Ít có đạo diễn nào có lí lịch nghệ thuật “loằng ngoằng” nhưng cũng đáng trân trọng như Lương Đình Dũng. Từng đi đào vàng, bốc vác, làm công nhân trước khi viết văn và đi học làm phim, bước những bước gập ghềnh đến với nghệ thuật, nhưng đó cũng là mảnh đất thực tiễn sinh động bồi bổ cho việc làm phim của anh sau này. Có vẻ như Lương Đình Dũng “một mình một ngựa” trong làng đạo diễn điện ảnh, lựa chọn cách đi riêng cho cả những dự án cụ thể và chiến lược lâu dài. Bộ phim đầu tay Cha cõng Con của Lương Đình Dũng sau 5 năm vẫn được anh "cõng" đi khắp thế giới, đến nay vẫn nhận được những đồng cảm, ở những nơi nó có mặt, mang theo những ấn tượng tốt về đất nước, con người Việt Nam. Trong khoảng thời gian ấy anh cũng đã kịp hoàn thành thêm 2 bộ phim điện ảnh khác dự kiến sẽ ra mắt trong năm nay. |
Chào anh Lương Đình Dũng! Hình như anh viết văn chỉ để phục vụ cho việc làm phim của mình?
Tôi viết tiểu thuyết hay truyện ngắn với đúng nghĩa là mong mang đến bạn đọc tinh thần của văn chương chứ không chỉ phục vụ cho việc làm phim của chính mình, bởi ngôn ngữ văn học đôi khi điện ảnh không thể chuyển tải hết được, như việc tôi viết thơ, thơ có thế giới riêng của thơ, có những tác phẩm thơ điện ảnh không thể chạm tới được cảm xúc hay khám phá được màu sắc của nó.
Viết văn trước rồi mới học làm phim, có phải anh thấy mỗi câu chuyện mình kể nếu chỉ bằng tác phẩm văn học thôi là chưa đủ?
Tôi cũng chẳng có kế hoạch bắt đầu từ đâu đâu, tôi bắt đầu viết thơ, truyện ngắn từ lúc 12 tuổi, lúc đó không có tí khái niệm nào về điện ảnh cả. Có nhiều người khi đọc tác phẩm của tôi thì nói nó giàu hình ảnh. Còn việc mang tác phẩm văn học của mình sang làm phim nó cũng giống như văn, đôi khi điện ảnh không chạm tới được thì cũng có những tác phẩm văn học khi chuyển sang điện ảnh, nó sẽ sinh động hơn rất nhiều. Hơn nữa, hiện tại tôi tự viết lấy kịch bản, do tôi dễ dàng tiếp cận và thấu hiểu câu chuyện của mình hơn.
Nhìn vào số lượng tác phẩm anh đã xuất bản cũng khá lớn để có thể đứng độc lập là một tác giả văn học, nhưng đến nay, có vẻ danh xưng đạo diễn đã choán lên tất cả. Cá nhân anh nhìn nhận mình ở văn học và điện ảnh như thế nào?
Thành thật tôi chưa bao giờ ngồi nghĩ mình đang là gì và cần cụ thể danh nghĩa thế nào. Tôi thích thì tôi viết thôi. Nếu nói tôi là một nhà văn thì tôi không dám nhận đâu, còn về điện ảnh tôi đơn thuần là một nhà làm phim.
Nhiều phim Việt ra rạp không đạt hiệu quả về doanh thu phòng vé sau đó thường nhanh chóng rơi vào im lặng, nhưng “Cha cõng Con” của anh thì khác. Những cơ hội vẫn từ từ đến với bộ phim vài năm sau khi nó ra đời. Có thể nhìn nhận điều này thế nào thưa anh?
Phim Cha cõng Con đang chuẩn bị bán bản quyền cho Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ chiếu ở Đại học Nhật Bản, chúng tôi sẽ cố gắng để phim Cha cõng Con sẽ đến được hơn 30 quốc gia. Còn vì sao Cha cõng Con vẫn được mua sau nhiều năm, cá nhân tôi thì nghĩ điều đầu tiên, một bộ phim nó phải có câu chuyện tốt từ văn học. Sau đó là hình ảnh và bản sắc, Cha cõng Con được nhiều báo chí quốc tế mô tả là vẻ đẹp về cảnh sắc và tâm hồn con người Việt Nam. Tôi nghĩ đó chính là gốc cơ bản để bạn bè quốc tế yêu mến bộ phim.
Lương Đình Dũng với tập truyện ngắn "Cha cõng Con" vừa được Nhà xuất bản Kim Đồng in lần thứ 4. Ảnh: FBNV
Ngoài làm phim truyện anh còn làm phim tài liệu. “Xẩm Đỏ”, bộ phim tài liệu do anh thực hiện được coi là tư liệu quý về nghệ nhân xẩm Hà Thị Cầu. Nghe nói phim có tới hai phiên bản?
Phim tài liệu "Xẩm Đỏ" về nghệ nhân Hà Thị Cầu, người hát xẩm cuối cùng của thế kỉ 20. Đây là Bộ phim tôi kì công và quay trong thời gian kéo dài gần 2 năm từ năm 2008 đến 2010. Tôi không muốn sử dụng lời bình cho phim, như thế sẽ làm khó mình nhưng lại giữ được sự trong trẻo tự nhiên của bộ phim với người nghe xẩm, nó sẽ mộc mạc và chất hơn. Tôi muốn người nghệ nhân như đang hát, đang tâm sự trực tiếp tới khán giả và coi như không có tôi ở trong đó. Nhiều điều kì diệu, nhiều thăng trầm, làng quê đẹp đẽ thân thương, đất trời Ninh Bình như bao miền quê đẹp nao lòng của Việt Nam hiện lên trong bộ phim và những lời ca đẹp quyến rũ lòng người. Khi dựng tôi đã dựng luôn 2 phiên bản. Một phiên bản 35 phút giống như là một bộ phim về xẩm. Một phiên bản 68 phút giống như một bộ phim và được ngưòi xem tận hưởng và được nghe âm nhạc xẩm nhiều và đầy đủ hơn
Tại sao lại là “Xẩm Đỏ”?
Nếu phác họa âm nhạc bằng màu sắc, thì xẩm sẽ thiên về mầu nóng, nên tôi đã đặt tên phim là Xẩm Đỏ. Và cũng còn là “báo động đỏ” về sự biến mất của bộ môn hát xẩm. Với phim Xẩm Đỏ, tôi muốn lưu giữ một di sản văn hóa truyền thống của nghệ nhân Hà Thị Cầu để lại cho Ninh Bình và kho tàng nghệ thuật xẩm Việt Nam.
Nhưng đến nay, sau cả chục năm thực hiện “Xẩm Đỏ” vẫn chưa chính thức được phát hành. Tại sao vậy?
Đúng là Xẩm Đỏ vẫn chưa chính thức phát hành. Tôi rất mong muốn nó được ra mắt chính thức, cũng muốn tổ chức hẳn một sự kiện tử tế xứng tầm nhằm tôn vinh nghệ thuật hát xẩm và tạo cơ hội lan tỏa tác phẩm cũng như môn nghệ thuật này. Chắc sắp tới tôi sẽ làm việc với Ninh Bình để có một sự kiện ra mắt Xẩm Đỏ. Đó là mong mỏi của tôi và ekip khi làm bộ phim này.
Đạo diễn Lương Đình Dũng với nghệ nhân Hà Thị Cầu khi làm phim tài liệu "Xẩm Đỏ". Ảnh: FBNV
Nhìn vào những gì anh làm có cảm giác như anh đã có những tính toán về một chiến lược dài hơi, vạch ra một con đường cho cả sự nghiệp, rất tự tin và đi từng bước chắc chắn… Điều gì mang lại cho anh sự tự tin ấy?
Từ thời sinh viên, ngoài việc xem phim và học làm phim, tôi đã đọc rất nhiều tiểu sử của các nhà làm phim lớn trên thế giới, họ vừa dành nhiều giải thưởng lớn và là tỉ phú đô la. Tất cả, họ đều có một điểm chung, đó chiến lược làm phim và chiến lược tiếp cận khán giả. Qua đó, tôi cũng tạo cho mình một chiến lược làm phim để mình đi theo một cách thống nhất, bài bản.
“Thành phố ngủ gật”, bộ phim có chi phí thấp được coi như bước đệm trước khi anh thực hiện dự án lớn hơn. Nhưng nó khá “im ắng” với khán giả trong nước?
Thành phố ngủ gật - bộ phim tâm lí tội phạm, pha yếu tố kinh dị, nó có nghĩa vụ dẫn dắt cho những bộ phim kinh dị của tôi sắp tới. Nhưng do kế hoạch của nhà sản xuất và một số phần tôi cần hoàn thiện cho bộ phim này kĩ hơn để ra mắt vào cuối năm 2021. Việc quảng bá bộ phim nhà sản xuất chưa bắt đầu nên mọi người cũng ít chú ý tới.
Cơ hội quảng bá và lan tỏa đối với phim Việt ra thế giới hiện nay khá thuận lợi. Anh có nghĩ đã đến thời điện ảnh Việt bước ra khỏi ranh giới quốc gia?
Điện ảnh là phương tiện mạnh mẽ để quảng bá hình ảnh quốc gia thời hiện đại. Nhà làm phim nào có cơ hội thì sẽ phải làm tốt nhất nghĩa vụ của mình. Còn điện ảnh Việt Nam nói chung tôi tin rằng sẽ làm được việc quảng bá đó tốt nhất trong vòng 2 đến 3 năm tới.
Con đường đi cho các phim của anh thường là dự giải quốc tế để “đánh động” trước rồi sau đó mới quay về khán giả trong nước, khi đã có chút ít dư luận. Với phim mới “578 - Phát đạn của kẻ điên” thì sao?
Ví dụ như Cha cõng Con, tôi làm phim để ra rạp. Trong lúc chờ phát hành thì đi dự thi và đoạt giải thôi. Phim hành động 578 - Phát đạn của kẻ điên thì sẽ ra rạp Việt Nam trước khi dự thi hay tham dự sự điện ảnh nào đó.
“578” sẽ khác biệt gì so với những phim hành động Việt khác?
578 sẽ là bữa tiệc hình ảnh về hành động và cảnh đẹp dành cho khán giả mà tôi yêu mến... Tôi chắc chắn sẽ mang đến khán giả một màu sắc khác biệt, 578 sẽ là một bộ phim mãn nhãn cả về hành động và câu chuyện. Tôi tin rằng khán giả sẽ thấy một điều gì đó khác biệt trong 578 mà họ chưa từng xem trước đây
Anh vẫn quan niệm, phim nghệ thuật nhưng phải đạt doanh thu phòng vé và có những “tiên đoán” khá chắc chắn về doanh thu cho từng bộ phim của mình. Với “578” lần này thì sao?
Tôi không làm một mình đâu, có cả một đội ngũ hỗ trợ chuyên nghiệp trong các khâu nữa. Tôi làm chuyên môn thôi, tuy nhiên tôi luôn có quan điểm “Phim phải có yếu tố nghệ thuật nhưng buộc phải thành công khi ra rạp”. Vì thế chúng tôi cùng nhau làm theo một định hướng, hướng tới khán giả, và tôi tin sẽ chinh phục được khán giả.
Poster giới thiệu bộ phim hành động "578 - Phát đạn của kẻ điên" của Lương Đình Dũng. "Số 5 lật lại là chìa khóa, số 7 là khẩu súng, còn số 8 là còng số 8", đạo diễn bật mí. Ảnh: FBNV
Anh cũng chủ trương mỗi phim sẽ là một màu sắc, một cách làm, thậm chí thể loại cũng khác xa nhau từ tâm lí đến hành động. Lựa chọn ấy đem đến những được mất gì?
Bản thân tôi có trải nghiệm cuộc sống thực tế khá sinh động, nên tôi có nhiều chất liệu để làm các loại phim khác nhau. Ví dụ tôi thích làm phim Hành động và phim Kinh dị là chính, nhưng Cha cõng Con là phim tâm lí gia đình rất khó làm, nhưng tôi lại bắt đầu sự nghiệp từ bộ phim này. Tôi thành thật mà nói rằng, tôi phải chắc chắn làm được thể loại nào thì tôi mới làm, nếu không cảm thấy làm được thì ai trả tiền bao nhiêu tôi cũng không dám nhận. Giờ làm phim Hành động 578, nó giống như cá được về bơi trong nước biển.
Đến nay, có thể coi 'Cha cõng Con' là thành tựu nổi bật nhất của anh. Với hai phim mới chuẩn bị ra rạp, họ sẽ có thêm điều gì để nhớ về Lương Đình Dũng trong điện ảnh?
Tôi hi vọng mọi người sẽ nhớ đến bộ phim 578 nhiều hơn khi họ được xem. Đối với tôi như vậy sẽ tốt hơn
Nhìn vào những dự án điện ảnh của anh khá dày đặc, và số tác phẩm văn học đã viết theo anh làm phim còn lâu mới hết. Vậy anh có tiếp tục viết tác phẩm mới?
Tôi viết giống như một thú chơi, một cơ hội được xả stress và được nói chuyện, được kể chuyện, được tìm về tuổi thơ hay gia đình nhỏ của tôi ngày xưa, nên tôi vẫn viết liên tục trong mỗi khoảng trống thời gian hoặc những lúc tôi vui vẻ nhất.
Cám ơn anh đã chia sẻ!
Đạo diễn Lương Đình Dũng sinh năm 1973 tại Tuyên Quang. Tốt nghiệp Thạc sĩ Nghệ thuật, Đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội. Là cố vấn phim và là thành viên quốc tế về nội dung phim tại Liên hoan phim Tallinn Black Nights. Anh cũng từng được mời làm giám khảo Hạng mục phim truyện – Liên hoan phim quốc tế Pune lần thứ 19 tại Ấn Độ. Ngoài làm phim anh cũng viết văn từ khá sớm. Đã in các tác phẩm: Tiểu thuyết hành động “Những Cô Gái Vô Chủ”, 1997, Tuyển tập thơ – Truyện ngắn “Con Hãy Đi Về Phía Mặt Trời”, 2010, Tập truyện ngắn “Cha Cõng Con” 2017 (đã phát hành bản tiếng Anh). “Cha Cõng Con” - bộ phim điện ảnh đầu tay của Lương Đình Dũng năm 2016 được chuyển thể theo truyện ngắn cùng tên do chính anh viết năm 1995 đã giành được một số giải thưởng trong nước và quốc tế như: Giải “ Phim Châu Á xuất sắc nhất ” Liên hoan phim Quốc tế Iran lần thứ 36; Giải “Kịch bản xuất sắc nhất” – Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20; Giải “Bông sen bạc” – Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20; Giải “Phim Châu Á xuất sắc nhất” Liên hoan phim Châu Á Barcelona lần thứ 7; và một số giải thưởng tại các liên hoan phim quốc tế khác. Đặc biệt, bộ phim “Cha cõng Con” là Đại diện điện ảnh Việt Nam tham dự Oscars lần thứ 90. Đến nay “Cha cõng Con” được coi như thành tựu nổi bật nhất của Lương Đình Dũng. |
TIỂU HOÀNH SƠN thực hiện
VNQD