Những năm cuối cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước của dân tộc ta, thắng lợi trên chiến trường, đặc biệt trận chiến với pháo đài bay B52 tháng 12/1972 trên bầu trời Hà Nội buộc Mĩ phải kí Hiệp định Paris trong năm 1973, rút toàn bộ quân cùng thiết bị chiến tranh, chấm dứt sự can thiệp, bảo đảm quyền tự quyết của người dân Việt Nam. Với tư duy quân sự sắc bén, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ Chính trị quyết định thành lập bốn quân đoàn chủ lực 1,2,3,4 cùng Đoàn 232 hình thành 5 cánh quân với trang bị khá mạnh, sức đột kích lớn, cơ động cao đẩy nhanh thế tiến công của ta trên các hướng làm nên chiến thắng lịch sử 30/4/1975.
Nhân kỉ niệm 47 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Văn nghệ Quân đội có cuộc trò chuyện với Thiếu tướng Nguyễn Đức Hưng, Chính uỷ Quân đoàn 1 xoay quanh cuộc hành quân thần tốc của Quân đoàn 1 trong những ngày tháng hào hùng ấy. Bài đối thoại mang tên Những ngày tháng hào hùng sẽ mở đầu tạp chí số đặc biệt này.
Truyện ngắn là một phần quan trọng làm nên diện mạo của tạp chí. Trong số này tiếp tục là những sáng tác ấn tượng.
Gió Côn Sơn vi vút của Trần Thanh Cảnh tái hiện lại một giai đoạn lịch sử của nước Đại Việt - thời Trần Nghệ Tông, vị hoàng đế thứ 9 của nhà Trần. Truyện khắc hoạ hình tượng nhân vật quan Đại tư đồ Trần Nguyên Đán với những thăng trầm buồn vui của thời cuộc cũng như trong mối quan hệ ông với Trần Nghệ Tông. Thời gian trôi qua, sự hưng vong của một triều đại là lẽ tất yếu nhưng những gì còn để lại cho hậu thế mới là điều đáng để chúng ta suy ngẫm.
Ma phố về làng của Vũ Minh Thuý là một hiện thực đầy những éo le, ngang trái mà chúng ta có thể bắt gặp ở bắt kỳ nơi nào. Làng quê yên ả thanh bình đất rộng người thưa… có lẽ chỉ còn là hình ảnh trong kí ức của nhiều người. Đất đai lên cơn sốt là điều dễ hiểu nhưng ngay cả đất dành cho người chết cũng sốt và gây nên nhưng hệ quả khó lường. Những con người, những số phận trong truyện khiến chúng ta không khỏi xót xa.
Mầm cây của Quyên Gavoye cuốn người đọc vào quá khứ với câu chuyện về cô Nụ giống như một huyền thoại. Hình ảnh người phụ nữ xinh đẹp, bản lĩnh, mưu trí ấy bị giặc Pháp sát hại tưởng như chỉ là huyền thoại thì hình ảnh cô Nụ Bé lại được tiếp nối với những phẩm tính đáng quý trong kháng chiến chống Mỹ, và rồi đến “tôi” người kể câu chuyện này cũng là một sự tiếp nối xuyên suốt ấy. Sợi giây neo giữ sự xuyên suốt ấy chính là một cái cây. Tác giả đã bám vào đó để kể với chúng ta những câu chuyện buồn nhưng sức sống mà nó đem lại như một mầm cây…
Những kí ức song hành của Triều Dương là câu chuyện nhiều suy ngẫm về những người trẻ làm nghệ thuật. Truyện như những mảnh ghép với kí ức và hiện thực đan xen, ở đó mỗi người như được nhìn sâu hơn vào bản thể của chính mình với những đam mê, ước vọng và đôi khi chỉ là sự hư vô, buông bỏ…
Phần Văn xuôi được tiếp tục với những bài viết sâu sắc, mang hơi thở của lịch sử, thời đại. Nhật ký Quảng Trị 1972 là những trang nhật ký sinh động của nhà thơ Anh Ngọc ghi lại một chuyến đi đáng nhớ, mà nhờ đó ông đã làm chùm thơ được Báo Văn nghệ trao giải thưởng trong cuộc thi thơ năm 1972 - 1973. Bên cạnh đó là các bài viết hấp dẫn, thú vị: kí ức chiến trường Trận đánh đầu tiên của Nguyễn Vũ Điền, tản văn Người mẹ “ô sin” của tôi của Trần Chung, bút kí Người làng tôi ở Sài Gòn của Hà Nguyên Huyến, ghi chép Nghề thợ lặn ở miền Tây của Lê Quang Trạng.
“Truyện ngắn hay tác giả tự chọn” số này giới thiệu tác phẩm Đồng Xanh của tác giả Ngô Khắc Tài.
Phần Thơ tiếp tục nhận được sự tham gia đóng góp tác phẩm của các tác giả từ mọi miền đất nước.
Tháng tư gợi nhắc đến mốc son lịch sử 30/4/1975, để có được mốc son ấy là những hi sinh thầm lặng của bao nhiêu con người, những trang thơ đề chiến tranh vì thế vẫn luôn là một phần quan trọng không thể thiếu để chúng ta nhắc nhớ, tri ân và đồng thời mở ra những góc nhìn cảm nhận của riêng mình. Bên cạnh đó là những bài thơ mang đậm dấu ấn văn hoá lịch sử vùng miền, những tự sự cá nhân, những bản diện đời sống… Tất cả góp phần làm đầy lên những trang thơ dự thi của VNQĐ số này.
“VNQĐ giới thiệu” là chân dung tác giả Lê Đình Tiến và chùm thơ ấn tượng của anh.
“Thơ trong những tập thơ” là bài viết Làm thơ là làm thật của Phạm Xuân Nguyên giới thiệu về tập thơ Sự Thật chính là Sự Vui của Như Huy.
Văn học nước ngoài giới thiệu truyện ngắn Bánh bơ nướng của Uông Tăng Kỳ do Châu Hải Đường dịch.
Phần Bình luận văn nghệ với sự tham gia của các tác giả: Phạm Vân Anh, Tôn Phương Lan, Thái Phan Vàng Anh, Uông Triều, Lê Thị Gấm, Ngô Thị Hương, Chế Diễm Trâm, Lê Thành Nghị, Tịnh Tâm, Kinh Quốc.
Nguồn cảm hứng âm nhạc về tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với quân dân biên giới cũng là một đề tài được sáng tác khá thành công ở nhiều thể loại hành khúc, ca khúc trữ tình, hợp xướng… với những âm giai đẹp, tạo được dấu ấn sâu sắc trong công chúng cả nước. Biên cương vang vọng tiếng Người sẽ nói sâu hơn về đề tài này.
Tình hình đời sống văn học có những thay đổi cả ở người viết, người đọc và cả ở người quản lí khi văn chương Việt bung nở từ sau Đổi mới, các loại “tính” như lí luận văn học trước đây yêu cầu dường như không còn xuất hiện công khai trên văn đàn dù rằng chúng có những biến hình nhất định. Bài viết Nhìn lại để đi tới và phát triển có những luận bàn sâu sắc và đáng suy ngẫm.
Một tác phẩm văn học có thể có nhiều hoặc ít lời thoại, độc giả sẽ thích loại nào hơn? Cái đó tùy gu thẩm mĩ của mỗi người, tùy vào bối cảnh, kết cấu tác phẩm nhưng thông thường, những lời thoại sắc sảo, độc đáo được ưa thích hơn. Bài viết Lời thoại trong văn học sẽ góp một lời bình về câu chuyện này.
Bên cạnh đó là những vấn đề được xã hội và giới chuyên môn quan tâm, những chia sẻ nghề nghiệp, những cảm nhận, phân tích, luận giải về các văn nghệ sĩ, tác phẩm nghệ thuật... hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn đọc nhiều thú vị, hấp dẫn.
Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 986+987 dày 200 trang với nhiều tranh, ảnh minh hoạ đẹp dự kiến sẽ phát hành ngày 15/4/2022. Thân mời các bạn đón đọc!
Văn
PV Quân đoàn 1 - Những ngày tháng hào hùng 3. Trần Thanh Cảnh Gió Côn Sơn vi vút 10. Anh Ngọc Nhật kí Quảng Trị 1972 23. Nguyễn Vũ Điền Trận đánh đầu tiên 50. Trần Chung Người mẹ “ô sin” của tôi 55. Vũ Minh Thúy Ma phố về làng 60. Quyên Gavoye Mầm cây 74. Hà Nguyên Huyến Người làng tôi ở Sài Gòn 99. Ngô Khắc Tài Đồng xanh 108. Triều Dương Những kí ức song hành 124. Lê Quang Trạng Nghề thợ lặn ở miền Tây 136.
Thơ
Trần Bạch Diệp Ngủ trước hiên nhà; Làng 33. Mai Thìn Giấc mơ; Kỉ vật của nhà văn 35. Trần Quốc Toàn Thắp lửa nghìn xưa; Cơn mưa chiều thiền tọa 37. Cao Nguyên Quyền Lời mẹ; Ngoài sân đào đá ửng buồn 39. VNQĐ giới thiệu thơ Lê Đình Tiến Chợ tàn; Mai con về gặt lúa không; Bà tôi 71. Đàm Chu Văn Lời thề bên Bến Tượng; Lá trung quân; Bên gốc dầu cổ thụ trong di tích Chiến khu Đ 84. Nguyễn Hưng Hải Giọt nước trở về nguồn 87. Lê Nguyễn Yên Phong Nếu đó là câu trả lời; Mồng bốn giêng hai 90. P.N.Thường Đoan Bên Vàm Khâu Băng; Nước mắt khế; Nằm im 92. Lê Thanh My Bức tượng người lính thổi kèn ở nghĩa trang Dốc Bà Đắc; Những bông hoa từ vách núi; Muộn 96. Phạm Xuân Nguyên Làm thơ là làm thật (Đọc Sự Thật chính là Sự Vui của Như Huy)117. Hồ Minh Tâm Đêm vọng; Mẹ kể 142. Trần Văn Lợi Về sông Lô, nhớ nhạc sĩ Văn Cao; Khúc hát dòng sông 146. Vi Chôồng Muốn về nằm dài bên suối; Tiếng quạ; Kết hoa thả bến trăng hồng 148. Kiều Duy Khánh Gánh hàng của mẹ; Mùa sau 151. Lê Hào Bức tường; Xe 153. Vu Thị Huyền Trang Triết lí; Thánh thần 155. Tạ Bá Hương Quê mẹ; Sông chảy qua thành phố 157. Nguyễn Đặng Thùy Trang Hành trình 159.
Văn học nước ngoài
Uông Tăng Kỳ Bánh bơ nướng (Châu Hải Đường dịch và giới thiệu) 41.
Bình luận văn nghệ
Phạm Vân Anh Biên cương vang vọng tiếng Người 160. Tôn Phương Lan Nhìn lại để đi tới và phát triển 163. Thái Phan Vàng Anh Về tính đối thoại trong tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỉ XXI 169. Uông Triều Lời thoại trong văn học 175. Lê Thị Gấm Biểu tượng đất trong sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư 178. Ngô Thị Hương Nguyễn Minh Châu và cuộc đối thoại với điện ảnh 181. Chế Diễm Trâm Cao Duy Thảo với truyện ngắn và tiểu thuyết đề tài chiến tranh 186. Lê Thành Nghị Những ghi chú tâm hồn qua thời gian 190. Trịnh Ngọc Trâm Châu Phi nghìn trùng - một đời ngoái lại 195. Kinh Quốc Chúng ta là gì nếu không trở thành “người hùng”? 198.
Minh họa, ảnh
Bìa 1: Kè đá Tranh của họa sĩ Nguyễn Tuấn Long Minh họa: Thành Chương, Lê Trí Dũng, Bùi Quang Đức, Công Quốc Hà, Phạm Minh Hải, Phạm Hà Hải, Ngô Xuân Khôi, Nguyễn Đăng Phú, Đặng Tiến, Nguyễn Anh Vũ,...
VNQD