Đối với nhà văn Hồ Phương, việc làm lãnh đạo cũng như sáng tác, nó cũng chơi chơi thật thật thế. Ấy mà chớ có tơ lơ mơ với ông. Hồ Phương luôn ngồi một chỗ mà chuyện ở cơ quan cái gì cũng biết, đừng hòng qua mắt của ông. Anh em có nói gì sau lưng Hồ Phương đều biết tuốt. Có gì ông chỉ tủm tỉm cười quyết không dây dưa với đám đàn em bò bướu.
Nhà văn Hồ Phương tên khai sinh là Nguyễn Thế Xương. Ông sinh năm 1930 tại thị xã Hà Đông và là một trong những Chính trị viên xuất sắc trực tiếp chiến đấu và phụ trách báo Quân Tiên phong của Đại đoàn 308 trong chống Pháp. Đại đoàn 308 lừng danh hôm nay, cán bộ chiến sĩ, nhất là cánh Chính trị viên đại đội luôn thần tượng Hồ Phương. Hồ Phương nổi tiếng rất sớm với tác phẩm Cỏ non đã được đưa vào sách giáo khoa. Song một tác phẩm khác của ông cũng rất đáng kể, đó là Thư nhà viết năm 1948 khi chàng lính Hồ Phương mới 18 tuổi. Hồ Phương sau chiến dịch Điện Biên Phủ được điều về Tổng cục Chính trị với nhiệm vụ viết văn và tham gia thành lập Văn nghệ Quân đội. Ông ở một mạch từ đó tới lúc nghỉ hưu năm 1993, gần 40 năm cũng là người có thời gian công tác lâu nhất ở cơ quan và là vị tướng thọ nhất.
Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương. Ảnh: TL
Các tác phẩm tiêu biểu của Hồ Phương phải kể đến: Những tiếng súng đầu tiên (1955); Cỏ non (1960); Xóm mới (1963): Chúng tôi ở Cồn Cỏ (1966); Can Lịch (1967); Khi có một mặt trời (1972); Biển gọi (1980); Bình minh (1981); Mặt trời ấm sáng (1985); Cánh đồng phía Tây (1994); Yêu tinh (2001); Những cánh rừng lá đỏ (2005) và đặc biệt là tiểu thuyết Cha và con viết về Bác Hồ được dư luận đánh giá cao.
Thiếu tướng Hồ Phương luôn để lại tiếng cười không chỉ trong câu văn mà còn cả trong đời sống. Hôm chúng tôi tới thăm ông đầu năm 2021, ông vẫn cười vui dù nhớ nhớ quên quên. Ông nhắc chúng tôi phải chăm viết về bộ đội và hỏi bộ đội có còn đi chăn bò như thời anh Nhẫn không? Thế rồi tất cả cùng cười.
Những điều đặc biệt của nhà văn Hồ Phương thực ra cũng rất dễ thương. Ví như từ lúc ông về hưu (1993), không chỉ với cơ quan mà là bất cứ đơn vị nào mời ông đều phải cho xe đến đón. Ông không đi xe taxi hoặc các loại xe khác mà nhất thiết phải là xe cơ quan, đơn vị có lời mời. Ông bảo đã là tướng phải như vậy, không thể “lìu tìu” được. Tưởng khó như vậy song thực ra Hồ Phương rất dễ gần, dễ mời. Còn chuyện xe pháo thời nay nào có khó gì đâu?
Trong các sáng tác của Hồ Phương, tinh thần hi sinh luôn rực sáng. Kể từ anh chăn bò trong tác phẩm Cỏ non đến các vị thủ trưởng, tướng lĩnh qua ngòi bút Hồ Phương cứ là sáng chói cả lên. Ở ông, dường như những cái xấu xa khuất tất đều dễ bề bị ngòi bút vị tướng “tóm gọn” rồi cho biến mất rất là gọn ghẽ. Bởi vậy, đã có chuyện khi bàn về văn chương Hồ Phương, có người đã cho rằng không phải đọc kĩ cũng thừa biết ông viết gì, kết thúc ra sao, chắc chắn tốt lành lương thiện sẽ thắng mưu mô độc ác. Quả là chỗ này chưa hiểu biết gì về ông? Còn có vẻ như ác ý cho rằng văn chương Hồ Phương một chiều, đỏ quá, ta thắng địch thua dễ dãi.
Sự thực khác hơn nhiều. Nhất là khi tiểu thuyết Yêu tinh của ông đoạt giải thưởng của Bộ Công an. Ở đó đã hằn lên những góc cạnh gồ ghề, những góc tối, góc khuất đời người được Hồ Phương cài cắm thể hiện điệu nghệ lắm. Đừng tưởng đã là tướng viết văn không sành sỏi những chỗ ngóc ngách hiểm ác của con người. Hóa ra Hồ Phương rất biết cách làm độc giả và bạn văn phải ngả mũ trước những trang văn sát sàn sạt, trụi trần đến chua cay nanh nọc.
Cùng với tài văn ấy, trong Cha và con viết về vị Cha già kính yêu của dân tộc lại đằm thắm dung dị lạ thường. Hồ Phương như trổ hết tài ba nhung tuyết của mình cho tác phẩm. Đã ở độ tuổi tám, chín mươi mà ông vẫn có những câu chữ xanh non. Cái xanh non của Hồ Phương đã không còn rõ ràng mật ngọt như thời Cỏ non mà thăm thẳm vời vợi nỗi niềm của một người đã đi qua biết bao khổ đau cơ cực. Văn Hồ Phương chín tự nhiên như tằm đủ dâu đều lứa. Và Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đến với ông cũng là một lẽ tất nhiên.
Thiếu tướng Hồ Phương, tuổi chín mươi vẫn xanh non như cỏ. Ảnh: TL
Văn chương đã như vậy mà cuộc đời Hồ Phương cũng xanh non lắm lắm. Tự biết tổ chức cuộc đời mình rất ra tấm ra món ngay từ khi còn làm báo Quân Tiên phong ở Đại đòa 308 lừng danh. Sớm về Tổng cục Chính trị, gây dựng và dần dà bước lên vị trí lãnh đạo một cơ quan toàn những ông lừng danh tên tuổi. Nào Nguyễn Khải viết văn như gió, võ công thâm hậu thượng thừa. Nào Xuân Sách lim dim tướng số mà công lực chân dụng khiếp vía. Nào Nhị Ca lịch lãm uyên thâm. Nào Vũ Tú Nam sắc sảo cái gì cũng biết. Nào Nguyễn Minh Châu rủ rỉ rù rì nhưng là nước ở trong mây, kim ở trong bông. Đến lứa đàn em toàn đầu bò đầu bướu như Lê Lựu, Chu Lai, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Khắc Trường, Khuất Quang Thụy, Duy Khán, Trần Đăng Khoa… thảy từ văn chương đến kế sách đều gớm cả, vậy mà ông anh Hồ Phương cứ giữ vững nguyên tắc thủ trưởng mà mọi chuyện đều sau trước yên hàn. Đó cũng là cái tài quản lí của Hồ Phương.
Nói về tài quản lí của Hồ Phương cũng như giới lãnh đạo Văn nghệ Quân đội có mà cả ngày không hết. Điển hình nhất phải kể đến Vũ Cao với câu nói nổi tiếng “lãnh đạo văn nghệ là không lãnh đạo gì cả” và giai thoại một lần nhà thơ Xuân Quỳnh xin tòng quân về Văn nghệ Quân đội, Tổng Biên tập Vũ Cao chỉ tủm tỉm cười bảo: “Cô Quỳnh định tòng quân về đây thật à? Tốt lắm! Cô về đây thay tôi làm lãnh đạo nhé. Ở đây chỉ thiếu lãnh đạo thôi, còn nhà thơ nhà văn có thiếu gì?” Xuân Quỳnh nghe vậy bèn nói: “Em tưởng về làm thơ mới khó chứ lãnh đạo nói làm gì. Thôi thì mặc kệ các anh”. Đại khái việc lãnh đạo ở Văn nghệ Quân đội thời nào nó cũng na ná thế.
Đối với nhà văn Hồ Phương, việc làm lãnh đạo cũng như sáng tác, nó cũng chơi chơi thật thật thế. Ấy mà chớ có tơ lơ mơ với ông. Hồ Phương luôn ngồi một chỗ mà chuyện ở cơ quan cái gì cũng biết, đừng hòng qua mắt của ông. Anh em có nói gì sau lưng Hồ Phương đều biết tuốt. Có gì ông chỉ tủm tỉm cười quyết không dây dưa với đám đàn em bò bướu. Thế lại hóa hay, thế mới mau chóng có được những Thời xa vắng, Chim én bay, Mảnh đất lắm người nhiều ma, Lạc rừng… lừng lẫy trên văn đàn của các nhà văn đàn em. Thôi thì ở lĩnh vực này “chú khỏe anh càng mừng”, cũng là lợi cả đôi bề cho cơ quan tổ chức và riêng mỗi nhà văn.
Đừng tưởng nhà văn Hồ Phương không đọc sách của anh em trẻ. Ông chăm đọc là khác, nhưng tuyệt đối không khen chê cụ thể những gì. Hồ Phương chỉ luôn mủm mỉm bảo “ông viết được đấy”, ai cũng gọi là “ông” hoặc “thằng” tuế tóa chả để bụng để dạ gì. Muốn nói dối Hồ Phương rất dễ. Chỉ cần giả vờ nghiêm giọng bảo: “Bác viết thế không được. Người ta sắp quy kết viết thế là phản động đấy”. Hồ Phương lập tức thần mặt ra bảo: “Chết, chết! Văn tớ phản động à? Gay nhỉ…” Thế đấy, Hồ Phương lắm lúc là như thế.
Nhà văn Hồ Phương ngày trẻ chắc là quá nghiêm chỉnh chuyện yêu đương chăng mà khi cao tuổi không ít lúc cả văn chương và ngoài đời ông lại thiên về đam mê nữ giới? Nói phải tội nếu tôi là con trai Hồ Phương nhất định sẽ bí mật tìm cách dò ra những khao khát của ông. Nào có hề gì bởi các cụ vui là vui ở chỗ tinh thần còn những gì kia khác toàn là do lớp trẻ lếu láo chúng tôi suy diễn. Những người đã vào sinh ra tử từ chảo lửa Điện Biên trải qua mấy cuộc chiến tranh rồi thì trường văn trận bút như các ông có sá gì mấy trò con trẻ. Các cụ đã sống ngần này tuổi tức là ông trời đã rất nâng niu tin tưởng giao cho việc văn bút ắt sẽ có cách chế phục đi rồi. Bởi vậy, mọi việc dù có thế nào Hồ Phương cứ việc để ngoài tai.
Lắm lúc tôi cứ lẩn mẩn nghĩ rằng, quái, không biết tại làm sao tạo hóa lại cứ toàn những ông cá tính khác thường về hội tụ nơi Nhà số 4. Nào là Thanh Tịnh như một thiên sứ mà thơ thì như sấm vĩ nhân gian “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân hiện cũng xong”. Nào là Phùng Quán “Yêu ai thì bảo rằng yêu/ Ghét ai cứ bảo là ghét/ Dù ai ngon ngọt nuông chiều/ Cũng không nói yêu thành ghét”. Nào là Vũ Cao “Anh đi bộ đội sao trên mũ/ Mãi mãi là sao sáng dẫn đường”. Nào là Xuân Sách “Việt Nam trên đường chúng ta đi,/ Nghe gió thổi rừng xanh quê ta đó”. Nào là Nguyễn Đức Mậu “Có người lính mùa thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo”… Các nhà thơ đã thế, còn như nhà văn càng gớm ghê hơn. Nào là anh hùng Núp trong Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc. Nào là Đào trong Mùa lạc của Nguyễn Khải; nào lão Khúng, chị Nguyệt trong Phiên chợ Giát, Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu; nào Giang Minh Sài trong Thời xa vắng của Lê Lựu… Tất cả đều đã tạo ra bản đại giao hưởng văn chương của Nhà số 4.
Ấy vậy mà lão cổ thụ Hồ Phương đã trụ vững yên hàn suốt gần bốn mươi năm trong ngôi Thiếu lâm tự văn chương ấy.
Văn chương thật lạ đúng như vạn vật sinh ra đều tất có chỗ dùng. Văn chương ôm trùm phận người mà phận người cũng ôm trùm văn chương là thế. Thiếu tướng nhà văn Hồ Phương, kể từ lúc viết Cỏ non năm 19 tuổi nay đã trên chín chục xuân xanh chắc chắn chả còn lạ lẫm điều gì nên mới thường hay nhớ nhớ, quên quên.
Nhà văn PHÙNG VĂN KHAI
VNQD