Năm 2021 có lẽ là một năm có nhiều điều đáng nhớ với mỗi cán bộ, chiến sĩ LLVT Thủ đô Hà Nội. Một năm với nhiều biến động và nhiệm vụ đột xuất khiến mỗi người lính đều phải căng mình vượt qua mọi thử thách, hoàn thành nhiệm vụ trong những điều kiện đặc biệt. Bên cạnh niềm vui, niềm tự hào khi đúng dịp kỉ niệm 75 năm ngày truyền thống, LLVT Thủ đô Hà Nội được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, mỗi người lính thuộc LLVT Thủ đô còn có một niềm vui nho nhỏ vì đã góp phần để giữ cho Hà Nội được an toàn trước đại dịch Covid-19. Nhân dịp này, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Triển, Chính uỷ BTL Thủ đô Hà Nội đã có những chia sẻ với VNQĐ.
Bài trò chuyện mang tên Trong đại dịch Covid-19, hình ảnh người chiến sĩ Thủ đô càng thêm tỏa sáng sẽ mở đầu tạp chí số 976.
Phần Văn xuôi với hai truyện ngắn ấn tượng: Đối tác từ phía bên kia của Phan Ngọc Chính, Biến hình của Trần Thái Hưng. Cùng với đó là truyện kí Hồi hương của Hồ Tĩnh Tâm.
Đối tác từ phía bên kia thu hút người đọc bởi chất đời sống gần gũi, sinh động. Câu chuyện bắt đầu từ việc làm ăn giữa những chủ vườn quả và đối tác đến từ nước ngoài, nhưng đằng sau đó còn là những câu chuyện của quá khứ, của lịch sử. Sơn và Liu hiện tại là đối tác làm ăn nhưng trong quá khứ họ từng là hai người cầm súng ở hai chiến tuyến… Truyện hé gợi những điều còn lớn lao hơn cả câu chuyện làm ăn buôn bán thông thường.
Biến hình mang đến một sự mới mẻ, độc đáo vể đề tài nhưng cũng không nằm ngoài những giá trị cốt lõi của đời sống, đạo đức con người. Bông là một cô gái hiền lành, chất phác nhưng tạo hoá không ưu ái cô, cô rất xấu. Cơ hội đổi đời đến khi tình cờ cô giúp người chú họ xa trong một vụ tai nạn. Từ con vịt xấu xí trở thành thiên nga xinh đẹp, cuộc sống, số phận của Bông đã ngoặt sang một hướng khác.
Hồi hương ghi lại câu chuyện của những người dân phía bắc trở về quê khi đại dịch Covid-19 bùng phát căng thẳng, khốc liệt ở phía nam. Trên vạn dặm trở về quê hương ấy biết bao câu chuyện, biết bao số phận đã được hé lộ. Tình cảm giữa người với người được đề cao, tình cảm giữa con người với quê hương được thắt chặt. Người đọc sẽ không khỏi rưng rưng bởi những tình tiết của truyện…
Bên cạnh đó còn có bút kí Khúc ca Trường Sơn của Trình Quang Phú, tản văn “Bia hơi chuồng cọp” của Nguyễn Đắc Như.
“Truyện ngắn hay tác giả tự chọn” giới thiệu tác phẩm Nước mắt sông Cầm của nhà văn Uông Triều.
Phần Thơ với sự góp mặt của các tác giả: Trần Anh Thái, Đỗ Thành Đồng, Trần Tịnh Yên, Lê Từ Hiển, Đinh Ngọc Diệp, Diệu Châu, Lê Quang Trạng, Vân Phi, Khaly Chàm, Lê Vi Thuỷ, Vũ Thanh Hoa, Hà Ngọc Anh, Nguyễn Thiền Nghi, Nguyễn Thanh Vân.
Sự phong phú về đề tài, đa dạng về giọng điệu làm nên sự ấn tượng cho trang thơ số này. Các tác giả mang đến những cảm xúc, suy tư về lịch sử và diện mạo của thời đại mình trong thơ. Với góc nhìn riêng khác, mới mẻ, người viết cho bạn đọc thấy được họ đang chiếm lĩnh, khai thác những vỉa tầng mới của thơ. Điều này làm cho cuộc thi thơ của VNQĐ càng thêm cuốn hút, hứng khởi và hứa hẹn nhiều bất ngờ, thú vị.
“VNQĐ giới thiệu” số này là chân dung tác giả Lữ Hồng cùng chùm thơ ấn tượng của chị.
Phần Bình luận văn nghệ với sự góp mặt của các tác giả: Thanh Tâm Nguyễn, Hoàng Cẩm Giang, Nguyễn Trương Quý, Đỗ Thị Hường, Hoàng Thuỵ Anh, Nguyễn Ngọc Bảo Trâm.
Nhà văn quân đội, nhà văn mặc áo lính, nhà văn binh nhì…, những cách định danh ấy đều ngầm thể hiện sự đồng hành giữa hoạt động sáng tác văn chương với trải nghiệm quân ngũ của một bộ phận cây bút. Ở Việt Nam, đấy là mô hình nhà văn không chỉ tồn tại và thể hiện vai trò trong một giai đoạn lịch sử. Trong quá khứ, nhà văn quân đội được biết đến như một “binh chủng đặc biệt”. Bài viết Miền xanh thẳm trong sáng tác của các nhà văn quân đội để phần nào làm rõ hơn về “binh chủng đặc biệt” này và văn chương của họ.
Những bài ca yêu nước của Lưu Hữu Phước từng trở thành một nguồn lôi cuốn quần chúng trong cao trào giải phóng dân tộc thập niên 1940. Xuất phát từ những thành quả của Ban âm nhạc Tổng hội sinh viên Đại học Đông Dương, các bản hành khúc kêu gọi tinh thần dân tộc của nhóm sinh viên này vượt qua phạm vi trường đại học, can dự vào cuộc tạo dựng một diễn ngôn về một nước Việt Nam độc lập. Vang lên ban đầu như tiếng nói của một đoàn thể tinh hoa, chúng đã trở thành cảm hứng của một cộng đồng. Bài viết “Cho nòi giống soi chung” sẽ luận bàn về không khí âm nhạc ấy mà Lưu Hữu Phước đã ghi dấu.
Mười ngày của Boccaccio trở thành di sản rực rỡ của văn học Ý thời Phục hưng. Chúng ta biết rằng, “gần một trăm năm sau cái chết của Boccaccio, không có tác phẩm lớn nào được viết ở Ý”… Bài viết Mười ngày của Boccaccio - tác phẩm đỉnh cao của văn học Phục hưng sẽ làm rõ điều này.
Bên cạnh đó là nhiều bài viết xoay quanh các vấn đề đáng quan tâm của văn học nghệ thuật.
Tạp chí VNQĐ số 976 dày 120 trang với những bài viết thú vị, tranh, ảnh minh họa đẹp dự kiến sẽ phát hành ngày 5/11/2021. Thân mời các bạn đón đọc!
Văn
PV
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Triển - Chính ủy BTL Thủ đô Hà Nội: Trong đại dịch Covid-19, hình ảnh người chiến sĩ Thủ đô càng thêm tỏa sáng
Phan Ngọc Chính
Đối tác đến từ bên kia
Trình Quang Phú
Khúc ca Trường Sơn
Uông Triều
Nước mắt sông Cầm
Nguyễn Đắc Như
“Bia hơi chuồng cọp”
Hồ Tĩnh Tâm
Hồi hương
Trần Thái Hưng
Biến hình
Thơ
Trần Anh Thái
Chiều chiều: Cây trong đền thờ Uy Viễn Cao Sơn Dương
Minh Tự: Quê nội
Đỗ Thành Đồng
Một ngày; Vào chùa
Trần Tịnh Yên
Đẫm gió; Những dụ ngôn tưởng tượng
Lê Từ Hiển
Linh hồn phấn trắng
Đinh Ngọc Diệp
Tối giản; Bất động
Diệu Châu
Giọt Tầm Dương; Vô đề
Lê Quang Trạng
Tôi đi tìm bông hoa; Con sẻ đánh cắp chiếc kim giờ
Vân Phi
Gốm lưu lạc; Trên từng bước chân mê
Khaly Chàm
Bầu trời lập đông lấp lánh; Với trí tưởng hình dung
VNQĐ giới thiệu thơ Lữ Hồng
Hãy tìm em giữa mùa xuân cao nguyên;
Hay em đã vội vàng…; Đá núi
Lê Vi Thủy
Những kẻ mộng du; Gõ
Vũ Thanh Hoa
Mây trắng; Mê lộ núi
Hà Ngọc Anh
Bên đài hương thành cổ Quảng Trị; Hồn núi
Nguyễn Thiền Nghi
Đêm Cao Bằng; Vinh Mỹ ngày tôi trở lại
Nguyễn Thanh Vân
Người đàn bà không hóa đá
Bình luận văn nghệ
Thanh Tâm Nguyễn
Miền xanh thẳm trong sáng tác của các nhà văn quân đội
Hoàng Cẩm Giang
Phạm trù truyền thống và diễn ngôn về căn tính dân tộc
trong phim của một số đạo diễn Việt kiều
Nguyễn Trương Quý
“Cho nòi giống soi chung”
Đỗ Thị Hường
Triết học tình yêu Nga qua những sáng tác lãng mạn
của Aleksandr Kuprin
Hoàng Thụy Anh
Lý Hữu Lương hát về “nỗi khổ trên vai tộc người”
Nguyễn Ngọc Bảo Trâm
Mười ngày của Boccaccio - tác phẩm đỉnh cao của
văn học Phục hưng
Minh họa, ảnh
Bìa 1: Miền cổ tích Tranh của họa sĩ Cấn Mạnh Tưởng
Minh họa: Lê Trí Dũng, Trương Đình Dung,
Công Quốc Hà, Vũ Đình Tuấn, Lê Anh Vân, PV...
VNQD