Huỳnh Tuấn Anh là một trong những đạo diễn tiên phong trong việc làm phim phát trên những kênh phi truyền thống. Phượng Khấu, bộ phim cổ trang về một phân khúc lịch sử Triều Nguyễn trong 7 năm Vua Thiệu Trị tại vị đang được phát sóng trên kênh HTV7 nhưng thực ra nó đã được hoàn thành và chiếu trực tuyến trên nền tảng số qua trang pops.vn từ đầu năm 2020. Nhân dịp Phượng Khấu đang phát sóng lại trên HTV, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh xoay quanh Phượng Khấu cũng như phim điện ảnh, truyền hình đề tài lịch sử tại Việt Nam. |
Phim cung đấu. Có phải mỗi dự án đều cần một hướng truyền thông và cần chiêu dụ độc giả? Anh có thể nói rõ hơn về Phượng Khấu và “định dạng truyền thông” gắn liền với nó?
- Tiêu chí xuyên suốt và rõ ràng của ekip Phượng Khấu là dùng giải trí để quảng bá, truyền cảm hứng tìm hiểu, hồi quy với lịch sử và văn hoá dân tộc. Xem Phượng Khấu dễ thấy rõ nhất điều này, cung đấu là một bản dạng được chọn làm phương tiện tải yếu tố khoa giáo của nhiệm vụ của Phượng Khấu.
Từ trước đến nay phim lịch sử thường chỉ do nhà nước đặt hàng, vậy mà anh đã thuyết phục tư nhân bỏ tiền ra để đầu tư. Anh nhìn ra tiềm năng từ dòng phim này chăng?
- Chúng tôi đã đánh giá rất rõ đề tài dã sử cổ trang Việt Nam! Không còn là tiềm năng mà là xu hướng và "lối thoát" cho sự hạn hẹp đề tài của phim Việt. Vì sao? Vì chỉ cần nhìn sang các nước khu vực Đông Nam Á sẽ thấy rất rõ, về phạm vi khai thác thể loại đề tài của phim Việt chỉ quanh đi quẩn lại ở hai loại ngôn tình và tâm lí hài, lâu lâu mới có một vài phim kinh dị ma cỏ. Nhưng lại không có được hướng khai thác độc đáo nào so với các nền điện ảnh khác nên thường rơi vào trạng thái, lặp lại, theo đuôi. Từ câu chuyện thể tài, chúng ta dần nhận ra chỉ có chất liệu văn hoá, lịch sử luôn chứa đựng tính độc đáo và khu biệt nhất giữa Việt Nam và nước khác. Nên chỉ có con đường tìm về tài sản cha ông để lại đồ sộ - phong phú- mới không đụng hàng và là sự chọn lựa chọn bền vững.
Nghe nói khi anh xin phép Bộ Thông tin & Truyền thông để làm phim chiếu trực tuyến trên nền tảng số thì còn chưa có các văn bản quy định về việc này để áp dụng?
- Chính xác là, thời điểm xin giấy phép sản xuất Phượng Khấu để chiếu trên App vẫn còn nhiều thứ khá lúng túng. Duyệt nội dung được áp dụng theo luật điện ảnh thuộc thẩm quyền của Cục Điện ảnh của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, duyệt phát hành phải được cấp phép của Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử của Bộ Thông tin & Truyền thông vì App chính là nền tảng được quản lí bởi cục này. Cuối cùng chúng tôi vẫn chọn cách sản xuất dựa trên giấy phép của đơn vị sản xuất và đơn vị mua quyền phát hành theo dạng sản phẩm chương trình văn nghệ mà không phải là sản phẩm phim ảnh. Nhưng hình như hiện giờ đã có hành lang pháp lí khá chặt chẽ rồi.
Làm phim để phát trên các nền tảng số thay vì bán cho các nhà đài theo cách truyền thống, nó có ảnh hưởng gì đến cách làm cũng như đã gây cho anh những áp lực gì?
- Quy trình đi vào sóng truyền hình rất nhiêu khê. Một là kiểm duyệt nội dung từ khâu kịch bản rất lâu (nhất là các nội dung liên quan đến lịch sử). Hai là các đài truyền hình không bán lẻ sóng cho một nhà làm phim mà phải qua trung gian các hãng phim. Họ mua theo quota hàng năm đài cấp cho từng đối tác. Và các hãng phim "thuê sóng" cũng phải rất vất vả chạy tìm nhãn hàng quảng cáo để quy đổi sóng,việc này quá sức với một nhà là phim như chúng tôi. Ba là đối tượng khán giả của chúng tôi hướng tới là người trẻ từ 15 đến 35 tuổi. Lượng target khách hàng của Phượng Khấu không nằm ở TV mà hầu như họ đang là nettizen nên "thóc lúa ở đâu bồ câu ở đó".
Poter phim Phượng Khấu.
Làm cho nền tảng số, từ những yếu tố trên áp lực lớn nhất của chúng tôi là sản phẩm dễ bị đánh giá là ngoài luồng, không cầm chắc được giá và sự bao tiêu về nguồn mua. Trong khi các nền tảng trực tuyến họ cũng khá dè dặt khi phải xuống tiền quá cao, chưa có tiền lệ với kinh phí hơn 1 tỉ một tập.
Những áp lực đó rất lớn, nhất là trách nhiệm hồi vốn để tái đầu tư. Phượng Khấu hiện về lí tưởng đã lời. Vì chúng tôi sẽ tiếp tục trưng dụng phục trang, cảnh trí, âm nhạc, PR cho phần 2. Nhưng tiền mặt được cho là lỗ vẫn nằm nguyên ở tiền đầu tư phục trang 500 bộ nguyên trong kho. Vì dịch dã nên chúng tôi chết cứng.
Khán giả trực tuyến và khán giả xem ti vi thuộc các nhóm đối tượng khác nhau. Cảm xúc của anh ở lần đầu công bố Phượng Khấu trên pops.vn thế nào?
- Do mình cũng đã tính được lợi, hại, ưu khuyết điểm nên tâm trạng lúc đó cũng không phải là tính toán số lượng view, share hay rating mà phản ứng của khán giả khi nhìn thấy sự đặc biệt của văn hoá lịch sử Việt lộng lẫy trên phim như thế nào. Rất may là ở ngay tập đầu tiên, lượng truy cập khiến cho App chiếu phim nghẽn trong một thời gian. Từ đầu tôi và ekip xác định đây là cuộc dấn thân để đánh thức sự nhận biết về văn hoá lịch sử Việt Nam không thua kém quốc gia nào nên sự phản hồi về điều này mới là quan trọng nhất. Nhớ lúc đó, ekip thật sự đã vỡ oà vì nhiều lời tán dương lẫn cả những chê bai hay góp ý.
Với phim lịch sử đòi hỏi lượng kinh phí vô cùng lớn cho những đại cảnh cũng như phục dựng những yếu tố cổ, dù chi đến hơn 1 tỉ cho một tập nhưng Phượng Khấu chưa thực sự mãn nhãn cũng như thuyết phục người xem khi tái hiện những cảnh cung đình xưa của Triều Nguyễn thay vào đó là những tiểu cảnh có không gian hẹp? Tiền chưa đủ hay do các yếu tố khác?
- Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc sản xuất những cảnh quay ngoại cảnh, thực cảnh của Kinh Thành Huế. Chúng tôi không xin được giấy phép quay ở Đại Nội với rất nhiều lí do, trong đó lí do Từ Dụ Hoàng Thái Hậu là một nhân vật lịch sử có thật và được suy tôn như bậc thánh nên những hỉ nộ ái ố của nhân vật (tái hiện về bà) trên phim truyện sẽ không phù hợp.
Vì thế, có thể coi Phượng Khấu là một "mẫu thí nghiệm" để cho ra đầy đủ kết quả của một huống cảnh cốt tử cho dòng phim cổ trang Việt đó là tiền, phim trường, kĩ xảo và cả ý niệm về phim dã sử dựa vào các đề tài và nhân vật lịch sử Việt Nam.
Phim cổ trang là cuộc chơi xa xỉ, không có tiền, có phục trang và phim trường thì mãi mãi giấc mơ đưa lịch sử Việt trên phim sẽ cònchập chờn và xa vời lắm. Nói thì rất dễ, nhưng bắt tay làm mới hiểu được nỗi khổ sở của người sản xuất.
Nghệ sĩ Hồng Đào trong tạo hình Từ Dụ Thái hậu. Ảnh: ĐLP
Đúng vậy! Tôi cũng nghĩ là nếu không đi thì không bao giờ đến cả. Từ Dụ Thái Hậu là một nhân vật có dấu ấn trong lịch sử chưa xa của Việt Nam, có vị trí trong chính sử. Khi hình tượng hóa nhân vật này hẳn anh có sự đầu tư chiều sâu nghiêm túc. Những điều gì anh quan tâm ở vai diễn chính này?
- Rất tiếc với flatform (định dạng) của phim chiếu trên nền tảng OTT nhất là App không thể làm một lúc 30 tập nên 11 tập đầu chưa là lúc thể hiện rõ ràng vai trò, tâm hồn, nhân cách của Từ Dụ Thái hậu một cách rõ ràng. Những ai có tìm hiểu, điều phải thừa nhận công lao, đức độ và phẩm hạnh của Từ Dụ Thái Hậu rất lớn. Phượng Khấu nương theo hành trình từ phủ thiếp đến khi trở thành bậc mẫu nghi thiên hạ của bà để giới thiệu một lát cắt nhỏ của thời cuộc, lịch sử và những sự đóng góp lớn của Nhà Nguyễn trong đó có cá nhân bà. Đó là tấm lòng chân thành của những kẻ hậu bối chúng tôi.
Vì sao anh quyết định trao vai diễn Từ Dụ Thái Hậu cho diễn viên cứng nghề (nhưng cũng cứng tuổi) Hồng Đào? Đó có phải là một cách “mua bảo hiểm” cho vai diễn?
- Điều nay nó liên quan đến gu thẫm kĩ của người sáng tạo. Loại phim dã sử cổ trang Việt gần như còn quá sơ khai. Nhìn xuống các bạn diễn viên trẻ thì tôi vẫn rất lo lắng về sự cảm thụ, chiều sâu, và thời gian cảm thấm lịch sử. Chúng ta hoàn toàn có nhiều diễn viên trẻ tài giỏi xinh đẹp nhưng cái nhìn tin cậy của khán giả sẽ ít hơn so với một diễn viên gạo cội đã có độ viral nhất định. Toàn thể các anh chị diễn viên gạo cội trong Phượng Khấu còn là bảo chứng quan trọng cho "cuộc chơi" nghiêm túc, kính cẩn với nghề nghiệp và lịch sử dân tộc.
Chiếc cúc phượng (phượng khấu) về tay Hiệu Nguyệt đã mở ra cuộc "cung đấu" giữa cô và Phương Nhậm. Ảnh: ĐLP
Phượng Khấu có nghĩa là chiếc cúc áo hình chim phượng. Đây là chiếc cúc được cài ở phần ngực áo của áo Nhật Bình thời Nguyễn. Cúc Phượng và Nhật Bình trở thành một bộ đôi không thể thiếu của các bà hoàng, phi tần được quy định trong điển chế của nhà Nguyễn. Phượng Khấu được chọn đặt tên cho bộ phim xuất phát từ câu chuyện trong lịch sử.
Một hôm, Thánh tổ Minh Mạng ban cho hai người con dâu mỗi người một cái áo sa cổ thường thêu hoa vàng. Khi vào cung yết bái được Nhân Tuyên Hoàng Thái hậu ban cho mỗi người một cúc áo bằng vàng, một cái chạm hình chim phượng, cái còn lại hình cành hoa, đều được phong giấy kín. Bà Nhân Tuyên khấn trời rằng: "Ai được chiếc cúc chạm hình phượng, thì có con trước", rồi sai nữ quan đem ban cho, bảo mỗi người lấy một phong, nhưng không được mở ra. Bà Nguyễn Thị Nhậm được bà Phạm Thị Hằng (tức Hiệu Nguyệt, Từ Dụ Thái hậu sau này) nhường cho chọn trước. Khi mở gói giấy ra thì bà Nhậm được cúc chạm hoa, bà Hằng được cúc chạm phượng. Sự việc như một điềm báo ứng nghiệm khi bà Hằng sinh được Hoàng trưởng nữ Tĩnh Hảo, tức Diên Phúc Công chúa. Sau đó bà Hằng sinh thêm Hoàng nam Hồng Nhậm, còn bà Nhậm không có con thêm. Đó cũng là lí do nảy sinh đố kị và tranh sủng. Sau này, vượt qua những ganh ghét và âm mưu tranh đoạt, Hiệu Nguyệt đã đưa con trai Hồng Nhậm nối ngôi vua trị vì đất nước. Từ Dụ Thái hậu trở thành người có vị thế và ảnh hưởng lớn trong Triều Nguyễn, được lưu danh hậu thế. Ngoài ra cúc áo còn là danh phận, sự hiển vinh và thành quả chiến thắng trong cuộc chiến tranh sủng của các bà hoàng ở chốn hậu đình. Vì thế đạo diễn đã chọn Phượng Khấu để đặt tên cho bộ phim.
Một khác biệt của Phượng Khấu đó là có rất nhiều bài hát nhạc phim, và chúng đều được chính đạo diễn viết lời. Anh có thể chia sẻ một chút về dụng ý này? Từ thế mạnh của một người làm thơ hay anh thấy mình phải trực tiếp viết để chuyển tải đúng tinh thần của phim?
- Việc viết lời cho nhạc phim thật ra là do chúng tôi không còn tiền và chẳng đặng đừng. Với đề tài mới và có chất liệu văn hoá lịch sử cần phải đọc, học, nghiên cứu nên hầu như không ai nhận lời vì nó khó và mạo hiểm. Cá nhân tôi là người theo dự án từ đầu nên cố gắng viết thử và cũng cho kết quả tạm được. Với tôi, nhảy vào làm luôn cả lời bài hát (cũng như làm quá nhiều việc) là điều không hay và ảnh hưởng rất nhiều đến công việc của người đạo diễn. Đó tưởng là ưu điểm nhưng thật ra lại là khuyết điểm lớn của tôi khi làm Phượng Khấu.
Ở tập 8 của Phượng Khấu anh có cảnh Vua Thiệu Trị đã rất giận dữ khi khi quan Phạm Văn Nguyên lơ là việc tôn tạo miếu Hoàng Sa và họa lại bản đồ hải phận, ông đã cách chức Thủy quân cai đội quản lí các đảo của Đại Nam của vị quan này. Nhưng có vẻ nó hơi văng ra khỏi mạch chung của phim. Anh muốn thêm gia vị cho phim, muốn tôn vinh ý thức bảo vệ chủ quyền từ các bậc tiên đế hay muốn có “không khí biển đảo” của hôm nay trong phim của mình?
- Trước khi làm về nhà Nguyễn, tôi có hỏi Giáo sư sử họcLê Văn Lan (cố vấn cho phim) rằng, hiện giờ chúng ta đang quan điểm như thế nào về nhà Nguyễn, ông trả lời, dù muốn hay không, nhà Nguyễn là một phần không thể chối bỏ của lịch sử dân tộc. Phân đoạn tra tội Phạm Văn Nguyên được viết sau đó chớ không có trong kịch bản ban đầu. Nhưng cá nhân tôi khi đọc tài liệu về Nhà Nguyễn và lịch sử biển đảo trước đó tôi đã có ý định tìm cách gởi gắm thông điệp này vào phim. Sau khi hội ý với NSƯT Thành Lộc (người đảm nhận vai Vua Thiệu Trị - PV) thì hai anh em nghĩ, ngoài yếu tố giải trí cũng nên có ít gì đó thể hiện quan điểm, suy nghĩ và tấm lòng của mình trước những điều cha ông đã làm được còn ghi lại trong lịch sử. Nói nôm na, chúng tôi cũng muốn gởi đến những khán giả trẻ thêm thông tin quý giá về một trong những điểm son đóng góp của Nhà Nguyễn với việc đấu tranh gìn giữ biển đảo quê hương.
Phần một của Phượng Khấu đã khép lại với những nhận xét khích lệ từ những người ủng hộ phim Việt cũng như trân trọng các giá trị lịch sử. Có điều gì để họ chờ đợi ở phần hai?
- Phần hai của Phượng Khấu có đáng chờ đợi hay không phải được trả lời bằng việc khắc phục các nhược điểm ở phần một. Như độ tuổi của diễn viên. Tôi đã từng lí giải rất nhiều lần về thắc mắc “phim thiếu trai xinh gái đẹp”, đơn giản phần một là tiền truyện và phần hai mới là việc đi giải quyết chuyện tranh chấp.
Tiền triều hậu định thông qua quá trình chiến đấu bảo vệ ngôi vua của Từ Dụ Thái hậu cho con trai mình là Vua Tự Đức sau này. Câu chuyện phần hai sẽ tràn ngập những bóng hồng gia lệ bên vị vua tương lai sẽ trả lời cho thắc mắc này.
Phần hai, nếu không thể được phép quay ngoại cảnh ở Huế, chúng tôi đành dựng phim trường trong Nam, hoặc chuẩn bị thiệt tốt về kĩ xảo cho việc tạo ra những cảnh dựng được vẽ.
Dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến điện ảnh, khi mọi thứ đều đóng băng và kinh tế đi xuống. Với các dự án của anh thì sao?
- Ảnh hưởng nặng nề. Với Phượng Khấu, nếu tiếp nối được phần hai chúng tôi đã có thể thu hồi vốn và sinh lời. Phần 2 sản xuất trên phục trang đã có, cảnh trí, đạo cụ .... sẽ giúp giảm chi phí rất lớn và dùng nó tái đầu tư vào các khâu khác còn yếu so với phần một. Nên về kinh doanh, chưa hồi được vốn và sinh lời thì đó là một thiệt hại. Cái may mắn của tôi là nhà đầu tư, nhà tài trợ rất chịu chơi. Sự lan toả sử Việt và văn hoá nhà Nguyễn là mục tiẻu chính hơn là việc kiếm lời, vì khán giả của phim có cả con cái của họ. Giáo dục lòng yêu nước cho con trẻ với cái giá như thế là rất có lời. Chúng tôi tiếp tục chờ thời cơ để sản xuất phần hai.
Bên cạnh đó tôi cũng còn các dự án cổ trang khác đang xếp hàng. 4 dự án: Lý Chiêu Hoàng, Trần Nhân Tông, Lê Long Đĩnh, Ỷ Lan rất đồ sộ, đầy khát vọng nhưng rất khó. Tuy nhiên cũng đầy hi vọng.
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh trong trang phục áo dài Triều Nguyễn do nhóm Ỷ Vân Hiên thiết kế. Ảnh: NVCC
Trong lĩnh vực văn học những năm gần đây có một xu hướng viết về lịch sử khá nhiều. Còn trong điện ảnh, truyền hình, anh có nghĩ sẽ có một xu hướng như vậy?
- Điện ảnh truyền hình làm về phim đề tài dã sử, lịch sử là một cuộc chơi xa xỉ. Tôi không gọi là xu hướng mà nó là hệ quả tất yếu của quá trình chuyển đổi chung trên toàn cầu. Chúng ta có hai lựa chọn, một là tiếp tục đi mua phim nước ngoài về remake, hai là tìm lối đi riêng. Đề tài lịch sử là kho báu quý giá, là visa quốc tế để đi ra thế giới. Văn hoá lịch sử là chiếc vé thông hành duy nhất để bạn có dịp khẳng định giá trị Việt Nam với bạn bè thế giới. Phim ảnh cũng thế, không ai ép bạn nhưng muốn đi ra khỏi luỹ tre làng chỉ có một con đường duy nhất.
Với khả năng và mặt bằng của nền công nghiệp điện ảnh Việt hiện nay, anh có nghĩ đó là một cuộc chơi mạo hiểm?
- Từ khó khăn chúng ta nhìn ta cơ hội, nhìn ra sự tự hiểu sâu sắc và cộng với lòng tự trọng thì sẽ thấy không còn mạo hiểm.
Quy trình sản xuất của một dự án cổ trang nó hội đủ yếu tố ưu việt của một sản phẩm thương mại và tính nhận dạng thương hiệu rất cao. Một bộ phim cổ trang theo đó sẽ là quần áo, son phấn, quà lưu niệm, nhượng quyền thương hiệu. Như công thức của Disney họ làm. Họ khômg bán một bộ phim mà bán các sản phầm phái sinh từ bộ phim. Đó là công thức lí tưởng mà chúng tôi muốn hướng tới để giải quyết câu chuyện gọi vốn, vận động tài trợ, đầu tư và hoàn vốn. Lí tưởng là thế, không có gì dễ dàng nhưng văn hoá dân tộc là cái mỏ vàng, kim cương và đó chính xác là một loại tài nguyên đắt giá. Có tài nguyên nào mà khai thác vô tận, không ô nhiễm, không phải tốn thuế, tự do và giàu có bằng văn hoá một quốc gia?
Nghĩ được đến đây chúng tôi thấy không có gì mạo hiểm.
Thành tố quan trọng tạo ra một nền công nghiệp điện ảnh tương lai không thể thiếu nguyên liệu văn hoá đặc sắc của một tộc người, một quốc gia.
Anh từng nói rằng, điện ảnh không phải là sân chơi mà là nơi của những người mang hoài bão lớn nhưng một số đạo diễn thế hệ anh theo đuổi việc làm phim độc lập và không giấu giếm khát vọng mang chuông đi đánh xứ người, còn anh thì lại có vẻ hướng đến khán giả nội địa nhiều hơn. Anh có thể chia sẻ về điều này.
- Tôi có một khẩu hiệu xuyên suốt cho mình: "more local more globle". Nôm na: cứ càng có tính khu biệt dân tộc thì càng giàu tính quốc tế". Tôi không rời xa tôn chỉ ban đầu của mình. Vặn nghệ là để giải trí nhưng nếu có thể đưa tính giáo dục đính kèm vào giải trí thì quá tốt. Tôi chọn chủ nghĩa dân tuý vì phải phục vụ cho khán giả trẻ của mình đã, còn giấc mơ xuất dương chưa bao giờ ngừng cháy. Nhưng tôi biết sức mình có hạn, chưa giỏi bằng đồng nghiệp nên cứ đi từng bước. Tôi mơ và phục những anh chị em đã đem được tác phẩm ra nước ngoài và đạt được thành quả mỗi ngày, tôi vẫn đang dõi theo và học hỏi từ họ rất nhiều.
Là người khá giỏi và nhanh nhạy trong việc quảng bá và kêu gọi tài trợ cho dự án, anh cũng chia sẻ khó nhất khi thuyết phục các nhà đầu tư đó là niềm tin. Đây cũng là thứ người ta đặt ra trong nhiều lĩnh vực, nhất là trong thời điểm dịch bệnh bộc lộ nhiều góc tối khác nhau của đời sống khiến người ta dễ thất vọng, dễ mất niềm tin... Anh có nghĩ niềm tin, chữ tín sẽ đi liền với tự trọng của người nghệ sĩ? Có khi nào anh bị mất niềm tin vào đối tác, đồng nghiệp trong các dự án?
- Nói thẳng thắng là đi xin tiền làm phim, đi xin thì bao giờ cũng vất vả với đầy đủ các cung bậc, kĩ năng của một cách làm bài bản. Nói sẽ rất dài, để họ móc hầu bao cho mình. Với tôi sau tất cả những bài toán về kinh doanh tôi thuyết phục được họ bởi chân thành cần họ cùng mình chung tay để quảng bá văn hoá, lịch sử việt nam mà người hưởng thụ không ai khác chính là thế hệ trẻ trong đó có cả con cháu họ. Đó là giá trị, giá trị thực không thể mua bằng tiền. Mà chỉ có thể thông qua lăng kính giải trí, văn nghệ để các bạn trẻ hiểu về dân tộc mình một cách thu hút và tự nguyện.
Đúng như vậy, hàng trăm ngàn fan Phượng Khấu hiện nay đều có độ tuổi từ 15 đến 30.
Cám ơn anh đã chia sẻ!
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh sinh năm 1982, quê quán Hà Tiên, Kiên Giang. Từng học Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh và làm thầy giáo, xong anh đã chia tay ngành sư phạm để đăng kí học Đạo diễn Sân khấu (2006-2009), sau đó là Đạo diễn Điện ảnh (2015-2019) tại Đại học Sân khấu Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh. Anh là tác giả của các kịch bản sân khấu Giếng lạ; Gió Hoàng cung. Đạo diễn các phim điện ảnh Lô tô, Ngôi nhà bươm bướm. Phim điện ảnh đầu tay Lô tô của anh được đón nhận với nhiều dư luận tốt. Năm 2020, anh thực hiện bộ phim truyền hình dài tập Phượng Khấu phát trên trang pops.vn. Phượng Khấu được bình chọn top 10 phim hay nhất Châu Á 2020 do tạp chí NME của Anh bình chọn, được mời tham dự liên hoan phim Asia Contents Award 2021 tại Hàn Quốc. Ngoài ra anh còn sáng tác thơ và đã in 2 tập thơ. Phần một Phượng Khấu đang được Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh giới thiệu vào khung giờ 19h55 các ngày thứ 2, 3, 4, 5 hàng tuần trên kênh HTV7. |
TIỂU HOÀNH SƠN thực hiện
VNQD