Dòng chảy

“Chúng tôi - Chiến sĩ” phiên bản mới lên sóng đúng ngày 30/4

Thứ Sáu, 29/04/2022 07:12

Phát sóng số đầu tiên vào 10 sáng ngày 30/4/2022, Quân khu số 1 là sự kết hợp thực hiện của VTV3 Đài Truyền hình Việt Nam và Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Chương trình thay thế cho Chúng tôi - Chiến sĩ sau 15 năm phát sóng, gồm 08 đội chơi (7 Quân khu và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội) sẽ cùng nhau thi đấu để tìm ra quân khu tinh nhuệ nhất trong từng năm. Mỗi đội chơi phải trải qua một trận lượt đi và một trận lượt về ở mỗi vòng để tính thành tích. Chương trình có sự tham gia của các bình luận viên là Nhà báo Tạ Bích Loan; Biên tập viên Hoàng Anh và một chiến sĩ Quân đội.

Ban tổ chức chương trình chụp ảnh cùng đại diện Tổng cục Chính trị. Ảnh: Nguyễn Dũng

Thiếu tướng Lê Xuân Sang, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam chia sẻ: Chúng tôi luôn mong muốn có sự duy trì, không ngừng đổi mới chương trình về nội dung, hình thức để mang đến tính mới lạ, độc đáo trong truyền tải hình ảnh người lính, Bộ đội Cụ Hồ trong thời bình. Kế thừa sự đặc sắc của Chúng tôi - Chiến sĩ, chương trình mong muốn được nâng nên một tầm cao mới để mang đến cho mọi người những hình ảnh đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong quá trình học tập, rèn luyện và sẵn sàng chiến đấu. Ban tổ chức hi vọng, Quân khu số 1 sẽ đem đến sự cuốn hút, sôi động và tạo dựng tình cảm sâu sắc đối với bộ đội và nhân dân.

Nhà báo Tạ Bích Loan, Trưởng Ban sản xuất các Chương trình Giải trí VTV3, cho rằng, 15 năm phát sóng chương trình Chúng tôi - Chiến sĩ đã ghi nhận sự thành công của việc đưa hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ đến gần hơn với công chúng. Sự mới mẻ của Quân khu số 1 cũng gây áp lực cho phía Ban tổ chức để làm sao thu hút được sự quan tâm của khán giả trong bối cảnh truyền thông hiện nay đang có nhiều thay đổi so với 15 năm trước. Nét nổi bật tạo ấn tượng và thú vị trong Quân khu số 1 là tính đối kháng, yếu tố gay cấn, hồi hộp. 6 buổi ghi hình vừa qua được ghi nhận với sự an toàn tuyệt đối, kết quả tuyệt vời và yếu tố thú vị, tự hào trong những cảnh quay truyền hình. Qua đây, chúng tôi muốn cho khán giả thấy rằng hình ảnh những chàng trai trong quân ngũ khỏe, đẹp, tinh nhuệ.

Trường quay tại thao trường Sư đoàn 316. Ảnh: Báo Quân khu 2

Thử thách dành cho các đội chơi phiên bản Quân khu số 1 được xây dựng dựa trên các trận đánh đi vào lịch sử của Quân đội nhân dân Việt Nam trong thế kỉ 20, trên những địa hình đa dạng được thiết kế mô phỏng theo các khu vực tác chiến trong thực tế. Mỗi đội chơi trong chương trình được tuyển chọn gồm 6 cá nhân tinh nhuệ tới từ các đơn vị trong quân khu, thuộc các binh chủng: Hóa học, Thông tin Liên lạc, Tăng Thiết giáp, Đặc công và Công binh.

Theo đạo diễn Khuất Ly Na, đại diện nhóm tác giả: “Sự thu hút của chương trình không chỉ là về tốc độ, sự quyết tâm, những cú bứt phá hay kết quả. Điều mà những người làm chương trình hướng tới là tình cảm yêu mến và cảm phục dành cho các chiến sĩ tinh nhuệ của Quân đội nhân dân Việt Nam, những người đang nỗ lực học tập, rèn luyện, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc”.

Các bảng thi năm nay được phân như sau: Bảng A có sự tham gia của Quân khu 1, Quân khu 2, Quân khu 3 và Bộ tư lệnh Thủ đô; Bảng B gồm: Quân khu 4, Quân khu 5, Quân khu 7 và Quân khu 9. 8 đội chơi trong 2 bảng sẽ thi đấu vòng tròn tính điểm. Kết thúc vòng loại, 6 đội sẽ tiếp vào vòng 2 để xác định 4 đội thi tiếp vòng tứ kết. Vòng bán kết có 3 đội tham gia để tìm 2 đội tinh nhuệ gặp nhau trong vòng chung kết.

Trận khai mạc của chương trình là phần thi giữa hai đội của bảng A: Quân khu 1 và Quân khu 2 tại trường quay đặc biệt trên chính thao trường tại Quân khu 2.

THU OANH

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)