Dòng chảy

Giải thưởng Dế Mèn lần 3: Vắng bóng Hiệp sĩ nhưng mở ra kì vọng

Thứ Tư, 01/06/2022 06:46

 Dế Mèn là giải thưởng nghệ thuật thường niên do báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) sáng lập và tổ chức từ năm 2020, Giải Dế Mèn nhằm tìm kiếm và tôn vinh các sáng tác, trình diễn nghệ thuật - giải trí xuất sắc "của thiếu nhi" (thiếu nhi là chủ thể sáng tạo) hoặc "vì thiếu nhi" (thiếu nhi là đối tượng phục vụ).

Tối 31/5/2022, Lễ trao Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 3 - 2022 do Báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) tổ chức, đã diễn ra tại Trung tâm Thông tấn quốc gia, Hà Nội.

Sau một mùa trao giải online vì đại dịch Covid, Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 3 đã được tổ chức với sự tham dự của đông đảo khách mời và bạn đọc.

Viết cho thiếu nhi là phần tươi thắm, đáng nhớ nhất

Tại buổi lễ, nhà báo Lê Xuân Thành, Tổng biên tập báo Thể thao & Văn hóa, Trưởng ban tổ chức cuộc thi phát biểu: “Thật vui mừng khi đến dự buổi lễ của chúng tôi hôm nay có rất nhiều các vị đại biểu trên nhiều cương vị, nhiều thành phần xã hội khác nhau. Có các nhà lãnh đạo, nhà quản lí, có các nhà thơ, nhà văn, họa sĩ, nhà báo, nhà sưu tập, nhà giáo, các vị mạnh thường quân, và đặc biệt còn có đông đảo các cháu thiếu nhi. Nhưng tất cả chúng ta đã có mặt tại đây, hôm nay, để tổng kết và trao Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn mùa giải lần thứ 3, một giải thưởng rất rộng rãi - tôn vinh những sáng tạo văn học, nghệ thuật và cả những sáng tạo nhiều mặt trên lĩnh vực giải trí, công nghệ miễn là thỏa mãn tiêu chí “vì thiếu nhi” hoặc “của thiếu nhi”.

Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn mùa thứ 3 năm 2022 đã thu hút 89 tác phẩm, chùm tác phẩm dự thi với 60 bản thảo và 29 tác phẩm đã công bố hoặc xuất bản. Trong đó, có 9 chùm thơ, tập thơ hoặc series thơ nhiều tập; 19 phim hoặc series phim hoạt hình; còn lại là các tập truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết...

Theo Ban tổ chức, so với mùa giải lần 1 năm 2020 và lần 2 năm 2021, số lượng các tác phẩm dự thi ít hơn, nhưng vẫn phong phú về thể loại. Nếu như ở hai mùa giải trước, chỉ có các tác giả trong nước, thì mùa giải lần 3 này đã thu hút các tác phẩm của tác giả Việt kiều, hoặc các tác giả, họa sĩ người nước ngoài có nhiều năm gắn bó với Việt Nam và sáng tác hướng tới đối tượng là thiếu nhi Việt Nam.

"Cũng xin lưu ý, tôi là người viết cho chính mình, về mình chứ không phải là người viết cho thiếu nhi” - nhà thơ Trần Đăng Khoa khẳng định.

Tại buổi lễ, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Chủ tịch Hội đồng giám khảo đã có những chia sẻ hết sức sâu sắc: thiếu nhi ở đâu cũng được yêu mến. Chúng ta có nhiều điều tốt đẹp dành cho các em nhưng để có được một giải thưởng như Dế Mèn thì không phải đơn giản. Trong chiến tranh chống Mĩ đầy khó khăn khốc liệt giữa sống và chết đã xuất hiện một thế hệ viết cho thiếu nhi vô cùng tuyệt vời. Những tác phẩm dành cho thiếu nhi vẫn luôn được coi là phần tươi thắm, trẻ trung và đáng nhớ nhất của rất nhiều nhà văn nhà thơ. Những tác phẩm hay nhất viết cho thiếu nhi phải là tác phẩm mà người lớn cũng thích, trẻ em cũng thích thì mới là thành công. Những năm gần đây người viết cho thiếu nhi rất nhiều nhưng thiếu nhi viết về thiếu nhi thì đã thưa vắng, không đa dạng như giai đoạn trước đây. Nên trong cuộc thi này, xuất hiện những cây bút nhỏ viết về chính tuổi thơ của các em là điều vô cùng đáng quý. Cũng xin lưu ý, tôi là người viết cho chính mình, về mình chứ không phải là người viết “cho thiếu nhi”. Trẻ con luôn cần món ăn tinh thần và tôi đánh giá rất cao tinh thần của báo Thể thao & Văn hóa khi đã huy động sáng tác từ người lớn đến trẻ nhỏ cho thể loại, đề tài này. Tuy lần này không có giải Hiệp sĩ Dế Mèn nhưng chúng ta vẫn mở ra để chờ đợi và hi vọng”.

Năm nay, không có Giải thưởng Lớn mang tên Hiệp sĩ Dế Mèn. Ban tổ chức trao 5 giải Khát vọng Dế Mèn cho 5 tác phẩm, chùm tác phẩm trong top 8 lọt vào vòng chung khảo, đó là: Biệt đội thám tử và Emma thảm họa (tác giả Quyên Gavoye, Nhà Xuất bản Kim Đồng); Cơ Bản là Cơ Bản (tác giả Phạm Huy Thông, Nhà Xuất bản Kim Đồng); Đu đưa trên ngọn cây bàng (bản thảo của tác giả Nguyễn Hoàng Diệu Thủy); chùm truyện ngắn của tác giả 9 tuổi Nguyễn Vũ An Băng; sách tranh Chiếc dép thất lạc (tác giả Geralda De Vos (Bỉ) - Sofia Holt (Thụy Điển), dịch: Kim Ngọc; Nhà Xuất bản Kim Đồng).

Các tác giả, tác phẩm đoạt giải Khát vọng Dế Mèn.

Cơ Bản là Cơ Bản là một câu chuyện viết về những đứa trẻ rời phố về quê trong những ngày đại dịch Covid, tác phẩm mang đậm dấu ấn về một vùng nông thôn mới. Truyện mang đến sự hấp dẫn và đáng suy ngẫm khi cuộc sống ở đô thị mang màu sắc giáo huấn, thiếu tính tự nhiên của con trẻ nhưng khi về nông thôn sống thì cơ bản là… rất hiệu quả. Tác giả đã tạo ra “những bài học nông thôn” mới cho những đứa trẻ khi về với tự nhiên hoang dã, ấm áp, thấm đẫm văn hóa xứ Mường, quê hương của tác giả. Tại lễ nhận giải, Phạm Huy Thông hồi tưởng về lần ra Hà Nội nhận một giải thưởng văn học dành cho thiếu nhi từ 30 năm trước. Thời gian đã trôi qua, nhiều sự thay đổi đã đến nhưng cảm xúc của anh vẫn như năm nào. Tác giả cũng chia sẻ, anh đã thử sáng tác ở nhiều thể loại, nhưng nhận ra, bản thân chỉ có thể đạt được niềm vui và cũng tạm gọi là thành công khi viết về thiếu nhi. Và giải thưởng này là một lời nhắc nhở nghiêm túc về sự tập trung thời gian và công sức để tiếp tục theo đuổi thể loại này.

Đu đưa trên ngọn cây bàng là câu chuyện đầy ăm ắp kí ức về một tuổi thơ trung du nghèo đói, thèm ăn, nhưng cả người lớn và trẻ con vẫn vươn lên kiên cường, vẫn sống với đầy tình thương yêu. Và hơn thế, tâm hồn của họ vẫn “đu đưa trên ngọn cây bàng” - một cảm giác mê say, không rõ ràng giữa cuộc sống bộn bề. Tác giả Diệu Thủy chia sẻ: “Khi bắt tay vào viết, tôi được truyền cảm hứng rất nhiều từ tuổi thơ của các con mình. Tác phẩm cũng khiến tôi bất ngờ khi mình viết xong. Tuổi thơ của trẻ em là một thế giới rất độc đáo, tôi đã cố gắng thể hiện tất cả mọi suy tư, mộng mơ của tuổi thiếu nhi mà mình có thể hình dung trong đó”.

Vừa học hết lớp 4 trường Tiểu học Quỳnh Lôi (Hà Nội) cô bé 9 tuổi An Băng đã mang đến sự thú vị cho Hội đồng giám khảo và bạn đọc. Điều đặc biệt là, cả bốn truyện đồng thoại đều có diễn biến rất bất ngờ, và đó là cái bất ngờ hoàn toàn không sắp đặt, không cần đến những kĩ thuật "thắt mở nút" nhà nghề của người viết truyện ngắn. Mẹ của An Băng khi lên sân khấu nhận giải cùng con đã chia sẻ: “Bận mưu sinh, tôi đã bỏ qua khá nhiều khoảnh khắc quý giá của An Băng trong cuộc sống hàng ngày. Để rồi, bây giờ tôi nhận ra: Trẻ con là sự cứu rỗi của chúng ta, khiến chúng ta yêu đời và sống trong lành hơn trước những u ám từ bệnh dịch và cuộc sống hàng ngày”.

Từ bên ngoài biên giới…

Nếu như ở hai mùa giải trước, chỉ có các tác giả trong nước, thì mùa giải lần 3 này đã thu hút các tác phẩm của tác giả Việt kiều, hoặc các tác giả, họa sĩ người nước ngoài có nhiều năm gắn bó với Việt Nam và sáng tác hướng tới đối tượng là thiếu nhi Việt Nam.

Hai cuốn sách Emma thảm họaBiệt đội thám tử của Quyên Gavoye là sản phẩm từ sự quan sát rất kĩ càng về cuộc sống của hai con, từ những chuyện xảy ra trong cuộc sống hàng ngày tại trường học, ở nhà và cả khu phố, đến cách các con hành xử với nhau và với bố mẹ. Những bài học về kĩ năng sống, nhờ thế, cứ dần hiện ra…. Với văn phong dí dỏm tác giả đã tạo nên những ước mơ của tuổi thần tiên và mang đến những kiến thức trong cách hành xử và vui chơi hàng ngày cho trẻ em. Quyên Gavoye là một chuyên gia di sản tại một thành phố ở Pháp, thời gian qua chị cũng được biết đến là một cây bút sôi nổi trên văn đàn Việt Nam.

Các tác giả được vinh danh trên sân khấu Lễ trao Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn.

Mùa giải Dế Mèn năm nay cũng phải kể đến Chiếc dép thất lạc. Geralda De Vos là một nghệ sĩ Bỉ, bà đến Việt Nam theo một chương trình lưu trú nghệ sĩ, thật ngạc nhiên khi bà quan tâm đến những chiếc dép vô tình bị đánh rơi trên các nẻo đường, ý tưởng viết đến từ đó. Họa sĩ Sofia Holt, người Thụy Điển đã đồng điệu với câu chuyện về Chiếc dép thất lạc của Geralda De Vos, và đã thể hiện bằng những bức tranh minh họa tuyệt vời, thấm đẫm những cảnh sắc Việt Nam.

Geralda De Vos chia sẻ qua một clip gửi Ban tổ chức: “Khi trò chuyện với Ban tổ chức qua email, chúng tôi nhận thấy đây là một giải thưởng rất ý nghĩa và thật tuyệt vời khi có một giải thưởng quan tâm đến đời sống tinh thần của trẻ nhỏ. Qua đây, tôi cũng xin gửi lời cảm ơn đến các bậc phụ huynh và các bạn đọc nhỏ tuổi đã dành sự quan tâm, yêu thích đối với cuốn sách của chúng tôi. Và khi được trao giải thưởng này, chúng tôi cảm thấy được trân trọng và hiểu được trách nhiệm của mình khi sáng tác cho các em. Tôi cũng đang trong quá trình sáng tác cuốn sách tiếp theo, các bạn hãy chờ và đón đọc nhé!”.

Từ Thụy Điển, họa sĩ Sofia Holt nói: “Cũng như Geralda De Vos, cá nhân tôi rất vui khi nhận được giải thưởng này. Cách tôi minh họa trong cuốn sách chính là những gì tôi đã được trải nghiệm, học hỏi và trân trọng ở Việt Nam. Đối với mọi người trên thế giới, đó như là cách tốt nhất để đi du lịch không mất phí đến Việt Nam bằng cách đọc cuốn sách này. Chúng tôi cũng đang bắt tay thực hiện một cuốn sách mới và cũng sẽ xuất bản tại Việt Nam. Chúng tôi hi vọng rằng cuốn sách mới này cũng sẽ được đông đảo mọi người đón đọc như là Chiếc dép thất lạc”.

Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 3 được ghi nhận là mùa giải bội thu của các tác phẩm văn học. Một phần có lẽ bởi do diễn ra trong khoảng thời gian dịch bệnh nên các tác giả có không gian và thời gian để lắng nghe cuộc sống hơn và đi sâu hơn vào chính tâm hồn mình. Văn học là thể loại nói được nhiều nhất nội tâm của người viết.

PGS.TS Văn Giá, thành viên ban giám khảo chia sẻ: “Tôi phải dọn lòng mình cho thật trong mới nghe, mới đọc họ được. Những trang sách đã đánh thức kí ức của tôi. Tôi nhập vai để đọc, để hiểu được tâm tư, cách nói cách cảm của người viết. Điều đáng quý là, khi viết cho trẻ thơ, các tác giả không còn viết theo lối áp đặt. Thay vào đó, là lối viết về cơ bản đã “thanh toán” được chất “giáo huấn”. Những người viết đã khai thác, huy động được con người trẻ thơ trong chính mình để cất tiếng. Nhờ vậy, tác phẩm trở nên tự nhiên, gần gũi với thế giới tâm hồn, cách cảm, cách nghĩ, cách quan sát của trẻ thơ đối với đời sống”.

Nhà báo Lê Xuân Thành trao số tiền quyên góp được từ hoạt động đấu giá nghệ thuật “Vì mái trường cho em” cho trường mầm non Huổi Khoang (xã Nậm Mằn, Sông Mã, Sơn La).

Trong khuôn khổ của Lễ trao giải, Báo Thể thao và Văn hóa đã tiến hành chương trình đấu giá nghệ thuật "Vì mái trường cho em" nhằm huy động sức mạnh của nghệ thuật để tạo ra những giá trị vật chất hết sức cụ thể, để có thể hoàn thiện cơ sở vật chất cho một số trường, điểm trường vùng cao, vùng sâu, vùng xa đang gặp nhiều khó khăn. Nhà báo Lê Xuân Thành, Trưởng ban tổ chức cuộc thi nhấn mạnh: “Xin được khẳng định rằng, giải thưởng cũng như chương trình đấu giá của chúng tôi không phải là một sự kiện đột xuất, nhất thời mà là một một hành trình lâu dài và bền vững".

HOÀI PHƯƠNG

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)