Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 961 (cuối tháng 3/2021)

Thứ Tư, 17/03/2021 11:06

 Nhạc trưởng Lê Phi Phi là một trong những tên tuổi nghệ sĩ nhạc cổ điển Việt Nam thành danh ở châu Âu và thế giới. Sớm du học, sống xa Tổ quốc, nhưng bằng tình yêu và trách nhiệm sâu sắc, anh luôn có những cuộc trở về đầy ý nghĩa. Không chỉ góp mặt trong vai trò chỉ huy dàn nhạc ở các nhà hát, chương trình âm nhạc quy mô quốc gia, quốc tế, nhạc trưởng Lê Phi Phi còn có đóng góp trong nhiều lĩnh vực khác với sức ảnh hưởng đáng kể về văn hóa, âm nhạc.

Tạp chí Văn nghệ Quân đội số cuối tháng 3 sẽ mở đầu bằng bài trò chuyện với nhạc trưởng Lê Phi Phi do nhà thơ Đoàn Văn Mật thực hiện.

Phần Văn xuôi với các truyện ngắn: Khói ngưng lưng trời của Đinh Phương Lỗ thủng của Văn Xương, Đầu hổ của Trần Nguyên Mỹ; bút kí Mùa nước nổi xa xôi của Trương Chí Hùng; kí ức người lính Ngày ấy Pailin của Nguyễn Vũ Điền.

Khói ngưng lưng trời ấn tượng bởi giọng văn bảng lảng như thực như hư. Những câu chuyện tình buồn ở một thị trấn buồn đã kéo người đọc vào một vùng lặng, ở đó có nỗi nhớ, có lãng quên và sự ám ảnh. Những ám ảnh của tuổi trẻ về tình yêu đã làm nên màu sắc cho truyện ngắn này. Nham với màu áo xanh, những cơn mưa ở thị trấn, mùi xỉ than… đã làm nên kí ức của người ở lại. Những nỗi đau, phồng rộp, mất mát hay những khát khao, tình yêu của tuổi trẻ đều lặn vào bên trong, lặn vào làn khói ngưng ở lưng trời.

Lỗ thủng phản ánh những góc khuất trong cuộc đời của những con người bước ra từ cuộc chiến tranh tàn khốc của dân tộc. Họ từng cùng là biệt động thành, cùng vào sinh ra tử, thậm chí là dành cho nhau những rung động cao đẹp. Nhưng sau cuộc chiến tranh, những ngã rẽ, những biến cố đã đẩy mỗi người vào một cuộc sống khác. Cuộc gặp lại sau hơn bốn mươi năm là những tiếc nuối, đau xót, dằn vặt và ngang trái…

Đầu hổ viết về những biến động trong một gia đình người vùng cao trước các xoay vần của lịch sử. Tấm da hổ trắng mất tai đưa đến nhiều câu chuyện như huyền thoại của núi rừng nhưng cũng ẩn trong đó là câu chuyện về những biến cố của thời cuộc, biến cố của gia đình. Thời gian trôi đi, lịch sử nhiều thay đổi điều còn lại sẽ là những tình cảm mà con người dành cho nhau, tình cảm mà qua thời gian và biến cố cũng không thay đổi.

Phần Thơ với sự góp mặt của các tác giả: Nguyễn Đức Hậu, Nguyên Hà, Văn Triều, Hương Giang, Thanh Thảo, Thuý Bắc, Trương Thị Bách Mỵ, Diệu Thoa, Đinh Hương Giang, Trần Thế Vinh, Nguyệt Phạm, Nguyễn Đức Sơn, Lương Kim Phương, Trần Tự Bình, Kiều Trang.

Cuộc thi thơ tiếp tục ghi nhận những tác phẩm ấn tượng, có chiều sâu và đề tài phong phú. Bên cạnh những thi phẩm dạt dào cảm hứng về lịch sử đất nước, chiến tranh người lính là những suy tư về thế sự, tình yêu đôi lứa, tình yêu con người và những rung cảm đặc biệt trước đời sống… Cùng với sự vận động của đời sống, thơ ca hôm nay luôn mang đến những hơi thở tươi mới, trẻ trung nhưng cũng nhiều sâu lắng và trăn trở.

“Thơ trong những tập thơ” là bài viết Hành trình tìm lại bản nguyên của Nguyễn Thị Kim Nhung giới thiệu thi tập Ngày hạt mầm toả hương của tác giả Lê Vi Thuỷ.

Văn học nước ngoài giới thiệu truyện ngắn Cừu non vô lò mổ của nhà văn người Anh - Roald Dahl, truyện do Trần Như Luận dịch từ nguyên bản tiếng Anh.

Phần Bình luận văn nghệ có sự góp mặt của các tác giả: Nguyễn Thị Thuý Hà, Hoài Nam, Lê Thị Hường, Trần Hồng Hoa, Phùng Kiên.

Mùa xuân vẫn luôn là nguồn cảm hứng bất tận, khơi nguồn sáng tạo cho các nghệ sĩ, trở thành đề tài quen thuộc của thơ ca, nhạc, họa. Đứng trước vẻ đẹp của mùa xuân, mỗi nghệ sĩ đều có niềm rung cảm mãnh liệt, cách cảm nhận độc đáo, riêng biệt mang đậm dấu ấn cá nhân và thời đại. Chính vì thế, đề tài mùa xuân vốn quen thuộc nhưng không bao giờ cũ mà luôn luôn mới lạ, độc đáo, giàu tính sáng tạo. Điều đó được thể hiện rất rõ qua ca từ của ca khúc cách mạng Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975.

Để làm rõ hơn điều này, chúng ta cùng đón đạo bài viết Ý nghĩa biểu trưng của từ xuân/ mùa xuân trong ca khúc cách mạng Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975.

Không phải bệnh tật hay cái chết mà tính dục mới là vấn đề thiết yếu liên quan đến tuổi già/ cái già. Mĩ cảm tính dục gắn liền với tuổi già vẫn là khoảng trống mà văn chương bỏ lại. Đã có một dòng văn chương tính dục, đôi khi thừa mứa thân xác đến vượt ngưỡng. Tuy vậy, như một mặc định, tính dục là gắn với, là dành cho tuổi trẻ. Phải chăng đó là sự im lặng đáng sợ của văn chương khi đối diện với tuổi già - một cột mốc mà đến đấy con người trở nên nhỏ bé, cô đơn, không sức mạnh và bị lấn át từ mọi phía.

Bài viết Mĩ cảm về cái già trong văn chương sẽ có những luận bàn sâu sắc về vấn đề này trong văn chương.

Bên cạnh đó là những bài viết, những nghiên cứu thú vị và sâu sắc về các vấn đề đáng quan tâm của văn học nghệ thuật hôm nay.

Tạp chí VNQĐ số 961 dày 120 trang với những bài viết thú vị, tranh, ảnh minh họa đẹp dự kiến sẽ phát hành ngày 20/3/2021. Thân mời các bạn đón đọc!

 

Văn

Đoàn Văn Mật

Nhạc trưởng Lê Phi Phi: Trong ngôi nhà nhỏ của tôi,

văn hóa Việt luôn hiện hữu

Đinh Phương

Khói ngưng lưng trời

Trương Chí Hùng

Mùa nước nổi xa xôi

Nguyễn Vũ Điền

Ngày ấy Pailin

Văn Xương

Lỗ thủng

Trần Nguyên Mỹ

Đầu hổ

 

Thơ

Nguyễn Đức Hậu

Vĩ tuyến; Viết ở Kỳ Cùng

Nguyên Hà

Nhớ mùa đông Phơ-nôm-đăng-rếch

Văn Triều

Ngày mới; Cuối năm về thăm mẹ

Hương Giang

Tân Sửu; Vết sẹo thiên đường

Thanh Thảo

Mai sớm quê nhà; Quê ngoại;

Nếu một ngày có ai ngang qua cửa

Thúy Bắc

Hôn; Gió núi ngày trở dạ

Trương Thị Bách Mỵ

Khép mắt

Diệu Thoa

Thì thầm xuân

Đinh Hương Giang

Bay đi mây ơi

Nguyễn Thị Kim Nhung

Hành trình tìm lại bản nguyên

(Đọc Ngày hạt mầm tỏa hương của Lê Vi Thủy)

Trần Thế Vinh

Tam giác sắt; Thức với Bến Tre

Nguyệt Phạm

Một cảnh tượng ấm áp trong tiết trời lạnh lẽo; Mập mờ

Nguyễn Đức Sơn

Hòn đá cuội bên sông Hai Nhánh;

Giặt áo cho chồng bên sông

Lương Kim Phương

Kí tự của mọt; Giấc đêm của tảng đá bên suối

Trần Tự Bình

San hô đỏ

Kiều Trang

Cội nguồn

 

Văn học nước ngoài

Roald Dahl

Cừu non vô lò mổ (Trần Như Luận dịch từ nguyên bản tiếng Anh)

 

Bình luận văn nghệ

Nguyễn Thị Thúy Hà

Ý nghĩa biểu trưng của từ xuân/ mùa xuân trong ca khúc

cách mạng Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975

Hoài Nam

Quá khứ chụp xuống chúng ta

Lê Thị Hường

Mĩ cảm về cái già trong văn chương

Trần Hồng Hoa

SBC là săn bắt chuột của Hồ Anh Thái từ góc nhìn phê bình sinh thái

Phùng Kiên

Kết cấu kịch trong trích đoạn Vĩnh biệt Cửu Trùng đài

 

Minh họa, ảnh

Bìa 1: Đồng đội Tranh của họa sĩ Tuấn Long

Minh họa: Thành Chương, Trương Đình Dung,

Ngô Xuân Khôi, Tào Linh, Vũ Đình Tuấn,

Nguyễn Anh Vũ, PV...

 

 

VNQD
Thống kê