VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này
NHÀ THƠ, NHÀ BÁO LỮ MAI

Tôi không tin một tác phẩm thiếu thực tế lại chạm được vào cảm xúc con người

Thứ Sáu, 18/06/2021 23:00

Sau những dự án về biển đảo với những ấn phẩm ra đời song hành cùng các hoạt động xã hội sôi nổi tri ân hậu phương của những người lính Trường Sa, nhà thơ nhà báo Lữ Mai lại tiếp tục đồng hành cùng những cựu chiến binh trong hành trình kiếm tìm đồng đội. Tri ân những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống nhưng không chỉ có tiếng bom đạn, không chỉ có đau thương mà còn có những cảm xúc ngậm ngùi, hoài niệm trên hành trình đưa hài cốt các anh về đất mẹ. Chư Tan Kra là địa danh đã đi vào lịch sử gắn với những cuộc chiến đẫm máu, nhưng Chư Tan Kra xuất hiện trong thơ Lữ Mai không chỉ là những trận đánh ác liệt, mà còn là một kỉ niệm, nơi tình đồng chí được tôn vinh và sống mãi. Chư Tan Kra mây trắng, tập trường ca mới nhất của chị vừa hoàn thành ngay lập tức đã tạo những hiệu ứng xã hội lan tỏa. Chị cho rằng, thực tế là điều kiện quan trọng để nảy sinh cảm xúc khi viết, chị không tin một tác phẩm thiếu thực tế sẽ chạm đến được cảm xúc của người đọc.

Chúc mừng chị với tập trường ca mới nhất Chư Tan Kra mây trắng vừa hoàn thành. Có vẻ như đó là một dự án hội tụ rất nhiều cơ duyên của chị?

Đề tài chiến tranh cách mạng và người lính luôn thường trực trong tôi. Có lẽ lí do đầu tiên bởi tôi là con của một người lính. Bố tôi là thương binh, trở về từ chiến trường Cam-pu-chia. Những câu chuyện kí ức, các chi tiết trong đời sống hằng ngày của bố tôi và đồng đội đã gieo vào tôi niềm cảm hứng sẻ chia và lưu giữ. Sau này, công việc viết văn, làm báo mang đến nhiều cơ hội để tôi được tiếp cận với đề tài ấy theo biên độ rộng hơn và mức độ sâu hơn.

Tôi có tiếp cận với nhiều gia đình liệt sĩ, có những người bạn thân là phóng viên và biên tập viên chương trình “Đi tìm đồng đội” nên câu chuyện về Chư Tan Kra là niềm yêu thương và thôi thúc mãnh liệt khiến tôi cầm bút.

Hình ảnh hơn 200 chàng trai Hà Nội đã tan vào mây trắng Chư Tan Kra gợi một cảm xúc thơ vô cùng bi tráng. Trường ca về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính, có lẽ đã có một mạch ngầm nào đó đã được khai thông để chị đến với đề tài vô cùng thiêng liêng nhưng cũng không hề dễ với người viết này?

Trận đánh Chư Tan Kra ám ảnh tôi với nhiều chi tiết, thông qua hồi ức của các Cựu chiến binh Trung đoàn 209. Những người lính nhập ngũ mới mười tám, đôi mươi đánh trận đầu đời và vĩnh viễn không về nữa. Có rất nhiều người lính đã bị quân địch đốt, thu gom và vùi lấp dưới mộ tập thể. Giữa chốn rừng núi hiểm trở, việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ là vô cùng khó khăn. Nếu không phải chính những đồng đội từng chiến đấu ở đó, cùng sự kết hợp tài liệu phía ta, phía Mĩ thì rất khó khả quan.

Vậy mà các cựu chiến binh Chư Tan Kra hơn 10 năm qua đã đi tìm đồng đội, tiết kiệm từng đồng lương hưu, chia nhau từng chút lương khô và nước uống. Ngoài các cựu chiến binh, cuộc kiếm tìm nay được mở rộng hơn. Nhiều bạn trẻ đã lên đường, một số cựu binh Mĩ từ ám ảnh chiến tranh đã trở lại chiến trường xưa cùng với tài liệu, kí ức, chia sẻ cùng công cuộc tìm kiếm hài cốt các anh hùng liệt sĩ Việt Nam.

Theo quan sát của tôi, khoảng 5 năm trở lại đây, đã có những thước phim tài liệu, những bài báo viết về Chư Tan Kra. Riêng văn chương, nhất là thơ thì chưa. Đây cũng là một trong những lí do mang đến cho tôi cảm giác còn mắc nợ người nằm xuống cho mình được sống cuộc sống bình yên.

Trường ca Chư Tan Kra mây trắng của nhà thơ, nhà báo Lữ Mai.

Được biết, sau tản văn Nơi đầu sóng và kí sự Mắt trùng khơi, Ngang qua bình minh là tác phẩm đầu tay chị viết theo thể loại trường ca. Chị có thể chia sẻ cảm xúc cũng như mong muốn chị đặt vào đứa con tinh thần này được không?

Ngang qua bình minh hình thành sau chuyến đi Trường Sa của tôi, năm 2019. Trong tác phẩm này, tôi chọn hình tượng người thủy thủ làm nhiệm vụ trên chuyến tàu canh giữ biển trời Tổ quốc. Những chuyến tàu cũng chính là sợi dây nối gần khoảng cách đất liền với đảo xa. Hình tượng thủy thủ được tôi xây dựng là một người con sinh ra ở núi rừng, chưa từng đi tới biển, biển chỉ hiện hữu trong giấc mơ, nhưng sau này khát vọng và cuộc đời thanh xuân lại thuộc về biển, đảo.

Câu chuyện bắt nguồn từ quan sát thực tế của tôi trong chuyến công tác Trường Sa. Có rất nhiều người lính sinh ra, lớn lên ở vùng miền không có biển: Tây Nguyên, Tây Bắc, vùng trung du… nhưng ở tuổi đôi mươi, họ lấy biển làm nhà. Câu chuyện, hình ảnh cụ thể mang đến cho tôi nhiều rung cảm. Để tôi thấy Tổ quốc mình rộng dài, bao la và sâu nặng. Chính nhờ những khát vọng, tâm hồn thuần khiết, mạnh mẽ vươn khơi như thế.

Là một tác giả khá sung sức và từng thử bút ở nhiều mảng đề tài ở cả thơ và văn xuôi, chị nghĩ sao về câu nói của nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Sợ nhất những anh trẻ và lại tẻ nhạt”?

Tôi cũng không rõ nhà thơ Trần Đăng Khoa nói câu trên trong bối cảnh nào và tôi nghĩ bối cảnh cũng là yếu tố khá quan trọng bổ trợ vào ý nghĩa nội dung. Ở hướng nhìn độc lập, tôi nhớ tới câu thơ của Evghenhi Evtushenko: “Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời”. Mỗi người, dù năng lực, cá tính ra sao, khi đặt vào đúng công việc phù hợp có lẽ đều bật ra được giá trị.

Tất nhiên điều đó không đơn giản. Thế mới có người đi hết cả cuộc đời chợt vỡ lẽ về sự sai lầm, ngộ nhận. Để đi đến nhận thức, chúng ta cần thử sức, cần nỗ lực cho tới khi tìm ra kết quả, dù thành hay bại. Tôi cũng đã thất bại nhiều, nhưng luôn đặt mình vào trạng thái “trên đường” để tìm câu trả lời.

Chiến tranh, cách mạng và những người lính là một bức tranh khổng lồ được vẽ bởi nhiều nghệ sĩ của nhiều thời kì khác nhau với góc nhìn cũng như cảm xúc riêng của mỗi người. Vậy chị đã làm như thế nào để sáng tác của mình không bị hòa tan vào bức tranh chung ấy?

Đánh giá về một tác phẩm là quyền của độc giả và thuộc về độc giả. Tôi chưa rõ độc giả đánh giá thế nào về mình, họ cho rằng tôi bị hòa tan hay không… Có điều, khi sáng tác, tôi độc lập hoàn toàn trong suy nghĩ. Chỉ có tôi và tác phẩm. Tôi không âu lo, hoang mang; cũng không mường tượng mình phải nhận được gì sau khi viết.

Với từng tác phẩm, tôi luôn cố gắng thể hiện một cách gần gũi nhất với cá tính, tư duy, ngôn ngữ và cách kể chuyện của mình. Dù vậy, khi các tác phẩm được xuất bản, đọc kĩ lại, chưa bao giờ tôi hài lòng. Tôi luôn phát hiện ra những điều còn có thể chỉnh sửa, bổ sung…

Trường ca Chư Tan Kra mây trắng lấy cảm hứng từ câu chuyện về Trung đoàn mũ sắt - tên gọi quen thuộc của Trung đoàn 209, Sư đoàn 312, đây là lực lượng được tuyển chọn đặc biệt, nhiều đồng chí là người Hà Nội gốc. Sau thời gian luyện quân kĩ lưỡng ở Thái Nguyên, đánh trận giả ở Hòa Bình… đơn vị bộ binh này được trang bị quân trang, khí tài hiện đại nhất thời đó như mũ sắt của Liên Xô, áo Tô Châu của Trung Quốc… cũng là đơn vị đầu tiên được sử dụng B41 tại chiến trường để chuẩn bị hành quân vào Nam chiến đấu. Tất cả họ đều nhập ngũ cùng ngày 27/3/1967, đánh trận đầu tiên trong đời ở dãy núi Chư Tan Kra, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum ngày 26/3/1968. Trong trận đánh này, gần 200 chàng trai Hà Nội thuộc Trung đoàn mũ sắt đã chiến đấu quả cảm và anh dũng hi sinh trong cuộc giao tranh ác liệt với Mĩ tại điểm cao 995-996.

Hơn nửa thế kỉ trôi qua, những người lính may mắn được trở về sau cuộc chiến đã bước sang tuổi bảy mươi, vẫn trăn trở về những đồng đội còn nằm lại Chư Tan Kra. Vì thế, bắt đầu từ năm 2009, các cựu chiến binh đã mang theo nhiều tư liệu, quân trang, lương thực… để đi tìm hài cốt đồng đội.

Hơn 10 năm qua, hành trình thầm lặng của họ đã giúp cho “đường về nhà” của các liệt sĩ ngắn lại, nhiều gia đình đã tìm được người thân của mình. Đặc biệt, trong những chuyến đi ấy, nhiều ngôi mộ tập thể đã được tìm thấy. Những đóng góp thầm lặng của các Cựu chiến binh Trung đoàn mũ sắt đã được Đảng, Nhà nước và Quân đội ghi nhận.

Chư Tan Kra mây trắng có 6 chương, gồm: Chương I - Giấc mơ vụn; Chương II - Đỉnh gió; Chương III - Bên kia đại dương; Chương IV - Mẹ vẫn đợi con về; Chương V - Gửi hòa bình; Chương VI - MẸ.

Thường trong những sáng tác thơ văn, người ta đòi hỏi tác giả cần bám sát thực tế, tự bản thân trải nghiệm và nảy mực ngay trong hoàn cảnh ấy mới tạo nên được những tác phẩm để đời. Cũng có người cho rằng, văn chương thì cốt lõi nhất chỉ cần chạm tới cảm xúc của con người. Chị nghĩ như thế nào về những quan điểm đó trong những sáng tác của mình?
Tôi nghĩ cần hài hòa các yếu tố và thực ra các yếu tố mà chúng ta nghĩ là khác nhau đó lại không tồn tại độc lập mà luôn tương hỗ, tác động đến nhau. Thực tế là điều kiện quan trọng khi viết mọi thể loại. Cũng từ thực tế mới nảy ra cảm xúc, quyết định được cảm xúc thật và sâu đến mức nào. Tôi không tin một tác phẩm thiếu thực tế mà lại chạm được vào cảm xúc con người.

Chị Lữ Mai đánh giá như thế nào về quan điểm sáng tác nếu về biển đảo thì phải là tình yêu nước, nếu về người lính và cách mạng thì phải là sự hi sinh?

Đó là những giá trị cốt lõi, nhưng chưa phải là tất cả. Mỗi người viết sẽ có cách nhìn nhận, khai thác khác nhau cùng với một đề tài. Ví dụ cũng là sự hi sinh, nhưng bản thân mỗi người lính lại có cách hi sinh khác nhau. Đến tư thế hi sinh của họ còn khác biệt. Như trong trường ca Chư Tan Kra mây trắng, có liệt sĩ Tản bị bom vùi trong hầm cá nhân ở tư thế đứng và khi đồng đội tìm được hài cốt thì đó là khối đất đen dựng đứng hơn bốn mươi năm. Những người may mắn được trở về, họ cũng đã hi sinh đến tận bây giờ.

Mỗi người đều chịu di chứng chiến tranh, vết thương hành hạ, khủng hoảng tâm lí… Tôi nghĩ dù nỗ lực đến đâu thì người viết cũng rất khó khắc họa một cách đầy đủ, chân thực nhất nên ở chính những đề tài giống nhau thì đương nhiên sẽ có cách khai thác khác nhau, làm nên sự phong phú, sinh động và rung động.

Ngoài làm thơ viết văn chị còn là một nhà báo hoạt động tích cực. Chị nghĩ gì về vai trò của người làm báo trong xã hội hiện nay? Chị có nghĩ ở thời “báo chí công dân” hiện nay nhà báo và cơ quan báo chí sẽ dần mất đi vai trò vốn có trong lịch sử?

Bên cạnh nhiệm vụ chung, mỗi thời đại, giai đoạn thì báo chí có những biểu hiện khác nhau và tôi cho rằng đó cũng là tín hiệu cho sự thay đổi, phát triển. Để đi đến phát triển, hội nhập quốc tế, đương nhiên sẽ có thành tựu và hạn chế, thời nào cũng vậy. Tuy nhiên, ở góc độ người làm nghề, tôi thấy dù thời đại nào thì xã hội đều đòi hỏi nhà báo phải có năng lực tốt, đạo đức và khát vọng trong nghề nghiệp.

Đây là những điều cơ bản, nói cho nhau nghe thì rất dễ, nhưng thực hiện được đôi khi không đơn giản, nhất là trong xã hội hiện đại. Bối cảnh càng phức tạp càng cần tới bản lĩnh của con người. Mọi sự sai lầm, dù trong nghề báo hay nghề nào khác, đều không thể ngụy biện.

Họa sĩ Trần Đức Quyền vẽ minh họa cho tập trường ca "Chư Tan Kra mây trắng".  

Với các tác phẩm về người lính như Nơi đầu sóng, Mắt trùng khơi… chị đều giành một phần doanh thu từ phát hành sách để đồng hành cùng người lính và hậu phương. Còn với Chư Tan Kra mây trắng thì là hoạt động bán sách hỗ trợ những cựu chiến binh đi tìm đồng đội. Có vẻ như với mỗi tác phẩm chị đều muốn làm một điều gì đó thiết thực?

Đây là tập sách tôi tự túc in ấn và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ gia đình, đồng nghiệp, đặc biệt là các cựu chiến binh. Họa sĩ Trần Đức Quyền hỗ trợ vẽ tranh bìa và minh họa, nhà báo Khiếu Minh trình bày bìa… và rất nhiều sự chung tay chia sẻ khác mà tôi không thể kể hết. Sau khi sách được xuất bản, tôi có gửi tặng các Cựu chiến binh Chư Tan Kra một lượng sách để các bác đọc, tặng gia đình, đồng đội, bạn bè hoặc giữ làm kỉ niệm.

Ngoài ra, một lượng sách tôi gửi một số bạn bè gắn bó với chương trình “Đi tìm đồng đội” phát hành, toàn bộ kinh phí thu được chúng tôi sẽ công khai chi tiết và gửi tặng lại Ban Liên lạc Cựu chiến binh tìm liệt sĩ Sư đoàn 1 đang thực hiện công việc đi tìm đồng đội bởi vì hơn 10 năm nay, các Cựu chiến binh toàn tự bỏ kinh phí để đi tìm đồng đội của mình, điều đó khiến tôi rất xúc động và mong muốn được chia sẻ một phần nhỏ bé của mình. Tôi có xin phép các Cựu chiến binh và đã nhận được sự đồng ý.

Cám ơn những chia sẻ của chị!

Nhà thơ, nhà báo Lữ Mai sinh năm 1988 tại Thanh Hóa. Tốt nghiệp Khóa 10- Khoa Viết văn - Báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội.

Chị đã xuất bản các tác phẩm: Giấc (Tập thơ, Nxb Hội Nhà văn, 2010), Hà Nội không vội được đâu (Văn xuôi, Nxb Văn học, 2014, tái bản 2019), Mở mắt rồi mơ (Tập thơ Nxb Hội Nhà văn, 2015), Thời cách ngắn trống rỗng (Tập thơ, Nxb Hội Nhà văn, 2019), Linh hồ (Tập truyện ngắn, Nxb Văn học, 2019), Nơi đầu sóng (Tản văn, Nxb Văn học, 2019), Mắt trùng khơi (Tản văn, Nxb Văn học, 2019), Những mùa hoa còn lại (Tản văn, Nxb Quân đội Nhân dân), Ngang qua bình minh (Trường ca, Nxb Văn học, 2020), Chư Tan Kra mây trắng (Trường ca, Nxb Hội Nhà văn, 2021).

Chị cũng đã đoạt được một số giải thưởng văn học, đặc biệt là cho các sáng tác về người lính.
Hiện chị công tác tại báo Nhân dân.

NHƯ QUỲNH thực hiện

 

 

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)