VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này

Như Huy: Thơ, Chân lí và Sự thật

Thứ Tư, 20/04/2022 11:41

Như Huy là một nghệ sĩ thị giác, giám tuyển độc lập, phê bình nghệ thuật, dịch giả, người sáng tác nhạc và thi sĩ. Anh từng được mời đến làm việc ở nhiều nơi trên thế giới. Các tác phẩm của anh hiện đang được trưng bày ở các quốc gia như Nhật Bản, Pháp và Mĩ. Với vai trò của một người phê bình nghệ thuật, Như Huy viết, dịch và xuất bản các các nghiên cứu liên quan đến nghệ thuật đương đại Việt Nam, văn hóa và lí luận nghệ thuật. Năm 2008 Như Huy từng ra mắt tập thơ Những câu phức (Nxb Hội Nhà văn ấn hành). Đầu năm nay, sau 14 năm anh mới ra mắt tập thơ tiếp theoSự Thật chính là Sự Vui (Công ty Nhã Nam và Nxb Hội Nhà văn). Bên cạnh đó anh còn là một dịch giả đem đến cho bạn đọc Việt Nam những tác phẩm thú vị. Cuộc trò chuyện giữa TS. Nguyễn Thu Giang (hiện đang sinh sống và làm việc tại Úc) với nhà thơ, dịch giả Như Huy xoay quanh câu chuyện Thơ, Chân lí và Sự thật.

 

Chúc mừng anh vì tập thơ Sự Thật chính là Sự Vui mới xuất bản đầu năm 2022. Đây là tập thơ thứ hai của anh, sau tập Những câu phức ra mắt năm 2008. Cảm nhận đầu tiên của tôi khi đọc hai tập thơ là sự khác biệt khá rõ trong cảm hứng, hình thức, và có lẽ, toàn bộ thế giới thơ của anh. Ví dụ, cùng bàn về nụ cười và niềm vui, nhưng từ “những câu phức”, giờ Như Huy viết “những câu đơn”. Cùng bàn về mối quan hệ giữa người với người, nhưng từ “nỗ lực đến kiệt sức”, giờ anh viết về “một thi sĩ không còn tuổi” và những người đọc giản dị “biết-cười”. Vậy nên, điều đầu tiên tôi tò mò muốn biết là suy nghĩ của anh về sự tiếp nối và sự thay đổi giữa hai tập thơ của mình?

+ Trước hết là cảm ơn lời chúc mừng của chị. Chị nhắc, tôi mới nhớ. Khoảng cách giữa hai tập thơ của tôi chỉ ngắn hơn quãng đời truân chuyên của nàng Kiều đúng một năm. Rõ ràng là ở đây, về mặt trực quan, có hai nụ cười. Một nụ cười trước - như ta thấy qua cấu trúc ngữ pháp của bài thơ - là các dạng câu điều kiện (câu phức), tức dạng câu thường được dùng trong văn viết: “bất chấp…bất chấp…bất chấp…”, thì rõ ràng là có tính “tranh đấu” hơn. Còn nụ cười sau, thì, qua cấu trúc câu thơ mộc mạc kiểu văn nói trần thuật, rõ ràng là có tính “thư giãn”, “bình thản” hơn.

Dĩ nhiên, ta cần phải lưu ý một việc, khi bàn về thơ, nội dung không phải là điều quan trọng nhất. Thực tế, ngôn ngữ có hai chức năng, một chức năng mô tả và một chức năng mà tôi xin gọi nôm na là phản chiếu. Chức năng mô tả sẽ liên quan tới các khía cạnh nội dung, tức những gì mà Wittgenstein gọi là có thể mô tả được, có thể nói được (sayable, describable) trong khi chức năng phản chiếu thì liên quan tới khía cạnh ngữ pháp, tức những gì, mà cũng theo Wittgenstein, là thứ không thể nói ra được hay mô tả được (unsayable, indescribable).

Và đây chính là điều mà tôi muốn nói về cái gọi là tính phản chiếu của ngôn ngữ. Ta có thể dùng ẩn dụ tấm gương hai chiều để nói về tính phản chiếu của ngôn ngữ. Ở chiều này, ngôn ngữ phản chiếu cái hố thẳm khôn dò của các điều kiện khả thể để nó có thể thành tựu được vào ngay thời điểm hiện tại. Trong khi ở chiều kia, thì nó phản chiếu thực tại, song là một thực tại mà khi hiện ra ở trong nó, chắc chắn phải tuân theo lối cách thành tựu đặc thù của nó. Ta có thể nói, ở khía cạnh mô tả sự tình, thì ngôn ngữ có tính khách quan, song ở khía cạnh phản chiếu (hai chiều), thì nó hoàn toàn có tính áp đặt và tính sáng tạo (các quan niệm về diễn ngôn của Foucault, quan niệm về cái chết của tác giả của Barthes, hay quan niện liên văn bản của Derrida đều có liên quan về khía cạnh này của ngôn ngữ, dĩ nhiên không phải ở tầm mức triết học lớn như Heidegger, Wittgenstein, hay phần nào là Gadamer hay Ricouer).

Tập thơ Sự Thật chính là Sự Vui của Như Huy do Nhã Nam ấn hành.

Như vậy ta thấy, chưa bàn đến nội dung, chính khía cạnh phản chiếu của ngôn ngữ trong hai bài thơ của tôi viết cách nhau mười bốn năm đã cho thấy một sự thay đổi không phải chỉ ở hai cách cười - tức ở khía cạnh mô tả của ngôn ngữ, mà còn ở chính khía cạnh phản chiếu của ngôn ngữ, tức đều là điều kiện khả thể cho cách hai nụ cười đó, xét như là hai nội dung, hiện ra. Sự thay đổi ấy là thế nào? Tốt hay xấu, tích cực hay tiêu cực? Là một sự thay đổi triệt để, hay một sự biến đổi có tiếp nối? Có lẽ tôi không thể trả lời được. Điều tôi có thể nói, đó là, dù sao đi nữa, cách nhau mười bốn năm, thi sĩ vẫn cười, cũng như Kiều, cách mười lăm năm, vẫn đánh đàn cho Kim Trọng ngồi nghe. Tiếng đàn của Kiều khác nhau ra sao, thì ta phải hỏi Kim Trọng. Hai nụ cười của tôi giốngkhác nhau ra sao, thì ta phải hỏi người đọc. Theo chị thì sao?

- Cảm ơn anh, vì như thường lệ, câu trả lời cũng là câu hỏi của anh ngay lập tức đưa một cuộc hỏi-đáp cơ học thành một cuộc đối thoại mang tính ý niệm. Đây là điều kiện khả thể cho niềm vui của sự hiểu, và rất khó thiết lập.

Khi anh nói về hố thẳm, tôi hiểu hố thẳm đó, trong thơ anh, là quê hương, là tiếng mẹ, là việc sống ở đời, là tình thương - những điều không thể mô tả cạn kiệt được bằng lời, đồng thời cũng không phải sự tạo chế võ đoán vô hạn và vô hướng.

Cũng chính từ điểm này, tôi muốn hồi đáp câu hỏi của anh, nhưng trước hết là về sự tiếp nối mà tôi nhìn thấy trong thơ anh. Cả hai tập thơ đều cho tôi thấy một thi sĩ như một người-đương-thời.

Chính cái hố thẳm khôn dò kia, hay những nguồn mạch bất khả tường minh khiến cho một ngôn ngữ hay một sự nghiệp thi ca thành tựu ra như thế này chứ không phải thế kia, là điều anh muốn dấn thân, và vì thế, không ngừng trao mình cho mâu thuẫn giữa điều có thể hiểu và không thể hiểu. Vậy nên, khác với dạng thơ được xem là hay vì nó phản ánh cảm xúc tập thể của một thời đại cụ thể theo cách riêng tư và khéo léo, thơ Như Huy quan tâm tới đường biên triết học giữa những điều cực kì cụ thể và những điều cực kì trừu tượng của ngôn ngữ trong sử tính. Quan trọng hơn cả, đường biên này được đặt trong mối quan hệ sâu nặng với tiếng Việt - một mối quan hệ mà như anh đã nói, vừa sáng tạo và vừa chịu vô số giới hạn, nếu không muốn nói là tù ngục. Ở nơi đường biên triết học này, thơ anh có thể tạo nên những kết nối rất trực tiếp và cụ thể với người đọc. Đồng thời, độ vang vọng của sự kết nối ấy không bao giờ dễ dàng chịu quy giản thành sự khéo léo của những ngôn từ được viết ra để chiều lòng “người yêu thơ” trong một giai đoạn hay địa bàn cụ thể. Tôi cho rằng, Truyện Kiều, Kinh Thánh, Heidegger, Wittgenstein, Phật giáo, và những kinh nghiệm của anh khi sống trải cuộc đời của một thi sĩ, một nghệ sĩ thị giác, một trí thức, một người đọc, một dịch giả, một người cha, một người Việt Nam trở thành những không gian ngôn ngữ cụ thể cho suy tư của anh về triết học, bằng tiếng Việt, qua thơ. Khi những không gian này được mở ra, anh và bạn đọc có thể kết nối với nhau và tìm thấy niềm vui của sự gặp gỡ, dẫu chỉ trong giây phút, nhờ vào chính mối quan hệ mãi mãi khôn dò giữa đời sống và ngôn ngữ.

Còn nếu nói về sự khác nhau trong thơ anh sau mười bốn năm (xin tha lỗi nếu nhận định của tôi có phần vội vã), tôi cho rằng suy tư trong thơ và về thơ của anh trước đây mang nhiều dấu ấn của các lí thuyết hậu hiện đại khác nhau, nhưng hiện giờ, có thể tạm nói, anh đã từ giã sự riết róng của các lí thuyết để quay về với với sự chịu đựng tĩnh lặng của triết học. Sự thay đổi này, theo tôi, là cực kì thú vị. Vì theo nghĩa nào đó, nó kháng cự lại chủ nghĩa hậu hiện đại như một công cụ của ý hệ. Nó cũng khước từ việc nhân danh tính loãng động của chủ nghĩa hậu hiện đại để né tránh những truy dò chân phương và trong sáng về nguồn cơn của chính chủ nghĩa này về mặt triết học. (Dù thế, tôi cũng phải nói rằng, tôi thích Những câu phức hơn. Sự yêu thích này chắc chắn phản chiếu thế giới của tôi nhiều hơn của anh, vì tôi hãy còn đang chìm đắm trong thế giới của các lí thuyết như một công cụ lao động).

Tôi tò mò muốn nghe suy nghĩ của anh về nhận xét này. Trong sự tò mò này, tôi không chỉ quan tâm tới mối quan hệ giữa anh với lí thuyết và triết học trong vai trò một trí thức hay một dịch giả. Tôi quan tâm tới mối quan hệ này trong vai trò cụ thể của anh như một thi sĩ sử dụng tiếng Việt - thứ tiếng mẹ mà trong tập thơ vừa xuất bản, anh đã gọi tên là Hố-Thẳm.

+ Cảm ơn các nhận xét đầy suy tư của chị. Nhận xét cộng suy tư đã chính là phê phán, theo nghĩa Kant muốn nói, và theo nghĩa nguyên gốc mà người Hy Lạp suy tư (gốc từ Hy lạp của chữ phê phán là kritikos[có khả năng phân biệt rõ], kritēs[sự phán đoán, phán xét], và krīnein [phân tích, khu biệt, và phán đoán]).

Tuy nhiên, tôi muốn trở lại suy nghĩ của mình về ngôn ngữ. Thực tế là, cái hố thằm khôn dò của sử tính ngôn ngữ không phải là một nguồn gốc-địa điểm cố định, hiểu theo các ẩn dụ về sự du lịch khám phá gần đây. Cái hố thẳm ấy nằm ngay chính trong khía cạnh đồng đại, khía cạnh nói năng tại đây và bây giờ của chúng ta. Một ví dụ là bản thân tôi, khi làm thơ, thì tôi cũng không hề làm thơ theo cách hiểu sản xuất (produce), mà ở đó, sản phẩm cuối cùng được tạo ra từ một tiến trình chủ quan với các chất liệu cho trước và hữu hạn. Tập thơ hình thành thế nào, và thành tựu thế nào, không do sự chủ động của tôi theo kiểu một thợ làm bánh lành nghề biết chắc sản phẩm bánh sau cuối phải ra sao. Thực tế, như chị cũng thấy và nêu ra trong câu hỏi đầu, sự khác nhau lên tới mức một hố thẳm về ngôn ngữ (xét cả ở góc độ mô tả và phản chiếu) trong hai tập thơ cách nhau mười bốn năm của tôi, nói một cách rốt ráo, không phải do chủ đích của tôi như một người viết-người sản xuất. Trái lại, chính tôi, xét như một cái Tôi-ngôn ngữ (một chủ thể ngôn ngữ), đã trung giới và có lẽ đã là một với toàn bộ sử tính ngôn ngữ, là thứ không hề nằm im như hang Sơn Đoòng chờ người khám phá, mà vẫn đang, thậm chí ngay ở đây và bây giờ, sinh sôi, đóng mở, vừa che giấu vừa tỏ lộ theo những cách tối giản nhất. Sử tính ngôn ngữ không phải là lịch sử đã qua, nó nằm ngay tại đây và từng sát-na một, nó đang tiếp tục vận động theo cả chiều ngang, chiều dọc, và chiều sâu, trong một mạng lưới, liên thông toàn bộ sự nói năng, sự suy tư, sự sống trải của loài người bất chấp mọi đường biên vật lí và tư tưởng; đồng thời, nó lại khiến cho mỗi con người cá nhân buồn vui, khổ sở, đớn đau hạnh phúc (thậm chí từ một tút hay một còm trên Facebook). Tiếng Việt của Nguyễn Du vẫn làm chúng ta, những ai lắng nghe và sống ngôn ngữ bằng cả tâm hồn và suy tư, ngay bây giờ và ở đây, rung động từng chân tơ kẽ tóc, và bất kì khi nào mở miệng nói-suy tư, thì chúng ta vẫn liên thông với cái thứ tiếng Việt ấy bằng toàn thể sự tồn tại của mình. Không chỉ có vậy, thứ tiếng Việt của Nguyễn Du, trong một thời đại có sự thay đổi và xung đột lớn lao giữa các mô hình suy tư, và qua đó ngôn ngữ cũng đã làm chính những con người sống vào lúc đó rung động đến chân tơ kẽ tóc. Không chỉ giới tri thức, như Phan Thạch Sơ, đã dành cho nó những đánh giá cao nhất (Đại Việt thiên thu tuyệt diệu từ), mà cả những bà già nhà quê không biết chữ cũng đã thuộc làu Truyện Kiều, tới mức người ta còn bói Kiều - một sự đồng hoá thẩm mĩ và đạo đức (như chính Wittgenstein từng nói, “ethics and aesthetics are one and the same” – “đạo đức và thẩm mĩ tuy hai mà một, tuy một mà hai”). Ta thấy ở đây một minh hoạ tuyệt vời cho sự huyền bí của thi ca và ngôn ngữ, một sự huyền bí không phải vì ngôn ngữ là một kiểu đền thờ ẩn mật chỉ mở ra cho các thầy tế-chuyên gia, mà vì tính bình thường của nó. Chính khi nó bình thường nhất - hay có thể nói, nó trong suốt nhất, và biến mất - thì nó lại khả kiến nhất. Vì sao vậy? Đó là vì, khi đó, nó đã là một với điều nó nói, nó thông với điều nó kể. Khi đó ngôn ngữ đã là chính sự tồn tại, và qua đó, là suy tư. Khi đó, nó đã mất đi đặc tính trừu tượng hũ nút, để được vật chất hoá và chạm tới sử tính ngôn ngữ của toàn bộ cộng đồng ngôn ngữ, hiểu như cộng đồng tồn tại kết nối với nhau bằng nghĩa và trong nghĩa. Khi nói “đặc tính trừu tượng hũ nút của ngôn ngữ” tôi muốn nhấn mạnh về việc ngôn ngữ cố gắng bắt chước suy tư. Ngay khi ngôn ngữ không là suy tư, không thông với suy tư, mà chỉ bắt chước suy tư, nó lập tức trừu tượng và hũ nút. Sự trừu tương và hũ nút này hoàn toàn khác với đặc tính không thể nghĩ bàn - là thể điệu đích thực và trực tiếp của mọi suy tư. Đặc tính này của suy tư luôn trong suốt và luôn mở ngỏ, và nó khác hoàn toàn với sự trừu tượng và hũ nút của dạng ngôn ngữ bắt chước suy tư và do đó, cản trở suy tư.

Tóm lại, “hố thẳm” ở đây có lẽ cần phải hiểu như thế. Hố thẳm luôn ở ngay đây, sự huyền bí, bí ẩn luôn ở ngay đây, song đồng thời, nó cũng trong suốt và khả kiến, mỗi khi ta “tìm lời” để nói, dù đó là mô tả theo cách cực kì đơn giản (một cách phức tạp) về một cơn đau vật lí cho một bác sĩ chữa bệnh (đau “thốn” khác với đau “rát”, hay đau “nhói”), hay theo cách cực kì phức tạp (một cách đơn giản) khi Nguyễn Du viết như không viết “Khi tỉnh rượu lúc tàn canh/Một mình mình lại thương mình xót xa”.

- Cảm ơn anh đã phân tích thấu đáo về sự thông nhau và trùng nhất giữa ngôn ngữ, suy tư và chủ thể tính. Như vậy, ta cần hiểu sử tính ngôn ngữ mà anh nói tới ở đây không phải điều gì đó nguyên tồn hoá thạch trong quá khứ nằm chờ ai đó đào lên rồi trưng trổ ra cho thiên hạ ngắm. Sử tính này đang sống và sự sâu rộng của nó ở ngay đây. Khi ta dùng ngôn ngữ, ta không thể tránh khỏi việc ta đã trở thành một với điều mà ngôn ngữ tải chứa. Mà quá trình này thì đâu ai có thể quản được một cách rốt ráo, giữa muôn vạn biến số giăng mắc “theo cả chiều ngang, chiều dọc, và chiều sâu” của“sự nói năng, sự suy tư, và sống trải của loài người”. Theo nghĩa nào đó, cả tập thơ mới in của anh xoay quanh sự giản dị mà huyền diệu của mối quan hệ giữa ngôn ngữ và việc sống trên đời. Tôi thấy rằng qua câu trả lời này, anh đã trao cho tôi một chìa khoá để mở rộng suy tư của mình khi đọc tập thơ mới của anh. Từ ý này, tôi muốn nhắc tới một trong những biến số quan trọng trong không gian ngôn ngữ của thời đại chúng ta. Đó là sự phát triển và thay đổi của truyền thông. Ở trường hợp cụ thể của Việt Nam, quá trình này này lộ ra rõ nhất qua sự lan sâu của Facebook vào mọi ngõ ngách của đời sống. Về nguyên tắc, mỗi cá nhân giờ đây đều có thể tự mình trở thành một nhà xuất bản và trí thông minh nhân tạo giờ đây có thể làm thơ. Tôi nghĩ đây là lúc đặt lại câu hỏi: Ai còn làm thơ vào lúc này? Vì sao thơ?

+ Triết gia Heidegger từng đưa ra một câu trả lời từ rất lâu rồi về chủ để “tại sao thơ”, và “ai còn làm thơ vào lúc này” - câu trả lời mà tôi cho là vẫn có chút gì đó thích hợp với thời đại hiện tại. Khi bàn về thơ của nhà thơ lãng mạn Đức, Rainer Maria Rilke (thật ra là tham chiếu tới thi sĩ lãng mạn Đức Friedrich Hölderlin), Heidegger đã định nghĩa đó là thời đại của “nỗi buồn không tên”, của “sự không bình yên”, “sự hỗn độn ngày càng tăng”, sự không có cam kết chung vào một đạo lí “minh bạch và chắc chắn”, và qua đó, không có trung tâm chỉ dẫn cho hành động. Vậy theo Heidegger, thi sĩ phải làm gì? Câu trả lời, đó là “phục hồi lửa thiêng”, tức “phôi dựng cái linh thiêng”, “cái hào quang” để giúp tạo ra địa bàn cho các “thần linh trở lại”. Thần linh ở đây, ta phải hiểu, chính là nền tảng cho những gì là “một đạo lí minh bạch và chắc chắn”, tức điều sẽ xoá bỏ đi “nỗi buồn không tên”, “sự không bình yên”, “sự hỗn độn ngày càng tăng”.

Tất nhiên là tôi, một chủ thể ngôn ngữ sống trong một thời đại đã chụp được hình lỗ đen, và của dạng thực tế ảo “metaverse”, về mặt thực kiện (fact) mà nói, khó mà chia sẻ từ vựng và các ví dụ của một triết gia từng được coi là một trong vài triết gia khó đọc nhất lịch sử triết học. Nhưng này, từ từ đã. Chẳng phải là bất kì thời đại nào thì câu hỏi “Ai còn làm thơ vào lúc này? Vì sao thơ?” đều xứng đáng được đặt ra hay sao? Adorno chẳng phải cũng đã từng tuyên bố thẳng: “chỉ mọi rợ mới làm được thơ sau Auschwitz”? Cho phép tôi đưa ra giả định của mình: Thời đại nào thì cũng là thời đại mà sự hiện diện của thi ca đều phải đặt dấu hỏi. Ta thấy ngay thời thịnh Đường, thì câu hỏi về thi ca cũng đã đặt ra, dĩ nhiên theo một cách nội tại. Cuộc đối mặt ngầm trong thi ca giữa thi tiên Lý Bạch chỉ làm thơ để ca tụng cái đẹp và đời sống cá nhân, và thi thánh Đỗ Phủ với các bài thơ tập trung vào khía cạnh đạo đức và đời sống xã hội, chẳng phải cũng chính là một kiểu tra vấn của chính thi ca với thi ca về viêc “vì sao thơ?” và “ai còn làm thơ lúc này?”. Nghĩ sâu xa một chút, thì theo tôi, cả hai câu hỏi chị đưa ra đều chỉ là bề mặt của một câu hỏi nền tảng hơn, “thơ là gì?”. Trả lời được câu hỏi này thì tự động hai câu hỏi kia không còn cần thiết.

Thời đại nào thì cũng là thời đại mà sự hiện diện của thi ca đều phải đặt dấu hỏi. Ta thấy ngay thời thịnh Đường, thì câu hỏi về thi ca cũng đã đặt ra, dĩ nhiên theo một cách nội tại. Cuộc đối mặt ngầm trong thi ca giữa thi tiên Lý Bạch chỉ làm thơ để ca tụng cái đẹp và đời sống cá nhân, và thi thánh Đỗ Phủ với các bài thơ tập trung vào khía cạnh đạo đức và đời sống xã hội, chẳng phải cũng chính là một kiểu tra vấn của chính thi ca với thi ca về viêc “vì sao thơ?” và “ai còn làm thơ lúc này?”. Nghĩ sâu xa một chút, thì theo tôi, cả hai câu hỏi chị đưa ra đều chỉ là bề mặt của một câu hỏi nền tảng hơn, “thơ là gì?”.

Vậy “thơ là gì?”.

Ta cần biết câu hỏi tưởng đơn sơ này, dưới dạng “x là gì?”, thực tế, đã chính là cái câu hỏi duy nhất mà triết phụ của toàn bộ nền tư tưởng phương Tây là Socrates, khi lang thang ngoài phố, đưa ra với mọi người mà ông gặp - với người sửa giày thì “giày là gì?”, với người làm chính trị “chính trị là gì?’, và dĩ nhiên, với thi sĩ” thì “thi ca là gì”. Đây là một câu hỏi khởi tạo nên toàn bộ nền tư tưởng phương Tây, và rốt cuộc, đã đưa Socrates tới chén thuốc độc. Điều thú vị là, như chị thấy đấy, câu hỏi chúng ta vừa được đưa ra đâu có khác gì với cách nó được đưa ra cách đây gần 2500 năm - vẫn dưới dạng “x là gì?”, hay “thơ là gì?”. Thực tế là, sẽ không có bất kì ai đưa ra đưa ra được câu trả lời rốt ráo cho dạng câu hỏi “x là gì” này. Tuy nhiên, nếu coi nó là một sự mời gọi suy tư dưới hình thái một câu hỏi rốt ráo về bản chất, thì bất kì ai cũng có thể suy tư cùng với câu hỏi. Và như thế, ngay lúc này và ở đây, tôi xin đưa ra suy tư của mình.Tôi muốn phân tích một chút về hai câu thơ kết trong Truyện Kiều của Nguyễn Du: Lời quê chắp nhặt dông dài/
Mua vui cũng được một vài trống canh. Xin đừng chủ quan mà coi chữ “mua vui” ở đây của Nguyễn Du là có tính “giải trí”. Một con người lịch duyệt, có cha và anh đều là quan đại thần đầu triều, bản thânlà hầu tước, từng xuất ngoại đi sứ, sống một đời sống vừa trí tuệ, vừa quý tộc, trong một thời đại tan đàn xẻ nghé, chắc chắn sẽ không dành cho câu cuối cùng trong tác phẩm mà chính ông hiểu là quan trọng nhất đời mình một thông điệp một chiều đơn giản và có tính hạ thấp như vậy. Một tác phẩm có những câu thơ lớn mở ra chân lí và đạo lí như “Mà trong lẽ phải có người có ta”, hoặc “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, hay “Đau đớn thay phận đàn bà”, thì chắc chắc không thể nào chỉ có tính giải trí được. Tôi mạnh dạn cho rằng, ta phải hiểu chữ “vui” của Nguyễn Du ở đây là Sự-Vui - hệ quả của việc con người vỡ lẽ ra chân lí, con người thông với chân lí qua sự thông với bài thơ, câu thơ. Sự-Vui ở đây chính là Sự-Vui của người mù một ngày bỗng sáng, của kẻ liệt một ngày bỗng đi lại như thường. Một học trò của Heidegger từng kể, vào ngày 6/6/1944, khi quân Đồng Minh đổ bộ vào Normandy để giải phóng nước Pháp, thì chính ngày đó lại là ngày ông này bỗng hiểu được Heidegger. Ông kể lại, “ngày đó ông vui đến mức không quan tâm gì tới việc quê hương ông vừa được giải phóng”. Tôi cho rằng, trải nghiệm của ông này có thể là ví dụ rất rõ ràng về mô hình của cái Sự-Vui mà Nguyễn Du đề cập. Xin được dẫn lại câu thơ “Mua vui cũng được một vài trống canh” của Nguyễn Du làm câu trả lời cho câu hỏi “thơ là gì?” dưới dạng một định nghĩa: Thơ là dùng “lời quê” (hiểu như là thứ ngôn ngữ giản dị, trong suốt, thông với chân lí), để “mua vui” (hiểu Sự-Vui như vừa phân tích ở trên), trong “một vài trống canh” (Sự-Vui không hết đêm, hết ngày, hay hết đời người, là bởi “chân lí” không phải là điều gì bất biến, vĩnh cửu, tĩnh tại, mà luôn mở ngỏ. Heidegger cũng từng nói “chân lí là không chân lí” - là theo cách hiểu này).

- Liệu suy tư về “thơ là gì?” này của anh có còn phù hợp với xã hội truyền thông ngày nay? Mà như chính anh vừa nói, là một xã hội dựa trên công nghệ, khi con người đã có metaverse, đã có AI, và đã chụp được hình lỗ đen?

+ Như chị thấy đó, dù công nghệ có tiến tới mức nào đi nữa, thì thực tế là, về mặt ngôn ngữ, nó đều phải bắt đầu bằng câu hỏi nền tảng, “x là gì?”. Thi sĩ Ba Lan Wislawa Szymborska đã rất minh triết khi viết câu thơ, “Chẳng câu hỏi nào khẩn cấp cho bằng các câu hỏi đơn sơ” trong bài thơ “Thế kỉ chuyển giao” của bà. Con người, còn ngạc nhiên thì còn câu hỏi nền tảng, còn câu hỏi nền tảng thì còn suy tư, còn suy tư thì còn thi ca. Giả định là một ngày loài người sẽ không làm thơ mà trí tuệ nhân tạo sẽ làm thơ thay họ là một giả định có cơ sở, tuy nhiên giả định ấy lại giới hạn thơ vào một hình thái cụ thể, mà như tôi đã đề cập ở trên, giả định ấy khi nói về thơ, thì thật ra chỉ là nói về một thứ ngôn ngữ giả vờ suy tư. Ta có thể nói thế này, khi một đứa trẻ ngạc nhiên, lần đầu thấy thế giới và tròn xoe mắt chỉ tay vào các thứ xung quanh nó trong thế giới, thì đó chính là thơ. Chính nỗi ngạc nhiên là điều kết nối nó với thế giới, với nhu cầu tìm lời, nhu cầu nói ra, là nền tảng cho suy tư và cho thơ. Điều quan trọng ở đây là, chính cái nhu cầu nói ra đó lại có thể cho ra một bài thơ “rất chán”. Khi Oscar Wilde bảo, “thơ chán luôn ra đời do các tình cảm chân thành”, thì đó không chỉ là một lời châm biếm kiểu Anh, mà đó còn là một chân lí về con người, về nhân tính. Thực ra chính năng lực luôn có thể làm thơ chán, tức năng lực chân thành ấy mới là điều phân biệt con người với AI. Chừng nào con người còn làm ra được thơ chán, thì chừng đó, họ cứ yên tâm về việc AI không thể chiếm được vị trí của họ như chủ thể suy tư thông với ngôn ngữ duy nhất trên trái đất.

Câu hỏi của chị cũng có đề cập tới một khía cạnh khác của xã hội hiện tại, đó là khía cạnh giải tâm của truyền thông. Đúng như thế, hiện nay, bất kì ai đều có thể là một trung tâm truyền thông. Xã hội hậu-chân lí lên ngôn. Tin giả ngập tràn. Con người cười khóc, cảm động, tự hào, khinh bỉ hay yêu thương nhau chỉ từ một status hay một dòng tweet - và sự cười khóc, cảm động, tự hào, khinh bỉ hay yêu thương này, có lẽ cũng chỉ kéo dài bằng khoảng thời gian dòng tweet hay status này chưa đổi thành dòng tweet hay status khác. Tuy thế, ở đây, tôi cũng lại phải nói rằng, điều này cũng không hề mới. Cách đây cũng trên dưới 2.500 năm, con người cũng đã cười khóc, cảm động, tự hào, khinh bỉ hay yêu thương như thế, vì lẽ đó, chính Đức Phật cũng đã nhận rõ và đưa ra phương án để xử lí tình trạng này. Tathàta (chân như, Tiếng Anh: thusness, thatness) là thuật ngữ mà Đức Phật nêu ra để nói về một thực tại mà ở đó kẻ thấy, cái được thấy, và sự thấy hợp nhất. Khi đạt tới chân như, thì khi đó ta và các pháp (hiểu như thế giới thiên biến vạn hoá) không còn khoảng cách, hay nói cách khác, khi đó, ta và chân lí thông với nhau. Hệ quả của thông nhau giữa ta và chân lí chính là một tồn tại loại trừ được khoảng trung gian (medium/media),tức điều sẽ bóp méo hình ảnh của chân lí, và dẫn con người tới các tình cảm vui buồn, yêu ghét, căm thù, nhục nhã, khổ đau không đích thực. “Media” của xã hội hiện đại, thực tế cũng chính là khoảng trung gian mà từ trên dưới 2.500 năm Đức Phật đã nhìn ra, và theo đó, môn học Thông hiểu Truyền thông (Media Literacy) hiện tại, chẳng phải cũng là điều gì đó có nguồn gốc từ các giải pháp của Đức Phật xưa kia sao? Nhìn từ góc độ này, theo tôi, chính Đức Phật cũng là thi sĩ, hiểu theo nghĩa ngài dùng ngôn ngữ song vượt khỏi ngôn ngữ để trùng với chân lí. Chị thử đọc mà xem, “Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc. Sắc tức là không, không tức là sắc. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như thế”, chẳng phải đây chính là thi ca theo nghĩa thông với chân lí và qua đó mời gọi Sự-Vui (ở đây, hiểu như là sự giác ngộ) tới từ những người đọc hiểu được nó hay sao?

Thực ra chính năng lực luôn có thể làm thơ chán, tức năng lực chân thành ấy mới là điều phân biệt con người với AI. Chừng nào con người còn làm ra được thơ chán, thì chừng đó, họ cứ yên tâm về việc AI không thể chiếm được vị trí của họ như chủ thể suy tư thông với ngôn ngữ duy nhất trên trái đất.

Vâng, từ góc độ của môn học Thông hiểu Truyền thông mà nói, một thông điệp truyền thông về nguyên tắc sẽ trở về số 0 nếu bóc tới cùng. Điều này, theo Phật pháp, thì không mới. Nhưng thời của Phật chưa có truyền thông hiện đại, nên con đường để bóc tách các thông điệp truyền thông vẫn sinh ra nhiều việc để làm cho ngành nghiên cứu của tôi (có lẽ quá nhiều! và tôi không biết đây là điều may mắn hay bất hạnh). Vậy nên, tôi vẫn cứ muốn quay lại thế giới số nơi chúng ta ngày ngày chìm đắm. Rất nhiều bài thơ của anh xuất hiện lần đầu tiên trên Facebook, và theo nghĩa nào đó, ít nhiều hồi đáp lại các biến cố trên Facebook hoặc phản chiếu suy tư của anh về Facebook. Tôi có thể đi xa hơn nữa để đưa ra giả thiết rằng mô hình thông điệp của Facebook (ngắn, gọn, đạo lí) có ảnh hưởng tới hình thức và nội dung tập thơ mới này. Nói cách khác, sự thay đổi trong hình tướng của truyền thông tự nó đòi hỏi một lời hồi đáp từ thi sĩ?

+ Chị đề cập tới một khái niệm thú vị, số 0. Thực tế thì “không” là một chữ rất thú vị. Khi ta đọc dòng kinh Bát Nhã Ba La Mật rằng, “Sắc tức thị không, không tức thị sắc”, thì thật ra, chữ “không” ở đây từ trong tiếng Hán được dịch từ chữ śūnyatā của tiếngSankrit. śūnyatā không phải là không có, hư không, hay số 0. śūnyatā là rỗng (emptiness). Bản tiếng Anh dịch rất chính xác là “form is emptiness, emptiness is form”. Chính sự rỗng này, theo tôi mới nói chính xác được về sự thông giữa kẻ thấy, cái được thấy và sự thấy, tức một tình trạng tồn tại chân như Tathātā.

Câu hỏi của chị về sự tương đồng giữa các bài thơ của tôi với các thông điệp Facebook, nhìn ở mặt cú pháp, theo tôi là rất tinh tế. Cảm ơn chị. Thậm chí tôi còn có mấy bài thơ tên là Truyền Thông, Facebook Việt NamBlock nhau. Có nghĩa là, không chỉ về mặt cú pháp, mà cả về mặt nội dung, thơ của tôi cũng mô tả về cái thực tại truyền thông đại chúng này. Rất khó để tự nói về bản thân mình, xét như một thi sĩ, về việc thật ra là mình muốn gì khi làm điều gì đó. Chủ thể ngôn ngữ không có xu hướng một chiều như chủ thể hiện sinh, và theo đó, ý chí ngôn ngữ không một chiều như ý chí đời thường. Tôi chỉ có thể trả lời, có lẽ, bởi vì sống ở Việt Nam, và bản thân tôi cũng hoạt động khá nhiều trên Facebook, thế nên, sự suy tư, và có lẽ cả cách suy tư của tôi đã thông với ngôn ngữ, với cộng đồng ngôn ngữ và với không gian tạo nghĩa của truyền thông đại chúng. Chẳng hạn, ở không gian kiểu này, ta biết là rất khó có thể đưa ra các thông điệp dài dòng. Thậm chí Tweeter còn hạn chế số lượng chữ. Tuy nhiên, kể cả không có sự hạn chế kiểu can thiệp đó, thì bản thân người sử dụng truyền thông đại chúng cũng không thể tập trung được quá lâu trên màn hình điện thoại hay máy tính, theo cách họ có thể tập turng khi đoc sách giấy. Rất nhiều bài thơ của tôi, có lẽ đều ngắn gọn là vì lí do này. Nhưng này, ngay cả tập thơ trước của tôi, Những câu phức, từng được đánh giá hiển ngôn là lạ lẫm và… khó hiểu, thì địa điểm xuất hiện đầu tiên của các bài thơ đó vẫn là không gian mạng - thời đó là Yahoo 360. Điều này có nghĩa là, thực tế thì, như trong đoạn đầu bài phỏng vấn chúng ta đã đề cập, chủ thể ngôn ngữ là tôi, vào lúc suy tư để thông với chân lí, đã trung giới cả chiều kích lịch đại và đồng đại của ngôn ngữ theo một cách nào đó mà kết quả cuối cùng là một sự thông với nhau của nhiều yếu tố. Hiểu theo cách này, tôi thấy rằng ở đây, vấn đề hình thức có lẽ không nên đặt ra. Chẳng hạn với tôi, thơ Việt Nam đầu thế kỉ, khi được định nghĩa là thơ “mới”, thì ngay khi đó, người ta đã quy giản suy tư thành một nhiệm vụ thuộc đời thường. Suy tư, ngay chính khi nó suy tư đích thực, thì đã là hành động, vì khi ấy nó mang chứa sức mạnh của chân lí, của biến cố, của phủ định. Chính suy tư-thơ đã khiến Tất Đạt Đa rời cung điện, và cũng chính suy tư-thơ, đã khiến Christ đưa mình lên thập giá. Suy tư không cần phải được diễn nôm vào hành động, vì khi đó, nó chỉ còn là một khẩu hiệu hay một nhiệm vụ nhất thời. Nó đã không thể thông với cuộc đời - xét như mạng lưới hành động ở mức vi tế nhất. Suy tư chính là cội nguồn sáng tạo ra hành động chứ không phải mệnh lệnh buộc phải hành động. Suy tư, thơ, ngôn ngữ, chân lí cần phải được hiểu theo cách như vậy, có nghĩa rằng, tự nó sẽ thông với hình thức xuất hiện của nó theo những cách tối giản và bất ngờ và khác nhau nhất. Nhìn theo cách này Bài giảng trên núi là thơ, Tractatus là thơ, Kinh Bát Nhã là thơ cũng như Truyện Kiều là thơ, Bình Ngô Đại Cáo là thơ, vân vân. Người ta không bao giờ có thể dùng cái khung “ism” để nắm bắt được kiểu suy tư đích thực như thế. Chẳng hạn, chị thử nghe hai câu thơ của Nguyễn Trãi viết cách đây trên dưới sáu trăm năm trong bài Mạn thuật (Bài 4): Đủng đỉnh chiều hôm dắt tay/ Trong thế giới phút chim bay. Ai phân biệt được đây là thơ của “ism” nào? Nó mới hay cũ, hiện đại hay truyền thống? Thế đấy, dạng thơ xét như sự suy tư về chân lí đã vượt khỏi ngôn ngữ để thông với chân lí xuất hiện ra như vậy đấy. Và nó sẽ mãi luôn xuất hiện ra như vậy. Nằm ngoài mọi “chủ nghĩa”, tức mọi sự kiêu ngạo của con người khi họ nghĩ rằng họ có thể nắm bắt nó.

- Tôi rất thích hai câu thơ trong tập thơ vừa in của anh: “Thấy khuôn mặt nhau không cô đơn nữa/Thiên-đường là ẩn dụ cho điều đó”. Thấy được nhau thật khó, và khi thấy được nhau ắt thấy được mình. Tình yêu đưa ta, cùng nhau, tới sự hòa giải…

+ Tôi nghĩ tình yêu rộng lớn hơn mọi định nghĩa. Người Anh hay hỏi, “are you in love?”. Ta thấy ngay trong câu hỏi này một ẩn dụ không gian về việc ta “ở trong” tình yêu, có nghĩa là, ta không bao giờ ở một vị trí quan sát được tình yêu từ phía ngoài. Ở góc độ này, Tình yêu cũng giống như Ngôn ngữ vậy. Khi Heidegger bảo “Ngôn ngữ là ngôi nhà của cái Là (Being)”, thì ta cũng thấy ở đây một ẩn dụ giống vậy. Chúng ta ở trong ngôn ngữ, và do đó, không bao giờ có thể quan sát được ngôn ngữ từ bên ngoài. Ngôn ngữ kết nối chúng ta với chân lí, và chân lí, như tôi bàn ở trên, cần có tình yêu thương để giúp con người chịu đựng nổi sức mạnh phủ định tàn phá của nó. Vòng tuần hoàn ở đây là: Chân Lí-Tình Yêu Thương-Hoà giải, mà Hoà giải chính là “Thấy khuôn mặt nhau không cô đơn nữa”. Paul Ricoeur có một cách giải thích chính xác về sự cô đơn của con người. Ông bảo, đại loại: Con người cô đơn không phải vì họ sinh ra một mình và chết đi một mình. Con người cô đơn bởi vì họ không bao giờ có thể truyền tải 100% cảm xúc của họ sang cho người khác. Ở khía cạnh này, chúng ta là các ốc đảo. Tuy nhiên, con người có ngôn ngữ, thế nên, họ có “nghĩa”. “Nghĩa” chính là công cụ nối người này với người khác. Dĩ nhiên, nói đến “nghĩa” là nói đến tính không ổn định và nói đến khía cạnh quy giản trong việc chuyên chở cảm xúc. Cùng một cơn mưa, song “nghĩa” của nó với người này rất có thể hoàn toàn trái nghịch với người kia. Chưa cần tới Freud, Barthes, hay Derrida, thì Nguyễn Du cũng đã hiểu rất rõ điều này qua những câu thơ như, “Cùng trong một tiếng tơ đồng/Người ngoài cười nụ người trong khóc thầm”, hay “ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Chính ở đây, chúng ta cần có một sự truyền thông dựa vào nghĩa, song có thể vượt qua khỏi nghĩa để thông với suy tư và chân lí, tức một sự truyền thông liên chủ thể. Thi ca nghệ thuật chính là một sự truyền thông như vậy.

- Cách anh nói về thơ và chân lí nhấn mạnh sự khiêm nhường của con người, xem xét họ như những chủ thể hữu tử, nhỏ hơn đời, có thể trải đời nhưng không thể nắm trọn cuộc đời. Tất nhiên tôi đồng tình với điều này. Mặt khác, việc tham chiếu dày đặc tới quá khứ và điển cố không thể không khiến tôi cảm thấy quan niệm thi ca của anh có chút bảo thủ, theo nghĩa hi vọng mà nó tạo ra rốt cuộc vẫn phóng chiếu vào quá khứ, như thể đó là một vỉa lương khô. Tương lai của thi sĩ là gì?

+ Để trả lời câu hỏi rất thú vị và sắc sảo của chị về việc thi ca của tôi dường như tham chiếu tới quá khứ, tới các thực tại như “lẽ phải”, “lòng tốt”, “người tốt”, “việc tốt” vân vân, mà có lẽ vào thời post-truth (hậu sự thật), có vẻ hơi lạc hậu, thậm chí bảo thủ. Nói thế nào bây giờ nhỉ. Thực tế là tôi nhận được rất nhiều phản hồi tích cực về tập thơ của mình, từ rất nhiều kiểu bạn đọc khác nhau, từ người trẻ, tới người già, từ người kinh doanh buôn bán, cho tới văn nghệ sĩ và các nhà phê bình. Tôi rất hạnh phúc về việc này. Chân thành mà nói, thì tôi không suy nghĩ nhiều lắm về việc liệu cái hi vọng nơi thi ca của tôi là một thứ lương khô của quá khứ hay không. Nếu như thơ tôi có người đọc, và, mượn cách nói của Nguyễn Du, nó “mua vui” được cho họ, thế thì tôi cho đó là sự thành công của mình. Tôi đã đi chung được với những người đọc của mình theo cách này, có nghĩa là, tôi đã suy tư được cùng với họ. Còn về hình dáng, nội dung, của các suy tư ấy ra sao, bảo thủ hay hiện đại, cách tân hay cổ lỗ, bởi là một thi sĩ-kẻ suy tư, chứ không phải thi sĩ-kẻ cách tân, tôi không thể chủ động được. Nó thế nào thì sẽ thành ra thế ấy. Vậy thôi. Tôi suy tư ở trong ngôn ngữ y như con cá bơi trong nước vậy. Còn câu hỏi của chị về tương lai của thi sĩ, câu trả lời của tôi có lẽ đã nằm trong bài thơ “Thơ chán là gì và vì sao”, trang 63, tập Sự Thật chính là Sự Vui.

Vậy là anh và độc giả đã thấy được nhau. Cũng là một người viết, tôi nghĩ đó là niềm vui rất lớn. Chúc mừng anh vì điều đó. Cảm ơn anh vì đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện này.

Nguyễn Thu Giang nhận bằng tiến sĩ ngành Nghiên cứu Văn hoá tại Úc và đang làm việc tại Viện Nghiên cứu Nhân văn Cao cấp, Đại học Queensland, Úc. Chị là tác giả của chuyên khảo đầu tiên bằng tiếng Anh về truyền thông Việt Nam đương đại (Television in Post-Reform Vietnam: Nation, Media, Market – Routledge 2019). Chị đã xuất bản nhiều bài báo về truyền hình và mạng xã hội Việt Nam trong tham chiếu tới chủ nghĩa dân tộc và giới. TS Nguyễn Thu Giang từng làm nhà báo, biên tập viên, và giảng viên ngành báo chí - truyền thông tại Hà Nội.

TS. NGUYỄN THU GIANG thực hiện

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)