VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này
NHẠC SĨ NGUYỄN QUANG LONG:

Tôi muốn hồi sinh những gì đã mai một

Thứ Sáu, 07/05/2021 16:34

 Được biết đến là một nghệ sĩ “dành cả thanh xuân” cho âm nhạc cổ truyền Việt Nam, nhà nghiên cứu phê bình âm nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long đã có những dự án thành công và ý nghĩa trong việc giữ gìn và phát huy di sản âm nhạc truyền thống. Điều đáng quý ở chỗ, anh đã chọn một hướng đi riêng, không chọn những thứ phổ biến nhất mà muốn hồi sinh những gì đã mai một, tìm ra chỗ đứng của nghệ thuật dân gian trong cuộc sống hôm nay. Vừa qua Nguyễn Quang Long và một số nghệ sĩ cũng đã hoàn thành và gửi đến công chúng dự án Ngâm Kiều toàn truyện với mong muốn giữ được lối ngâm cổ dành cho tác phẩm văn học kinh điển này.

- Thưa nhà nghiên cứu phê bình âm nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, dự án Ngâm Kiều toàn truyện của anh ra mắt dịp tháng 3 vừa rồi đã thu hút rất nhiều sự quan tâm. Sau một thời gian phát hành miễn phí trên Youtube, anh có quan sát thế nào về sự tiếp nhận của công chúng?

- Dự án Ngâm Kiều toàn truyện ra mắt đã được một tháng, phát hành trên kênh Dân ca & nhạc cổ truyền. Quả thực, tôi khá bất ngờ với sự tiếp cận của công chúng với dự án này. Toàn bộ 3254 câu Kiều, trong quá trình thực hiện chúng tôi chia làm 12 chương tương ứng với 12 nội dung của cốt truyện và thực hiện làm 12 clip. Thời lượng tổng khoảng trên dưới 10 tiếng, mỗi chương dao động từ 40 - 90 phút. Như vậy là mỗi clip cũng tương đương với một album nhạc thông thường. Điều đáng chú ý, đây là lối hát ngâm ngợi, lối hát mà các nghệ sĩ âm nhạc dân tộc gọi là lảy Kiều xưa kia rất phổ biến nhưng nay đã mai một. Lối hát này sinh ra và dành riêng cho Truyện Kiều. Tôi rất bất ngờ vì có những clip sau một tuần có vài vạn khán giả tiếp cận, đến nay lên đến bảy vạn. Như vậy là, Truyện Kiều và lối ngâm này vẫn đang nhận được sự quan tâm của rất nhiều người.

- Vậy sự tiếp cận của công chúng giữa các clip có khác nhau không, thưa anh?

Sự tiếp cận là không đồng đều giữa các clip. Vì thưởng thức trọn bộ mất khá nhiều thời gian và cũng không thể cùng lúc. Chúng tôi đã dự tính đến điều này khi thực hiện, vì với lối ngâm ấy, với câu chuyện dù kinh điển nhưng cũng không phải tất cả đại chúng đều cảm nhận được và phù hợp trong “gu” thưởng thức thẩm mĩ và nghệ thuật hiện nay. Nên đối với chúng tôi, vài nghìn lượt đã là thành công, bảy vạn lượt là ngoài mong đợi.

- Còn giới chuyên môn, đã có những nhìn nhận như thế nào đối với Ngâm Kiều toàn truyện? Vì dự án này không đơn giản chỉ là câu chuyện của âm nhạc cổ truyền.

Phải nói là, sự ủng hộ của giới chuyên môn chính là niềm tin mạnh mẽ đối với chúng tôi. Có thể kể đến nhà phê bình văn học Văn Giá, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, nhà thơ Hồng Thanh Quang, và những nhà thơ trẻ đầy tâm huyết và tình yêu với nghệ thuật cổ truyền như Nguyễn Quang Hưng, Lữ Mai… Đây là dự án nghệ thuật về âm nhạc truyền thống liên quan đến văn học, vậy nên được giới văn học ủng hộ là sự may mắn của chúng tôi. Điều hết sức tuyệt vời nữa là, các nghệ sĩ của giới âm nhạc đã đồng hành để cho dự án này được khả thi thực hiện. Họ đều là các nghệ sĩ tài danh như Phạm Đình Dũng, NSND Thanh Hoài, NSND Thuý Ngần, NSƯT Quốc Khanh, Văn Phương, Thuý Nga… đã nỗ lực đóng góp để cùng làm nên dự án này. Các nghệ sĩ có nghề và đã chuyên nghiệp trong loại hình truyền thống nên việc trao đổi, luyện tập thực hiện thuận lợi hơn. Bên cạnh đó chúng tôi cũng nhận được sự giúp đỡ từ các phòng thu của Nhà hát Chèo Quân đội, phòng thu của nghệ sĩ Chu Cường. Sự khích lệ của truyền thông trong dự án này cũng là rất lớn. Quả thực, những sự ghi nhận ấy giúp cho những nỗ lực của cá nhân tôi và của cả nhóm thêm ý nghĩa, để thêm tự tin trong việc giới thiệu đến công chúng những giá trị nghệ thuật độc đáo.

Các nghệ sĩ tham gia dự án Ngâm Kiều toàn truyện. Ảnh: NVCC

- Dường như mỗi loại hình nghệ thuật cổ truyền vẫn đang bị giới hạn, khu biệt bởi những yếu tố vùng miền đặc trưng. Và Ngâm Kiều toàn truyện cũng không phải ngoại lệ…

Truyện Kiều đã trở nên phổ biến trong văn chương và đời sống, tuy nhiên, mỗi vùng miền, mỗi lứa tuổi lại muốn tiếp nhận một cách khác nhau, đó là điều dễ hiểu. Dự án của chúng tôi mang đậm phong cách nghệ thuật của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Khi dự án được phát hành đã có khán giả bày tỏ mong muốn Truyện Kiều được thể hiện qua âm nhạc mang phong cách Huế hay Nam Bộ... Đây là một ý kiến rất hay để Truyện Kiều trở nên gần gũi hơn nữa trong đời sống tinh thần của công chúng khắp các vùng miền. Nếu có điều kiện chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện ở các dự án khác, tuy nhiên, điều này cũng cần sự đồng hành của giới chuyên môn và các mạnh thường quân.

- Truyện Kiều đang trở lại với rất nhiều hình thức phái sinh khác nhau và cũng gây không ít tranh cãi. Anh nghĩ sao về điều này?

Không đơn thuần là một tác phẩm văn học mà Kiều đã ăn sâu vào tâm thức chúng ta như một văn hoá. Nên việc trở lại của Truyện Kiều dưới nhiều hình thức nghệ thuật cũng là điều dễ hiểu. Ví dụ, điện ảnh mượn tứ Kiều để phát triển sang một câu chuyện khác, múa đương đại, múa cổ điển, chèo, kịch… mượn motif Kiều để biểu diễn, thể hiện ngôn ngữ nghệ thuật của loại hình đó. Tuy nhiên thì, không phải hiện nay Kiều mới được khai thác và phát triển sang nhiều loại hình khác nhau, mà trong quá khứ chúng ta từng có các hình thức như đố Kiều, bói Kiều, tổ tôm điếm… Theo cá nhân tôi, mỗi hình thức khác nhau sẽ được đón nhận theo những cách khác nhau. Những dư luận dù tốt dù xấu đều phản ánh sức sống của Kiều trong đời sống hiện nay và về sau nữa.

- Trong những năm gần đây, anh được biết đến là một nghệ sĩ hoạt động tích cực trong việc đưa âm nhạc truyền thống trở lại với công chúng, tiêu biểu nhất là nghệ thuật xẩm. Điều gì khiến anh say mê đến vậy?

Nghệ thuật truyền thống là tâm huyết là đam mê của tôi. Tôi cũng đi một hướng khác nhiều nhóm nghệ sĩ truyền thống thông thường ở chỗ, tôi không chọn cái phổ biến nhất mà muốn hồi sinh những gì đã mai một. Nếu trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu tôi có duyên được tiếp cận và nhìn ra được điều gì có giá trị, thấy nó hoàn toàn có thể tồn tại được trong đời sống hiện nay thì tôi sẽ theo đuổi đến cùng. Tôi muốn đánh thức những giá trị đó để đưa vào phục vụ nhu cầu đời sống.

Năm 2005 khi đang công tác ở Nxb Âm nhạc, có một lần nhạc sĩ Thao Giang đến làm việc, qua trò chuyện với ông, tôi được biết ông ấp ủ mong muốn làm hồi sinh lại những câu hát xẩm mang phong cách Hà Nội. Nhạc sĩ Thao Giang còn muốn có những hoạt động làm sao để hỗ trợ đồng hành với di sản sống của nghệ thuật hát xẩm bấy giờ còn lại duy nhất đó là nghệ nhân Hà Thị Cầu ở Ninh Bình.

Nghe ông nói và minh hoạ về nghệ thuật hát xẩm, tôi thấy đây là một thể loại âm nhạc tuyệt vời hay và giá trị của di sản thuộc loại quý của đất nước chúng ta. Mà thật tội nghiệp là, khi nhắc đến hát xẩm thì bao nhiêu năm rồi bị đánh đồng với ăn xin ăn mày chứ mọi người không nghĩ đó là một nghệ thuật độc đáo của dân tộc. Đây là thể loại rất thân phận, rất đời, mang nhiều tính chất màu sắc âm nhạc khác nhau, tính nhân văn cao, đề cao tinh thần thượng tôn dân tộc, uống nước nhớ nguồn. Điều đặc sắc nữa là, xẩm đã khéo léo lồng âm nhạc vào sự châm biếm để trở thành tác phẩm âm nhạc khiến người nghe dễ tiếp nhận, một cách dí dỏm, hóm hỉnh, sâu sắc, có thể làm thay đổi nhất định tư duy của con người một cách tích cực, ý nghĩa. Nếu giai đoạn đó không kịp thời phục hồi lại thì có nguy cơ chúng ta mất hẳn vì nghệ nhân Hà Thị Cầu đại diện xẩm Bắc Bộ đã cao tuổi, sức khỏe lại yếu, đời sống khó khăn, các nghệ nhân vùng khác thì không còn nữa.

"Nghệ thuật truyền thống là tâm huyết là đam mê của tôi. Tôi cũng đi một hướng khác nhiều nhóm nghệ sĩ truyền thống thông thường ở chỗ, tôi không chọn cái phổ biến nhất mà muốn hồi sinh những gì đã mai một. Nếu trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu tôi có duyên được tiếp cận và nhìn ra được điều gì có giá trị, thấy nó hoàn toàn có thể tồn tại được trong đời sống hiện nay thì tôi sẽ theo đuổi đến cùng. Tôi muốn đánh thức những giá trị đó để đưa vào phục vụ nhu cầu đời sống".
Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long

- Các anh đã bắt tay thực hiện việc phục hồi xẩm ngay từ khi đó?

Tôi cùng nhạc sĩ Thao Giang, GS.TS.NGND Phạm Minh Khang, nhạc sĩ Hạnh Nhân, các NSND Thanh Ngoan, Mai Tuyết Hoa… cùng nhau phục hồi lại xẩm. Cuối năm 2005 chúng tôi phát hành được album Xẩm Hà Nội với 7 điệu/bài xẩm đã từng rất phổ biến ở Hà Nội nhưng đã không tồn tại trong thời gian dài cho đến khi được xuất hiện trở lại. Từ đó tôi gắn liền với nghệ thuật hát xẩm.

- Anh cũng được biết đến là một nghệ sĩ có công lớn trong việc làm mới xẩm. Đây quả là một điều hết sức thú vị, nhưng cũng có phần táo bạo…

Tôi muốn nối dài sức sống cho xẩm bằng cách tìm đến đối tượng trẻ, đưa vào xẩm hơi thở đời sống mới, mang tính thời đại, đưa vào những lời ca thể hiện tâm tư tình cảm của con người hôm nay. Nghệ thuật muốn sống phải gần gũi đời sống và tự bản thân mình phải thấy chính mình trong đó, nếu không nó chỉ là di sản của quá khứ. Chúng tôi quyết tâm sáng tạo ra những tác phẩm mới như các bài Văn hoá giao thông, Tiễu trừ cướp biển, Tương tư, Bốn mùa hoa Hà Nội, Tứ vị Hà thành, Xẩm Trà đá… Tôi nghĩ rằng nó sẽ được tiếp nhận vì đó là những gì chúng ta đang trải qua, mọi người thấy được mình trong đó. Thú vị là, nó được truyền tải qua hình thức âm nhạc truyền thống khiến mọi người thấy độc đáo, mới lạ, thu hút.

Nhóm Xẩm Hà thành giao lưu với các khán giả trẻ. Ảnh: NVCC

- Những dự định tiếp theo của anh với xẩm thì sao?

Tôi dành nhiều thời gian cho xẩm và dự định với xẩm là liên tục. Tôi luôn ra sản phẩm mới chung cho nhóm hay cho mỗi cá nhân, hay cho tôi. Năm 2022 tôi ấp ủ vận động tổ chức liveshoow lớn lần thứ ba Đêm xẩm Hà thành. Hai lần trước chúng tôi đã tổ chức thành công liveshoow Xẩm Hà thành (2010), Xẩm và đời (2015).

- Được biết nhóm Xẩm Hà thành đang phối hợp với Ban Nhà văn trẻ Hội Nhà văn Việt Nam phát động thực hiện chương trình "Tìm thơ mới cho cổ nhạc". Xin anh có những chia sẻ thêm về dự án này.

Được sự gợi ý của nhà thơ Nguyễn Quang Hưng và sự tạo điều kiện của Ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam, chúng tôi đang phát động thực hiện chương trình này. Trong nhiều năm qua chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, luôn mong muốn phục hồi âm nhạc truyền thống, sáng tạo những tác phẩm mới mang tính đương đại. Chúng tôi nhận thấy còn thiếu lời thơ mang hơi thở cuộc sống hôm nay gắn với cổ nhạc. Điều đó rất quan trọng vì nó thể hiện sức sống của cổ nhạc cho đến hôm nay vẫn còn. Tôi chia sẻ với nhiều nhà thơ và nhận được sự đồng hành ủng hộ.

Tôi muốn nối dài thơ hôm nay vào dòng cổ nhạc. Nhiều phong cách giọng điệu khác nhau của thơ sẽ tạo sự đa dạng cho âm nhạc cổ truyền. Việt Nam là đất nước của thơ ca, văn học và âm nhạc cũng là hai yếu tố gắn bó với nhau và không thể thiếu trong đời sống nên chúng tôi cũng rất tự tin vào dự án này.

- Cảm ơn anh về những chia sẻ hết sức chân thành, thực tế và đầy nhiệt huyết. Chúc anh luôn thành công với những dự định phía trước.

Nhà nghiên cứu phê bình âm nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long sinh năm 1976 tại Bắc Giang. Tốt nghiệp loại Giỏi ngành Lý luận âm nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam năm 2003. Hiện nay anh là Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy Âm nhạc dân tộc.

Bên cạnh việc nghiên cứu và sáng tác âm nhạc, Nguyễn Quang Long còn được biết đến là đồng sáng lập nhóm Xẩm Hà thành. Từ năm 2005 đến nay, nhóm đã có nhiều hoạt động ở cả trong nước và quốc tế nhằm phục hồi, phát triển và quảng bá nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam.

Đã phát hành:

- MV Trách ông Nguyệt Lão, Album Nguyễn Quang Long vol.1 Trách ông Nguyệt Lão.

- DVD: Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Huế: Kiệt tác phi vật thể truyền khẩu của nhân loại, Nhà xuất bản Âm nhạc, 2004; Lối chơi Quan họ, Nhà xuất bản Âm nhạc, 2008; Âm nhạc Chăm, Nhà xuất bản Âm nhạc, 2009; Đờn ca tài tử Nam bộ, Nhà xuất bản Âm nhạc, 2010; …

Anh đã giành được một số giải thưởng âm nhạc do Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao tặng như: giải C (2013, 2014), giải B (2015)...

 
KIM NHUNG thực hiện
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)