Dịch giả Châu Hải Đường
- Xin chào dịch giả Châu Hải Đường! Trên tay tôi là cuốn Cổ vận tân phong, hợp tuyển tác phẩm thơ của 12 tác giả Việt Nam đương đại trong và ngoài nước do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, vừa mới ra mắt công chúng. Trước hết, xin chúc mừng anh và nhóm tác giả vì đã hoàn thành một công trình trong tủ sách Văn sử tinh hoa. Nhân đây, anh có thể giúp độc giả của Văn nghệ Quân đội hiểu hơn về cuốn sách không?Chẳng hạn như thế nào là Cổ vận tân phong?
+ Xin cảm ơn anh đã đọc và dành sự quan tâm đến cuốn tuyển tập Cổ vận tân phong của nhóm 12 tác giả chúng tôi mà như tôi từng nói đùa rằng nó là cuốn sách “Ngược đường Trường Thi” (tên một tác phẩm của Nguyễn Triệu Luật), bởi vì giữa thời đại công nghệ này, các tác giả lại họp nhau cùng in ra một cuốn tuyển tập thơ từ không chỉ theo đúng thi luật - từ luật Đường Tống đã đành, mà còn quy định chỉ chọn những sáng tác bằng chữ Hán. Trong lời giới thiệu hay lời đề bạt trước sau, tên gọi cuốn sách cũng đã được giải thích nhiều lần, từ nhiều khía cạnh. Tôi chỉ xin phép nói thêm một chút khi chợt nhớ đến từ “phong vận” trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Theo đó thì “vận” nghĩa đen là vần điệu của ngôn ngữ, của thi ca, mà nghĩa bóng là vận vị ẩn sâu bên trong của một con người hay một sự vật; còn “phong” chính là phong thái, không khí toát ra từ con người, sự vật ấy. Cái gọi là “cổ vận” ở đây là các tác giả đã chú tâm sử dụng một thứ văn tự cổ, một lối thơ ca cổ, vận luật cổ với nhiều ngữ liệu cổ, để viết nên những tác phẩm có đầy đủ vận vị xưa một cách thành thục nhất. Thế nhưng, các tác phẩm ấy lại rất “mới” (tân) bởi trước hết đó là những tác phẩm của các tác giả đương thời, dẫu không thể nói là trẻ, nhưng đều là thế hệ 7x trở lại - thế hệ mà có lẽ ngay lớp cha chú của họ cũng đã xa lạ với nền Hán học từ lâu. Quan trọng hơn, đó là dưới cái vỏ văn tự và hình thức xưa cũ, các tác phẩm của họ dù ít hay nhiều đều thấp thoáng những hình ảnh mới, những tình huống mới, những cảnh ngộ mới mà trong thơ từ xưa không hề có.
- Trong cuốn sách này, ngôn ngữ, thi liệu, thi luật, từ điệu, điển cố điển tích, lối viết… đều thể hiện một không khí cổ điển, màu sắc cổ điển rất rõ. Có thể nói, người đọc được sống lại quang cảnh của một thời rất xưa. Thời đó, như chúng ta biết, kéo dài hàng ngàn năm, bao trùm toàn bộ khu vực Đông Á và Việt Nam. Phục hoạt không khí và cảnh quan cổ điển ấy, thông điệp của các anh gửi gắm trong đó là gì?
+ Đúng như anh đã nói, nước ta mới chỉ bãi bỏ hoàn toàn việc học hành thi cử bằng chữ Hán và chuyển hẳn sang sử dụng chữ Quốc ngữ từ một trăm năm nay mà thôi. Suốt hơn ngàn năm trước đó cha ông ta đã dùng chữ Hán, và muộn hơn chút thì có thêm chữ Nôm để ghi chép sách vở và sáng tác văn chương. Muốn tìm hiểu về truyền thống văn hóa lịch sử của dân tộc thì không thể bỏ qua việc tìm hiểu và nghiên cứu chữ Hán, chữ Nôm cũng như những hình thức thể loại văn chương xưa. Chính trong quá trình học tập ấy, nó như một lẽ tất nhiên thôi thúc người học tự viết ra những vần thơ, câu văn của riêng mình bằng vốn ngôn ngữ chữ nghĩa họ đã tích lũy được (Điều này không chỉ có với những người học chữ Hán chữ Nôm đâu, mà chắc hẳn anh cũng biết từ thời Pháp thuộc và ngay cả bây giờ, chúng ta đã có không ít tác giả sáng tác bằng các ngôn ngữ khác như tiếng Pháp hay tiếng Anh…). Đặc biệt từ khi có mạng internet, chúng tôi được tham khảo nhiều tư liệu hơn, liên kết được nhiều anh em bè bạn cùng sở thích hơn, thậm chí còn cùng nhau họa thơ, nối thơ, giao lưu với nhau bằng thơ, từ, mà nếu đọc trong sách, hẳn anh sẽ thấy, những bài thơ “họa vận”, “tục cú”, “phân vận”… không ít. Chính từ đó, chúng tôi chợt nảy ra ý nghĩ rằng nên lưu lại những cảm xúc, những tâm tư, những kỉ niệm ấy của mình bằng một vật có “hình tích” - chữ của Xuân Như một tác giả có mặt trong tập này, thì có lẽ sẽ hơn chăng. Ấy chính là ý tưởng khởi phát đầu tiên để chúng tôi làm cuốn sách này.
Cổ vận tân phong nằm trong một chu trình vận động chung của tất cả những “hồi cố văn hóa” chăng, tôi cũng không dám chắc. Nhưng khi chúng tôi, người bắt đầu muộn, người bắt đầu sớm, đều đã có lượng tác phẩm đủ để tuyển chọn cho cuốn sách ra đời thì cũng là lúc mà xã hội có nhiều sự tìm tòi quay trở về với văn hóa truyền thống: từ ẩm thực, lễ hội đến âm nhạc, từ trang phục đến kiến trúc… Mà, dễ nhận thấy nhất có thể nói là trào lưu tìm đến với cổ phục của nhiều bạn trẻ hiện nay. Tuy nhiên tôi phải khẳng định rằng, việc sáng tác thi từ chữ Hán của các tác giả ở đây không hẳn là theo trào lưu như thế, nó là một mạch ngầm luôn chảy, chỉ là có thể khi mạnh, khi yếu mà thôi. Chính vì vậy, tôi lại cũng lấy làm may khi cuốn sách ra đời trùng với trào lưu hồi cố văn hóa ấy, vì dẫu không tự xác định mục đích phải truyền đạt thông điệp gì, nhưng rõ ràng cuốn sách sẽ khiến độc giả - đặc biệt là các bạn trẻ đang muốn quay trở về với văn hóa dân tộc, hiểu rằng: việc tìm về với văn hóa truyền thống không chỉ nằm ở tòa kiến trúc, hay bộ quần áo khoác bên ngoài, mà quan trọng hơn chính là bạn cần hiểu rõ về văn hóa của người xưa từ sâu thẳm bên trong tâm hồn của họ.
- Tôi đọc cuốn sách và bắt gặp một số người quen, có người là bạn bè, đồng nghiệp từng ở một viện nghiên cứu trước đây, một số người khác ở các ngành không liên quan đến văn học (ngân hàng, xây dựng), có người ở nước ngoài… Điều gì đã kết nối họ trong một cuốn sách, điều gì đã đưa họ đến với cổ vận, thưa anh?
+ Trước hết phải xin thưa với anh rằng, số tác giả góp mặt trong cuốn Cổ vận tân phong lần này chắc chắn không phải là tất cả những người Việt Nam (cả trong và ngoài nước) hiện vẫn đang có những sáng tác thơ ca bằng chữ Hán đâu. Chúng tôi chưa có điều kiện và cũng không dám có tham vọng tập hợp được hết các tác giả như thế. Bởi, tất cả tác giả tham gia trong tuyển tập lần này, trước khi cùng góp mặt trong sách đều là những người bạn đã biết nhau, giao lưu với nhau từ lâu, dẫu mỗi người hoạt động trong một lĩnh vực khác nhau, từ kĩ sư, nhân viên ngân hàng, đến dịch giả, nhà nghiên cứu văn học, giảng viên Hán Nôm… Có người sống trong nước, cũng có người hiện sinh sống và làm việc ở nước ngoài - nơi có lẽ ngay cả tiếng Việt cũng ít được dùng chứ đừng nói đến Hán Nôm. Nhưng có một điểm chung đã kết nối chúng tôi lại với nhau trong cuốn sách này, đó chính là tình yêu với văn hóa truyền thống: từ học tập chữ Hán, đến nghiên tập thư pháp, triện khắc và sáng tác văn chương chữ Hán. Đó là tâm hồn đồng điệu, hay vận vị chung của họ, dẫu bề ngoài, vai trò của họ trên cuộc đời này khác nhau như thế.
- Nhìn lại, từ cuối thế kỉ XIX, ở Việt Nam, báo chí, chữ Quốc ngữ, nhà in, văn hóa Tây phương đã dần hình thành một nền văn học mới theo hướng hiện đại. Ai cũng xem đó là một “thắng lợi” của văn hóa hiện đại. Anh nghĩ sao khi mình và các tác giả trong cuốn sách này, dường như đã đứng ở “phe thất bại” từ lịch sử hơn 100 năm trước?
+ Thực sự tôi chưa từng nghĩ đến từ “thất bại” hay “chiến thắng” trong trường hợp này. Và có lẽ không chỉ tôi, mà cả các tác giả khác góp mặt trong cuốn Cổ vận tân phong, cũng không ai nghĩ đến điều ấy cả. Bởi đứng trước các câu chuyện văn hóa, nếu đặt ra vấn đề “chiến thắng” hay “thất bại”, thì chắc chắn nhiều người đang hoạt động trên các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật truyền thống khác (ví dụ ca trù, hát tuồng chẳng hạn…) đã “tháo chạy” từ lâu rồi. Với lĩnh vực văn học như anh vừa đề cập, tôi cho rằng mỗi loại hình văn tự, văn chương đều có một vai trò lịch sử, trong giai đoạn lịch sử nhất định. Giai đoạn sau kế thừa, phát huy và phát triển trên cơ sở của giai đoạn trước. Nhưng sự thay thế đó không thể hoàn toàn, vì vậy luôn có những người tìm tòi và say mê với những điều xưa cũ. Với tầm quan trọng và sự gắn bó mật thiết của chữ Hán, chữ Nôm với lịch sử văn hóa Việt Nam, không chỉ tôi và các tác giả trong cuốn sách này, sẽ tiếp tục còn nhiều thế hệ người Việt yêu văn hóa lịch sử học tập chữ Hán, chữ Nôm, sẽ vẫn còn những người sáng tác thi từ chữ Hán. Đó chính là tình yêu với văn hóa truyền thống, và tình yêu thì không bao giờ suy tính đến thất bại hay chiến thắng cả (cười)!
Trò chuyện cùng dịch giả Châu Hải Đường (trái)
- Cứ nhìn vào “khí thế” tranh luận hồi đầu thế kỉ XX trên báo chí và các diễn đàn học hội thì thắng bại cũng là điều không khó liên tưởng. Dẫu vậy, ta chỉ xem như cách nói hình ảnh thôi. Trở lại, giá thử, sống vào thời điểm diễn ra cuộc phân tranh mới - cũ ấy, anh sẽ lựa chọn bên nào hoặc ứng xử ra sao?
+ Dù thế nào thì tôi vẫn phải thừa nhận rằng, việc chuyển sang dùng chữ Quốc ngữ là một quyết định đúng đắn, nó đã giúp cho việc học tập dễ dàng hơn, ghi chép thuận lợi hơn và mặt bằng văn hóa chung của toàn dân được nâng cao. Chính ông nội tôi - là một người từng học chữ Hán và cũng là người đầu tiên học chữ Quốc ngữ ở làng, khi còn sống từng nhiều lần nói với tôi điều đó. Nếu là người sống ở giai đoạn ấy, tôi cũng ủng hộ việc này. Đương nhiên, một khi chữ Quốc ngữ đã được phổ biến, thì đi cùng với nó là một nền văn chương với các loại hình thơ văn tương ứng. Nếu lại là một người vừa biết chữ Hán, vừa biết chữ Quốc ngữ thì tôi nghĩ mình vẫn là mình như hiện nay thôi: vẫn sẽ muốn làm công việc là cầu nối giữa xưa và nay qua dịch thuật từ Hán, Nôm sang Quốc ngữ, như công việc của các dịch giả tiền bối Ngô Tất Tố, Nguyễn Đỗ Mục, Nguyễn Hữu Tiến… Còn với thi ca cũng vậy, tôi vẫn sẽ viết cả hai thể loại cổ điển và hiện đại, nếu muốn. Xin bật mí, tôi cũng từng có thơ in báo rồi đấy nhé! (cười).
- Trong rất nhiều tài liệu, khi nhắc đến cuộc phân tranh cựu học - tân học, mới - cũ, Á - Âu này, người ta đều chỉ ra những hạn chế của nền văn chương cũ: gò bó, chật hẹp bởi các khuôn khổ, luật lệ, lắm điển cố điển tích, xa rời với cảm quan và hơi thở đời sống. Là một tác giả góp mặt trong sách, một người thuộc về “cổ phong”, anh thấy điều đó có chính xác không?
+ Rõ ràng một nền văn chương viết bằng ngôn ngữ nói thông thường hàng ngày luôn gần gũi, dễ hiểu hơn. Ngay ở Trung Quốc từ rất sớm cũng đã có những tranh chấp giữa hai thể loại văn chương văn ngôn và bạch thoại. Còn ở nước ta, cha ông đã sáng tạo ra chữ Nôm để ghi lại lời ăn tiếng nói của dân tộc mình, đi cùng với đó là dịch hay diễn nôm các áng văn chương chữ Hán ra chữ Nôm, ví như bản diễn nôm Chinh phụ ngâm hay bản dịch Truyền kì mạn lục giải âm chẳng hạn. Điều ấy cho thấy từ lâu các bậc tiền nhân đã có nhu cầu tìm kiếm một nền văn chương dùng tiếng nói của dân tộc mình rồi. Chữ Quốc ngữ chỉ là giúp viết ra điều ấy một cách dễ dàng hơn mà thôi, không phải đến khi có chữ Quốc ngữ rồi chúng ta mới hiểu điều ấy, mới có văn chương viết bằng ngôn ngữ dân tộc. Tuy nhiên, phê phán về khuôn khổ, luật lệ (cách luật) hay điển cố, thì tôi không hoàn toàn đồng ý. Bởi vì những điều ấy thuộc về sở học, là những điều được dạy được học hay tự trau dồi. Ta cho là khó, chỉ bởi ta không học không tìm hiểu mà thôi. Ngay với văn chương hiện đại, nếu tác giả lại viết và dẫn dụng những câu chuyện điển cố không nhiều người biết, thì vẫn có thể rất khó hiểu. Cách luật cũng vậy, nó chỉ khó với ai không nắm rõ mà thôi. Còn phần nữa thì thuộc về phong cách thể loại và quan điểm từng thời từng người, chẳng hạn người xưa không hay nói thẳng trực tiếp vào vấn đề, hay mượn ý tứ xa xôi từ gió mây cây cỏ… Mà nếu nói vậy thì ngay cả ca dao, dân ca nơi thôn dã cũng như thế. Đứng trước các vấn đề của đời sống xã hội, từ Đỗ Phủ với Thạch Hào lại, Mao ốc vị thu phong sở phá ca, đến Nguyễn Du với những Sở kiến hành, Thái Bình mại ca giả… nỗi đau đời vẫn luôn tràn ngập trong các trước tác của người xưa. Nói vậy để thấy rằng, nếu ta chú tâm thì từ xưa đến nay, không văn chương nào không đủ để ta nói lên tâm sự, nỗi niềm trong lòng mình cả. Tuy nhiên, tôi phải công nhận rằng, dùng ngôn ngữ bình thường dung dị nhất, dễ hiểu nhất và được thể hiện thoải mái tự do nhất thì bao giờ cũng dễ dàng biểu đạt hơn cả.
- Tản Đà chẳng phải là người thạo cổ học lắm sao, vậy mà đã từng thốt lên: “Nếu không phá cách, vứt luật điệu/ Khó cho thiên hạ đến bao giờ”. Điều quan trọng nhất mà các nhà tiên phong khai mở nền văn học mới cổ súy là dùng chữ Quốc ngữ, viết theo lối nói hàng ngày, phá bỏ những luật lệ câu thúc trong hành văn. Chính điều đó đã đặt nền móng cho văn học, văn hóa Việt Nam tiến vào hiện đại. Theo anh, nếu không có các động thái ấy, cứ bình lặng trôi theo dòng chảy “cổ phong” từ Tiên Tần, Hán - Đường - Tống - Nguyên - Minh - Thanh hay Lý - Trần - Lê - Nguyễn thì văn hóa Việt Nam sẽ định hình như thế nào?
+ Tôi từng đọc được một luận điểm, không rõ của nhà nghiên cứu nào, đại ý nói: dân tộc ta là một dân tộc luôn sẵn sàng tiếp nhận những cái mới, khi thấy sự thay đổi có lợi hơn cho đời sống thì sẵn sàng sửa đổi. Không rõ luận điểm ấy chính xác đến đâu, nhưng như ở trên tôi đã nói, từ lâu cha ông ta đã luôn mong muốn có một thứ chữ để ghi lại tiếng nói của dân tộc mình, từ đó mà sáng tạo ra chữ Nôm trên cơ sở chữ Hán. Nếu nói về phương diện thuận tiện ấy thì rõ ràng chữ Quốc ngữ thực sự là một lựa chọn tuyệt vời. Vì vậy từ trước khi nhà Nguyễn chính thức bãi khoa thi chữ Hán kể từ sau năm 1919, chữ quốc ngữ đã được dùng phổ biến rất lâu trước đó rồi.
Câu hỏi của anh tuy chỉ là một giả định đặt ra, mà mỗi người có thể tưởng tượng ra một tình cảnh “không thể nghĩ bàn” từ đó, nhưng tôi lại nghĩ nhiều hơn đến cái vế trước của giả định ấy. Thực ra, tiến trình lịch sử là một lựa chọn tất nhiên trong những cái ngẫu nhiên, không phải chỉ nhờ một “động thái” chủ quan nào mà quyết định được việc thay thế chữ Hán bằng chữ Quốc ngữ cả. Đó là một quá trình chuyển mình từ chữ Hán, qua bước đệm dài chữ Nôm cho tới chữ Quốc ngữ. Đã có cả một quãng thời gian tương đối lâu tồn tại đồng thời cả ba loại hình văn tự ấy cho đến khi nó tựu lại ở một thứ chữ hợp lí nhất như chúng ta sử dụng hiện nay.
- Thơ và từ trong Cổ vận tân phong đều của các tác giả đương đại, sinh vào thế hệ 7x, 8x, 9x. Tôi đang hình dung về vòng quay của lịch sử văn chương sau gần 100 năm. Thời Thơ mới khai sinh cũng quãng đầu thế kỉ XX với các tác giả tuổi đời mười tám đôi mươi. Giờ là đầu thế kỉ XXI, và các anh cũng còn trẻ chứ?! Các anh có định đánh bật thơ hiện đại, hậu hiện đại để “cắm lá cờ vinh quang trên thành lũy cổ phong” không?(cười)
+ Câu hỏi có “tiếng binh đao” của anh chợt khiến tôi nhớ đến câu nói trong Binh pháp Tôn Tử đó là “Tri bỉ tri kỉ, bách chiến bất đãi” (Biết người biết ta, trăm trận chẳng thua). Cách so sánh của anh thực là đánh giá cao các tác giả trong Cổ vận tân phong lắm, xin đa tạ hậu ý của anh (cười). Nhưng phải nói thật là, so sánh ấy chúng tôi không dám nhận. Nay xin mượn “việc quân” mà lạm bàn thế này: Đầu thế kỉ XX xét tương quan lực lượng, thì các nhà Thơ mới vừa đang trên đà ngày một đông đảo, vừa có “vũ khí tiên tiến sắc bén”, lại vừa được “nhân tâm hưởng ứng”, còn các nhà Thơ cũ thì vừa đang trên đà ngày một thưa vắng, vừa “vũ khí cũ kĩ thô sơ” lại vừa “dần mất lòng người”. Còn tương quan giữa “các nhà Cổ vận tân phong” - tôi tạm gọi thế, với các nhà thơ hiện đại, hậu hiện đại như anh vừa nêu, thì chẳng cần nói cũng có thể hiểu được thế nào rồi vậy! (cười)
Tuy nhiên như tôi đã nói, cuốn Cổ vận tân phong được chúng tôi xuất bản lần này không phải để tuyên chiến với ai, mà càng không nghĩ đến sự thắng thua gì cả. Ngược lại nó lại khiến tôi nghĩ đến câu chuyện cũng gần như vậy của hai ngành Đông y và Tây y. Tây y hiện đại, tiên tiến và hiệu quả hơn trong việc chữa bệnh cứu người. Nhưng Đông y với những triết lí về y học gắn liền với các triết thuyết Á Đông, chủ về điều trị căn nguyên gốc rễ, vẫn không hề bị xóa bỏ, và người ta vẫn thấy những giá trị, những điều cần nghiên cứu học tập từ đó. Thậm chí phải kết hợp cả Đông và Tây y thì điều trị bệnh mới hiệu quả. Không phải vô cớ mà Lỗ Tấn từng bỏ học ngành y chuyển sang viết văn, và nói mục đích của mình là để chữa bệnh cho tâm hồn con người. Quay trở lại với câu chuyện Hán Nôm và Quốc ngữ, thi từ cổ điển và hiện đại, tôi nghĩ chúng ta cũng không nên coi chúng là đối kháng lẫn nhau, mà ngược lại, phải kết hợp bổ khuyết lẫn cho nhau mới đúng.
- Hôm nay anh mặc áo ngũ thân, tôi mặc comple, tôi nghiên cứu Thơ mới và thích thú với thơ hiện đại - hậu hiện đại, anh khoái chá với cổ vận. Chúng ta ngồi đây, thành thực mà nói, tôi rất ngưỡng mộ và nể phục các tác giả trong sách Cổ vận tân phong. Nhưng, quả là, tôi thấy lòng mình không hợp với nhịp điệu, thể cách, phong vận ấy. Cái cao viễn, uyên áo, hàm súc, kín đáo, trang nhã, tôi cũng có thể cảm nhận được đôi phần, nhưng đành e dè kính nhi viễn chi. Tôi vẫn cứ thấy nó là một cõi riêng có phần xa lạ với hiện tại anh ạ!
+ Tôi đã đọc và còn là người dịch một số bài của các tác giả khác trong tuyển tập này (hầu hết các bài thơ, từ trong tập, đều do các tác giả tự dịch, trong trường hợp ấy chúng tôi không ghi tên người dịch ở bản dịch). Các bài thơ, bài từ đều là sáng tác của các tác giả khi đối diện với một cảnh vật, một tình huống, hay một niềm suy tư thực sự của mình. Thậm chí có nhiều bài thơ gắn với những kỉ niệm, những câu chuyện mà tôi có thể kể lại được đầy đủ xuất xứ. Trong cái vỏ bọc có vẻ cổ kính xưa cũ, từ thể loại, vận luật đến phương thức biểu đạt ấy, vẫn là những hình ảnh quen thuộc với chúng ta. Đó có thể là một bông cúc, một cây liễu, một đêm mưa, một cuộc du ngoạn núi non hay sông biển, đền chùa… Những cảnh vật ngàn xưa đã vậy, bây giờ vẫn vậy, và có lẽ đến ngàn sau cũng vẫn vậy, chứ nào có gì xa lạ? Không những vậy, trong những bài thơ, bài từ này, chúng ta còn dễ dàng bắt gặp những hình ảnh, những cảnh huống mà có lẽ cổ nhân ít có thể thấy thậm chí chưa từng trải qua. Đó có thể là một ô cửa kính - “Pha lê song” (Thu tứ - Châu Hải Đường), một mùa thu Mandrid - “Mã Đức Lý thanh thu” (Bài từ Chiêu Quân oán - Nguyễn Quang Duy), một bát “súp mi-sô” (Bài từ Ngư ca tử - Nguyễn Quang Duy); một “trường Athens” cũng như những suy tư từ giáo lí Thiên Chúa (Sơn phòng thuật hứng - Nguyễn Thụy Đan)… Hình ảnh “con phố lên đèn” cùng quán vắng và cốc cà phê cuộn khói trong bài từ Điệp luyến hoa của Nguyễn Trung Hoàng Long này có khác gì ca từ một bản nhạc trẻ nào đó: Mưa nhỏ hoàng hôn thu chập choạng/ Nhấp nhoáng bầy dơi, con phố lên đèn sáng […] Quán nhỏ góc tường bàn dãy vắng/ Một tách cà phê, ngút cuộn hương lãng đãng… Những cảnh huống ấy, tâm tình ấy, chắc hẳn cổ nhân chẳng thể nào mà hình dung ra được. Thậm chí ngay cả tình hình dịch bệnh Covid-19 chỉ mới xuất hiện gần đây thôi, nhưng đã góp mặt ngay trong những sáng tác, của không chỉ một người, mà khá nhiều tác giả, ví như bài Canh Tí thế nạn tị loạn sơn trung... (Đợt thế nạn năm Canh Tí tránh loạn trong núi …) vì “Ôn thần vĩnh bất tán” (Ôn dịch mãi không tan) của Nguyễn Thụy Đan; hay chùm bài Tị dịch nhàn cư cảm tác (Cảm tác khi nhàn cư ở nhà chống dịch) với những suy tư về nhân sinh trong mùa Covid của Châu Hải Đường; những suy nghĩ đầy lạc quan coi đại dịch như một dịp để sống chậm của Lê Quốc Việt trong bài Tị ôn dịch (Lánh ôn dịch): Lánh ôn dịch lại riêng tao nhã/ Đêm xuống trà pha phẩm hết canh… Có thể nói, trong vỏ bọc cổ điển cùng niêm luật nghiêm cẩn và cách diễn đạt chuẩn mực đặc trưng của thơ Đường từ Tống vẫn lấp lánh khi nhiều khi ít những hình ảnh, những ý cảnh, những tình huống, những câu chuyện đương thời mà cổ nhân chưa từng nếm trải. Đó chính là những hơi thở của cuộc sống hiện đại đã được các tác giả thể hiện ra dưới một hình thức cổ điển vậy.
- Hiện nay đang có phong trào phỏng cổ, phục cổ, trong văn chương, phim ảnh, hội họa, trang phục, bài trí không gian sống, sinh hoạt hội lễ kể cả cưới hỏi hay chụp ảnh… Là người thuộc phái “Cổ vận tân phong”, anh đánh giá thế nào về xu hướng đó trong đời sống văn hóa - xã hội hiện nay?
+ Tôi nhớ từng được đọc hay được nghe ở đâu đó một nhận định rằng: mọi sự vật hiện tượng trong cuộc sống đều có dạng sóng. Tức là có lúc lên cao, lúc xuống thấp, lên cao rồi lại xuống thấp, thấp rồi thì lại lên cao. Thử đem điều ấy đối chiếu với nhiều hiện tượng sự vật thì tôi thấy khá đúng. Tất nhiên, mỗi con sóng lại có độ cao, độ dài khác nhau, và năng lượng sóng để giúp nó có thể lan xa đến bao giờ cũng khác. Có lẽ vấn đề văn hóa cũng như vậy chăng? Đặc biệt, những gì đã trở thành giá trị văn hóa sâu đậm, thì tôi cho rằng đó sẽ là những con sóng tích tụ được năng lượng lớn. Vì vậy, các phong trào phỏng cổ, phục cổ trong nhiều lĩnh vực như anh nói, dường như không phải đến bây giờ, cũng không phải chỉ ở nước ta đâu mà nhiều quốc gia khác, từ Đông sang Tây, từ Á sang Âu đều đã và đang hoặc sẽ có những phong trào như vậy. Càng tiếp cận với thế giới, càng bước vào cuộc sống hiện đại sớm bao nhiêu, thì người ta lại càng sớm nhận ra những giá trị cốt lõi trong bản sắc văn hóa dân tộc, nhận ra đâu mới là nét văn hóa riêng của dân tộc mình, đất nước mình. Vì vậy trước chúng ta, anh có thể thấy ví dụ như Nhật Bản, Hàn Quốc, họ đều có những sự trở lại, sự quan tâm mạnh mẽ đối với văn hóa truyền thống từ khá lâu rồi. Trước đây, thời gian còn nhiều khó khăn trong đời sống kinh tế cũng như kĩ thuật, dường như chúng ta đã phải gác lại, hay giản lược, bỏ bớt nhiều khía cạnh, sắc thái văn hóa. Nhưng một khi các điều kiện về kinh tế xã hội cho phép, như một lẽ tất nhiên, nhu cầu không phải riêng một ai hay lĩnh vực nào, mà gần như đồng loạt trên nhiều lĩnh vực, chúng ta đều thấy một sự trở về với giá trị văn hóa truyền thống, từ trang phục đến kiến trúc, từ ẩm thực đến âm nhạc, lễ hội, sân khấu, phim ảnh… Có một ý niệm khá thú vị rằng, bí mật của tương lai cất giấu trong quá khứ. Là một người hoạt động trong lĩnh vực văn chương, có lẽ anh cũng thấy điều ấy ở các sáng tác văn học đương đại.
- Hiện tại đang xảy ra điều gì bất như ý, khiến con người phải triệu hồi lịch sử hay nương náu vào quá khứ?
+ Tôi không nghĩ việc người ta quay trở lại với các giá trị văn hóa truyền thống ấy là vì hiện tại đang xảy ra điều gì bất như ý. Đó cũng không phải là triệu hồi lịch sử, nương náu quá khứ. Ngược lại, tôi cho rằng chính những chủ thể trong xu hướng phỏng - phục cổ ấy đang rất thuận lợi ở hiện tại. Phải có đầy đủ điều kiện ở hiện tại, thì mới có tâm trí để tìm đến với những điều mới lạ, hay quay trở lại với những giá trị truyền thống đã thành xưa cũ. Nếu coi xã hội như một cơ thể sống, một con người chẳng hạn, thì rõ ràng, nếu anh ta có đầy đủ sức khỏe cả về thể xác cũng như tâm hồn và các điều kiện thuận lợi thì anh ta mới có thể đến thăm bất cứ đâu anh ta muốn, có thể nếm thử bất cứ món ăn nào, món đặc sản nào khắp các vùng miền mà không phải kiêng cữ xem chỗ nào đi được, chỗ nào không, cái gì ăn được cái gì không. Anh ta mới có thể ngắm một khu vườn trăm hoa đua nở mà không sợ bị dị ứng vì hương thơm hay phấn hoa của một loại hoa nào cả. Đấy, một ví dụ dễ hiểu như vậy để chúng ta có thể mừng rằng, khi nền văn hóa phát triển đa dạng như vậy thì tức là xã hội chúng ta đang có một cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh. Chỉ khi nào, sự phát triển trở nên lệch lạc, thì mới là điều chúng ta cần suy nghĩ.
- Tôi vừa nói với anh rằng, chúng ta ngồi đây chẳng như các cụ xưa. Sau hơn 100 năm tiến vào hiện đại, chúng ta hiểu rằng, thế giới này cho phép mọi thứ được tồn tại bình đẳng bên cạnh nhau. Cổ vận tân phong vẫn có thể đứng bên cạnh một bài thơ hậu hiện đại, cũng như áo ngũ thân vẫn ngồi trò chuyện cùng comple vậy. Từ Cổ vận tân phong mà nghĩ về các dòng chảy văn hóa, các hiện tượng lịch sử xã hội, các hiện diện giá trị mang tính tượng trưng trong đời sống vật chất và tinh thần của con người đương đại, thiết nghĩ không phải là một câu chuyện nhỏ. Tuy nhiên, cầm cuốn sách trên tay, đọc những bài thơ, từ trong sách, xem “thân thế - sự nghiệp” tác giả (những người trẻ tuổi), tôi nghĩ, cuốn sách, bài thơ, từ điệu, chữ nghĩa ấy là con người. Tri âm cùng cổ nhân, tri âm ở hiện tại và đợi chờ những đồng vọng từ hậu nhân, trong một thế giới nhiều màu sắc chẳng phải là điều khiến chúng ta thấy đời sống thật đa dạng sao! Xin cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện này!
NGUYỄN THANH TÂM thực hiện
VNQD