Y Ban là một trong những khuôn mặt tiêu biểu của văn chương Việt đương đại. Chị thành công rất sớm với giải Nhất cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội 1989-1990. Là người có sức sáng tạo bền bỉ, giọng văn mạnh mẽ, quyết liệt, những sáng tác của chị giàu tính thế sự, không ngần ngại bóc tách, giải phẫu con người ở những góc cạnh sâu kín nhất. Y Ban viết cả truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ. Hiện thời chị là Phó Chủ tịch Hội đồng Văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội kiêm Chủ tịch Hội đồng Văn xuôi. Nhân dịp nhà văn Y Ban nhận nhiệm vụ mới và các giải thưởng văn học gần đây đang có nhiều tranh luận, chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện với chị xung quanh chủ đề này và các vấn đề văn chương được quan tâm.
Bài trò chuyện mang tên Giải thưởng của Tạp chí Văn nghệ quân đội là một kỉ niệm đẹp nhất trong cuộc đời tôi giữa nhà văn Y Ban và nhà văn Uông Triều sẽ mở đầu Tạp chí VNQĐ số 965.
Phần Văn xuôi với các truyện ngắn: Cách một quãng đồng của Tống Phước Bảo, Cửa hàng người nhai trầu của Đoàn Ngọc Hà, Chuyện Cò Cung của Trần Hồng Giang; ghi chép Sài Gòn trong hành trang của Bác của Trình Quang Phú, kí ức người lính “Vụ án ba cây dừa” của Nguyễn Thành Dũng.
Cách một quãng đồng khẳng định phong cách, cá tính và giọng điệu đặc trưng miền Tây sông nước của nhà văn trẻ Tống Phước Bảo. Anh đã chinh phục người đọc bằng sự sâu sắc của tình cảm, tự nhiên trong cách kể, sinh động trong những góc nhìn. Cả một vùng Tứ Thời hiện lên trong khô khát của mùa hạn, trong ăm ắp tình người, trong tha thiết tình yêu… và lắng đọng lại, sau những đắng cay bần khổ là hi vọng ngọt ngào của tương lai.
Cửa hàng người nhai trầu hài hước, dí dỏm mà cũng ẩn chứa những giá trị sâu xa và ý nghĩa của cuộc sống. Nhà văn Đoàn Ngọc Hà mỗi lần xuất hiện là một lần đem đến những điều thú vị cho bạn đọc, đồng thời cũng ở tác phẩm của ông chúng ta thấy được vẻ đẹp và sự tinh tế trong những điều tưởng như giản đơn, bình thường nhất.
Chuyện Cò Cung chân thật và xúc động khi khắc hoạ hình ảnh một người lính trở về từ chiến trường. Sau khi chiến tranh kết thúc, Cò Cung về làng nhưng mẹ anh đã mất, bạn gái đi lấy chồng, điều đáng tiếc nhất là anh bị mất trí không có giấy tờ xác nhận là thương binh. Cò Cung sống trong sự yêu thương đùm bọc của dân làng, cho đến một ngày tình cờ người đồng đội cũ nhận ra anh và những điều không ai biết được hé lộ…
Phần Thơ với sự góp mặt của các tác giả: Bùi Sỹ Hoa, Trần Ngọc Mỹ, Fan Tuấn Anh, Trần Huy Minh Phương, Huỳnh Nhật Hưng, Nguyễn Giúp, Hồ Huy Sơn, Mai Văn Thuỷ, Kiều Duy Khánh.
Những không gian văn hóa, lịch sử sẽ được mở ra trong thơ từ mọi góc nhìn, mọi chiều kích. Những vẻ đẹp, những ẩn khuất của đời sống ở các khía cạnh của tình yêu, gia đình, xã hội với những vui, buồn, quá vãng, giấc mơ, xao động… cũng là nguồn chất liệu bất tận cho thơ. Qua thi phẩm của mình, người viết đã cho thấy khát vọng được chạm sâu vào những thăm thẳm của mọi đề tài nhằm sáng tạo nên một đời sống khác. Những trang thơ dự thi vì vậy mà trở nên đa dạng và đầy hứng khởi.
“Thơ trong những tập thơ” là bài viết Những âm thanh bơi sải mở ra của nhà phê bình văn học Hoàng Đăng Khoa giới thiệu về thi tập Văn học vết thâm của Nguyễn Thị Thuý Hạnh.
Văn học nước ngoài giới thiệu truyện ngắn Những đứa trẻ bị bỏ quên của nữ nhà văn người Ấn Độ Chitra Banerjee Divakaruni. Truyện do Trần Ngọc Hồ Trường dịch từ nguyên bản tiếng Anh trong “Passages, Signet Classics, 2009.
Phần Bình luận văn nghệ có sự tham gia của các tác giả: Đức Thuận, Lê Thị Gấm, Nguyễn Ngọc Bảo Trâm, Trung Trung Đỉnh, Quân Phạm, Lê Thị Thuỷ.
Người ta, bằng tất cả những cách có thể, đã cố gắng định nghĩa thơ; nhưng thơ như một chất lân tinh luôn theo những kẽ tay chảy ra khỏi sự trì níu, càng cố nắm chặt thì nó càng dễ biến mất. Thơ, vì thế, đã luôn ở trong một tình trạng lưỡng thê: vừa thân thuộc vừa xa lạ, vừa hiền lành vừa nổi loạn, vừa bếp bênh vừa vững chãi… Đó là một tình thế hóc búa của thơ, cũng là một thách thức của đời sống. Bài viết Thơ là gì và ở đâu? sẽ có những luận bàn sâu xa về câu hỏi này.
Có nhiều cách để thể hiện dụng ý nghệ thuật, người họa sĩ vẽ tranh bằng cọ vẽ và bảng màu, người nhạc sĩ viết lên bản nhạc bằng giai điệu và hòa thanh, còn đạo diễn thì bằng hình ảnh, cảnh quay và tình tiết. Nhưng, đối với Trịnh Minh Sơn, sách mĩ thuật, hay nghệ thuật vẽ lên chân dung nhân học của người họa sĩ, là cách để anh biểu đạt nội năng sáng tạo của mình và đi tìm những giá trị nghệ thuật riêng biệt. Chúng ta sẽ hiểu thêm về điều này qua bài viết Trịnh Minh Sơn, người họa chân dung bằng sách.
Bên cạnh đó, chúng ta sẽ được tiếp cận với những bài nghiên cứu, bình luận sâu sắc, thú vị về các vấn đề khác nhau của văn học nghệ thuật.
Tạp chí VNQĐ số 965 dày 120 trang dự kiến sẽ phát hành ngày 20/5/2021. Thân mời các bạn đón đọc!
Văn
Uông Triều
Nhà văn Y Ban: Giải thưởng của Tạp chí Văn nghệ
Quân đội là một kỉ niệm đẹp nhất trong cuộc đời tôi
Tống Phước Bảo
Cách một quãng đồng
Trình Quang Phú
Sài Gòn trong hành trang của Bác
Nguyễn Thành Dũng
“Vụ án ba cây dừa”
Đoàn Ngọc Hà
Cửa hàng người nhai trầu
Trần Hồng Giang
Chuyện Cò Cung
Thơ
Bùi Sỹ Hoa
Nếu bạn ổn…; Cây đào ở Ca-li; Phu Xai Lai Leng
Trần Ngọc Mỹ
Những ngày qua
Fan Tuấn Anh
Đoản khúc số 220; Đoản khúc số 154
Trần Huy Minh Phương
Chạy theo người chân đất; Ngày châu thổ
Hoàng Đăng Khoa
Những âm thanh bơi sải mở ra (Đọc Văn học vết thâm
của Nguyễn Thị Thúy Hạnh)
Huỳnh Nhật Hưng
Dạo; Cái giếng hồn nhiên; Kí ức của những giấc mơ
Nguyễn Giúp
Sự trở về của đàn cò; Tiếng chim treo vách núi;
Cho người yêu hoa cánh bướm
Hồ Huy Sơn
Ngày một người ra đi
Mai Văn Thủy
Tìm mẹ; Vỉ buồm
Kiều Duy Khánh
Vàng ảnh vàng anh giờ hót nơi nào?; Câu Khua tưới mộ
Văn học nước ngoài
Chitra Banerjee Divakaruni
Những đứa trẻ bị bỏ quên (Trần Ngọc Hồ Trường
dịch từ nguyên bản tiếng Anh trong “Passages, Signet Classics, 2009”
Bình luận văn nghệ
Đức Thuận
Thơ là gì và ở đâu?
Lê Thị Gấm
Tinh thần Phật giáo trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh
Nguyễn Ngọc Bảo Trâm
Những nguồn lực thúc đẩy sự hình thành phong trào Phục hưng
Trung Trung Đỉnh
Ngô Thảo và “bốn nhà văn Nhà số 4”
Quân Phạm
Trịnh Minh Sơn, người họa chân dung bằng sách
Lê Thị Thủy
Những nguyên mẫu “bất đắc dĩ” trong Sóng ở đáy sông
Minh họa, ảnh
Bìa 1: Chào tháng Năm
Tranh của họa sĩ Bùi Hoàng Phương
Minh họa: Thành Chương, Lê Trí Dũng,
Tào Linh, Vũ Đình Tuấn, Lê Anh Vân, PV...
VNQD