Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 971+972 (số đặc biệt chào mừng Quốc khánh 2/9)

Thứ Tư, 25/08/2021 20:29

 Văn nghệ Quân đội số đặc biệt luôn mang đến cho bạn đọc yêu thích văn chương những điều đặc biệt. Nhân dịp chào mừng ngày Quốc khánh của dân tộc, ban biên tập sẽ giới thiệu những bài viết, những tác phẩm mang đậm dấu ấn về lịch sử hào hùng của đất nước; tôn vinh hình ảnh người lính trong chiến tranh cũng như thời bình - những con người giản dị mà cao quý, luôn lặng lẽ hi sinh và cống hiến hết mình cho những điều tốt đẹp… Bên cạnh đó là những trang viết mang đậm dấu ấn của đời sống hôm nay với nhiều vẻ đẹp và cả những suy tư. Hãy cùng chúng tôi điểm qua Tạp chí VNQĐ số đặc biệt này nhé!

Cùng với Đường Hồ Chí Minh trên bộ, Đường Hồ Chí Minh trên biển - con đường vận tải bí mật, bất ngờ, có ưu thế về thời gian, hiệu quả và khả năng vận chuyển sâu vào các chiến trường xa, là một sáng tạo độc đáo, đặc sắc, thể hiện tầm nhìn chiến lược, tài thao lược của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh cách mạng, kế thừa và phát huy truyền thống đánh giặc anh hùng của ông cha ta. Nhân dịp kỉ niệm 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 - 23/10/2021), Tạp chí VNQĐ có cuộc phỏng vấn đồng chí Trung tướng Nguyễn Văn Bổng - Chính ủy Quân chủng Hải quân về vị trí, ý nghĩa của con đường huyền thoại này hôm qua và hôm nay. Bài đối thoại mang tên Phát huy truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc trong tình hình mới sẽ mở đầu Tạp chí.

Bền bỉ cộng tác với Tạp chí VNQĐ từ năm 2009, mười năm sau, ở cuộc thi truyện ngắn mang tên "Lửa mới" (2018 - 2019) Vũ Thanh Lịch đã bước lên ngôi vị cao nhất với tác phẩm Nhà Thánh, một trong chùm năm truyện đã đăng. Nhà nghiên cứu phê bình Văn Giá nhận xét, văn của Vũ Thanh Lịch là dạng "lách sâu vào không gian văn hóa làng với một sự thẩm thấu kĩ và tinh, có khả năng phục sinh những chữ, những cách nói dân gian tưởng chừng đã mất… Là một trường hợp điển hình cho kiểu nhà văn cắm đời mình thật sâu, thật kĩ, thật lòng ở một vùng đất. Rồi từ đấy, cứ tự nhiên mà tỏa ra với thiên hạ, với văn chương đất nước". Trong số này sẽ có cuộc trò chuyện thú vị giữa nhà văn Nguyễn Mạnh Hùng và nhà văn Vũ Thanh Lịch xoay quanh câu chuyện về văn chương.

Phần Văn xuôi dày dặn và ấn tượng với các truyện ngắn: Phiên chợ tết của Phùng Quốc Hiển, Đi mua xe hơi của Đoàn Ngọc Hà, Trở dạ của Lê Thị Kim Sơn, Phép màu của Quyên Gavoye, Mộng Chu Tước của Nguyễn Thị Kim Hoà.

Truyện kí Phiên chợ tết khắc hoạ chân thực cuộc khởi nghĩa vùng dậy chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp và chế độ phong kiến của quan và dân miền núi phía Bắc trong những năm 1945. Qua đó bạn đọc có thể chứng kiến được quá trình trưởng thành của những người lính, họ đã trải qua quá trình giác ngộ lí tưởng cách mạng, yêu nước như thế nào.

Đi mua xe hơi ấn tượng bởi giọng văn hóm hỉnh, hài hước nhưng có chiều sâu nhân văn. Nhà văn Đoàn Ngọc Hà luôn khiến bạn đọc phải bật cười trong cách kể, cách tả khác biệt của mình. Một vùng quê ven đô với những con người tảo tần chịu thương chịu khó làm lụng. Họ khát khao làm giàu, khát khao đổi đời bởi những lí do rất cá nhân, điều đó phần nào phản ánh tư duy của một bộ phận người muốn được thể hiện và thoả mãn cái tôi của mình. Nhưng sau tất cả, sự bao dung, nhân hậu tiềm ẩn trong bản chất mỗi người sẽ giúp họ chia sẻ, chan hoà với nhau và bước qua những mâu thuẫn, rào cản.

Trở dạ gây xúc động và ám ảnh bởi những nỗi đau mà chiến tranh đã gây ra không chỉ cho thế hệ những người lính trực tiếp tham gia chiến tranh. Di chứng của nó đã khiến cho những thế hệ sau phải chịu nỗi giày vò, xa xót. Dịu đã chứng kiến người cha bị hành hạ bởi những cơn đau sau khi trở về từ chiến trường; nỗi bất hạnh của người mẹ; sự ra đi của những người bạn; sự biến dạng của những đứa trẻ, trong đó có con của Dịu… Những nỗi đau tưởng như không thể nào vượt qua ấy sẽ có một cái kết như thế nào?

Phép màu với những yếu tố kì ảo, viễn tưởng nhưng vẫn khắc hoạ được chân thực nhân diện con người và cuộc sống hôm nay với những góc khuất, sự tha hoá bởi vật chất và cả những dị hợm của tâm hồn. Bác sĩ Trần xuất hiện trong tác phẩm như một sự cảnh báo về sự xuống cấp của nhân cách cũng như đạo đức nghề nghiệp. Và sau cùng, điều gì cũng có thể xảy ra khi con người đã chạm đến ngưỡng tận cùng của tham vọng đen tối…

Mộng Chu Tước viết về cuộc đời nhân vật Nguyễn Nhược Thị Bích. Bà là phi tần của vua Tự Đức nhà Nguyễn. Bà nổi tiếng bởi là người có tài, là tác giả của bài Hạnh Thục ca trong văn học Việt Nam. Trong truyện ngắn này nhà văn Nguyễn Thị Kim Hoà đã khắc hoạ hình ảnh của bà trong những năm thực dân Pháp bắt đầu xâm lược Việt Nam. Những hoài bão, khát vọng và suy tư của người phi tần tài giỏi được khắc hoạ qua chính những nhân vật trong tác phẩm của bà.

Phần Văn xuôi còn có tuỳ bút Sài Gòn, thương từ trong ruột thương ra của Tống Phước Bảo, ghi chép Chống dịch nơi địa đầu Tổ quốc của Nguyễn Luân, kí ức chiến trường Những ngày trên chốt của Phùng Văn Định, tản văn Hoa vẫn đẹp và tỏa hương ở đó của Nguyễn Anh Vũ.

“Truyện ngắn hay tác giả tự chọn” giới thiệu tác phẩm Đại gia dép lốp của nhà văn Nguyễn Trọng Luân.

Phần Thơ với sự xuất hiện của các tác giả tên tuổi mà tác phẩm của họ đã ghi dấu trong lòng bạn đọc bởi giọng điệu, phong cách ấn tượng. Bên cạnh đó là những cây bút trẻ mới xuất hiện trên thi đàn như những làn gió mới, họ mang đến sự sáng tạo, nhiệt huyết, tài năng… để góp phần làm nên sự đa dạng, sinh động cho thơ Việt đương đại.

Hình ảnh người lính gắn với lịch sử và tình yêu quê hương, đất nước là đề tài không bao giờ vơi cạn trong thơ. Các nhà thơ hôm nay vẫn không ngừng tìm kiếm và sáng tạo để làm mới những đề tài lớn lao cũng như đi sâu vào những câu chuyện của văn hóa, của thiên nhiên, của con người để thấu hiểu và khám phá, khơi gợi những vẻ đẹp ẩn tàng.

Những trang thơ dự thi ấn tượng bởi sự đa dạng về đề tài, thể loại, phong cách. Đặc biệt, một số tác giả đã khẳng định mình bằng nội lực sáng tạo cũng như chiều sâu của tư duy thơ. Ban biên tập vẫn mong chờ đón nhận những tác phẩm mới gửi đến đóng góp vào “Cuộc thi Thơ trên tạp chí Văn nghệ Quân đội 2021-2022”.

“Thơ trong những tập thơ” là bài viết Ngã ba Nguyễn Thành Phong của nhà thơ Trần Anh Thái viết về thi tập Đêm ngồi ngã ba sông của Nguyễn Thành Phong.

“VNQĐ giới thiệu” là chân dung tác giả trẻ Hà Hương Sơn cùng chùm thơ ấn tượng của anh.

Văn học nước ngoài giới thiệu tiểu luận Hãy hỏi chính mình: Cuốn sách nào ta thật sự yêu? của Salman Rushdie, nhà văn gốc Ấn Độ, hiện sống và viết tại Mĩ. Tiểu luận do Hải Ngọc dịch từ nguyên bản tiếng Anh.

Phần Bình luận văn nghệ với sự góp mặt của các tác giả: Đinh Trí Dũng, Ngọc Khuê, Nguyễn Hữu Quý, Nguyễn Thị Phương Thúy - Châu Xuân Uyên, Hoài Nam, Trần Văn Trọng, Nguyễn Thị Kim Nhạn, Thu Sang, Lê Hữu Trúc.

Văn tức là người. Văn thơ Hồ Chí Minh luôn thể hiện sâu sắc trí tuệ lỗi lạc, tấm lòng giàu yêu thương và tâm hồn cao đẹp của Người. Văn thơ, trong đó có mảng văn chính luận, chỉ là bộ phận rất nhỏ trong sự nghiệp cao cả và vĩ đại của Người. Nhưng ở đó, nhiều thế hệ hôm nay và mai sau có thể tìm thấy những giá trị tinh thần cao quý, những bài học bổ ích. Bài viết Văn xuôi chính luận của Hồ Chí Minh từ năm 1946 đến năm 1969 sẽ bàn về văn xuôi của Bác trong giai đoạn này.

Có sự gặp gỡ như một cơ duyên lịch sử hiếm hoi gắn liền với những bước ngoặt vĩ đại của dân tộc. Sự gặp gỡ tạo nên mối quan hệ đặc biệt của những con người thiên tài - lỗi lạc trong kết nối thầy trò, đồng chí và chắc chắn còn hơn thế nữa. Không chỉ dân tộc Việt Nam mãi mãi tự hào mà thế giới vẫn thường nhắc đến những cái tên đó với sự kính trọng bền lâu… Bài viết Một cơ duyên lịch sử sáng ngời nói về sự gặp gỡ mang tính lịch sử của Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp.

Dòng văn học về chiến tranh biên giới Tây Nam sẽ mang đến cho bạn đọc những cảm quan về dòng chảy văn học về chiến tranh biên giới Tây Nam, qua đó khẳng định những đóng góp ở đề tài này đã góp phần quan trọng vào dòng chảy chung của văn học viết về chiến tranh…

Mới đây, phá vỡ không khí tĩnh lặng của đời sống văn học, một cuộc tranh luận đã nổ ra liên quan đến việc chọn lựa và giới thiệu chùm thơ của Ly Hoàng Ly trên số 1 (ra ngày 3/7/2021) của báo Văn nghệ bộ mới. Bài viết Ly Hoàng Ly - sự gặp gỡ giữa thơ và nghệ thuật trình diễn sẽ góp thêm một lời bàn về thơ của nữ thi sĩ này.

Còn nhiều bài viết hấp dẫn, mang tính kiến giải, luận bình về các lĩnh vực của văn học nghệ thuật. Những chân dung và tác phẩm được lí giải, phân tích kĩ lưỡng; những câu chuyện, trao đổi về nghề viết sẽ góp phần làm nên sự phong phú cho phần này.

Tạp chí VNQĐ số 971 + 972 với nhiều tranh, ảnh đẹp dự kiến sẽ phát hành ngày 30/8/2021. Thân mời các bạn đón đọc!

Văn

P.V Trung tướng Nguyễn Văn Bổng - Chính ủy Quân chủng Hải quân: Phát huy truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc trong tình hình mới 3. Tống Phước Bảo Sài Gòn, thương từ trong ruột thương ra 12. Phùng Quốc Hiển Phiên chợ tết 19. Nguyễn Luân Chống dịch nơi địa đầu Tổ quốc 29. Nguyễn Trọng Luân Đại gia dép lốp 51. Đoàn Ngọc Hà Đi mua xe hơi 61. Quyên Gavoye Phép màu 74. Phùng Văn Định Những ngày trên chốt 86. Nguyễn Anh Vũ Hoa vẫn đẹp và tỏa hương ở đó 90. Lê Thị Kim Sơn Trở dạ 114. Nguyễn Mạnh Hùng Nhà văn Vũ Thanh Lịch: Như con tằm nằm trong kén quê hương 124. Nguyễn Thị Kim Hòa Mộng Chu Tước 130.

 

Thơ

Hồ Minh Tâm Chị; Đừng làm méo một tiếng đàn 37. Võ Văn Luyến Đêm mơ thấy chim về gõ cửa; Ven đô 39. Trần Bạch Diệp Bông diếp đồi Trọ; Phố mùa loa kèn 41. Bùi Việt Phương Mùa hạ; Bản ta 44. Trang Thanh Khúc bi ai từ rừng hoa độc; Những cánh chim bay tìm mây ấm 46. Nguyễn Thánh Ngã Nhà chị tôi Hà Nội; Lục bình sông Hậu 48. Trần Anh Thái Ngã ba Nguyễn Thành Phong (Đọc Đêm ngồi ngã ba sông của Nguyễn Thành Phong) 69. Bùi Sỹ Hoa Hạt thóc; Nhúm rau khô 106. Nguyễn Quang Hưng Đơn vị đặc biệt; Thăm đồng đội 108. Văn Triều Nơi đó; Đồng hồ cát; Chờ bản tin Bluezone 111. Đỗ Tấn Đạt Chiếc hộp màu sắc; Hành lang trắng 142. Nguyễn Văn Song Tạ người bánh đúc riêu cua; Mồ côi 144. Hương Giang Cuộc hành hương của rễ và chiếc lá; Một lần viếng thăm Novodevichy 146. Nguyễn Đức Hậu Bên bờ Ái Tử 148. Vàng A Giang Người yêu ở Pú Hồng; Năm tháng này quê tôi 149. Bạch Văn Tín Đón bác về nghĩa trang 151.VNQĐ giới thiệu thơ Hà Hương Sơn Màu nước; Bài số 1; Bài số 32 152. Nguyễn Việt Chiến Năm mươi năm các anh không trở lại; Đêm Mỵ Châu; Thành phố được sưởi ấm bằng hoa 176. Nguyễn Linh Khiếu Tiên Nữ; Tiếng gà gáy trên đảo Phan Vinh 179. Thúy Bắc Trăng trên đường Đồng Lộc 181. Trần Vũ Long Cánh sen tháng sáu; Mơ hoang 183. Khương Thị Mến Xuyến chi cánh mỏng 185.

 

Văn học nước ngoài

Salman Rushdie Hãy hỏi chính mình: Cuốn sách nào ta thật sự yêu? (Hải Ngọc dịch từ nguyên bản tiếng Anh) 94.

 

Bình luận văn nghệ

Đinh Trí Dũng Văn xuôi chính luận của Hồ Chí Minh từ năm 1946 đến năm 1969 155. Ngọc Khuê Kinh đô Huế trong Cách mạng tháng Tám qua thơ Tố Hữu 160. Nguyễn Hữu Quý Một cơ duyên lịch sử sáng ngời 164. Nguyễn Thị Phương Thúy - Châu Xuân Uyên Dòng văn học về chiến tranh biên giới Tây Nam 167. Hoài Nam Tướng Trần Tử Bình - chân dung một nhà cách mạng huyền thoại 172. Trần Văn Trọng Vài nét về thể kí trên Tiên phong Văn nghệ giai đoạn 1945 - 1954 186. Nguyễn Thị Kim Nhạn Ly Hoàng Ly - sự gặp gỡ giữa thơ và nghệ thuật trình diễn 190. Thu Sang Paul Gauguin và xứ sở thiên đường hoang dã 195. Lê Hữu Trúc Phê bình kiến trúc - những tồn tại 198

 

Minh họa, ảnh

Bìa 1: Điểm tựa Tranh của họa sĩ Lê Thế Anh

Minh họa: Thành Chương, Bùi Quang Đức, Hải Kiên,

Ngô Xuân Khôi, Tào Linh, Nguyễn Đăng Phú,

Đặng Tiến, Lê Anh Vân, PV...

VNQD
Thống kê