịu đầu hàng khó khăn, lại được sự động viên giúp sức của bạn văn nên không ngần ngại móc túi số tiền không phải ít để tự in và tự bán. Thú thực có lúc tôi hoang mang vô cùng, bán cách gì, thu tiền cách gì... thôi thì cứ đánh bạc với giời một phen.

Tôi mở bán sách trên “phây” khi sách được chuyển đi nhà in. Tôi cứ nghĩ chỉ vài ngày máy chạy là xong 500 bản. Nhưng vì in bìa cứng nên gia công lâu hơn. Từ lúc mở bán đến khi sách về nhà gần nửa tháng. Bạn phây đặt tới tấp, tôi trả lời và phây cứ trôi… Không có kinh nghiệm nên tôi không chụp lại màn hình hoặc ghi lại tên và địa chỉ người đặt mua sách. Tôi còn bầy đặt đánh số từ 1 đến 500, như bảng số đề. Cũng vì chưa có kinh nghiệm nên những con số lộn tùng phèo không kiểm soát được các con số đã bán hay chưa bán. Tôi đã phải lần ngược lại những còm đặt sách của mọi người, vừa mất thời gian vừa ung hết cả đầu. Có lúc chán nản muốn vứt hết cả. Rồi khi tài khoản đầu tiên của bạn đọc gửi về cho kèm tiếng điện thoại báo tinh tinh đã đánh thức sự hào hứng. Chưa đầy một tháng hơn 400 cuốn sách đã được bán với nguyên giá bìa và còn được tặng thêm nhiều li cà phê. Có một bạn đọc đã đến nhà tôi bốn lần cả thảy để mua sách tặng cho bạn, tôi giảm giá dứt khoát không chịu, còn tặng thêm cá hồi. Tinh tinh và tinh tinh hoà vốn rồi, tăng gấp đôi rồi... Và tôi thả lỏng, để lưu lại và tặng cho bạn.

Tôi đã nắn nót viết các con số, nắn nót kí tên và tự tay đóng gói sách. Mỗi cuốn sách gửi đến tay bạn đọc đều được truyền hơi ấm từ bàn tay của tôi trong thời tiết giá lạnh của mùa đông Hà Nội. Tôi đã nhận được những hồi âm rất tốt đẹp từ phía bạn đọc. Bởi ai yêu mến Y Ban thì vẫn luôn yêu thế. Nhưng cái giá phải trả cho sự làm tất ăn cả của tôi là khớp vai phải của tôi đã đau từ bấy đến nay, có những đêm đau chảy nước mắt.

- Và theo chị, một nhà văn chuyên nghiệp cần làm gì trong thời điểm hiện nay? Viết văn có thực sự là một nghề hay nó chỉ là một cuộc chơi hoặc một thứ gì đó rất mơ hồ?

+ Tôi có một quan niệm hơi khác về hai từ chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp theo cách của tôi là tác phẩm của anh viết ra phải là có độ chín ở mức chuyên nghiệp. Bởi theo tôi có người bỏ ra cả đời viết mà có chuyên nghiệp được đâu. Trong khi có người chỉ tay ngang mà rất chuyên nghiệp. Trong bối cảnh hiện tại cách nghĩ của tôi cũng đúng vì khó có ai chỉ bằng viết mà sống ổn được. Như tôi đã xuất bản gần ba chục đầu sách, tôi không phải bỏ tiền ra in sách rồi tự phát hành. Tôi được các nhà xuất bản và các nhà sách đỡ tay, trả nhuận bút cao. Tôi cũng nhận được nhiều giải thưởng... rồi cộng lại hết sức khiêm tốn. Tôi sống ổn định bằng nghề báo. Tôi có nhà rộng (không đẹp) và cho con đi du học (kiến trúc sư - thạo ba ngoại ngữ - đang làm việc ở nước ngoài) là do tôi đi buôn… Đi buôn cũng là một sự dấn thân để trải nghiệm, cũng bị lừa lọc (mà là bạn mới đau chứ). Tôi đã chịu hàng núi thị phi… Một lời khuyên rất chân thành của người từng trải, tất cả những trải nghiệm đó hãy biến thành chất liệu cho tác phẩm của mình. Và nếu bạn yêu viết đến độ không chịu nổi thì viết thôi. Cứ viết giống như bạn đi vào rừng ấy, đường ở dưới chân bạn. Nếu bạn mạnh mẽ, tài năng bạn sẽ khai thông được một con đường, nhiều người sẽ giẫm chân trên con đường bạn khai thông. Nếu không thì con đường đó để một mình mình bạn đi dạo để giải toả những ẩn ức…

- Có ý kiến cho rằng với người viết, chỉ cần định danh “nhà văn” là được, không cần thêm những định tính như “trẻ”, “nữ”, “Mường”, “Thái”, “thành thị” hoặc “nông thôn”… Chị có thích được gọi là “nhà văn nữ” hay chỉ là “nhà văn” không thôi? Và nếu như tính nữ cần có sự phân biệt thực sự thì chị nhìn nhận mình khác biệt thế nào so với những đồng nghiệp nam giới?

+ Tôi đã nhiều lần phản đối việc cứ định tính trẻ, nữ, dân tộc... vào nhà văn, nó cứ như là một sự chiếu cố ấy. Văn chương là một sự sòng phẳng đến nghiệt ngã. Nếu có ai đó định ban phát cho ai sự định tính kia lập tức bị trả giá ngay. Nhà văn là nhà văn, trẻ có nhiều năng lượng, nữ hoóc-môn nữ, dân tộc có văn hoá đặc trưng, tất cả những thứ đó sẽ được đưa vào tác phẩm để làm ra cái hay cái khác biệt cho tác phẩm.

Cách đây hơn chục năm có một anh nhà văn già “bộc trực” bảo tôi: “Đã đến lúc bà phải nhường chiếu cho bọn trẻ nó ngồi rồi. Con ấy nó viết một truyện ngắn cực hay.”

Tôi cũng “bộc trực” giả nhời: “Ô hay tôi có tranh chiếu tranh chăn của ai đâu nhỉ, chiếu tôi tôi ngồi.”

Tôi đã nói rồi, với tôi chỉ có tác phẩm hay hay không hay của nhà văn mà thôi.

- Vâng, xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện thẳng thắn và cởi mở này!

Thực hiện Uông Triều

VNQD
Thống kê