Nói đến làng quê Việt Nam là chúng ta nhắc đến những dòng sông, bến nước, con đò đã gắn bó từ xa xưa. Do đặc điểm tự nhiên, Việt Nam là nước có nhiều sông, lượng mưa nhiều, vậy nên trước khi có đường bộ do Pháp xây dựng vào đầu thế kỉ 20 thì việc đi lại chủ yếu là đường sông. Con đò vì thế mà đã trở nên như một biểu tượng của Việt Nam trong suốt một thời gian dài.
Tiếng gọi đò là cuốn sách ảnh chụp những bến đò, bãi sông của NSND Nguyễn Hữu Tuấn - người đứng sau máy quay những bộ phim đã trở thành kinh điển của điện ảnh Việt Nam như Thương nhớ đồng quê, Hi vọng cuối cùng, Hoa ban đỏ, Bến không chồng, … Cuốn sách chọn lọc những bức ảnh được ông chụp trong rất nhiều chuyến đi của cuộc đời mình.
Sáng 5/6/2022 Omega Plus đã tổ chức buổi trò chuyện mang tên “Tiếng gọi đò: Tiếng vọng về kí ức” để những ai yêu mến những hình ảnh con đò trong kí ức sẽ cùng nhau tâm tình, bày tỏ, lắng nghe, tìm về với hình ảnh con đò. Buổi trò chuyện có sự góp mặt của NSND Nguyễn Hữu Tuấn, hoạ sĩ Trịnh Lữ, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp.
"Trên đò không chỉ có nắng, có gió, có vị ngọt của dòng sông mà còn có cả vị mặn của dòng đời." - NSND Nguyễn Hữu Tuấn.
Đến một ngày, những bến đò, bãi sông sẽ chỉ còn trong ảnh… Cuộc sống thay đổi từng ngày, hàng trăm cây cầu đã được bắc qua các dòng sông, hàng ngàn con đường đã được tạo nên để thuận tiện cho việc đi lại. Những con đò tròng trành, chậm rãi đã lùi dần vào quá khứ. Thế nhưng hồ dễ ai quên được tiếng nước khua, tiếng gọi đò một thuở.
NSND Nguyễn Hữu Tuấn bày tỏ: “Nói đến đò người ta thường liên tưởng đến chậm chạp, nhỡ nhàng và những tin đồn. Lúc ngồi đò, mọi câu chuyện đã được mọc thêm cánh. Đò cập bến, ngần ấy con người hối hả lên đường. Lời đồn vỗ cánh bay đi, không ngựa nào đuổi kịp… Mấy mươi năm đi chụp ảnh nông thôn, mọi người hay hỏi tôi, chụp cái gì thế, để làm gì thế? Lúc ấy tôi thường ú ớ nói dối quanh. Chẳng nhẽ lại bảo, chụp cái gì tôi nhìn thấy. Thực ra, tôi còn muốn chụp cả những gì nghe thấy, ngửi thấy nữa. Những cánh đồng, con người, tiếng nước chảy, mùi rơm rạ… tất thảy đều gây cảm xúc cho tôi. Tôi chỉ chụp theo tiếng gọi của nó, không vì cái gì khác, không theo kì vọng của ai.”
Bến đò trong ảnh của ông không chỉ là phong cảnh mà đằng sau nó là những chuyện đời, chuyện người. Trong từng bức ảnh, những câu chuyện riêng tư, những tâm tình ấp ủ, những lời qua tiếng lại, những tin đồn hay những giai thoại dân gian, những tính nết, nét người trong con người và văn hoá Việt Nam, cứ thế hiện ra, rõ nét mà lãng mạn, trữ tình...
"Đò thì đông, khách du lịch lại vắng. Mỗi tháng được chở hai ngày. Mỗi ngày hai lượt. Mỗi lượt là sáu cây số. 250 nghìn. Nhà đò được 150, xã lấy 100. Phục vụ tốt sẽ được boa thêm. Có khi hai đò." Ảnh chụp năm 2002, khu du lịch Tam Cốc, Ninh Bình.
Nguyễn Hữu Tuấn là người làm phim nhưng ông vô cùng đam mê nhiếp ảnh. Người vợ của ông từng phải thốt lên với ông rằng “Em có một ước mơ cháy bỏng là một ngày thức dậy anh bảo anh hết yêu nhiếp ảnh rồi.” Ông là người làm việc bằng bản năng và chụp ảnh như bản năng. Khi chụp ông thấy mình đồng nghĩa với nhân vật, ông ở trong chính cảm xúc của họ. Ông luôn muốn chụp lại cuộc đời bởi vì yêu hiện thực. Và mỗi bức ảnh của ông đều là những khoảnh khắc chân thực không dàn xếp, ông khẳng định: “Tôi không sắp xếp để làm xấu cuộc đời. Tôi là gì mà chỉnh sửa được cuộc đời.” Đam mê với những khung hình là vậy, nhưng điều khiến NSND Nguyễn Hữu Tuấn luôn day dứt là, không có khung hình nào ghi được cái mênh mông của thiên nhiên. “Nhược điểm của nhiếp ảnh và điện ảnh là không tả được cái mênh mông như ta nhìn thấy.”
Hoạ sĩ Trịnh Lữ chia sẻ: “Xem sách chúng ta cảm giác khuôn hình đã bắt giữ lại những khoảnh khắc của đời sống. Nguyễn Hữu Tuấn đã biến đời sống thành nhiếp ảnh. Nhiếp ảnh của ông như một nhân học bằng hình ảnh. Ảnh người Pháp chụp Việt Nam ta thấy được cái kì lạ của người Việt Nam trong cách nhìn của người Pháp nhưng ảnh Tuấn chụp thì ta sẽ bắt gặp chính mình trong đó. Nguyễn Hữu Tuấn không bị trôi lăn theo thời cuộc, ông sống ở mặt khác của cuộc đời. Trong ảnh ông mặt trời không phải ở thời khắc mọc hay lặn, bầu trời không phải vần vũ bão giông như nhiếp ảnh thông thường thể hiện mà ông chụp ở những phút lặng lẽ nhất khiến người ta suy nghĩ nhiều hơn về cái dữ dội...”
Buổi trò chuyện thu hút các nhà làm phim, các hoạ sĩ, nhà văn và đông đảo công chúng yêu nhiếp ảnh đến dự.
Tại buổi trò chuyện, câu chuyện về đò không chỉ được kể ra qua những bức ảnh đen trắng hiếm có, mà còn qua góc nhìn hội họa, văn chương, qua sự đối thoại mở giữa khán giả về xưa nay, về thành thị nông thôn. Những người yêu mến giá trị xưa cũ và mong tìm kiếm được một hướng đi hài hoà cho con người và thiên nhiên, nông thôn và đô thị. Có thể nói, cuốn sách lưu giữ và ghi nhớ lại những điều đã qua, đã không còn nữa.
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp bày tỏ sự ngưỡng mộ sâu sắc với NSND Nguyễn Hữu Tuấn qua cuốn sách này: “Nguyễn Hữu Tuấn sẵn lòng ghi chụp lại những gì nhỏ bé và tinh tế của cuộc sống. Nhìn ảnh ông chụp ta sẽ thấy vì sao mình không thể chụp được. Từng ấy trang sách là từng ấy trang đời, từng ấy lát cắt cuộc đời được đi vào sách một cách tinh tế và tử tế. Tôi nhìn ra nhiều thứ mới lạ trong ảnh ông chụp. Tôi thấy cuốn sách như một bộ phim truyện. Nó có câu chuyện, có nhân vật, biết bao thứ mở ra sau khoảnh khắc này, tôi võ đoán được những câu chuyện về những người phụ nữ này. Tất nhiên, nếu coi đây như là phim truyện thì Tiếng gọi đò không chủ trương tạo dựng ra các cảnh huống các xung đột, nó khác với phim truyện thông thường. Điều quan trọng là ông đã chụp lại được tiếng gọi đò.”
"Ở những khúc sông cạn, lái đò dùng sào chống. Sào cũng được dùng làm neo. Khách lên xuống dễ dàng." Ảnh chụp bến đò Lời, Gia Lâm, Hà Nội năm 1987.
Tiếng gọi đò là cuốn sách đầu tiên của NSND Nguyễn Hữu Tuấn về chủ đề nhiếp ảnh. Cuốn sách bao gồm 85 bức ảnh chọn lọc từ hàng ngàn bức đã chụp trong hơn ba mươi năm, từ 1987 đến 2018. Nội dung sách được chính tác giả phiên dịch sang cả tiếng anh với hi vọng bạn bè quốc tế cũng có thể đón nhận. Toàn bộ ảnh được in với hai sắc đen trắng gợi không khí hoài cổ. Chú thích trong sách hầu như là chữ viết tay của tác giả; chỉ cho ta thấy ảnh ấy chụp ở đâu, khi nào. Điều ấn tượng trong những bức ảnh của NSND Nguyễn Hữu Tuấn đó là ống kính của ông luôn hướng về những người phụ nữ. Hơn 80% những bức ảnh trong những bến đò của ông chụp về người phụ nữ ở nông thôn.
Nhà quay phim, NSND Nguyễn Hữu Tuấn sinh năm 1949 tại Hà Nội. Năm 23 tuổi, ông thi vào Trường Điện ảnh Việt Nam, bắt đầu một sự nghiệp nghệ thuật đầy ấn tượng trong vị trí quay phim. Ông đạt giải dành cho quay phim tại LHP Việt Nam lần VI năm 1983 với hai tác phẩm, Hi vọng cuối cùng (1981) và Thị xã trong tầm tay (1983). Bên cạnh đó, ông còn được mời tham gia nhiều dự án phim hợp tác với nước ngoài thực hiện tại Việt Nam như Đông Dương (1992), Người tình (1992), Người Mỹ trầm lặng (2002), Hai con gái ông chủ vườn thuốc Trung Hoa (2006). Năm 2018 ông đã ra mắt bạn đọc cuốn sách Những thước phim trong suốt, vẫn là những hình ảnh, những người, những cảnh, hiện lên như một bộ phim quay chậm về kí ức, chỉ có khác ở chỗ chất liệu bằng con chữ.
ĐỨC SƠN
VNQD