VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này
NHÀ THƠ NGUYỄN QUANG HƯNG

Văn nghệ sĩ phải có trách nhiệm với thời cuộc

Thứ Hai, 28/06/2021 11:25

Là nhà thơ sung sức trong sáng tác, những tác phẩm gần đây của Nguyễn Quang Hưng luôn bám sát thời cuộc cũng như những vấn đề nóng bỏng của đời sống. Tháng 4 năm nay anh cho ra mắt tập thơ Mùa biến ảo, sau tập thơ Mùa biến động được in và phát hành năm trước. Hai tập thơ liên tiếp thể hiện những cảm nhận, suy nghiệm về nhiều biến động của đời sống có ảnh hưởng đến cộng đồng, như đại dịch Covid-19 hay bão lụt miền Trung, cho thấy một thái độ của người viết trước thời cuộc. VNQĐ đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ Nguyễn Quang Hưng xoay quanh hai tác phẩm này, cùng những quan điểm của anh về văn chương trong sự đồng hành với những hiện trạng lớn của đất nước.

ĐỜI SỐNG DẠY TA CÁCH NÓI RẤT HAY VỀ CHÍNH NÓ

Chào nhà thơ Nguyễn Quang Hưng! Được biết anh vừa ra mắt tập thơ Mùa biến ảo ngay trong những ngày dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Cái tên Mùa biến ảo gợi cho người đọc về sự tiếp nối của Mùa biến động đã ra mắt vào tháng 8 năm 2020. Nhiều bài thơ trong đó đều được anh viết trong khoảng thời gian đại dịch Covid-19 đang bùng phát căng thẳng. Hẳn phải có một lí do cho điều này?

Mùa biến độngMùa biến ảo có thể coi là bộ đôi, có những nét tương đồng về thời điểm, hoàn cảnh ra đời cũng như là lí do, cảm hứng sáng tác. Đó là, bối cảnh dịch bệnh tấn công, đời sống người dân gặp nhiều sự cố, bất an và vất vả trong những cơn biến động. Và đó là cái cớ để tôi viết nên nhiều bài thơ trong hai tác phẩm này. Ngoài ra, tạo nên hai tập thơ đó, còn là những sáng tác ra đời trong cảm hứng về thời tiết cực đoan, nắng nóng, bão lụt, về những đổi thay chóng mặt của cuộc sống như đô thị hóa, ô nhiễm môi trường, suy thoái thiên nhiên, mai một các giá trị văn hóa... Trong hơn một năm rưỡi qua, nhiều cảm xúc của tôi đến từ những điều đó, tạo nên một trạng thái sáng tác thường xuyên, có khi liên tục và sôi nổi.

Hai tập thơ này, ngoài xuất phát điểm rất gần gũi và có những nét tương đồng, cùng nằm trong ý tưởng sáng tác về những vấn đề biến động, biến ảo, biến dị… của đời sống; cùng gợi ra theo cảm hứng về sự đe dọa của dịch bệnh, tự nhiên, của ngoại bang, của chính con người trong sự suy thoái văn hóa, suy thoái tâm hồn. Cũng như, hồi chiếu lại những lo lắng, hoang mang đó, là mong ước tôn trọng, bảo vệ, làm xanh tốt thiên nhiên, môi trường, những giá trị văn hóa và nhân phẩm tốt đẹp; lấy đó làm hành trang nhân văn trên con đường phát triển của mỗi người và cộng đồng.

Vậy Mùa biến ảo có gì khác biệt và đặc biệt so với Mùa biến động thưa anh?

Nhìn lại có thể thấy rằng trong Mùa biến động có cái nhìn phản ánh sự bề bộn, ngổn ngang và cấp bách của đời sống. Từ đó cảm thấy một sự bất ổn, bất an, một trạng thái sốc trước những tác động bất thường và dữ dội. Như dịch bệnh khiến con người ta phải xa nhau ra, phải sống một cách đề phòng, luôn luôn lo sợ về nguy cơ có thể bị lây nhiễm, bị cô đơn, bị suy tàn; có khi sự biến động làm người ta cảm thấy lâm vào hoảng loạn. Hay một số trạng thái khác như ô nhiễm, tắc đường, xây dựng chen chúc…, đều gợi lên sự va đập trong đời sống của chúng ta.

Mùa biến ảo có thể nói là bước tiếp nối của sự hoang mang, hoảng loạn để dẫn đến nhận ra. Tôi cảm nhận tiếp về tình hình, về bối cảnh để thấy đời sống với những yếu tố, trạng thái động đang chuyển sang ảo, từ va đập, từ xâm lấn đi đến những tình huống khó lường, khó nắm bắt.

Với Mùa biến động, để tạo nên không khí ngột ngạt, chen chúc với rất nhiều cái bất ổn, tôi sử dụng nhiều câu thơ dung lượng dài, dồn nén, đồng hiện và liên tưởng nhanh giữa các sự vật hiện tượng, nhiều đoạn không dùng dấu câu để thể hiện trạng thái bề bộn, dồn nén. Sang Mùa biến ảo, việc sử dụng câu chữ có sự co gọn để đi đến nhiều hình ảnh khái quát. Mùa biến động cho cảm giác viết một cách rất thoải, tràn chảy, còn Mùa biến ảo có xu hướng cô đúc, bật ra những nhận định, những sự nhận ra sau nhiều chứng kiến, trải nghiệm.

Tất nhiên đấy là chút cảm nhận về một số điểm khác nhau của cá nhân tác giả thôi. Còn thực tế khi đọc cả hai tập thơ, bạn đọc vẫn sẽ nhận ra những nét khác hoặc tương đồng nhất định. Hay những âm hưởng chung khi tôi hướng những tình cảm ngưỡng mộ, tôn kính trước thiên nhiên, văn hóa, truyền thống, trước những kí ức buồn vui trong đời sống gia đình, bản quán của mình.

Bộ đôi thơ "Mùa biến động" và "Mùa biến ảo" của Nguyễn Quang Hưng. 

Qua tập thơ, anh như thức tỉnh mọi người về trách nghiệm làm người trong mỗi giây phút sống của chính mình. Anh có nghĩ là những biến động lớn của xã hội chính là cơ hội tốt để mỗi nghệ sĩ chiêm nghiệm về mọi thứ, cũng là cơ hội để nhìn nhận và thay đổi?

Thực ra văn nghệ sĩ nói chung thì không thể tách rời cuộc sống. Thế nhưng việc khai thác thực tế, xây dựng ý tưởng rồi sáng tác thì mỗi người lại có cách thức khác nhau, cũng như trong quá trình sáng tạo có những kinh nghiệm, kĩ năng khác nhau. Tôi thấy có rất nhiều điều mà đời sống dạy cho ta nghệ thuật thể hiện, cho ta cách mà ta có thể nói rất hay về chính nó. Chính cái trực cảm của mình, cái cảm xúc mạnh mẽ trước hiện tượng, sự vật, sự việc đang nhìn thấy, diễn ra, chính sự trực tiếp và sống động của nó tác động mạnh mẽ đến tâm lí, thái độ của mình. Có điều, không tách rời đời sống, không phải là cứ lao vào quan sát rồi kể, tả, mô phỏng một cách nệ thực những cái mà ta thấy, ta nghe, ta nhớ mà chính là cần biết tái tạo đời sống trong sáng tạo của mình để từ hiện thực phản ánh, hiện thực được lấy làm ví dụ, ta vươn đến những ý tưởng, ý nghĩa khác nữa. Điều tôi muốn nói sâu hơn, xa hơn, là giữ và chăm lo, và trồng tỉa tiếp những giá trị tươi đẹp của đời sống. Và khi bạn đọc đến với những câu thơ của tôi thì hi vọng là cũng có thể cảm nhận về cách kể, cách nói của tôi về nhiều điều và từ nhiều điều đang diễn ra xung quanh chúng ta.

Tôi nghĩ, văn nghệ sĩ phải có trách nhiệm với thời cuộc bằng văn học nghệ thuật, và anh thực hiện trách nhiệm một cách nghệ thuật. Chính thời cuộc, chính đời sống này cung cấp cho ta nguyên liệu để sống, dữ liệu để ta tạo nên tác phẩm của mình. Kể lại câu chuyện đời sống, kể lại sự cấp bách này một cách nghệ thuật, khiến cho bạn đọc cũng cảm thấy cuộc sống đang xô đẩy, đang va đập, đang truy đuổi chúng ta cấp bách lắm, và con người phải điều chỉnh hành vi, điều chỉnh suy nghĩ, quan niệm để mọi thứ của chúng ta, xung quanh chúng ta tốt hơn, bền vững hơn.

NGHỆ THUẬT NÊN TÍCH CỰC ĐỒNG HÀNH CÙNG HIỆN THỰC

Trong năm 2020, Việt Nam ngoài chịu tác động chung của đại dịch Covid-19 thì người dân nhiều địa phương miền Trung còn chịu thiệt hại nặng nề của giông bão, lũ lụt. Hậu quả chúng ta gây ra từ lối sống tham lam, thiếu trách nhiệm của chính mình là những điều có thể nhìn thấy được, trong thực tế cuộc sống và qua nhiều bài thơ trong hai tập thơ của anh. Mong mỏi nào của anh được gửi vào đó?

Hiện tại năm nay chúng ta có một số cơn bão, và sắp tới, dự báo tiếp tục là một năm thời tiết bất thường. Năm nào cũng có nhiều cơn bão. Năm qua, có những bài thơ tôi viết trong đợt bão lũ ập đến miền Trung. Tôi viết trong cảm nhận về đời sống ngày càng nhiều tình thế cấp bách, như là nước ào về, dâng lên nhiều quá, liên tục quá. Thiên tai tấn công xen giữa hai đợt dịch lớn, dồn dập trong trong thời gian không dài, thậm chí chúng ta chứng kiến những nỗi đau lịch sử của những cơn bão lịch sử, vượt qua thiệt hại của những năm trước... Nhưng ta cũng nhận ra, gián tiếp, bồi thêm vào những mất mát, tổn thất là những gì, những ai? Trong tập thơ Mùa biến ảo, tôi có bài thơ Gián điệp Thủy tinh và những bài khác nữa, xoáy vào tình trạng phá rừng, san núi san đồi, làm biến dạng diện mạo và suy yếu sức chống chịu của thiên nhiên. Vậy thì, chính là chúng ta đã gây tai họa cho nhau chứ đâu chỉ là những cơn bão.

Tôi gợi đến suy nghĩ về việc sống hài hòa với thiên nhiên, giữ gìn thiên nhiên, môi trường để chống lại những nguy cơ mà thiên nhiên có thể nổi giận và đáp trả. Đó là trồng cây, trồng rừng, giữ môi trường sạch sẽ, trong lành, bảo vệ địa hình, không gian thiên nhiên. Nếu không chuẩn bị, vô trách nhiệm thì hậu quả thật ghê gớm. Truyền tải những điều đó, tôi sử dụng các biểu tượng, những chi tiết mà khi đọc có thể cảm thấy rùng mình. Như là cái người chạy trốn khi cây và đất sập xuống, nước ào lên, cho đến khi nhìn lại, thấy mỗi mình mình trên đỉnh ngọn đồi, xung quanh khô khốc, trơ trụi, trống vắng hết cả. Một mình khi đó thì làm gì đây! Tôi muốn nhấn mạnh để mọi người thấy rằng mọi thứ đang cấp tập quá, cấp bách quá, nguy nan quá, từ đó mà suy ngẫm nhiều hơn về hiện trạng và ít nhiều điều chỉnh bản thân mình.

"Khi có gì thôi thúc, khi nhận thấy có thể viết gì ngay, sáng tạo ngay từ thực tiễn sôi động đang ập vào trước mặt, thì tại sao lại chậm trễ, tại sao lại chối từ cảm xúc và ý thức công dân của chính bản thân mình".
- Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng -
Ảnh: Nguyễn Quang Hưng trong chuyến công tác tại Trường Sa. Anh là người luôn đề cao sự dấn thân vào đời sống ở người viết. 

Vâng! Nghệ thuật rất quý nếu nó đồng hành, sát cánh cùng cuộc sống. Thế văn nghệ sĩ trên mặt trận văn học nghệ thuật thì có cần chú trọng ở sự “ngay và luôn” trong sự đồng hành ấy không thưa anh?

Tôi đã có dịp chia sẻ với đồng nghiệp rằng tại sao phải đốc thúc mình sáng tác? Người sáng tạo tác phẩm vẫn phải nỗ lực để có những tác phẩm ngay trong bối cảnh xảy ra những biến cố, trong dịch bệnh, trong thiên tai, trong những thời điểm chúng ta đứng trước nguy cơ xâm lấn của các thế lực bên ngoài. Trong bối cảnh ấy, nhìn vào thực trạng và hành động một cách thiết thực, rõ ràng các công việc đi cứu người, đi khắc phục hậu quả, đi phục hồi những tổn thất đã chứ! Liệu văn học nghệ thuật có lên tiếng ngay không khi người dân phải có cơm ăn, nước uống, bánh mì, mì tôm, nước sạch đã, rồi các lực lượng chức năng phải khử trùng, làm sạch môi trường, rồi phát thuốc cho đồng bào đã. Còn văn thơ, tranh ảnh, bài hát, có thể ra đời sau đó, sau khi nghiền ngẫm để nói về thực trạng, thảm trạng, để tôn vinh những hành động đẹp, giá trị nhân văn. Tuy nhiên, khi có gì thôi thúc, khi nhận thấy có thể viết gì ngay, sáng tạo ngay từ thực tiễn sôi động đang ập vào trước mặt, thì tại sao lại chậm trễ, tại sao lại chối từ cảm xúc và ý thức công dân của chính bản thân mình. Và nữa, nếu những gì văn nghệ sĩ làm ra ngay trong bối cảnh ngặt nghèo của đời sống, trong tình thế quẫn bách của đồng bào, có thể góp phần thức tỉnh, thúc giục, kêu gọi mọi người nghĩ về, hướng đến, góp một phần sức lực với những gì đang nguy nan, thì rất nên chứ! Sự chân thành, nhiệt huyết và ý thức sáng tạo để phản ánh sinh động đời sống sẽ giúp ta nói sớm, nói cùng lúc, để cộng hưởng với hoàn cảnh.

CƠ HỘI ĐỂ MỖI NGƯỜI VIẾT ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO NGHỆ THUẬT 

Về việc làm nghề, anh có nghĩ mình là một nhà thơ thế sự không?

Nói chữ “thế sự”, chúng ta có thể liên tưởng đến việc nhà văn, nhà thơ có sự quan tâm, gắn bó, trăn trở với thế cuộc, và luôn ý thức về việc phản ánh, phân tích, biện giải về nó, cảnh báo về nó. Tôi nghĩ có lẽ không dễ định hình về mô hình nhà thơ, nhà văn thế sự hay không thế sự, bởi vì thực tế người sáng tác văn học nói chung phải bám sát vào đời sống và lấy đời sống làm môi trường để tạo dựng tác phẩm của mình. Trong tác phẩm của chúng ta, dù không muốn thì cũng mang cái bóng của đời sống. Và đời sống được biểu hiện như thế nào cho thấy mối quan tâm, sự thâm nhập của người cẩm bút ra sao. Tôi hướng tới vai trò của một văn nghệ sĩ quan tâm thường xuyên, trực tiếp và tích cực đến đời sống, có ý thức thể hiện, phản ánh thực tế đời sống bằng lăng kính nghệ thuật.

Suy ngẫm về mình có phải là một nhà thơ thế sự hay không, tôi nghĩ nó không quá cần thiết. Hoặc tôi cảm thấy mình không nghiêng hẳn về mục tiêu làm một nhà thơ thế sự. Hình như tôi thiên về hướng nội tâm, về những thể hiện mang nhiều chất trữ tình hơn. Có những thời điểm ta rất quan tâm đến thực trạng đời sống, xã hội, đến thời cuộc khi nó có những hiện tượng, vấn đề, những cơn biến động nào đó và mong muốn nói một điều gì. Nhưng cũng có khi ta lúng túng hoặc chưa nhận ra được, chưa phát hiện được điều gì độc đáo để nói trong sáng tác của mình. Như thế cũng là các trạng huống khác nhau trong đời sống, công việc của người cầm bút. Điều đáng có, nên có, là cái nhìn của mình, mục đích của mình khi viết để thỏa mãn mong muốn sáng tạo của mình, xa và rộng hơn, có thể phát đi những tín hiệu tích cực nhằm chia sẻ, thức tỉnh một điều gì đấy hay lan tỏa những cảm xúc chân thành đến mọi người, ít nhiều hướng nhau đến những suy nghĩ và hành động tử tế, đến cách sống văn hóa, văn minh hơn.

Tôi vẫn khích lệ bạn bè làm nghề viết, hãy quan tâm thể hiện đa dạng, mới mẻ, tìm những nét riêng hơn, khác hơn của mình khi suy nghiệm về đời sống. Đấy chính là những cách quan tâm đến thế sự và góp sức có trách nhiệm bằng ngòi bút vào thời cuộc.

Trong thời đời sống bị chiếm lĩnh bởi công nghệ thông tin và những tiện ích của các thiết bị điện tử như hiện nay, việc đọc sách cũng bị ảnh hưởng đáng kể, đặc biệt là việc đọc và cảm nhận thơ. Anh có thấy buồn vì điều này?

Trong những năm trở lại đây, sự mặn mà của công chúng nói chung đối với thơ có xu hướng giảm. Thơ là cái mà tác giả in nhiều nhưng cũng bị từ chối nhiều trong việc phát hành từ phía nhà xuất bản và mua từ phía bạn đọc. Tôi hiểu rằng, công chúng vẫn không quay lưng với thơ hay, thơ mới, thơ tích cực cách tân, sáng tạo. Tuy nhiên, có những khoảng cách, những rào cản khiến cho người viết, người đọc còn ít gặp nhau. Nhưng dù không được thuận lợi như vậy, các nhà thơ vẫn viết rất say mê, vẫn sử dụng thơ như một phương tiện để truyền tải tâm hồn, suy nghĩ của mình trước cuộc sống hiện tại và nói về những giá trị đẹp đẽ của con người, cuộc đời, văn hóa, thiên nhiên.

Bây giờ thì không chỉ in thơ trên những cuốn sách của mình nữa, hay các trang báo, mà mọi người tận dụng mạng xã hội, tận dụng không gian mạng để truyển tải các tác phẩm thơ của mình. Nhờ đó, sự đọc, thẩm định, sinh hoạt về thơ không còn giới hạn ở việc mua và đọc các ấn phẩm giấy, nó vẫn lan tỏa trong không gian dù nhiều khi cũng vẫn chịu sự chen chúc, hỗn tạp, nhưng vẫn đến được người đọc, đến được công chúng yêu thơ thông qua các hình thức tương tác, kết nối tiện lợi.

Một điều rất đáng quan tâm là chính các nhà thơ, những người sáng tác luôn cần ý thức nâng cao chất lượng tác phẩm của mình để nó trở thành những sản phẩm nghệ thuật tươi mới, đồng thời cũng là hàng hóa nghệ thuật cao cấp, có tác dụng thưởng thức, giá trị thẩm mĩ và giá trị kinh tế. Với bạn đọc nói chung thì mong rằng, cũng sẽ tôn trọng hơn, tìm tòi và cảm nhận sâu xa hơn đối với tinh hoa của những người viết, có những cảm nhận, những tương tác về mặt cảm xúc, nhận thức và cả về vật chất nữa, như việc mua những tập thơ chất lượng tốt, để hỗ trợ nhà thơ tiếp tục in ấn, phát hành những tập thơ mới, khác của mình.

Là Phó Ban Nhà văn Trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam, anh có cảm nhận gì về những sáng tác của người viết trẻ hiện nay? Họ đã thực sự nhập cuộc với những vấn đề nóng bỏng của đất nước hay chưa?

Về góc nhìn cá nhân thì tôi cũng khó có thể quan sát được rộng rãi, cho dù tôi cũng liên tục đón nhận, biên tập bài vở, tác phẩm của các bạn viết cho ấn phẩm của mình. Các bạn trẻ cầm bút hiện nay khá đông và đa dạng với những xu hướng nổi bật như tình yêu thương quê hương, người thân, tôn vinh các giá trị văn hóa, giá trị đời sống bền vững của quê hương, bản quán, giá trị nhân bản trong đạo đức, tình cảm, bản lĩnh của con người; hay có sự quan tâm thể hiện những tình cảnh xô bồ, ồn ào trong cuộc sống, những băn khoăn về nhân tình thế thái, về lẽ sống, cách sống, những câu chuyện liên quan đến vấn đề giới tính... Có những bạn viết về vấn đề bảo vệ biên cương, biển đảo, về người lính trong chiến tranh, trong đời sống hôm nay… Cá nhân tôi cảm thấy, sự bắt nhịp của người trẻ với những chuyển biến lớn của đất nước, của đời sống cộng đồng, đời sống chung chúng ta hôm nay thì còn hạn chế, còn thưa thoáng. Trước những biến động, những biến cố đang hiệu hữu hôm nay, sáng tác của bạn viết trẻ còn khiêm tốn và dường như hơi chậm nhịp.

Chúng ta nên nhìn nhận điều đó thế nào thưa anh?

Thực sự thì điều này cũng không hề dễ với thế hệ những người viết trẻ hay người cầm bút nói chung. Ý kiến, quan điểm của các bạn khác nhau, mối quan tâm của những người viết sẽ dành cho mảng đề tài quen thuộc, không gian và môi trường quen thuộc của mình, sở trường của cá nhân khác nhau, bên cạnh đó, một cá nhân tác giả cũng không dễ theo đuổi được nhiều đề tài cùng lúc.

Tôi mong các bạn viết trẻ sẽ lưu tâm đến những thực trạng chung, thực trạng lớn của đời sống chúng ta hơn. Đặc biệt là có sự mạnh bạo khai phá, sáng tạo từ những cái nổi cộm của thời cuộc. Tôi cũng mong các hội nghề nghiệp, các cơ quan báo chí, xuất bản quan tâm khích lệ, hỗ trợ các bạn trẻ trong việc tổ chức, tham dự các cuộc thi, vận động động sáng tác, trong việc in ấn, quảng bá, phát hành tác phẩm, tổ chức các hoạt động, sự kiện xung quanh các tác phẩm, tác giả trẻ.

Không ai mong muốn cuộc sống chúng ta xảy ra các biến cố ghê gớm để chúng ta lấy đó mà sáng tác. Nhưng khi chúng ta đã phải đối mặt thì đó là một cơ hội tốt để đồng hành với thời cuộc bằng tác phẩm, bằng sáng tạo và bứt phát cho ngòi bút của mình. Đó là một dịp sải cánh cho người viết, trong đó có người viết trẻ.

Cảm ơn những chia sẻ của anh!

Nguyễn Quang Hưng sinh năm 1980 tại Hà Đông, Hà Nội. Anh đã giành được một số giải thưởng văn học: Giải Nhì cuộc thi Thơ ca và nguồn cội (2006 – 2007), Giải Nhì cuộc thi thơ Tạp chí Văn nghệ Quân đội (2015 – 2016), Giải Khuyến khích Giải thưởng Văn học Nghệ thuật 5 năm, Bộ Quốc phòng (2014 – 2019), Giải Nhì Giải thưởng sáng tác về biên giới biển đảo giai đoạn từ 1974 đến nay của Hội Nhà văn Việt Nam.

Anh đã xuất bản các tác phẩm: Vườn ánh sáng (Thơ, Nxb Hội nhà văn, 2008); Mùa Vu Lan (Thơ, Nxb Hội Nhà văn, 2011); Tiếng hạc trong trăng (Kí chân dung, Nxb Thanh niên, 2011); Lòng ta chùa chiền (Thơ, Nxb Hội nhà văn, 2013); Chia ngũ cốc (Thơ, Nxb Hội nhà văn, 2015); Nước non mặt biển (Trường ca, Nxb Lao động, 2015); Năm tháng mặt người (Tản văn, Nxb Phụ nữ, 2016); Cột mốc trong người (Thơ, Nxb Quân đội nhân dân, 2017); Gió ngũ sắc (Thơ, Nxb Văn học, 2019); Nối những vệt không gian (Tản văn, Nxb Văn học, 2019); Mùa biến động (Thơ, Nxb Hội nhà văn, 2020); Mùa biến ảo (Thơ, Nxb Hội nhà văn, 2021).

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng hiện là Phó Trưởng ban Thời Nay - Ấn phẩm của Báo Nhân Dân

THU HƯỜNG thực hiện

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)