Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Đỗ Thị Tấc sinh năm 1963 tại Hưng Yên, sống và làm việc tại Lai Châu. Đỗ Thị Tấc được biết đến là người dành cả cuộc đời cho việc nghiên cứu, bảo tồn văn hoá dân gian của dân tộc Thái. Một số công trình tiêu biểu của chị có thể kể như: Kin Pang Then của người Thái trắng, Dân ca Thái Lai Châu, Từ vựng Thái - Việt vùng Mường So - Lai Châu, Mo Thái… Nguyên là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Lai Châu, chị còn được biết đến là một nhà thơ với hai tập thơ đã xuất bản Sữa đá và Những người mẹ núi. Ở cả hai lĩnh vực nghiên cứu văn hoá dân gian và văn học, Đỗ Thị Tấc đã giành được nhiều giải thưởng từ trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, trong khuôn khổ cuộc trò chuyện này chúng tôi chỉ đề cập đến câu chuyện nghiên cứu, bảo tồn văn hoá của chị. |
- Xin chào nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Đỗ Thị Tấc! Quả thực tôi vẫn chưa thôi ấp ủ ý định được cùng chị ngao du núi rừng Tây Bắc sau đôi lần lỡ hẹn. Gần đây, chị vẫn miệt mài đi và nghiên cứu văn hóa đấy chứ? Tôi đồ rằng, người như chị thì rất khó có thể ngồi yên một chỗ được.
+ Tôi vẫn luôn đi theo những tiếng gọi từ tiền kiếp. Bạn cứ ấp ủ đi, nhưng nhớ hai điều, bỏ hết những nhiêu khê, diệu vợi lại sau lưng và phải cho tôi biết trước thời gian bạn lên một tháng. Chỉ cần mang theo sự thôi thúc bên trong bạn; một tâm thức không đòi hỏi, sẵn sàng đón nhận tất cả; cuối cùng là lòng biết ơn, biết ơn những gì bạn có được khi rời núi. Muốn sống được ở những nơi khắc nghiệt, chỉ cần nhiêu điều đó thôi. Còn mọi sự khác thì tùy duyên. Phải duyên thì ngược lên ngàn - tôi hay chợt nghĩ đến câu thơ này của Bảo Chân. Lúc đấy bạn sẽ cùng tôi trải nghiệm, khám phá miền văn hóa tâm linh của người Thái nơi núi rừng Tây Bắc.
- Ồ, có lẽ là tôi đã phức tạp quá hoặc hời hợt quá khi nghĩ về hành trang của mỗi chuyến đi rồi. Chị đã làm tôi thôi thúc, phấn khích thực sự. Chị bắt đầu lăn lộn với núi rừng, với bản, để tìm lại, giữ gìn, khôi phục và phát huy các giá trị văn hóa của người Thái từ khi nào?
+ Từ khi nào… Từ khi nào nhỉ? Quả thực, tôi cũng không nhớ từ khi nào một cách cụ thể. Nhưng chắc chắn một điều là từ rất nhiều kiếp trước rồi. Tôi nhận ra điều đó khi tôi tám tuổi, từ những người thầy và những giấc mơ của tôi. Điều đó khiến tôi khác biệt với mọi người trong gia đình và những đứa trẻ xung quanh.
Tôi sinh ra trong gia đình công nhân giao thông. Lúc bé, tôi hay nghe cha ngân nga câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Phu đường vất vả lắm ai ơi/ Dãi gió dầm mưa chẳng nghỉ ngơi/ Ngựa xe hành khách thường qua lại/ Biết cảm ơn anh được mấy người. Mở đường thì các cung bao giờ cũng ở nơi hoang vu. Vì vậy lũ chúng tôi lớn lên như thú hoang, cây núi. Đất đá dưới chân, trăng sao trên đầu, có lúc như bạn bè, có lúc như món đồ chơi thôi. Các cung giao thông thường đặt gần bản của một tộc người bản địa nào đó, để công nhân (người miền xuôi) được dân bản hướng dẫn kĩ năng hòa nhập, thích nghi với môi trường sống mới. Phần lớn những cung đường nhà tôi ở là gần bản của tộc người Thái. Đó có lẽ cũng là cơ duyên.
- Như vậy nghĩa là chị đã gắn bó và học kĩ năng sinh tồn ở núi rừng hoang vu ngay từ khi là một đứa trẻ? Và cùng với đó, văn hoá dân gian Thái đã ngấm vào chị?
+ Không thể phủ nhận, phần lớn kĩ năng sinh tồn ở môi trường rừng và những tri thức bản địa mà tôi có được là do tiếp nhận từ tộc người Thái. Phần còn lại tôi tiếp thu từ gia đình và những tộc người khác. Tôi được tiếp xúc và tiếp nhận điều đó một cách rất tự nhiên. Như là hít thở. Như là ăn, uống vậy. Người Thái rất thương trẻ con. Tôi nhập cuộc với lũ trẻ khá nhanh và được người lớn chỉ dạy để biết dần ra nhiều thứ. Biết để sinh tồn. Nhưng tất cả sẽ chỉ là như vậy nếu không có những câu chuyện đi kèm. Những câu chuyện này, với tôi là những hòn đá đánh ra lửa.
- Tôi đã nghe nói nhiều về việc lao động sản sinh ra văn hoá. Nhưng lúc này tôi đang háo hức với những đốm lửa mà chị có được. Chị có thể chia sẻ kĩ hơn về điều này?
+ Người già kể chuyện cho chúng tôi nghe lúc nghỉ ngơi trên lán nương, dưới bóng cây rừng già, trong hốc đá rừng thưa, bên bếp lửa nhà sàn, khi ngồi trên bãi chăn thả trâu, ngựa, khi chờ cá cắn câu bên suối. Dòng suối cũng là lớp học. Ở đây, chúng tôi được dạy đàn bà không được tắm giặt bên trên đàn ông; thấy nước đang trong mà chuyển màu đục là lũ sắp về… Đi hái ngọn ban về nấu canh, hái hoa ban về đồ ăn thì các cụ kể Sự tích hoa ban (Khám bók ban). Khi bị muỗi đốt thì các cụ kể chuyện Anh chàng nghèo khổ giết muỗi thần (Ải khó khả nhúng Thớn)… Thấy cây tổ rồng thì các cụ kể Sự tích sao Hôm - sao Mai (Khun Lú - Náng Ủa)… Cứ thế, chúng tôi lớn lên bằng lúa gạo đồng mường, nước nguồn, nước mạch; khôn lên từ những “ngày xửa… ngày xưa…” Cứ thế, cả một miền văn hóa ngấm vào lũ trẻ chúng tôi khi nào không biết nữa. Trí tưởng tượng của tôi mặc sức hình dung và dạo chơi khắp mường trời, mường đất; dạo chơi khắp các cõi thần tiên, cõi ma quỷ và cõi người từ thuở hỗn độn đến các nền văn minh nảy nở rồi lụi tàn… Cứ như vậy, hạt giống văn hoá Thái nảy mầm bén rễ trong tâm thức, cảm xúc của tôi.
Bạn thấy đấy, qua cái lối dạy bảo này, thế hệ trước của người Thái đã không chỉ truyền dạy kĩ năng sinh tồn mà còn trao truyền cả một kho di sản văn hóa của tộc người cho thế hệ sau. Tôi nói thế có quá không?
- Đúng là vậy. Còn những hoạt động khác trong cộng đồng dân bản nữa. Chị đã được tiếp nhận thế nào và chúng có ảnh hưởng gì khiến chị dành cả cuộc đời mình để góp phần đắc lực vào công tác bảo tồn các di sản văn hóa ấy?
+ Ờ… đấy đấy. Tôi cứ hay mê mải sa đà thế mỗi khi nói về văn hóa Thái. Ngày đó, bản nào cũng có đội văn nghệ. Lần đầu tiên tôi được xem múa dân gian Thái là ở sân Bản Đán. Tiếng tính tẩu, tiếng chùm quả chuông ngân lên như giục giã, gọi mời. Người già, trẻ con ngồi chờ xem vòng quanh sân. Tôi khe khẽ len vào trong, ngồi bệt xuống đất. Tôi không nghe thấy gì ngoài tiếng nhạc, không thấy gì ngoài những chiếc nón Thái được gắn những mảnh gương nhỏ đang lấp loáng chuyển động dưới mặt trời. Trong đầu tôi lúc đó, mỗi chiếc nón như một mặt trời con. Các cô, các chị là nữ thần. Những mặt trời con ấy chuyển động khi nhanh, khi chậm, theo tiếng nhạc; khi nghiêng, khi ngửa, khi cúp chụm, khi mở xòe, khi xếp thành bông hoa, khi ghép thành trái núi. Tôi mê nhất là điệu múa khăn. Dải khăn lụa xanh, hồng, tím, đỏ, vàng mềm mại vắt hờ trên bờ vai của các cô, các chị như dải mây vắt trên vai núi. Múa dân gian Thái còn rất nhiều điệu. Và đương nhiên cũng có nhiều câu chuyện về nó rồi.
Miền văn hóa Thái, nếu bạn đã có chìa khóa mật mã rồi, chỉ cần đưa ra một chủ đề từ một đến năm từ thôi, thì cả ngày cũng không nói hết ý và nghĩa của nó. Tôi ví dụ hai từ xai pénh (pánh) - Dây thương, xai chaư - Dây tim trong dân ca Thái. Khi bày tỏ tình cảm với một cô gái, chàng trai Thái sẽ ôm tính tẩu (đàn bầu) hát ngày này qua đêm khác. Hết mùa hội mới ngưng. Trong một số bài dân ca có câu: Dây thương của anh ơi/ Dây tim của anh à. So với ngôn ngữ Kinh, tâm lí, kiểu cách yêu đương Kinh, hình tượng mang tính biểu tượng yêu đương Kinh… thì hai câu hát này nghe sến sến. Đúng không? Nhưng, nếu bạn biết tiếng Thái, biết âm điệu và giai điệu thể hiện của các làn điệu dân ca Thái, biết hình ảnh dây thương, dây tim là biểu trưng tột đỉnh của cảm xúc yêu đương trai gái Thái… thì bạn sẽ thấy không sến tẹo nào. Lời yêu thương ấy, niềm khát khao ấy ngân lên tận trời. Nhưng có tới và ở lại trái tim cô gái không thì chỉ có trời biết. Trời biết trời có nói không thì chỉ có Me Bảu (bà mụ) biết. Me Bảu biết Me Bảu có nói không thì từ từ để Me Bảu đi hỏi hai vị thần phụ trách việc thả các cặp đôi linh hồn xuống trần gian xem có sự nhầm lẫn gì không đã. Nếu không có sự nhầm lẫn gì thì lại chờ hai vị thần đi hỏi hơn một trăm vị thần chủ cai quản hơn một trăm mường bản khắp bầu trời xem có thấy hồn hai đứa trẻ này đi cùng nhau đến tận tu nhả - tu đin (cổng cỏ - cổng đất) không hay lạc mất nhau trên đường trời rồi. Nếu lạc thì lạc ở đâu? Ở bến sông Ngân Hà (Nặm Ta Khái) hay ở sân chơi rộng của trai gái Mường Trời (Khuống luông khuống báo xao Mướng Phạ)? Trường hợp cả hai linh hồn đã nắm tay nhau qua tu nhả - tu đin rồi thì ổn. Tình yêu của chàng trai sẽ được cô gái chấp nhận. Nếu không thì là do chuyện của Mướng Phiêng - Mường Đất Bằng (trái đất)… Đó là tôi mới vắn tắt một dòng bé tí bằng râu con kiến bống cho bạn nghe đấy thôi. Quá trình “phá án” này không gọn gàng thế đâu.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Đỗ Thị Tấc đang dạy cho trẻ con về cây đàn tính tẩu.
- Thật thú vị. Vậy dây tim và dây thương có ý nghĩa cụ thể như thế nào, thưa chị? Và tính tẩu là đàn bầu chứ không phải là đàn tính như nhiều người vẫn mặc định sao?
+ Tính tẩu của người Thái bị mọi người quen gọi bừa là đàn tính. Tôi nói gọi bừa vì tiếng Thái “tính” nghĩa là “đàn”, “tẩu” nghĩa là “bầu”, tính tẩu là chiếc đàn mà bầu của nó được làm bằng quả bầu. Vậy mà gọi nó nửa Kinh, nửa Thái “đàn tính” thành ra là… “đàn đàn”. Có một nhạc cụ là đàn đàn sao? Thật buồn cười. Vậy mà, có hẳn một liên hoan cấp quốc gia - Liên hoan hát then - đàn tính cơ đấy.
Số dây của tính tẩu tùy vùng, có vùng hai dây như Mường Tso, Mường Lay; có vùng ba dây như Mường Than. Trong một số bài dân ca Thái, chàng trai gọi dây đàn của mình là dây thương (xai pánh), dây tim (xai chaư). Bạn nên hiểu, nghĩa đủ của nó là “sợi dây mang tất cả mọi yêu thương của anh kiếp này”. Tiếng đàn là tiếng lòng đang dâng tràn thương yêu mà anh phải nén vào, se lại như sợi dây. Mà sợi dây lại vô hình nữa chứ. Vô hình thì ai nắm giữ được. Nó mang sự mãnh liệt của con ngựa bất kham. Nó có thể hí vang trời. Nó có thể xé gió phi nát cỏ đồi nương. Sợi dây tình anh, sợi dây thương nhớ của lòng anh đây. Em là chủ nhân của nó đấy. Em có hiểu không? Còn dây tim... Bạn đã nhìn thấy dây tim bao giờ chưa? Không bao giờ đâu. Sợi dây này chỉ ai tạo ra nó mới nhìn thấy thôi.
Với bốn từ trong thành ngữ Thái - Hệt cứn (cốn, cun) chếp chaư, nếu dịch từ thì là Làm người đau tim. Bệnh nhân à? Không phải đâu. Đây là người mà nếu tôi gặp tai họa thì tim người ấy đau. Và ngược lại, người ấy có làm sao thì tim tôi cũng đau lắm. Người Thái giới thiệu ai đó là hệt cứn chếp chaư nghĩa là họ nói đây là tri kỉ của tôi.
Kho tàng di sản văn hóa, văn nghệ dân gian của người Thái vô cùng đồ sộ. Một tộc người sản sinh ra nền văn minh thung lũng trong đó có nền văn hóa lúa nước mang đặc tính của thung lũng miền núi thì hẳn là cái di sản văn hóa của tộc người ấy phải vĩ đại lắm chứ. Đúng không? Tôi không có ý cho rằng di sản văn hóa của các tộc người khác không vĩ đại. Nhưng câu chuyện hôm nay của chúng ta nói về văn hóa Thái mà.
- Vậy gia tài đến nay mà chị có được trong quá trình nghiên cứu, tìm lại, giữ gìn, khôi phục và phát huy văn hóa Thái là những gì?
+ Chữ “gia tài” ở đây là gì? Là những công trình nghiên cứu; những cuốn sách giới thiệu tư liệu sưu tầm; những bộ phim giới thiệu về văn hóa, văn nghệ dân gian; những lớp truyền dạy các di sản văn hóa, văn nghệ dân gian Thái; những giải thưởng...? Nếu như vậy, thì cho phép tôi không kể ra đây. Gia tài? Tôi chẳng có gì. Những gì tôi có mà nhìn thấy được đều thuộc về văn hóa Thái, thuộc về người Thái. Thứ tôi có cho mình là nguồn sữa của người mẹ có tên văn hóa Thái. Nguồn sữa ấy đã dưỡng nuôi ngọn lửa sáng tạo và đam mê của tôi cháy mãi. Nguồn sữa ấy đã cho tôi dù sống một ngày trên trái đất thì đôi chân cũng biết chọn đi trên con đường tự do, bằng bước đi tự tại. Nguồn sữa ấy đã cho tôi sự tỉnh thức để trao và nhận tình yêu thương. Gần gũi và ấm áp nhất là, trong hành trình tìm về nguồn cội văn hóa Thái, tôi đã có được cho mình những người cha, người mẹ, người anh, người chị, người em và những người con nuôi luôn đồng hành, yêu thương, chia sẻ cùng tôi trong công việc cũng như mọi vui, buồn cuộc sống. Như thế đã là quá nhiều rồi, phải không?
- Để có được những điều đó chị đã phải trải qua những gì? Chắc hẳn là không dễ dàng rồi, nhưng cụ thể thì thật khó hình dung. Chị có thể chia sẻ những kỉ niệm đáng nhớ của mình trong hành trình ấy?
+ Câu hỏi này của bạn gợi tôi nhớ hai câu thơ của nhà thơ Xuân Hoàng: Tôi đã đi, đã gặp, đã vui cười/ Đã giận dữ, đã đau buồn, đã khóc. Biết nói gì với bạn bây giờ. Kỉ niệm của một đời đam mê thì nhiều lắm. Mà kỉ niệm nào cũng khó quên.
Năm 1991, dành dụm được một ít tiền, tôi nghỉ phép về bản Phay Cát, xã Khổng Lào, huyện Phong Thổ sưu tầm, phục dựng đồng dao và trò chơi dân gian. Thời điểm này vừa xảy ra trận lũ quét xóa sổ cả cánh đồng rộng lớn. Mất mùa, dân bản mải lo kiếm cái ăn không ai còn thời gian, sức lực để giúp tôi. May có ông Vương Văn Thầu, một người giỏi đàn, hát dân ca mà tôi mới quen đã tự nguyện, nhiệt tình giúp tôi. Ông huy động tất cả cháu chắt nội ngoại trong nhà và trẻ em trong bản tham gia lớp học. Một mình ông truyền dạy phục dựng được 22 trò chơi dân gian và bài hát đồng dao. Thỉnh thoảng các bà, các chị cũng tranh thủ tham gia truyền dạy cùng ông.
Một buổi chiều, tôi và ông ngồi ghi chép và dịch bài hát đồng dao trên lan can nhà sàn. Vô tình nhìn xuống khoảng sân phía dưới tôi thấy một bé gái vừa thái chuối vừa khóc. Ông Thầu cho tôi biết cô bé tên Quỳnh, nhà rất hoàn cảnh. Mẹ bệnh tim, bố bị thần kinh tọa nặng. Nó học lớp ba. Cả tuần nay phải nghỉ học cùng mẹ lên rừng tìm cái ăn. Nó khóc vì muốn đi học. Tôi lặng người nhớ về tuổi thơ cơ cực và nỗi khát khao học hành của mình. Những ngày ở bản, tối nào tôi cũng đến nhà Quỳnh làm quen. Trước khi rời bản, tôi nói bố mẹ Quỳnh làm lý bàn thờ cho tôi làm ý liệng (mẹ phúc) của Quỳnh và đề nghị gia đình cho Quỳnh đi học. Tôi về sẽ thu xếp hỗ trợ gia đình qua cái nạn này. Chi phí học hằng năm của Quỳnh tôi lo. Gia đình đồng ý. Thế là tôi được có một đứa con. Bây giờ Quỳnh đang làm giáo viên, chồng làm bộ đội ở Mường Lay. Quỳnh là đứa con hiểu chuyện và thương tôi lắm.
Cảm động, trân trọng tấm lòng của ông Thầu trong việc bảo tồn các di sản văn hóa Thái, tôi viết một ghi chép kèm theo ảnh ông đang truyền dạy trò chơi dân gian gửi Báo Lai Châu. Báo đăng, tôi mang về bản động viên ông thì ông đã đột quỵ qua đời trước đó một tháng. Vậy là lời nguyện cùng nhau truyền dạy, bảo tồn cùng với biết bao di sản văn hóa Thái mà ông đang cất giữ trong đầu, trong tim đã theo lên Mường Then mất rồi.
Năm 2007, xin Quỹ Ford được chút kinh phí, tôi về Mường Tso phục dựng Lễ hội Cốm (Pang Khẩu Mẩu). Lễ hội này được tổ chức để tạ ơn mẹ lúa (me khẩu). Lễ hội được phục dựng sau 60 năm gián đoạn nên Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể xã và nhân dân hào hứng chuẩn bị. Tôi không thể quên hình ảnh một bà cụ già dâng hai bàn tay chụm với một chút cốm cúi lạy khấn xin lộc mẹ lúa. Rồi cụ đưa cốm lên miệng móm mém vừa nhai vừa trào nước mắt. Tôi đến bên động viên và chúc cụ sống lâu để ăn được thêm nhiều mùa cốm. Đây là câu mà người Thái xưa thường chúc người già. Cụ nói với tôi: “Bà vui lắm rồi. Thời còn con gái, từ năm 15 tuổi, rằm tháng chín năm nào bà cũng được vợ tạo bản gọi đi hái lúa về làm cốm cúng mẹ lúa. Năm nào cũng được ăn Pang khẩu mẩu. 18 tuổi ăn cốm Pang lần cuối. Bây giờ hơn 80 lại được nghe tiếng toỏng loỏng, được ăn cốm hội thế này, phúc bà to lắm đấy. Tạ ơn mẹ lúa quá. Cám ơn con. Mẹ lúa sẽ ban phúc cho con sống lâu đấy. Mẹ lúa à, mẹ lúa ơi…”
- Từ đầu cuộc trò chuyện tôi chưa từng thấy chị nhắc đến những khó khăn, thử thách mà chị gặp phải trong quá trình nghiên cứu, phục dựng văn hoá Thái của mình. Tôi không nghĩ chị gặp toàn sự thuận lợi, nhất là trong bối cảnh con người đang có xu hướng vật chất hoá văn hoá.
+ Như bạn biết đấy, cuộc đời tôi là một hành trình khám phá, truyền cảm hứng, khơi gợi và đánh thức niềm tự hào của mọi người về văn hóa của một tộc người nào đó chứ không riêng tộc người Thái. Hành trình ấy, tôi thực hiện bằng tiền túi của mình. Vậy mà, không ít lần tôi gặp chuyện dở khóc, dở cười. Thường thì tôi phỏng vấn, ghi chép và ngồi dịch luôn cùng người cung cấp tư liệu. Vì có những từ cổ tôi không hiểu đúng nghĩa. Có lần, người cung cấp tư liệu yêu cầu tôi gửi thù lao trước. Tư liệu dịch xong tôi thấy nội dung có gì đó thiêu thiếu và đề nghị anh ta cố nhớ. Anh ta nói rằng chỉ biết thế thôi. Tôi trở về gia đình mà tôi nghỉ lại. Cậu chủ nhà nói với tôi: “Chị cứ cho thêm tiền nó đi. Mai lại có thêm mấy câu nữa thôi mà. Lần trước cán bộ văn hóa huyện về tìm hiểu, nó cũng làm như thế đấy.” Ngày mai, tôi làm theo lời cậu chủ nhà. Anh ta vui vẻ đọc vanh vách bốn câu còn thiếu cho tôi chép. Chia tay, tôi nói với anh ta: “Cái bài cúng mà anh vừa cung cấp cho tôi ấy là tài sản tổ tiên người Thái để lại. Tôi là người Kinh. Tôi phải bỏ tiền lương ra và đi bộ hơn 30 cây số đến đây để giữ lại tài sản ấy cho dân tộc anh. Vậy mà anh lại làm tiền tôi. Tổ tiên anh biết sẽ rất buồn đấy”.
Một thực tế buồn nữa mà tôi luôn nghĩ về nó. Bạn thử đến một mường, hỏi một trăm người độ tuổi từ 40 trở xuống câu hỏi: Anh, chị có biết chơi tính tẩu không, có thuộc bài dân ca nào không, có biết câu tục ngữ nào không, có biết câu chuyện Nàng Han không, có biết sự tích cây tính tẩu không…? Tôi cá với bạn, sẽ không đủ số ngón tay của hai bàn tay bạn người trả lời là có đâu. Họ không biết vì không được trao truyền. Họ không biết nên không mặn mà gì khi được yêu cầu tham gia hoạt động bảo tồn. Chẳng ai tha thiết đi bảo tồn cái thứ mà mình không biết hoặc biết lơ mơ. Dù ai có nói đó là tài sản tinh thần vô giá của cha ông họ.
Đúng như bạn nói, lối sống thực dụng coi trọng vật chất đã ảnh hưởng nhiều đến những quyết định và hành động của con người. Tôi không phê phán điều đó. Đó là thực trạng chung của cả nhân loại chứ không riêng gì người Thái. Ai cũng có quyền thụ hưởng thành quả của nền văn minh mà họ đang sống. Đó là quyền chính đáng. Tất cả những gì tôi làm, tôi nói chỉ mong dân bản, dân mường hiểu rằng: Nếu không còn văn hóa, linh hồn con người sẽ bơ vơ lắm trong chính ngôi nhà của mình. Nếu không còn văn hóa, con người sẽ biến thành kẻ ăn mày niềm tin. Nếu không có văn hóa, đến một ngày, con người sẽ chỉ là những con robot thôi.
- Tôi thực sự quan tâm và ngưỡng mộ công việc của chị, nhưng quả thực trong đầu tôi có trộm nghĩ, liệu có phải chị đang… đánh nhau với cối xay gió...
+ Cũng đã có lúc tôi nghĩ như bạn. Nhưng tôi không sống khác được đâu. Tôi nói với một trăm người, chỉ mong có được dăm ba người hiểu và cùng tôi hành động; tôi nói với một ngàn người, chỉ mong có mươi người hiểu và cùng tôi hành động. Thế đã là mãn nguyện rồi. Mà tôi nói bằng tiếng nói trái tim đấy. Bạn có nghĩ sẽ đến được trái tim không?
- Tôi luôn nghĩ, trong cái da diết, trập trùng, bí ẩn của đại ngàn kia dường như có điều gì đó khiến chị như người thợ săn say nghề mải miết đuổi theo tiếng hú của một con sói?
+ Tôi cũng không biết tôi săn sói hay sói săn tôi theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Một hành trình săn đuổi dài kiếp kiếp. Một hành trình săn đuổi không giết chóc. Một hành trình săn đuổi đầy thấu cảm. Tôi mang nỗi đau của con sói cô độc. Sói mang nỗi thất vọng về tôi. Tôi cũng đã gặp sói trong chuyến đi nghiên cứu ở Biên giới Việt - Lào. Tôi là người sống nương theo tự nhiên từ bé. Để nghiên cứu, tôi đọc, thậm chí là trải nghiệm nhiều tôn giáo. Nhưng cuối cùng thì tôi chỉ theo một đạo. Đạo “trời đất”. Đôi khi ngây ngô sa đà chốn thị thành, chẳng được mấy đỗi, nghe núi gọi, vậy là ngược đường sông đi tôi lại quay về. Đây chỉ là một thoáng tâm tư khi nói về sói thôi. Tôi vẫn tin vào điều thiện lành. Tôi vẫn yêu đời, yêu người lắm đấy.
- Say mê đến độ bán nhà, bán đất, nợ nần chồng chất để làm bảo tồn văn hóa, nhiều người nói chị… điên. Còn chị, chị lí giải sao về cái sự “điên” này?
+ Có người bạn vì thương mà mắng: “Điên nặng rồi…” Kể ra, đời tôi cũng lạ. Bé thì bị nghĩ là mộng du vì hay nói chuyện với cây cỏ, núi rừng... Lớn thì bị gán là khùng. Già thì bị mắng là điên. Cái sự điên của tôi chắc động tới trời, chạm đến lòng người. Vậy nên, sau khi mua đất làm một không gian văn hóa Thái nho nhỏ tôi luôn nhận được sự cổ vũ của bạn bè. Có cô bạn ở Hải Phòng còn “điên” hơn tôi khi cho tôi vay 500 triệu mà cô ấy định đổi xe để tôi mua và dựng cái nhà sàn đầu tiên. Khi tôi dựng nhà, cô ấy còn kéo một cô bạn ở Đại học Lâm nghiệp lên cổ vũ, lo bát đĩa, nuôi phục vụ ăn uống cho hơn bốn chục người dựng nhà. Vay không lãi, bây giờ vẫn chưa đòi mà số tiền vay còn tăng lên rồi. Tôi còn có những người em cho tôi vay ngân hàng lãi suất thấp. Quá hạn chưa trả được thì tìm cách vay - trả - vay cho hợp pháp. Đến kì trả gốc, bạn thân cả nước cho vay, đứa năm ba triệu, đứa chục, hai chục triệu. Nhà thơ Trần Đăng Khoa còn bảo: “50 năm nữa thím trả cho ta cũng được.” Nói vậy chứ, sau dăm năm bắn lương hưu qua thẻ trả dần cũng tàm tạm rồi. Có như vậy, tôi được chủ động hoàn thiện ước mơ của mình.
- Vậy là lâu nay chị vẫn đang một mình làm công việc bảo tồn văn hoá theo cách này sao? Các đơn vị, các cấp chính quyền sở tại thì thế nào ạ?
+ Thật vui là gần đây lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Than Uyên, rồi Đảng ủy, UBND xã Mường Cang - nơi tôi đặt bảo tàng - đã bắt đầu quan tâm. Dù chỉ là tinh thần thì tôi cũng mừng lắm lắm. Đặc biệt, năm học 2020 - 2021, lãnh đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện đã chủ động đến gặp và xin được đồng hành thực hiện kế hoạch bảo tồn, chương trình truyền dạy của tôi. Ban giám hiệu các trường và Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện đã cùng tôi và các nghệ nhân thành lập, duy trì hoạt động của Câu lạc bộ Bảo tồn âm nhạc, trò chơi dân gian và đồng dao dân tộc Thái tại các trường trên địa bàn toàn huyện. Vậy là tôi cùng các nghệ nhân thuộc bốn Câu lạc bộ Bảo tồn di sản văn hóa, văn nghệ dân gian dân tộc Thái xã Mường Cang thỏa nguyện truyền lửa của mình rồi. Tôi vui lắm. Cứ nghĩ hàng ngàn trẻ em được trao truyền di sản văn hóa của dân tộc mình, tôi lại bâng khuâng. Thật đấy. Cuối cùng thì ước mơ của tôi đã thành hiện thực.
Tại Bảo tàng, tôi vẫn duy trì kế hoạch hai tháng một lần mở lớp truyền dạy hoặc tổ chức nói chuyện về văn hóa, văn nghệ dân gian, tín ngưỡng và tâm linh dân tộc Thái.
- Vậy, kinh phí ở đâu để chị tổ chức tại Bảo tàng các sự kiện này? Còn kinh phí để chị và các nghệ nhân đi đến các trường truyền dạy?
+ Yên tâm, tôi có lương hưu và UBND huyện Than Uyên đã có chủ trương thành lập Câu lạc bộ cấp huyện để hỗ trợ công tác phí cho tôi và các nghệ nhân đi truyền dạy. Năm vừa rồi thì tạm bỏ tiền túi ra. Mấy ông bà già đùm đúm chở nhau xe máy đi dạy trẻ con. Già cũng hóa trẻ con, vui lắm. Lũ trẻ càng vui. Được điên như thế này, kiếp sau có được làm người tôi lại xin điên.
- Dường như với chị, việc xây dựng bảo tàng văn hoá vẫn chưa nói lên được điều gì, mà việc truyền dạy văn hoá mới là quan trọng. Chị đang không chọn cách cất giữ mọi thứ vào bảo tàng mà phải làm nó sống dậy trong từng mạch chảy của tâm hồn con người…
+ Đúng vậy, văn hóa phải có đời sống riêng của nó. Nó chỉ sống được ở môi trường mà nó sinh ra. Tôi luôn chủ trương phương pháp bảo tồn sống. Nghĩa là bảo tồn tại cộng đồng. Bảo tồn bằng cách người truyền cho người. Làm sao để mỗi thành viên trong cộng đồng là cái bảo tàng văn hóa của chính dân tộc mình. Ngay khi lập ra cái cơ sở gọi là bảo tàng tôi vẫn nói với bạn bè là tôi chỉ bảo tồn phi vật thể. Dù một ngày nào đó thiên tai ập đến khiến cái bảo tàng của tôi biến mất thì tôi cũng chẳng buồn. Chỉ cần những người được trao truyền, nắm giữ các di sản văn hóa vẫn sống. Thế là mục đích của tôi đã đạt được rồi. Họ mới chính là cái bảo tàng bền vững nhất. Cái bảo tàng của tôi chỉ là chỗ để tôi tập trung mọi người về truyền dạy thôi mà. Cũng như tôi, chỉ là người truyền lửa thôi. Có gì to tát đâu.
- Vâng, văn hoá dân gian chính là linh hồn và bản sắc riêng của mỗi dân tộc. Qua cuộc trò chuyện với chị tôi đã hiểu hơn về một vùng văn hoá đặc sắc. Cảm ơn chị đã dành cho VNQĐ cuộc trò chuyện thú vị và sâu sắc này. Hi vọng tới đây, với sự đồng hành của chính quyền, hành trình bảo tồn, phục dựng văn hoá dân gian Thái của chị sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn. Hẹn chị một chuyến “ngược ngàn” sớm nhất!
NGUYỄN THỊ KIM NHUNG
VNQD