Chỉ sống 5 năm đời lính khi tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam tại chiến trường Campuchia, nhưng những năm tháng chiến trận ấy đã làm thay đổi cuộc đời nhà văn, nhà biên kịch Đoàn Tuấn. Một đêm của năm 1983, khi bước xuống ga Hàng Cỏ, run run cùng người bạn đồng ngũ bắt chiếc xích lô để về nhà ông mới tin mình còn sống. Đối diện với cái chết quá nhiều, bởi vậy, ông luôn giữ phong cách sống mộc mạc, trân quý tình cảm đồng đội, nâng niu những giá trị con người. Gần 40 năm trôi qua nhưng tâm thế của ông vẫn luôn hướng về những đồng đội năm xưa. Những trang viết của “người trở về” Đoàn Tuấn luôn có một sức nặng của lịch sử, của sự chân thực đến tàn khốc nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp của sự chắt lọc, những trang viết mang sức mạnh của chứng nhân. Chẳng có lấy một bức ảnh lưu lại khoảnh khắc thời chiến trận, nhưng trong ông là tầng tầng lớp lớp những câu chuyện phải kể lại, ông đã làm công việc ấy cần mẫn và luôn luôn chưa thấy hài lòng, bởi ngoài nghĩa vụ “sống để kể lại” thì ông còn là một nhà văn, nhà biên kịch đề cao các giá trị nghề nghiệp. Hồi ức của ông qua Mùa chinh chiến ấy, Mùa linh cảm như những hiện vật quý về tâm hồn người lính khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Ông bảo rằng, Sư đoàn 307 của ông có hai người cầm bút là ông và Lê Minh Quốc, nhưng có viết đến hết đời cũng không hết những câu chuyện của đơn vị mình, vì thế, chúng ta vẫn còn một kho tàng vô giá những câu chuyện chiến tranh không ai có thể kể hết... |
"Mùa chinh chiến ấy" do Nhà xuất bản Trẻ in và giới thiệu. Ảnh là bản in trong lần xuất bản đầu tiên, năm 2017. Ảnh: NXBT
Xin chào nhà văn, nhà biên kịch Đoàn Tuấn! Gần đây có rất nhiều nhật kí thời chiến của những người lính khác nhau được xuất bản và giới thiệu đến bạn đọc, bên cạnh đó là mảng sách hồi kí đậm chất văn học đã như một đối trọng với những tác phẩm hư cấu cùng đề tài. Ông nhìn nhận thế nào giữa sáng tác văn học về người lính bên cạnh những tư liệu chân thực ám ảnh và lay động về họ?
Ở đây có hai vấn đề. Thứ nhất, đó là mảng những nhà văn viết về người lính. Mảng thứ hai, đó là mảng chính những người lính viết về mình, về đơn vị mình. Trước đây, trong kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, bạn đọc thường chỉ đọc những cuốn sách do các nhà văn viết về người lính. Sau này, công chúng được đọc những tác phẩm do chính những người lính viết. Có gì khác nhau giữa nhà văn và người lính? Nhà văn chỉ nghe chuyện, nghe kể lại, rồi viết theo hình dung của mình. Còn người lính, họ trực tiếp cầm súng, trực tiếp chiến đấu, trực tiếp cận kề cái chết… Sức thuyết phục, độ tin cậy giữa hai mảng này do công chúng cảm nhận và đánh giá.
Khi đọc một số hồi ức của những người lính được xuất bản như Mùa chinh chiến ấy, Mùa linh cảm của ông hay Hồi ức lính của Vũ Công Chiến, Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 của Trần Mai Hạnh và một số cuốn khác, tôi thấy có những mảng hiện thực khác, dù khốc liệt nhưng chân thực và chạm đến tận cùng cảm xúc. Nó như một cánh cửa khác mở vào cuộc chiến khi chúng ta nhìn về nó. Tôi cứ hình dung mỗi tác giả, mỗi người cầm bút đi ra từ những cuộc chiến tranh như những sứ giả với trách nhiệm chứng nhân cuộc chiến ấy theo cách con người nhất, thậm chí là những người cầm chìa khóa bí mật của cuộc chiến. Ông nghĩ thế nào về điều này?
Tôi nghĩ, những người cầm súng chiến đấu, được trở về đã là niềm hạnh phúc. Và một hạnh phúc rất lớn nữa, đó là được cầm bút kể về đời lính của mình, của đồng đội mình. Và không những là hạnh phúc, mà còn là trách nhiệm, là số mệnh… Bởi thử lấy đơn vị tôi, cấp Sư đoàn làm ví dụ. Sư đoàn tôi có khoảng 10.000 người. Mỗi người có bao chuyện để kể. Mỗi lớp lính cũng có rất nhiều kỉ niệm, tâm sự… Nhưng sau khi giải ngũ, sư đoàn tôi chỉ có hai người cầm bút. Đó là nhà thơ Lê Minh Quốc và tôi. Mà hai chúng tôi chỉ ở một đơn vị nhỏ, cấp đại đội và tiểu đoàn. Nhưng chúng tôi viết suốt đời cũng chưa hết chuyện đơn vị mình. Điều đó chứng tỏ, chúng ta còn một kho tàng vô giá những câu chuyện chiến tranh mà không ai có thể kể hết. Tôi nhớ, ngày trước, khi nhà văn Nga I. Bondarev sang Việt Nam, ông hỏi nhà thơ Phạm Tiến Duật, cuộc kháng chiến chống Mĩ của các anh kéo dài bao nhiêu năm? Anh Duật trả lời, 30 năm . Ông Bondarev nói, cuộc chiến của chúng tôi chỉ kéo dài 4 năm mà tôi viết mãi không hết, chắc các đồng chí phải viết đến mấy đời! Vâng dù đó chỉ là so sánh thuần tuý về thời gian, song , điều quan trọng là, cách viết thế nào để cho mới là câu hỏi bí ẩn. “Mới” ở đây có nghĩa cách đặt vấn đề về tư tưởng, xây dựng cấu trúc, tìm kiếm giọng điệu v.v… Những yếu tố này đòi hỏi người cầm bút phải có thời gian nghiên cứu, tìm hiểu văn chương từ cổ chí kim… để tìm ra cái riêng của mình. Điều này đòi hỏi người viết có lòng dũng cảm. Có khi bỏ cả đời mình để tìm kiếm. Khó như lên trời.
Nhà văn, nhà biên kịch Đoàn Tuấn và nhà thơ Lê Minh Quốc là những người bạn chiến đấu cùng đơn vị, cũng là hai người lính theo nghiệp viết, hoạt động văn học nghệ thuật sau khi rời chiến trường trở về. Ảnh: TL
Mảng sách phi hư cấu trên thế giới gần đây đã được vinh danh ở những giải văn chương danh giá nhất, từ Svetlana Alexievich - Nobel văn chương 2015 với Chiến tranh không mang một khuôn mặt phụ nữ, Những nhân chứng cuối cùng, Những cậu bé kẽm đến Natascha Wodin với Người đến từ Mariupol vinh danh tại giải thưởng sách quốc gia của Đức gần đây đều là những tác phẩm phi hư cấu ám ảnh. Phải chăng có những điều phía trong mỗi cuộc chiến mà những tác giả hư cấu có nỗ lực đến thế nào cũng không thể chạm tới được?
Có hai mặt của câu hỏi này. Nhìn vào thực tế của chúng ta, các tác phẩm văn học - nghệ thuật luôn thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền là chủ yếu. Vì vậy, có một phần sự thật của chiến tranh, các nhà văn, nghệ sĩ không thể phản ánh hoặc, do thời gian cấp bách, họ chưa tìm ra cách thể hiện sao cho hợp lí nhất. Điều này chúng ta nên chấp nhận với thái độ trân trọng. Tôi có người bạn thân, tên là Nguyễn Lương, nhà ở phố cổ Hà Nội. Ngay đêm đầu tiên vào chiến trường, anh ấy đã hi sinh. Vì khi đứng gác trên chốt, anh ấy đã cẩn thận, rút chốt lựu đạn, cầm trong tay, đề phòng địch mò tới, ném luôn. Nhưng anh ấy buồn ngủ. Đứng tựa vách hào, thiếp đi lúc nào không biết. Trái lựu đạn rơi xuống chân. Và nổ. Anh ấy hi sinh. Tôi trở về, báo tin cho gia đình. Mẹ anh ấy đang ốm nặng. Tôi không thể kể sự thật về người con trai của mẹ , sự thật anh ấy đã chết thế nào. Tôi phải tìm cách nói khác.
Những tác phẩm mà anh nêu của nhà văn Belorusia Svetlana Alexievich, dù được giải Nobel, nhưng ở ngay đất nước mình, và ở Nga, tác giả này cũng không được hoan nghênh lắm. Dù người Nga có câu tục ngữ: “Giấy chịu đựng được tất cả” nhưng nhiều khi, chính tư tưởng và tâm hồn con người lại mong manh hơn tờ giấy. Tôi cũng công nhận ý kiến của anh, rằng tác giả có hư cấu đến đâu cũng khó chạm tới thực tế. Nhà văn không nên chủ quan. Biết một viết một. Nhà thơ B. Pasternak có câu thơ: “Tôi muốn sống ba trăm năm / Để nhìn đời từ mọi phía”. Sự thực cũng như sự hư cấu, cần được lật đi lật lại, ở nhiều thời điểm, nhiều hướng khác nhau, để tìm ra sự thuyết phục của vấn đề.
Ông có nói mỗi người lính như một cuốn sách mà do chiến tranh có thể cuốn sách ấy sẽ không bao giờ được mở ra. Chiến tranh, nó đã làm tổn thất cả những di sản tinh thần, đánh cắp những tâm hồn trong sáng và thiện lương của những cậu học trò đang ở ngưỡng cửa cuộc đời. Có phải vì thế mà những người trở về thường có tâm thế sống cả cho những người nằm xuống? Những ngày này chắc hẳn khiến ông nghĩ nhiều về những đồng đội đã không có may mắn trở về?
Bản thân tôi đã chôn cả một nghĩa trang đồng đội tôi ở Anlung Veng. Rồi năm sau, bốc mộ. Tôi cảm thấy rất tiếc. Họ trẻ, khoẻ, thông minh, dũng cảm… Bao nhiêu phẩm chất tốt đẹp có trong mỗi con người này. Vậy mà nằm trong đất. Không một lời trăn trối. Tôi luôn thấy họ hơn mình mọi mặt. Mỗi lần đặt họ vào lòng đất, tôi như bị môt cú đấm mạnh vào thẳng trái tim. Đau không ngủ nổi. Nếu không có họ ở những vị trí ấy, chắc tôi phải đảm nhiệm. Họ ở miền Bắc, miền Trung, miền Nam… Họ là nông dân, công nhân, sinh viên, người dân tộc thiểu số… Họ rất hay, rất tuyệt. Mỗi người là một cuốn sách rất hay. Nhưng hoá đất hết.
Dạo đó, tôi chỉ cảm nhận nỗi đau của người đồng đội. Sau này, lấy vợ, sinh con, nuôi con đến tuổi trưởng thành, mỗi lần đến thăm những gia đình liệt sĩ, tôi mới phần nào cảm nhận nỗi đau của người mẹ, người cha, người anh, người chị… Hàng chục ngàn đêm, mỗi người cha, người mẹ đó, thì thầm với con họ những gì? Nếu ai viết được, đó là một cuốn sách vĩ đại. Đó là Kinh Thánh, Kinh Phật của lòng người.
Nhà văn, nhà biên kịch Đoàn Tuấn (bên trái) cùng những người bạn Hà Nội trong bức ảnh tinh nghịch tại Công viên Lê Nin (nay là công viên Thống Nhất) trước khi nhập ngũ vào chiến trường. Chính bức ảnh này đã gợi ý để nhà thơ, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm viết câu chuyện về 4 chàng trai Hà Nội Hoàng - Thành - Thăng - Long lên đường ra trận và không trở về trong bộ phim điện ảnh "Mùi cỏ cháy" (Đạo diễn Hữu Mười). Ảnh: TL |
Chiến tranh đã để lại những di chứng về tinh thần, những vết sẹo trong tâm hồn người lính. Với ông thì sao, đối diện với sự khốc liệt của chiến tranh, phải chứng kiến những cái chết từ khi còn quá trẻ có là một thiệt thòi, mất mát? Những điều đó có khiến cuộc đời ông thay đổi theo một cách nào đó?
Chúng tôi sinh ra đất nước đã chia cắt. Ngay từ hồi nhỏ, bom đã rơi trên đầu, đã chứng kiến nhiều cái chết của những người cầm súng ngay trước cửa nhà mình, là bố bạn học của mình, thấy mọi chuyện qua đi, dịu dần. Và chúng tôi, khi trở về từ chiến trường, cho đến tận bây giờ, thỉnh thoảng, đang ngủ, cũng mơ thấy tiếng súng. Choàng tỉnh. Nhưng không hốt hoảng. Nhà thơ Lê Minh Quốc, ở Đà Nẵng đang ngủ, nghe tiếng súng lăn vội xuống gầm giường. Cả nhà cười. Thì ra, nhà đối diện đón dâu đốt pháo. Rồi cũng qua đi. Hoặc có người còn nặng hơn . Như anh Phạm Văn Hoà, đồng đội tôi ở Thanh Hoá, đêm đang ngủ trên giường tầng bằng sắt mơ thấy địch ném lựu đạn vào chốt anh giơ chân đạp trái lựu đạn ra, bỗng thấy đau nhói, thì ra, xương ống đồng đập vào thành sắt của giường. Gãy luôn. Đi viện. Băng bó. Chúng tôi hỏi thăm, anh Hoà cười vui. Chúng tôi cũng cười vui. Vì sao? Chúng tôi bảo vệ Tổ quốc mình. Bảo vệ lần nữa. Trong cả giấc mơ. Có sao đâu?
Tôi thì vẫn mơ thấy chiến tranh. Nhưng có những nỗi đau mà mình không biết làm cách nào chấm dứt. Đó là đồng đội tôi, họ hi sinh. Ngày tháng, địa điểm sờ sờ ra đấy, nhưng trong quá trình vận chuyển về nước, họ bị mất hết tên tuổi. Thành ra vô danh. Không tìm thấy hài cốt. Mỗi lần tôi đến, cha mẹ bạn lại ôm tôi khóc: “Sao cháu giống thằng H. nhà bác thế!”. Bố mẹ bạn mất rồi. Đó là điều ám ảnh. Tôi không chịu nổi.
Có vẻ như từ những năm tháng còn dầm mình trong cuộc chiến ông đã có ý thức ghi chép lại những mảng đời sống tươi ròng, thấm đẫm những hiện thực về cuộc chiến, về những con người trong chiến tranh. Trong ông đã tiềm ẩn một người viết hay chính những gì ông thấy ngoài chiến trận đã ám ảnh thôi thúc ông cầm bút?
Hồi nhỏ, có bao nhiêu tiền, tôi đều dành mua sách. Lớn lên, tôi chỉ thích nghiên cứu văn học. Đương nhiên, tôi rất thích viết. Toàn những chuyện lãng mạn. Tuổi trẻ mà. Nhưng khi đụng đầu với thực tế khốc liệt ở chiến trường, tôi thấy mình nên nghĩ khác. Và vẫn viết. Lúc đầu, viết giống người này, người kia. Nhưng sau này, được trải nghiệm trong môi trường văn học, nghệ thuật, tôi có ý thức, cần viết khác. Không những viết khác về câu chuyện, về nhân vật… mà còn khác về giọng điệu từng cuốn, khác về nhịp điệu câu văn… Viết về chính đồng đội mình. Nếu mình không viết, ai sẽ viết đây? Chẳng ai ép buộc mình. Tự mình phải ra lệnh cho mình. Như câu thơ Nga nổi tiếng, viết để: Không một ai bị lãng quên. Không điều gì bị quên lãng.
"Viết về chính đồng đội mình. Nếu mình không viết, ai sẽ viết đây? Chẳng ai ép buộc mình. Tự mình phải ra lệnh cho mình. Như câu thơ Nga nổi tiếng, viết để: Không một ai bị lãng quên. Không điều gì bị quên lãng”. - Nhà văn, nhà biên kịch Đoàn Tuấn - |
Mùa chinh chiến ấy dù tái hiện những hiện thực tàn khốc của chiến tranh với rất nhiều những cái chết thương tâm thì vẫn được gói ghém bởi những trang văn đẹp, ngay cả tên sách cũng rất thơ và đẹp. Chắc hẳn ông đã trăn trở nhiều về việc sẽ kể như thế nào về những tháng năm chiến trận và những người đồng đội gắn bó máu thịt với mình?
Viết là công việc rất khó. Càng ngày càng khó. Tôi viết cuốn này nhiều lần. Lúc đầu đọc lại, thấy chán. Vì nó giống những trang văn mà mình từng chán. Viết lần nữa. Vẫn chưa hài lòng. Có cảm giác, hình như, mình mới chỉ là người đứng ngoài đơn vị nhìn vào. Hoặc như một người khách, ngang qua. Viết làm sao, mình đứng ở trong câu chuyện, mà kể. Những cựu chiến binh chúng tôi thường ngồi kể lại chuyện cũ. Tôi thích nghe họ kể. Một hôm, tình cờ, tôi bỗng chộp được đúng giọng kể của những người lính. Mừng húm. Chà, cái giọng mà mình tìm kiếm bao ngày, đây rồi. Thế là viết một mạch. Viết ngày viết đêm. Đến nỗi dạ dày chảy máu. Chừng một tháng là xong cuốn Mùa chinh chiến ấy.
Tên sách cũng tình cờ. Một buổi sáng, ngồi uống trà, tôi nhìn ra cửa sổ. Đàn sáo bay về ăn trái chín. Nghe nhạc Hoàng Dương, bỗng đọng lại trong tâm hồn, nét nhạc “Mùa chinh chiến ấy”… (trong ca khúc Hướng về Hà Nội - PV) sao mà gợi, sao mà hợp với mình thế. Tôi chọn làm tên cuốn sách ngay. 10 năm trước đó, tôi đã viết cuốn Mùa linh cảm nhưng nhà xuất bản đề nghị đổi tên khác vì có một tập thơ của một nhà thơ có tên là Linh cảm. Họ sợ trùng. Mình đành chấp nhận. Nhưng lần tái bản, tôi đã yêu cầu nhà xuất bản in theo tên cũ.
Trong chiến tranh, ấn tượng nhất là cái chết. Đau đớn nhất là cái chết. Nhưng viết thế nào, kể thế nào để truyền được tinh thần lạc quan đến người đọc? Đó là những trải nghiệm tôi tiếp thu từ văn học dân gian, từ văn học Nga, từ điện ảnh Mĩ…
Một điều quan trọng nữa là, viết làm sao để người đọc tin được. Tin vào cái gì? Tin vào câu chuyện. Tin vào nhân vật. Người Nga có câu cửa miệng: “Vẻ đẹp của sự thật”. Chúng ta hay nói về tính này, tính nọ của văn chương, song tôi nghĩ, nếu bạn đọc không có lòng tin vào câu chuyện và nhân vật, thì nhà văn có thao tác đến giời cũng không cứu vãn nổi cuốn sách. Điều này, nhà văn Thạch Lam đã nói trong một bài viết từ năm 1942.
Có phải vì những trải nghiệm đời lính mà sau này, trong vai trò biên kịch, khá nhiều những kịch bản điện ảnh ông thực hiện là về đề tài chiến tranh cách mạng? Ông có nghĩ đến một kịch bản phim truyện về những người lính quân tình nguyện Việt Nam?
Thực ra, lúc đầu, khi viết kịch bản phim truyện, tôi thường viết về tình yêu. Chẳng hạn, phim Chiếc chìa khoá vàng mà đạo diễn Lê Hoàng làm, kịch bản ban đầu là Đi tìm chỗ ngủ tôi viết năm 1989. Câu chuyện về hai người yêu nhau, trước khi chia tay, họ muốn tìm một tổ ấm hạnh phúc. Nhưng rất khó. Tìm mãi. Đến lúc tìm được, thì bao ước mong, khát vọng, sức lực… đã hết. Song không được duyệt. Anh Lê Hoàng khôn ngoan, đẩy câu chuyện về thời chiến. Thế là Ok. Còn kịch bản Chuyện tình trong ngõ hẹp lúc đầu có tên là Ngõ đàn bà. Tôi viết năm 1990. Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân nhận làm. Một cái ngõ, sau chiến tranh, toàn đàn bà, già trẻ. Bỗng một anh đàn ông lạc vào. Thế là loạn cả lên. Nhưng lúc duyệt, người ta bảo cái tên kia “nhạy cảm quá”. Phải đổi tên mới cho ra. Giám đốc Hải Ninh thuyết phục. Mình phải đồng ý thôi.
Sau, tôi thấy, phim đặt hàng Nhà nước toàn về đề tài chiến tranh cách mạng. Tôi viết về đề tài đó. Những phim như Đường thư, Sống cùng lịch sử, Truyền thuyết về Quán Tiên… ra đời. Nhưng trong tôi vẫn có nỗi buồn. Đó là những khung cảnh chiến tranh, những con người, thiên nhiên… vẫn còn thiếu cái gì đó để mình có nhu cầu xem lại, nhu cầu ngẫm nghĩ lại… Còn về đề tài quân tình nguyện Việt Nam, tôi cảm thấy khó làm. Kinh phí? Không gian? Đia điểm? Vũ khí? Trang phục? Thời tiết? Rất nhiêu khê... Mặc dù có nhiều đạo diễn và hãng phim có thiện ý, song nó liên quan đến nhiều vấn đề. Ngay cả kịch bản Đường thư tôi viết về hai người đưa thư lên đơn vị tôi ở Campuchia đấy chứ. Chuyện có thật. Nhưng khi làm phim, họ lại chuyển về thời đánh Mĩ. Thôi, chuyện còn dài lắm. Mình nên biết cách chấp nhận. Nhưng trong tôi, vẫn còn nhiều ước mơ và hi vọng, để đồng đội mình, còn sống trở về, được mát lòng và những chiến binh, đã ngã xuống, được mát dạ.
Xin cám ơn ông! Và chúng ta hãy cùng hi vọng về những thước phim nghệ thuật xứng đáng tái hiện hình ảnh những người lính tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.
Nhà văn, nhà biên kịch Đoàn Tuấn nhận giải Văn học Sông Mekong tại Myanmar năm 2019. Ảnh: TGĐA Nhà văn, nhà biên kịch Đoàn Tuấn sinh năm 1959 tại Hà Nội. Sau khi từ chiến trường Campuchia trở về ông nhập học và tốt nghiệp Khoa Ngữ văn - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ngôi trường ông đã thi đỗ từ trước khi nhập ngũ. Sau đó ông tiếp tục học và tốt nghiệp Khoa Biên kịch - Trường Điện ảnh quốc gia Liên Xô (cũ) để trở thành nhà văn, nhà biên kịch điện ảnh. Đoàn Tuấn được biết đến với vai trò là tác giả các kịch bản phim truyện điện ảnh: Chiếc chìa khóa vàng, Chuyện tình trong ngõ hẹp, Đường thư, Sống cùng lịch sử, Truyền thuyết về Quán Tiên... Ở mảng văn học, ông là tác giả của các tập sách: Đất bên ngoài Tổ quốc (thơ), Những người không gặp nữa (bút kí), Mùa chinh chiến ấy, Mùa linh cảm (hồi kí), Một trăm ngày trước tuổi hai mươi (tiểu thuyết)... Đoàn Tuấn sáng tác từ khá sớm. Sau khi trở về từ chiến trường ông từng đoạt Giải Nhất cuộc thi thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1984. Mùa chinh chiến ấy được viết sau hơn ba mươi năm tác giả rời quân ngũ, được in và giới thiệu bởi Nhà xuất bản Trẻ. Ngay sau khi ra mắt, năm 2017, nó đã được đón nhận không chỉ bởi những đồng đội cùng chiến đấu năm xưa, trong các cựu chiến binh mà còn với đông đảo bạn đọc, đã được tái bản. Tác phẩm này cũng đã nhận được Giải A, Giải thưởng Báo chí - Văn học nghệ thuật 5 năm Bộ Quốc phòng (2014 – 2019). Mùa chinh chiến ấy cũng đã đoạt giải Văn học Sông Mekong năm 2019. |
NGUYỄN XUÂN THỦY thực hiện
VNQD