Trong khuôn khổ chương trình giao lưu văn hóa Những ngày Văn học Châu Âu, mới đây Nxb Phụ nữ Việt Nam và Viện Goethe đã có buổi gặp gỡ, giao lưu cùng tác giả người Đức, Julia Franck xung quanh tiểu thuyết Trái tim mù lòa, cuốn sách của bà mới được chuyển ngữ tiếng Việt bởi dịch giả Lê Quang. Được biết đây là tác phẩm đã giành giải Sách Đức năm 2007.
Là tác phẩm bán tự truyện chứa đựng một phần nào đó câu chuyện của bản thân mình, Julia Franck với Trái tim mù lòa đặt trong bối cảnh giữa hai cuộc Đại chiến Thế giới, đã làm rõ những gì phụ nữ đã trải qua, trước trong và sau cuộc chiến phi nhân.
Tiểu thuyết Trái tim mù lòa bản tiếng Việt.
Kể về nhà Wursich với những bi kịch từ trong cuộc chiến, cuốn tiểu thuyết theo chân nhân vật chính Helene - nữ y tá, em gái và là cô con gái không được chào đón của mẹ. Có sự gắn bó sâu sắc với chị gái Martha, khi được người cô Fanny ngỏ ý đưa đến Berlin để tiếp tục học tập, cô đã gặp Carl rồi kết hôn với Wilhelm để sau đó bị giam trong những nghĩa vụ phụ nữ. Là tác phẩm xoáy sâu và bi kịch phụ nữ cũng như nhân quần đảo điên, Trái tim mù lòa là cuốn sách độc đáo và đầy tính nữ.
Điểm nổi bật nhất trong tiểu thuyết này của Julia Franck là bà đã họa nên một nhân vật rất đặc biệt và có sức mạnh. Những người phụ nữ trong Trái tim mù lòa không chỉ đứng đó và chứng kiến thời đoạn, mà họ là những sinh vật sống mang trong mình vết sẹo thời gian và phản ảnh nó. Ba người phụ nữ của nhà Wursich và những mối quan hệ xung quanh mình đã cung cấp một cách sáng rõ cái nhìn thấu suốt về hình tượng phụ nữ đặc trưng của những năm 30, 40; mà bất ngờ thay, ta từng thấy được qua nghiên cứu sâu rộng của Betty Friedan.
Đầu tiên là Selma, người mẹ, với những khắc họa có phần đau đớn và dồn nén. Chìm trong cơn thờ ơ và dửng dưng khi 4 đứa con trai đã chết lúc sinh, bà coi Helene - đứa con gái sau cuối, như chưa từng tồn tại. Trong bà là cơn thịnh nộ bất chợt và những ám ảnh về từng đứa con chết đi. Bản tính đồng bóng với mỗi món đồ nhặt nhạnh khi ra đường, trong bà là những suy tư gần như điên loạn về vai trò của chúng, bởi ở bất cứ một mẫu vật thể nào, bà cũng thấy lại quá trình mang thai và trao đổi chất của mình, trong việc giao tiếp với từng phôi thai bé bỏng.
Như Martha giải thích: “Vì mẹ có trái tim mù lòa, không thể nhìn thấy người nào nữa. Mẹ chỉ chịu đựng được những ai từng hiện hình trước cái chết của bốn đứa con trai”, nên từ sớm Helene đã biết mình là đứa con thừa. Cô bé có sự gắn bó sâu sắc với Martha - một cá tính độc đáo, và phần nào mang phức cảm gắn bó với cha, bởi sự khinh miệt từ người mẹ và sự lệch chuẩn trong ngưỡng trưởng thành với chị mình.
Martha - một phụ nữ phản kháng thời đại, có những tình cảm với Leotine - cô bạn tiên phong cho lối sống “hippie” của thời bấy giờ. Những biểu hiện tình cảm có phần phóng khoáng của hai người chị lớn ít nhiều tác động lên Helene, khiến cô ngày càng chìm vào cơn ủ ê và sự chênh vênh của ngưỡng trưởng thành. Franck một cách khác lạ khai thác sự ảnh hưởng của các yếu tố gia đình, để sau này nỗi đau dường như vô hiệu với Helene, và cô đón nhận cảm tình có phần phóng khoáng, như chính những buổi tiệc ở Berlin khi được người dì Fanny bảo trợ.
Buổi giao lưu giới thiệu tác phẩm trong khuôn khổ "Những ngày Văn học châu Âu" 2022 tại Viện Goethe hôm 7/5. Ông Wilfried Eckstein, Viện trưởng Viện Goethe giới thiệu về sự kiện. Ảnh: NXBPNVN
Helene chính là phản ảnh thật sự của phụ nữ đương thời, không chỉ ở mặt tình cảm, mà đó còn là sự nghiệp và những áp đặt của sự nam tính. Trong khởi đầu về ước mơ được giáo dục, ngay cả những trí thức như vị bác sĩ phẫu thuật cũng e ngại sự thành công của nữ giới ở bậc đại học, và hẳn nhiên những triết lí ấy là không lạ của quãng thời gian những năm 30 - 40 thế kỉ trước, khi báo chí “khủng bố” phái nữ bằng hình tượng “bà nội trợ điển hình”. Ông nói “Thật uổng công vô ích khi cho phép đàn bà học lên cao. Cái nghề đòi hỏi sự nhẫn nại, sức lực và tập trung tinh thần, thậm chí bẻ nắn con người cho vừa vào những định chế tinh thần và thể xác này không có chỗ cho đàn bà. Đàn bà sẽ mãi mãi đứng ở hàng thứ hai, đơn giản vì trong ngành này chỉ những người ưu tú nhất mới có khả năng nghiên cứu và hành nghề”.
Mối quan hệ độc hại với Wilhelm - chàng kĩ sư theo tư tưởng Quốc xã cũng giúp độc giả thấy được những phóng chiếu nhất định của đàn ông thời ấy nói riêng và cả xã hội nói chung lên người phụ nữ. Khi có con trai, tiền bạc giảm sút và tình cảnh chán ngán, nhận ra Helene không còn trong trắng, tính nam độc hại lập tức trỗi dậy: “Lần nào nó hỏi anh chuyện xin đi làm ở bệnh viện cũng bị từ chối. Em là vợ anh, với anh thì mấy lời đó là quá đủ để giải thích. Vợ anh không việc gì phải đi làm, vợ anh không nên đi làm, anh không muốn vợ anh đi làm. Ở nhà quá đủ việc để làm rồi”.
Công cuộc nhân rộng sự trống rỗng trong phụ nữ bằng việc nội trợ càng rộng ra thêm khi người phụ nữ ở vai trò ấy càng cố gắng chứng tỏ vai trò của mình. Là một y tá, đứng chông chênh giữa bến bờ cuộc chiến, trong Helene là những tham vọng tắt ngóm với ý tưởng ban đầu của việc hành nghề y. Trong cô là cái ảm ảnh về chết chóc và mất mát khi Đệ nhị Thế chiến đến gần; là kí ức trở đi trở lại của morphine, cocaine tiêm cho cha và chính người chị Martha bị lụy vào đó. Một bên là con trai Peter trong cơn đói ăn chiến tranh với tính mạng như treo trên tơ, một bên là sự quá sức chịu đựng của quá khứ; cùng cái không tránh khỏi của ngày hiện tại, trong Helene cái chết ngự trị, u ám đeo đẳng và lối thoát duy nhất tưởng chừng là cái chết.
Helene chỉ là điển hình đơn thuần mà rất nhiều phụ nữ ngày ấy thấy mình ở đó với những điên loạn thời hậu Đệ nhất Thế chiến, sự ngự trị của đàn ông trong trách nhiệm làm vợ và vai trò làm mẹ; cũng như cơn sốt hầm hập của Đệ nhị Thế chiến đang đến gần. Phụ nữ thời ấy hoặc độc lập trong những cơn chếnh choáng men say như Fanny, như Martha; hoặc tàn tạ và rồi chìm đắm trong cơ ủ rủ của Helene hay mẹ mình, bà Selma. Lằn ranh nhỏ nhoi và không có lối ra vốn thuộc bản chất càng cộng hưởng thêm của chiến tranh nhân rộng sự yếm thế của giới nữ, và càng rõ ràng hơn trong Trái tim mù lòa.
Đại diện Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam tham gia kết nối với tác giả Julia Franck. Ảnh: NXBPNVN
Cũng như câu thoại mà Martha nói về mẹ mình với trái tim mù lòa, phụ nữ thời ấy dường như mang trong mình trái tim xơ vữa bởi những mất mát và sự giới hạn. Họ giờ đây không nhìn được thứ gì tách rời bối cảnh, mọi thứ “vật hóa” chỉ còn lại điều đã qua. Nếu bà Selma không còn thấy gì sau 4 đứa con, thì Helene là sự “vỡ mộng” của thời thiếu nữ, cái mất mát của sự trưởng thành và rồi trái đắng của kết cục hậu hôn nhân. Hành động bỏ rơi Peter ở nơi thôn quê cho người chú chăm sóc để về với Martha như một lựa chọn sau cuối, khi người phụ nữ vượt thoát ra khỏi vai trò của mình để sống một lần duy nhất như bản năng.
Thế nhưng, ta không thể vượt thoát ra khỏi bi kịch. “Bi kịch ở chỗ, một số tư tưởng nhất định chẳng bao giờ, thậm chí có lẽ không có lấy nổi một lần biến mất cùng sự chấm dứt đau khổ cá nhân, ví dụ qua cái chết. Những tư tưởng ấy tiếp tục phát triển bên ngoài cá nhân đã kiến tạo ra chúng và áp đặt chúng vào thời gian sống cực ngắn ngủi của mình”. Và đó là lí do vì sao đời Wilhelm kết thúc, Peter lại gắn cho Helene một đời áp chế khác trong mối tương quan mẹ - con với sự khước từ lần gặp gỡ duy nhất sau lần bỏ rơi cậu ở nhà ga vào sinh nhật 17 tuổi. Khó có thể trách Peter bởi sự trừng phạt như thế đối với mẹ mình, nhưng chính sự thiếu sót giải thích của thời đại, cộng với nền giáo dục nông thôn luôn cay nghiến của người chú - một đế chế khác lại được dựng lên, bởi sự coi thường và bỏ qua những gì phụ nữ phải chịu.
Có thể nói Trái tim mù lòa là một cuốn sách đặc biệt, trong cách thể hiện tính nữ và những khó khăn mà nó phải chịu. Julia Franck chưa khi nào cho rằng mình là một nhà văn đề cao nữ quyền, thế nhưng trong tác phẩm này của cô người đọc thấy được một sự tương ứng rất đặc trưng của tấm áo giáp tàng hình mang tên “bí ẩn nữ tính”. Với ngôn từ khốc liệt, xóa nhòa chỉ giới thời gian cũng như những quan sát vô cùng tinh tế những thân phận phụ nữ - Trái tim mù lòa là một mảnh ghép thú vị làm tròn đầy hơn sự khắc họa con người trong hai cuộc đại chiến, với các phân tích tâm lí đầy mới lạ và khác biệt. Cuốn tiểu thuyết thách thức và vô cùng đặc biệt.
Julia Franck sinh năm 1970, tại đông Berlin, có cha và mẹ đều là những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Năm lên 8, bà cùng cha mẹ và một chị gái sinh đôi rời khởi Đức, sau đó chuyển đến sống gần Đan Mạch. Ở tuổi 13, bà xa gia đình và tới Berlin để học lấy bằng trung học, sau đó học Nghiên cứu châu Mỹ, Triết và Văn chương Đức cận đại tại Đại học Tự do Berlin. Năm 1995, bà chiến thắng giải thưởng văn chương Open Mike der Literaturwerkstatt Berlin với truyện ngắn Die Wunde (tạm dịch: Vết thương) và bắt đầu tạo dựng tên tuổi như một nhà văn và nhà phê bình văn học. Các tác phẩm nổi bật của bà như Đầu bếp mới (1997), Kẻ xu nịnh (1999), Tập truyện Vỡ mộng - những câu chuyện nhãn tiền (2000), Lửa trại (2003), Đường biên giới (2009)… Bà đã nhận được nhiều giải thưởng văn chương quan trọng. Trái tim mù lòa đã được dịch sang 37 thứ tiếng. |
NGÔ THUẬN PHÁT
VNQD