Nguyễn Đình Minh Khuê

Phê bình cũng là một cách tự đối thoại với chính mình

Thứ Hai, 16/08/2021 07:01

Nguyễn Đình Minh Khuê sinh năm 1996 tại Cần Thơ, hiện công tác tại Khoa Văn học - Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐH KHXH&NV TP.HCM). Dăm năm trở lại đây, tiếng nói phê bình có giọng, có chủ kiến và mẫn tuệ của anh gây chú ý trên văn đàn. Anh trở thành cộng tác viên thân thiết của Văn nghệ Quân đội (VNQĐ), từng được tạp chí trao Tặng thưởng năm 2018.

Hướng đến Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 (Ban Nhà văn trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam dự kiến tổ chức vào cuối năm nay tại Đà Nẵng), VNQĐ số này trò chuyện cùng nhà phê bình trẻ Nguyễn Đình Minh Khuê, nhằm lắng nghe một tiếng nói trẻ, về những câu chuyện văn học không chỉ liên can đến người trẻ.

- Chào Nguyễn Đình Minh Khuê. Được biết, 3 năm về trước, bạn tốt nghiệp thủ khoa, không chỉ của riêng Khoa Văn học mà còn là của toàn Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM. Từng say mê hứng khởi lập kì tích học tập như vậy, liệu bạn có khó nói không, khi nói về những bất cập trong chương trình đào tạo cũng như phương thức đào tạo ngành văn học/ ngữ văn nơi các trường đại học ở ta hiện nay?

+ Đây là một câu hỏi khó với tôi. Tôi gắn bó với Khoa Văn học, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM suốt từ lúc học đại học, rồi sau đó ở lại đây vừa công tác vừa học cao học, cũng chưa có cơ hội được học tập, làm việc, tiếp xúc sâu với các cơ sở có đào tạo ngành văn học/ ngữ văn khác trên cả nước, nên việc đánh giá của tôi có lẽ khó khách quan và toàn diện. Tuy vậy, có một thực tế cần phải công nhận, rằng hầu hết các khoa đào tạo ngành văn hiện nay đều đã có ý thức cải thiện, cập nhật liên tục chương trình đào tạo của mình, đáp ứng được nhu cầu ngày càng đa dạng của người học. Các phương pháp giảng dạy mới cũng được vận dụng một cách linh hoạt trong giáo dục đại học hiện nay nhằm phát huy tối đa sự chủ động và tích cực của sinh viên.

Song theo tôi, nếu cần bổ sung một học phần vào chương trình đào tạo hiện nay, thì đó có lẽ là học phần cung cấp cho sinh viên những kĩ năng cần thiết để tự học, tự nghiên cứu. Bước vào môi trường đại học, sinh viên luôn được yêu cầu đọc sách tại nhà để phục vụ cho việc học tập trên lớp, thuyết trình, thi cử..., và phần lớn các sách vở ấy là sách chuyên ngành, sách nghiên cứu, tài liệu lí thuyết... vốn xa lạ và đầy thách thức, thậm chí với cả những người đã có thâm niên làm việc trong ngành. Chính vì vậy, tôi nghĩ, sinh viên rất cần được trang bị một tâm thế, một phương pháp làm việc, mà tốt nhất là được tham gia một học phần chuyên biệt, để không phải bỡ ngỡ, khó khăn khi tiếp xúc với các sách vở, tài liệu chuyên môn, và cao hơn, để hiểu chúng một cách sâu sắc hơn, thậm chí là có khả năng giao tiếp, tranh luận cùng chúng. Thêm nữa, đôi khi các khoa đào tạo ngành văn ở ta hiện nay vẫn còn quá chú trọng vào vấn đề kiến thức mà chưa thực sự quan tâm đến việc truyền dạy cho sinh viên kinh nghiệm và kĩ năng tra cứu, tìm kiếm thông tin, tri thức. Có một điều phải thừa nhận rằng, trong thời đại kĩ thuật số hiện nay, thông tin tràn ngập xung quanh chúng ta, nhất là trên môi trường internet. Thế nhưng, lạ lùng rằng khi gặp một vấn đề cần tìm hiểu, nhiều sinh viên - dù là những bạn rất trẻ, có cơ hội tiếp xúc với công nghệ từ nhỏ - ngay lập tức cảm thấy hoang mang, loay hoay. Họ không biết phải bắt đầu tìm kiếm như thế nào, xác định từ khóa, chọn lọc tài liệu ra sao, nên tin và không nên tin vào những nguồn nào... Mà những kĩ năng ấy, theo tôi, là một trong những hành trang quan trọng sẽ đi theo và bổ trợ cho ta suốt đời, dù ta làm bất cứ nghề gì.

- Các giáo trình lí luận văn học hiện hành, như tôi thấy, đã ít nhiều tỏ ra lạc hậu chật chội, không cập nhật ôm chứa được thực tiễn lí thuyết và sáng tác trương nở bộn bề. Dẫu vẫn biết, lí luận khác phê bình, một bên thuộc về phạm trù của cái tĩnh/ đóng, một bên thuộc về phạm trù của cái động/ mở, nhưng…

+ Tôi hoàn toàn tán đồng ý kiến cho rằng các giáo trình lí luận văn học luôn cần được viết lại và cập nhật. Song đúng như anh nói, lí luận văn học, liên can đến cái tĩnh, cái “nguồn nước ẩn” (chữ dùng của Đỗ Long Vân) đằng sau đời sống văn học liên tục vận động, thiên biến; nó đặt ra và trả lời những câu hỏi cốt tủy muôn đời về văn học. Cũng chính vì vậy, nhìn từ một góc độ nào đấy, tôi lại thấy, những tri thức lí luận ấy chưa hẳn lạc hậu. Việc viết lại, viết mới có chăng chỉ là cập nhật, làm đầy thêm bằng những góc nhìn khác. Mà đã là góc nhìn, thì hẳn là không có đúng và sai, chuẩn và lệch chuẩn, lạc hậu và thời thượng… Tuy vậy, có một điều tôi nghĩ ta cần thay đổi khi viết các giáo trình như thế. Thay vì viết theo cách mà lâu nay ta quen gọi là “mô phạm”, “chuẩn mực”, tức là cứ theo trình tự định nghĩa, đặc điểm, phân loại…, thì ta có thể thử một cách viết khác, thú vị hơn, hấp dẫn hơn? Chẳng hạn, ta có thể kể một câu chuyện nào đó để dẫn vào vấn đề lí thuyết cần thảo luận? Hoặc đặt ra những câu hỏi hóc búa, lí thú, thậm chí gây “sốc” một chút (ví như, liệu một tên sát nhân, một kẻ tử tù có thể sáng tác ra những tiểu thuyết đạo lí hay không) để rồi đi vào những nan đề mang tính bản chất của văn chương?...

- Kháng cự một quán tính quả là không dễ, nhưng thay đổi/ đổi mới để tồn tại luôn là quy luật tất yếu nói chung… Qua trải nghiệm với tư cách là tân giảng viên Khoa Văn học - Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, bạn bình luận gì về “chất lượng tổng quan” của sinh viên văn khoa hiện nay?

+ Tôi về khoa chưa lâu, chưa được trực tiếp giảng dạy nhiều, song theo quan sát của cá nhân tôi, thực ra sinh viên thời nào cũng có những bạn có tư chất rất khá, đam mê với chuyên ngành mình theo đuổi, luôn cố gắng đọc và học. Ngược lại, có nhiều bạn (số này không ít) không thiết tha lắm với chuyện học vì thấy những điều mình học không thực tế lắm, không ứng dụng ngay được, hoặc đi vào chuyên ngành trong tình thế bị ép buộc. Và cũng có cả những bạn rơi vào cảnh lưng chừng, nửa vời, vừa muốn cố gắng học, vừa thấy mọi cố gắng của mình không có ý nghĩa gì. Nói như thế để thấy rằng, để khái quát “chất lượng tổng quan” của một tập hợp phức tạp như vậy quả tình không dễ. Có những bạn đọc nhiều, đọc rộng và đọc sâu, nhiều khi khiến các giảng viên phải bất ngờ; song cũng có nhiều bạn chỉ quanh quẩn mãi với những kiến thức đã có từ thời phổ thông, và sự đọc văn chương mãi vẫn chỉ xoay quanh những cảm nhận rất… học trò. Cũng chính bởi vậy, điều tôi quan tâm hơn là làm sao để cho mọi nhóm đối tượng đều có thể cảm thấy hứng thú với bài giảng của mình, có thể đúc rút được điều gì đó sau khi học môn học mà tôi đảm nhiệm.

- Ảnh:

- Cứ tháng 6 tháng 7 về là câu chuyện đề thi môn ngữ văn kì thi tuyển sinh vào lớp 10, đặc biệt là vào lớp 10 chuyên văn, rồi kì thi THPT quốc gia lại trở thành điểm nóng dư luận xã hội. Riêng đề thi môn ngữ văn (chuyên) vào lớp 10 Trường phổ thông Năng khiếu - Đại học Quốc gia TP.HCM thì thường được đánh giá là sáng tạo. Tuy nhiên, không biết do cái “thể trạng” của bản thân hay sao mà tôi cứ thấy đề nó quá sức đối với thí sinh vừa học xong lớp 9. Tôi cứ không thôi thắc mắc, rằng những thí sinh đủ/thừa sức để giải xuất sắc những cái đề như thế, thì sau 3 năm cấp ba (chuyên), thêm 4 năm đại học, thêm 2 năm cao học, lại thêm 3-4 năm nghiên cứu sinh nữa, tức là theo trọn một đường văn chương thẳng và dài, thì sau cuối, những người tinh hoa phát tiết không đợi tuổi ấy sẽ thành ai, thành “nhà” gì…

+ Lại là một vấn đề khó và nhạy cảm, anh Hoàng Đăng Khoa ạ! Tuy vậy, tôi xin mạo muội trình bày ý kiến của mình như sau. Theo tôi, văn chương có những đặc tính kì lạ hơn so với nhiều môn học khác. Nó không chỉ liên can đến tri thức lí tính mà còn là vấn đề trải nghiệm và xúc cảm. Những đúc kết mang tính lí luận thường xuất hiện trong các đề thi chuyên văn hiện nay cũng vậy. Nó có thể khó, thậm chí rất khó khi chúng ta nhìn bằng nhãn quan của người đã đi sâu vào con đường nghiên cứu chuyên nghiệp, ta thấy ở đó bề bộn nhiều vấn đề mà kinh nghiệm học và đọc của một em vừa học xong lớp 9 chưa đủ để giải quyết. Song, từ một góc độ khác, hãy nhìn những vấn đề lí luận sâu xa mà đề thi nói đến ấy như một “cái cớ” để từ đó các em có dịp được trình bày kiến văn, quan điểm, tư duy lập luận của mình, và quan trọng hơn, thể hiện tư chất, tâm hồn và lòng đam mê của chính các em, những trong trẻo mà ta nhiều khi không bao giờ tìm lại được khi đã trở nên trưởng thành và lão luyện trong nghề.

Điều mà ta cần quan tâm hơn khi bàn về các đề thi ấy, theo tôi, là phải làm sao để các em đừng vội tin rằng tất cả những phát biểu, ý kiến... được đề cập đến trong đề là chân lí, và rồi việc của các em chỉ là tâng bốc, khen ngợi, “chứng minh” sự hoàn toàn đúng của những phát biểu ấy.

- Phần Bình luận văn nghệ của VNQĐ rất mong muốn được tăng cường bài vở của những cộng tác viên mới mẻ trẻ trung cá tính, về những câu chuyện văn nghệ tươi ròng đương diễn ra. Bạn có thể gợi ý mách bảo giúp chúng tôi cách giải nan đề tìm và mời nhà phê bình trẻ cộng tác với tạp chí? Sở dĩ vừa nãy tôi đưa ra thắc mắc có phần bốc đồng rằng những tinh hoa phát tiết không đợi tuổi nay người ở đâu, là tại vì chúng tôi cứ loay hoay với cái nan đề vừa nêu…

+ Hãy thử theo dõi thêm facebook và các diễn đàn văn chương online anh ạ. Tôi thấy có không ít những người trẻ cùng thế hệ tôi với những bài viết, những luận bàn sâu sắc được thể hiện bằng một thứ ngôn ngữ giàu cá tính, thậm chí có hơi ngang tàng, đùa cợt, phá phách. Tôi không phải tạng người có kiểu viết như thế, nên vừa thấy thích, vừa thấy nể các bạn! Phê bình ở ta, theo tôi, nhiều khi nghiêm trang quá, rất cần những sinh khí mới mẻ!

- Những cách phê bình như bạn vừa nói, đặc biệt là ở Bên phía nhà Z, rõ ràng có ý nghĩa chất vấn lại kiểu phê bình nghiêm trang nghiêm ngắn nghiêm nghị đã trở nên bão hòa xơ vữa trên văn đàn “trung tâm”. Thời gian gần đây, một số bạn trẻ hơi cá tính thì đã hứng khởi cộng tác cùng VNQĐ, còn một số bạn trẻ quá cá tính thì hình như chỉ thích ở “ngoại biên”. Nhưng, lại thêm một nan đề là, phía “trung tâm”, khi mà tôi ngỏ mời cộng tác với phần Bình luận văn nghệ trên VNQĐ thì nhiều giảng viên văn khoa bảo, rằng họ không phải là nhà nghiên cứu phê bình, vì việc chính của họ là giảng dạy…

+ Theo tôi, nếu quả tình có những giảng viên trả lời như vậy thì thật là đáng ngại. Bởi rõ ràng, nghiên cứu và giảng dạy là hai nhiệm vụ song song mà bất cứ giảng viên nào, ở bất cứ trường đại học nào, cũng phải thực hiện, vì đó trước hết là nhiệm vụ, và họ được trả lương để làm hai công việc chính yếu đó. Khác với giáo viên phổ thông, giảng viên đại học không chỉ giảng dạy, truyền đạt tri thức có sẵn mà còn góp phần vào việc tạo sinh tri thức mới, phát triển chuyên ngành mà họ đeo đuổi. Chính vì vậy, nếu không làm nghiên cứu, hoặc xem nghiên cứu chỉ là chuyện phụ, làm sao các giảng viên ấy có thể hoàn thành được vai trò của mình? Thêm vào đó, tầm quan trọng của công việc viết lách, nghiên cứu phê bình đối với một giảng viên ngành văn còn nằm ở chỗ là, chúng kích thích họ không ngừng nâng cao năng lực, tri thức, từ đó có thể giảng dạy một cách tốt hơn.

- Có thể những giảng viên ấy đã cực đoan khi khu biệt quá rạch ròi “nghiên cứu” và “phê bình” chăng. Nếu thế thì lại khiến tôi liên hệ đến cái gọi là nhà phê bình chuyên nghiệp. “Chuyên nghiệp”, xét theo nghĩa chức trách nghề nghiệp, thì trên thế giới có hay không tôi không biết chứ ở ta tuyệt nhiên không có. Chẳng ai được Nhà nước trả lương để chỉ chuyên tâm chuyên chú toàn thời gian làm phê bình cả. Việc chính của giảng viên là dạy học (và nghiên cứu, như bạn vừa nói), của nghiên cứu viên ở các viện nghiên cứu là… nghiên cứu, của biên tập viên như chúng tôi là biên tập. Còn “chuyên nghiệp”, xét theo nghĩa phẩm tính, trình độ, thì ở ta ít nhiều là có. Ta vẫn khen nhà phê bình nào đó là có tác phẩm giàu phẩm tính chuyên nghiệp, đạt đến trình độ chuyên nghiệp đấy thôi…

+ Tôi vẫn thích hiểu khái niệm “chuyên nghiệp” của phê bình theo nghĩa phẩm tính, trình độ như anh vừa nói. Và theo cách hiểu ấy, tôi có thể nêu ra ở đây rất nhiều gương mặt nhà phê bình mà tôi yêu thích và thường chọn đọc: Thiếu Sơn, Hoài Thanh, Trương Tửu, Đỗ Long Vân, Lê Tuyên, Nguyên Sa, Tuệ Sỹ, Đặng Tiến, Huỳnh Như Phương, Khuất Bình Nguyên, Chu Văn Sơn, Đoàn Ánh Dương, Trần Ngọc Hiếu…

- Như con tằm phải ăn bao nhiêu nong lá dâu mới nhả được những sợi tơ óng chuốt, nhà phê bình phải đọc bao nhiêu bồ chữ mới thả được những hạt chữ “chuyên nghiệp”. Phê bình là công việc không bắt buộc, nhuận bút lại thấp, người đọc lại ít…, nhưng bạn vẫn xác quyết “dấn thân vô”?

+ Tôi mê đọc, và cũng say mê chia sẻ sự đọc, sự quan sát, suy ngẫm của mình đến với người khác. Việc giảng dạy, hẳn nhiên, cho tôi được nói những điều mình biết, mình nghĩ với người học của mình, nhưng rõ ràng nhóm đối tượng ấy thường hẹp và cố định. Viết phê bình thì khác. Những điều tôi viết ra có cơ hội được đến với những bạn đọc mà tôi không biết, thậm chí không ngờ tới, dẫu có thể như anh nói, chỉ là ít ỏi. Và từ đó, tôi hạnh phúc khi nghĩ mình luôn sống trong những đối thoại, dù chỉ là những đối thoại ẩn, diễn ra thầm lặng trong tâm tưởng.

Hơn thế, viết phê bình thực ra cũng là một cách giúp tôi có dịp đối thoại với chính mình, nghiền ngẫm chính mình. Những suy tưởng thường phát khởi trong quá trình tôi đọc, nhưng chúng là những cơn lốc: cuộn xoáy, dữ dội, và thường vô trật tự. Viết lại những suy tưởng ấy trong hình thức một bài phê bình chính là cách tôi bình tâm sắp xếp lại những ý tưởng của mình, trăn trở cùng chúng, liên tục phản biện lại chúng. Điều này không chỉ giúp mài sắc sự đọc, sự cảm thụ và tư duy viết lách của chính tôi, mà quan trọng là, chính trong những lúc ấy, tôi nhận ra mình có khi cao hứng cực đoan quá, có khi dè dặt nhút nhát quá, cũng có khi còn nhiều cạn cợt và thiếu sót quá... Viết phê bình, vì vậy, với tôi, cũng chính là một cách chiêm nghiệm về đời sống, về quan điểm sống và thái độ sống của chính mình.

- Nhà văn Orhan Pamuk, giải Nobel văn chương 2006, trong tập tiểu luận Những màu khác (Lâm Vũ Thao dịch, Nxb Văn học & Nhã Nam, 2013), có nói, rằng để vui sống, hằng ngày ông phải dùng một liều văn chương, vì văn chương không cho phép ông vờ là mình đang cứu vãn thế giới mà đúng hơn là nó cho ông cơ hội cứu vãn một ngày, mà mọi ngày với ông thì đều khó khăn, và ngày đặc biệt khó khăn nhất là ngày mà ông không viết hoặc không viết được chút nào… Bạn có như thế không, coi viết là một niềm an ủi, thậm chí là liệu pháp sống, tức viết là tự cứu rỗi?

+ Đúng là gần như ngày nào tôi cũng viết chút gì đó. Chủ yếu là các bài phê bình, nghiên cứu. Đôi khi là các tản văn nhỏ. Viết, trước hết, giúp tôi thấy mình làm được việc gì đó… có ích, ít nhất là đối với bản thân tôi. Ở đây tôi hết sức đồng cảm với chia sẻ của Orhan Pamuk mà anh vừa nhắc đến. Quả tình, trong những ngày không viết được gì, tôi thấy thật khó khăn, thấy đời mình cứ thừa thãi, chán ngán và ù lì làm sao.

Song nói viết là niềm an ủi, một sự tự cứu rỗi, một liệu pháp giải trừ những rối ren trong tâm trí... thì không hẳn đúng với tôi. Tôi thường viết trong hân hoan, khi tâm hồn an dịu, muốn chia sẻ một điều gì ý vị, lí thú với người khác. Trong những lúc rối rắm, tâm trạng xuống dốc, tôi ít viết được và ít viết hay được. Nói cách khác, viết với tôi không phải là một cách giải tỏa hay tự xoa dịu những đau đớn của chính mình, mà ngược lại, là nỗ lực lan tỏa đến người khác những mát lành, những nguồn năng lượng tích cực. Quan niệm như thế, tôi thấy sự viết thật có ý nghĩa.

- Đấy là chuyện viết, còn về chuyện đọc, cũng Orhan Pamuk, trong tập tiểu luận đã dẫn, có chia sẻ, rằng đọc kĩ một cuốn sách không có nghĩa là đưa mắt và trí óc chậm rãi và kĩ lưỡng qua văn bản, mà là chìm đắm tuyệt đối vào trong tâm hồn của nó. Bạn có như thế không, nếu có thì có thể chia sẻ, về một vài tác phẩm mà bản thân hữu duyên được “chìm đắm tuyệt đối vào trong tâm hồn” của chúng?

+ Tôi rất thích đọc truyện ngắn, nhất là truyện của các tác giả như William Faulkner, Ernest Hemingway, Flannery O’Connor, Nguyễn Huy Thiệp, Phan Triều Hải, Nguyễn Ngọc Tư… Lí do nằm ở chỗ, truyện ngắn của họ thường là những sáng tác có thể khiến người ta há hốc, rợn ngợp, những tác phẩm chỉ mấy trang ngắn nhưng bất thình lình giáng vào người ta những đòn mạnh cực hiểm, bày ra trước mắt người ta bao nhiêu đổ vỡ sửng sốt. Nói cách khác, truyện ngắn, hay rộng ra là văn xuôi hư cấu, vẫn có khả năng chạm đến những yếu huyệt cảm xúc trong tôi. Nhưng không hiểu vì sao, khi đọc một tác phẩm truyện ngắn hay tiểu thuyết, tôi thường không dứt được khỏi những suy tưởng đầy lí tính. Kết cấu trần thuật ra sao? Diễn biến tâm lí nhân vật thế nào? Nhà văn đang cố nói điều sâu thẳm gì vậy đằng sau câu chuyện mà anh/ chị ta đang kể?... Và rồi những suy tưởng kiểu như thế nhanh chóng kéo tôi ra xa khỏi các tác phẩm ấy, biến tôi trở thành một kẻ đứng ngoài, một người quan sát cố gắng giao tiếp với chúng. Sự “chìm đắm tuyệt đối vào trong tâm hồn” như ý của Orhan Pamuk mà anh vừa dẫn, vì vậy, thường không xuất hiện khi tôi đọc văn xuôi hư cấu.

Trái lại, tôi thường xuyên được hân hưởng cái cảm giác đi vào trạng thái ấy với thơ ca, dù quả tình, tôi không đọc nhiều thơ cho lắm. Tôi đọc thơ rất kén, và vì vậy, số lượng nhà thơ mà tôi thích cũng ít hơn so với văn xuôi rất nhiều. Dầu vậy, may thay, vẫn có nhiều bài thơ cho tôi cái hạnh ngộ được trải nghiệm những thăng hoa như thế của sự đọc. Đó là cái rưng rưng trước những dâu biển của đời người trong Và rồi tất cả sẽ nguôi ngoai của Tô Thùy Yên, nhất là trong một lần ra Huế giữa mùa đông, tôi đi ngang những bức tường rêu bao quanh thành nội mà đọc Những người thuở trước tham chung đỉnh/ Áo mũ xênh xang chốn ngọ môn/ Sơ thất, thương thay thân xuống lính/ Đày ra quan ngoại, chết không chôn; là nỗi đồng cảm trước lòng trắc ẩn trong trẻo của Lưu Quang Vũ trong Trung Hoa: Trung Hoa khổng lồ/ Trung Hoa đau thương/ Mai tan hết mây mù mưa xám/ Trung Hoa Võ Tòng, Trung Hoa Lý Bạch/ Lại là Trung Hoa từ tuổi nhỏ ta yêu; là cảm giác khi lần đầu đọc Mưa Thuận Thành, cái cảm giác sương khói chơi vơi như thể đang được cùng Hoàng Cầm ngồi ngắm mưa nơi một góc đình cổ bên sông Đuống, để thấy phận người cũng như phận mưa, lúc là giọt rơi giữa sân ngọc, phủ chúa, lúc lại là một “hạt mưa hoa nhài”, “hạt mưa sành sứ”, và cũng có khi chỉ là một giọt mưa ni cô rơi trước cổng chùa Dâu…

- Quả là thú vị, chẳng có mẫu số chung cho những cái viết cũng như cái đọc... Phê bình, để khỏi bị định kiến thì phải hướng đến thực hành đúng và đủ theo cái nghĩa của nó, tức là vừa đi sau (“ăn theo”) vừa đi cùng (đồng hành) vừa đi trước (khai phóng) sáng tác, mà đối tượng của phê bình đâu chỉ là sáng tác, mặc dù vẫn biết tác phẩm là trung tâm của hoạt động văn học. Bạn nghĩ sao?

+ Nói thực, khi viết phê bình, tôi không nghĩ đến những điều quá lớn lao như vậy. Như đã nói đến ở trên, phê bình với tôi đơn giản là chia sẻ sự đọc của mình đến với người khác. (Dù tôi hiểu, ở đây anh đang nói đến đại cục của phê bình, đang hướng đến một nền phê bình lí tưởng...) Nhưng đúng như anh nói, cái đọc của bản thân mà tôi vừa nói không chỉ khuôn định trong việc đọc, cảm thụ và bình luận, định giá một sáng tác văn học nào đó, mà ngược lại nên được hiểu một cách rộng hơn, bao quát hơn. Sự đọc ấy có thể là đọc vị đời văn và chân dung nghệ thuật của một nhà văn, là đọc ra những ẩn ngữ đằng sau những chuyển động không ngừng của đời sống văn học, đọc con đường đi và quy luật vận động của lịch sử văn học… Khi hiểu như thế, dễ thấy phổ quan tâm của phê bình văn học rất rộng.

- Thời gian không đợi ai. Bạn thấy đấy, mới nửa năm mà nhiều bậc văn nhân đất Việt thoắt cái đã thành người thiên cổ. Rồi tôi sẽ già, và bạn sẽ không còn trẻ. Trẻ là một tài sản. Đến hẹn lại lên, Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 được Ban Nhà văn trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam dự kiến sẽ tổ chức vào cuối năm nay tại Đà Nẵng. Nếu được chọn mời là đại biểu chính thức, bạn sẽ “tham luận” gì tại Hội nghị?

+ Mấy năm gần đây quả tình là quãng thời gian không mấy sáng sủa của văn học Việt. Quá nhiều cây bút tài hoa ra đi, để lại bao nhiêu tiếc nuối. Niềm an ủi lớn lao hơn tất cả, theo tôi, là dù cho những văn tài ấy không còn, nhưng văn nghiệp của họ thì ở lại, trở thành những di sản quý báu, không chỉ với chúng ta hôm nay, mà còn với nhiều thế hệ nối tiếp. Hiểu như thế, tôi nghĩ, chúng ta tiếc nuối nhưng sẽ không lo âu quá nhiều về “khoảng trống” hay “lỗ hổng” mà những văn nhân ấy để lại cho đời sống văn học Việt đương đại, bởi họ vẫn luôn ở đây, hiện diện bên ta. Điều mà ta cần quan tâm hơn khi đứng trước những mất mát ấy, đúng như anh nói, là nhìn về chính mình, về tuổi trẻ mà mình đang có như một thứ tài sản, về những hoạch định mà mình cần hoàn thành để làm tuổi trẻ ấy trở nên có ích.

Tôi cũng đã được biết một vài thông tin bên lề về kế hoạch tổ chức Hội nghị Những người viết văn trẻ trong năm nay, và sẽ thật vui nếu tôi được chọn làm một đại biểu tham dự hội nghị lần này, được kết nối với nhiều bạn văn đến từ nhiều nơi trên khắp đất nước. Trong dịp ấy, có lẽ tôi sẽ chia sẻ một góc nhìn của mình về sự phổ biến đáng kinh ngạc trên toàn cầu của cái tên Haruki Murakami và những tiểu thuyết của ông, từ đó thử đi tìm và khái quát hóa một “mô hình” văn chương có khả năng vươn tới phạm vi “đại chúng” ấy… Tất nhiên, mọi thứ chỉ là dự định. Dầu vậy, tôi mong mình sẽ có cơ hội được góp tiếng, và những ý tưởng nhỏ ấy, biết đâu, sẽ là một gợi ý thú vị cho các bạn văn của tôi!

- Cảm ơn bạn đã tham gia trò chuyện cùng VNQĐ!

HOÀNG ĐĂNG KHOA thực hiện

VNQD
Thống kê