Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 964 (đầu tháng 5/2021)

Thứ Ba, 04/05/2021 09:02

 Công tác Tuyên huấn là một trong những nội dung cơ bản của công tác Đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Chú ý đến việc bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm nhận thức, ý chí cách mạng, môi trường văn hoá quân sự cho bộ đội, kể từ khi thành lập tới nay (11/5/1946 - 11/5/2021), Cục Tuyên huấn và Ngành Tuyên huấn Quân đội đã có những đóng góp hết sức quan trọng vào sự nghiệp cách mạng chung của toàn dân tộc. Nhân kỉ niệm 75 năm ngày truyền thống Cục Tuyên huấn và Ngành Tuyên huấn Quân đội, đồng chí Cục trưởng - Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức đã có những chia sẻ với VNQĐ về những chặng đường vẻ vang của Cục và Ngành Tuấn huấn Quân đội.

Bài trò chuyện Cục Tuyên huấn và Ngành Tuyên huấn Quân đội: “Kiên định, chủ động, nhạy bén, sáng tạo, đoàn kết, quyết thắng” sẽ mở đầu Tạp chí VNQĐ số 964.

Phần Văn xuôi với các truyện ngắn Sao sa của Phạm Giai Quỳnh, Ông lão đánh rọ tôm trên hồ Thác Bà của Phùng Quốc Hiển, Lặng yên sau cơn mưa của Trần Thị Tú Ngọc; kí Chuyển quân của Thái Chí Thanh; tản văn Những bếp lửa ven đường của Kiều Duy Khánh.

Sao sa chứa đựng suy tư, trăn trở của những người trẻ nhiều khát vọng về một cuộc sống mà ở đó họ được yêu, được sống là chính mình. Truyện ấn tượng bởi những độc thoại nội tâm sâu sắc. Huyên đang tìm kiếm điều gì ở những nơi cô đã đi qua, sau cuộc hôn nhân đổ vỡ? Cô đã từng lựa chọn, nhưng sự lựa chọn ấy như một lần nữa cứa thêm vào vết thương từ cuộc hôn nhân của bố mẹ Huyên để lại. Câu chuyện về những bông hoa ẩn mình trong đất đợi một cơn mưa để hồi sinh có thay đổi Huyên?

Ông lão đánh rọ tôm trên hồ Thác Bà là những kí ức khôn nguôi của một ông lão về nơi mình đã sinh ra, lớn lên và gắn bó với cuộc đời ông bởi những thăng trầm, những kỉ niệm của cuộc đời. Truyện sinh động và chân thực bởi những chi tiết độc đáo, kì bí như huyền thoại, nhưng cũng xúc động bởi những tình cảm gắn bó, thuỷ chung.

Lặng yên sau cơn mưa ám ảnh người đọc bởi câu chuyện tình yêu của những con người thuộc thế hệ thứ ba sau chiến tranh. Định mệnh đã đưa Phương và Duy gặp nhau nhưng những vết thương từ quá khứ đã vô tình ngăn cách họ. Bức ảnh của một phóng viên chiến trường đã vô tình tiết lộ thân phận, quá khứ của mỗi người. Liệu họ có bước qua được quá khứ để hướng đến tương lai?

“Truyện ngắn hay tác giả tự chọn” là truyện ngắn Chuyện Trương Bốn của nhà văn Nguyễn Toàn Thắng.

Phần Thơ với sự góp mặt của các tác giả: Trang Thanh, Hồ Minh Tâm, Lê Thanh My, Đinh Tiến Hải, Trần Văn Lợi, Lê Quang Trạng, Huỳnh Thuý Kiều, Du An, Vĩnh Thông, Bùi Việt Phương, Nguyễn Quang Hưng.

Những mạch nguồn cảm hứng vẫn được khơi mở, đào sâu để những trang thơ của VNQĐ số này tiếp tục đem đến cho bạn đọc sự cảm xúc, lắng đọng. Mỗi tác giả dự thi đang góp phần vào sự hi vọng và đợi chờ của ban tổ chức với sự nội lực, vạm vỡ, ấn tượng.

“VNQĐ giới thiệu” số này là chân dung tác giả Nguyễn Kiến Thọ đến từ Thái Nguyên cùng chùm thơ ấn tượng của anh.

Phần Bình luận văn nghệ ấn tượng với các tác giả: Nguyễn Thuý Quỳnh, Trần Thị Hồng Hoa, Trầm Ngư, Phạm Minh Quân, Thái Hà, Hoàng Vũ Thuật.

“…Không ít công chúng bị dẫn dắt bởi những tên tuổi và cảm xúc tiêu cực từ những người mang danh nhà văn, nhà báo, trí thức, người nổi tiếng. Họ mò mẫm, nối dài những trường cảm xúc tiêu cực ấy, làm cho chúng phát tán mạnh hơn vào đời sống. Sau mỗi vụ ồn ào văn chương, chúng ta lại buồn rầu hỏi nhau: Sao lại ra nông nỗi này nhỉ?...”

Bài viết Khi ấy, chúng ta sống với ai? Sẽ đưa ra một góc nhìn về vấn đề rất đáng được quan tâm và bàn luận này.

“…Những tiếng đàn không chỉ làm đẹp thêm cho cuộc đời mà chúng còn đi vào bao áng văn chương sử sách của nhân loại, làm nên những huyền thoại...” Bài viết Tiếng đàn trong văn chương sẽ nói rõ hơn về câu chuyện này.

“…Không những giải phóng cho văn chương Nhật khỏi một bối cảnh và truyền thống cố định, sức hấp dẫn toàn cầu qua các bản dịch tác phẩm sang hơn năm mươi thứ tiếng của Murakami còn minh chứng cho sự thành công của một tham vọng khác, đó là mong muốn giải phóng ngôn ngữ Nhật khỏi sự “cô lập” suốt hai nghìn năm…” Bài viết Haruki Murakami - người giải phóng văn chương và ngôn ngữ Nhật Bản sẽ chứng minh với bạn đọc luận điểm này.

Bên cạnh đó, những dẫn luận, nghiên cứu trong tạp chí số này cũng sẽ làm sáng tỏ thêm về những vấn đề của văn học nghệ thuật cũng như sắc diện các tác giả, tác phẩm được đề cập đến.

Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 964 dày 120 trang với nhiều tranh, ảnh đẹp, dự kiến sẽ phát hành ngày 5/5/2021. Thân mời các bạn đón đọc!

Văn

VNQĐ

Cục Tuyên huấn và Ngành Tuyên huấn Quân đội: “Kiên định, chủ động, nhạy bén, sáng tạo, đoàn kết, quyết thắng”

Phạm Giai Quỳnh

Sao sa

Thái Chí Thanh

Chuyển quân

Nguyễn Toàn Thắng

Chuyện Trương Bốn

Kiều Duy Khánh

Những bếp lửa ven đường

Phùng Quốc Hiển

Ông lão đánh rọ tôm trên hồ Thác Bà

Trần Thị Tú Ngọc

Lặng yên sau cơn mưa

 

Thơ

Trang Thanh

Nỗi đau tỏa hương trên cành gai; Thung mơ; Viết từ cánh đồng của mẹ

Hồ Minh Tâm

Nơi trần gian mẹ đợi; Dìu mẹ đi thăm mộ mình; Cưới một mình

Lê Thanh My

Lạc ở Busan; Khêu xa; Vì sao em không thể ngủ

Đinh Tiến Hải

Suối Mỡ

VNQĐ giới thiệu thơ Nguyễn Kiến Thọ

Kí ức Play Cần; Mơ; Biên giới

Trần Văn Lợi

Nhà thờ đổ Hải Lý; Hoa mặt trời hồn nhiên

Lê Quang Trạng

Giấc cỏ; Hoa mây

Huỳnh Thúy Kiều

Về một con đường; Gió gọi tên em

Du An

Nồi cơm của mẹ; Em từ trong bản

Vĩnh Thông

Gọi tên; Khóc mình

Bùi Việt Phương

Ở mường; Ngoài khung cửa sổ; Gặp ở bờ sông

Nguyễn Quang Hưng

Mộ đồng; Xuất hành mùa

 

Bình luận văn nghệ

Nguyễn Thúy Quỳnh

Khi ấy, chúng ta sống với ai?

Trần Thị Hồng Hoa

Giá trị của sự thật trong hồi kí thời kì Đổi mới

Trầm Ngư

Tiếng đàn trong văn chương

Phạm Minh Quân

Lí thuyết Bakhtin: Từ văn học đến văn hóa

Thái Hà

Haruki Murakami - người giải phóng văn chương và

ngôn ngữ Nhật Bản

Hoàng Vũ Thuật

Tản mạn về sự tương ứng giữa thơ và họa

 

Minh họa, ảnh

Bìa 1: Ngày xuân

Tranh của họa sĩ Phạm Thành

Minh họa: Nguyễn Vân Chung, Đỗ Dũng,

Bùi Trọng Dư, Bùi Quang Đức,

Phạm Minh Hải, PV...

 

VNQD
Thống kê