Dòng chảy

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng xem vở kịch tái hiện tuổi thơ của Hồ Chủ tịch

Chủ Nhật, 22/05/2022 09:05

Tối 20/5/2022, buổi công diễn vở kịch hát Nợ nước non do NSND Triệu Trung Kiên đạo diễn, kịch bản văn học nhà văn, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, chuyển thể kịch hát Hoàng Song Việt đã diễn ra tại Nhà hát lớn Hà Nội. Đặc biệt, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân đã dự và cùng theo dõi vở diễn, tặng hoa chúc mừng các nghệ sĩ, diễn viên tham gia vở.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng phu nhân xem vở diễn Nợ nước non tối 20/5/2022 tại Nhà hát lớn Hà Nội. Ảnh: VTC News

Nợ nước non là phần một trong bộ ba vở diễn mang tên Nước non vạn dặm, kịch bản của nhà văn, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ được chuyển thể kịch bản sân khấu từ tập 1 bộ tiểu thuyết sử thi cùng tên của ông. Nợ nước non là sự kết hợp giữa nghệ thuật sân khấu cải lương và một số loại hình nghệ thuật truyền thống khác như dân ca ví, giặm, ca Huế, bài chòi, dân ca Nam Bộ. Tác phẩm do NSND Triệu Trung Kiên đạo diễn, Hoàng Song Việt chuyển thể kịch hát, với sự tham gia biểu diễn của nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam và Đoàn nghệ thuật UNESCO Di sản dân ca xứ Nghệ.

Quãng thời gian từ khi cậu bé Nguyễn Sinh Cung được sinh ra bởi ông bà Nguyễn Sinh Sắc và Hoàng Thị Loan tại Làng Sen cho đến những năm tháng tuổi thơ theo cha vào Kinh thành Huế, rồi từ đó tìm đường Nam Tiến, vào Bình Định, Bình Thuận trước khi về Sài Gòn và tìm cách lên tàu biển viễn du để tìm đến nước Pháp mong tìm ra câu trả lời cho việc cứu dân cứu nước đã được tái hiện bằng các thủ pháp sân khấu. Nhân vật kể chuyện là chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành qua những hồi tưởng về tuổi thơ đã được đạo diễn khéo léo xử lí để chuyển tải câu chuyện, tránh kể theo lớp lang trình tự thời gian, làm cho vở diễn sinh động hơn.

Các làn điệu dân ca các vùng miền dấu chân Hồ Chủ tịch đi qua khi còn là chàng thanh niên xứ Nghệ hun đúc lòng yêu nước, sự căm thù quân xâm lược, trăn trở tìm con đường cách mạng và từng bước giác ngộ tư tưởng đã được đạo diễn, NSND Triệu Trung Kiên sử dụng như một kết nối văn hóa xâu chuỗi hành trình theo những bước đi của nhân vật. Đặc biệt, các làn điệu dân ca ví giặm đã phát huy tốt khi tái hiện màu sắc quê hương xứ Nghệ cũng như giai đoạn tuổi thơ trên quê hương Nam Đàn của Bác. Bỏ qua một vài điểm như các diễn viên phía Bắc chưa thể nói thuần thục tiếng Nghệ để nhập vai cùng các diễn viên từ Đoàn nghệ thuật UNESCO Di sản dân ca xứ Nghệ thì các nghệ sĩ đã diễn tròn vai. Về khách quan, các vai diễn trong Nợ nước non không hề dễ khi diễn ra ở những không gian lịch sử, văn hóa, địa lí khác nhau với những đặc thù vùng miền từ ngôn ngữ đến phục trang và phong vị mỗi vùng đất. Có lẽ đó cũng là thử thách với đạo diễn và các diễn viên Nhà hát Cải lương Trung ương. Vai diễn xuyên suốt phần 1 là vai Nguyễn Tất Thành do nghệ sĩ Minh Hải thể hiện. Một sự tình cờ khi vai bé Nguyễn Sinh Cung (Bác Hồ thuở nhỏ) do chính con trai anh là bé Anh Đức đảm nhiệm. NSƯT Mạnh Hùng vào vai cụ Nguyễn Sinh Sắc, nghệ sĩ Như Quỳnh vai bà Hoàng Thị Loan. Vở diễn đã có những giây phút lay động khán giả. Đặc biệt, nghệ sĩ Như Quỳnh trong phân đoạn ở Huế khi cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc bị điều đi làm tri phủ tại Bình Thuận, ở lại Huế sinh con một mình, kiệt sức và mất. Mẹ không có sữa, cậu bé Nguyễn Sinh Cung phải đi xin sữa cho em và sau đó chứng kiến sự ra đi của mẹ. Đó là cảnh đem lại những giây phút xúc động cho người xem nhất.

Đã có nhiều tác phẩm nghệ thuật tái hiện thời niên thiếu của Bác Hồ giai đoạn từ Làng Sen khi sinh ra, năm 1890, đến khi ra đi tìm đường cứu nước tai bến Nhà Rồng, năm 1911, mà đầu tiên và tiêu biểu nhất là tác phẩm Búp sen xanh của nhà văn Sơn Tùng, nhiều tác phẩm sân khấu, điện ảnh cũng đã được dàn dựng như Cậu bé làng Sen của nhà nghiên cứu Mịch Quang, Hẹn gặp lại Sài Gòn, đạo diễn Long Vân. Gần đây, Nhà hát Công an nhân dân cũng đã dựng vở nhạc kịch Người cầm lái, biên đạo nghệ sĩ Tuyết Minh rất công phu và hoành tráng. Với phần 1 của Nước non vạn dặm, lại thêm một tác phẩm sân khấu sinh động nữa về khoảng thời gian quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giai đoạn bắt đầu hình thành nhân cách, tư tưởng, khởi nguồn cho những hoạt động lớn trong hành trình trở thành Anh hùng giải phóng dân tộc của Bác được các nghệ sĩ dàn dựng và gửi tới công chúng đúng vào dịp kỉ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2022).

Tại buổi công diễn tối 20/5/2022 ở Nhà hát lớn Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng phu nhân và một số quan chức cao cấp đã cùng xem vở diễn và tặng hoa anh chị em nghệ sĩ khi vở diễn kết thúc. Hội trường Nhà hát lớn chật kín ghế ngồi, những tràng pháo tay cổ vũ các nghệ sĩ liên tục vang lên sau mỗi phân cảnh hay một làn điệu dân ca cất lên.

Thời gian tới, nhà văn, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ sẽ tiếp tục triển khai các phần tiếp theo của bộ tiểu thuyết sử thi Nước non vạn dặm, đồng thời, tác phẩm sẽ tiếp tục được ông chuyển thể sân khấu để đem đến cho người xem phần 2 và phần 3.

Một số hình ảnh vở diễn Nợ nước non tại Nhà hát lớn Hà Nội tối 20/5/2022:

Cảnh chàng trai Nguyễn Tất Thành từ Huế đi đường biển vào Bình Định.
Cảnh vợ chồng bà Hoàng Thị Loan và ông Nguyễn Sinh Sắc trước khi rời Làng Sen vào Kinh thành Huế.
Cảnh chàng trai Nguyễn Tất Thành chia tay người bạn gái xứ Huế đầu đời trên bến Nhà Rồng.
Màn hát múa cuối vở diễn.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng hoa và chụp ảnh lưu niệm cùng các nghệ sĩ tham gia vở Nợ nước non.

BẢO AN

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)