Có thể thấy thị trường nhạc Việt ba tháng đầu năm 2022 vô cùng nhộn nhịp với các album, đĩa đơn, show diễn, video âm nhạc… liên tục được cho ra mắt. Dường như làng nhạc đang dần bước vào thời "bình thường mới".
BỘI THU SẢN PHẨM
Chỉ riêng ba tháng đầu năm, nhiều album nhạc đã được giới thiệu với khán giả đại chúng. Lê Cát Trọng Lý phát hành bộ đôi album chữa lành Cây lặng, Gió ngừng và thể nghiệm Có dừng được không? Trong khi Mademoiselle sau album đầu tay Những tiếng hát thầm được đánh giá cao, cũng quay trở lại với As beautiful as the night cùng chất nhạc mới. Cạnh đó là các dự án của Tạ Quang Thắng, Cường Lê hay nhóm các nghệ sĩ Mona Evie…
Trong số các album được cho ra mắt vào thời điểm này, dễ thấy đa phần là các dự án của những nghệ sĩ indie (độc lập). Với sức trẻ cũng như các nền tảng mở thuận tiện cho sự hội nhập, nhiều dự án không chỉ tạo được tiếng vang trong nước, mà là cả ở thị trường nước ngoài. Theo đó chuyên trang phê bình danh tiếng của Mĩ Pitchfork mới đây đã chấm điểm cho hai album experimental (nhạc thể nghiệm) với số điểm rất cao, gồm Ngủ ngay ngày tận thế của nhóm nghệ sĩ Rắn Cạp Đuôi Collective và Came của Trần Uy Đức. Nghệ sĩ gốc Việt Keshi nổi tiếng với dòng lo-fi cũng vừa ra mắt album tại Mĩ, nhận nhiều đánh giá tích cực.
Các đĩa đơn/single cũng được tung ra trong đầu năm mới nhằm quảng bá, giới thiệu các dự án lớn. Sau thành công của album Hoàng, Hoàng Thùy Linh mới đây đã cho ra mắt tiếp tục hai single Gieo quẻ và See tình, dự kiến nằm trong album sắp tới. Hoàng Quyên theo đó cũng giới thiệu một vai trò mới - người viết nhạc, trong dự án Quyên Gallery 2022 đang dần hoàn thiện. Làng Rap cũng chào đón các bài hát quay trở lại của Đen Vâu, HIEUTHUHAI, Binz… ít nhiều tạo được sự chú ý.
Một số album nổi bật của làng nhạc Việt trong quý I năm 2022.
Ở mảng trình diễn, quý I cũng chứng kiến sự tổ chức trở lại các show diễn trực tiếp. Tuy quy mô tương tự phòng trà những năm về trước, thế nhưng với việc kết hợp thưởng thức - nghỉ dưỡng cũng như nâng cấp trải nghiệm nghe nhạc, giờ đây những đêm diễn này đã thành “tiền lệ” quen thuộc. Đó là thương hiệu Mây lang thang, Lululola… ở Đà Lạt hay The Show Vietnam, In the Moonlight, Vừng ơi mở ra… tại TP. Hồ Chí Minh.
Video ca nhạc theo đó cũng được đầu tư vô cùng hoành tráng, trở thành kênh quảng bá hữu hiệu cho các sản phẩm ca nhạc. Nhân dịp Valentine, Đức Phúc tung ra MV Ngày đầu tiên và nhanh chóng lọt top trending. Tận dụng hướng đi này K-ICM cũng kết hợp với Phương Thanh cho ra mắt Chân Mây. Binz với MV Don’t break my heart được Spacespeakers đầu tư kĩ lưỡng, được quảng bá đến tận thị trường Nhật với lời giới thiệu như Rapper số 1 Việt Nam.
THỜI CỦA TRÌNH DIỄN TRỰC TIẾP
Có thể thấy sự trở lại ồ ạt của những sáng tạo nghệ thuật kể trên là do nhu cầu giải trí đã bị thiếu hụt quá lâu trong thời đại dịch, nhất là minh chứng thông qua các show diễn lớn. Trước thời đại dịch, những người làm trong lĩnh vực âm nhạc - trình diễn cho rằng giờ đây phòng trà cũng như sân khấu không còn sức hút đối với khán giả, thế nhưng hai năm “cách li xã hội” đã cho thấy một điều ngược lại.
Trước khi đỉnh dịch bùng phát, sân khấu tại TP. Hồ Chí Minh cũng như Hà Nội dường như vắng bóng các đêm diễn lớn, trong khi hầu hết các nghệ sĩ tiệm cận với khán giả trẻ lại chọn Đà Lạt làm điểm trình diễn, bởi phong cảnh nên thơ hợp với lứa tuổi người hâm mộ. Thế nhưng nhận ra nhu cầu giải trí ngày càng tăng cao, các nhà tổ chức đã quyết định mở rộng địa điểm, đa số giờ đây đã được tổ chức ở không gian mở, kết hợp với ánh sáng, chất lượng âm thanh… để làm nên các show diễn đáp ứng được nhu cầu khán giả.
Mỹ Tâm trong chuỗi show diễn My Show 1981.
Mức giá của những show này nhìn chung ngang bằng với những đêm nhạc được tổ chức bài bản trong các nhà hát nhiều năm về trước, nhưng dễ thấy giờ đây vẫn nhận được sự ủng hộ đông đảo của khán giả trẻ, bởi đây là thời điểm vàng cho việc ra mắt các dự án đã được ấp ủ trong hai năm đại dịch, cũng như sự xuất hiện trở lại sau khoảng thời gian gián đoạn không thể trình diễn. Không riêng những nghệ sĩ trẻ, các tên tuổi gạo cội cũng dần trở lại thông qua các đêm diễn được đầu tư công phu này.
Các đêm nhạc diễn ra trực tuyến trên các nền tảng riêng biệt cũng là một hướng đi mới trong thời điểm dịch bệnh chưa hoàn toàn được kiểm soát một cách triệt để. Mỹ Tâm là nghệ sĩ đầu tiên khai thác hướng đi này với chuỗi chương trình My Soul 1981, và ghi nhận sự hưởng ứng nhiệt liệt từ phía khán giả với lượng vé bán ra cho 6 show diễn đều sold-out nhanh kỉ lục. Nhưng phần kĩ thuật để đảm bảo chất lượng cho nhiều người cùng theo dõi cũng cần được cân nhắc thêm.
SỰ CỘNG HƯỞNG TỪ HAI PHÍA
Một trong những nguyên nhân khiến đĩa vật lí thịnh hành trở lại cũng như rất nhiều dự án lần lượt được cho ra mắt là giờ đây, lớp khán giả trẻ đã chịu chi hơn và có trách nhiệm hơn cho các sáng tạo nghệ thuật. Với sự tham gia của các ông lớn trong lĩnh vực streaming như Apple Music hay Spotify, giờ đây việc mua cũng như stream nhạc là vô cùng thuận tiện, từ đó giúp nghệ sĩ có thêm động lực tạo ra nhiều sản phẩm mới. Có thể cho rằng, thị trường nhạc Việt Nam giờ đây đang đón bình minh của việc nghe nhạc bản quyền.
3 thành viên của Rắn Cạp Đuôi Collective.
Ngoài ra, sự trỗi dậy của thế hệ nghệ sĩ indie mới với các sáng tạo không bị bó buộc cũng là điểm sáng rất đáng ghi nhận. Giờ đây quá trình sáng tác, sản xuất, làm MV, đưa lên các nền tảng streaming… đã rất thuận tiện. Cùng với đó là việc mở rộng tính đa ngôn ngữ cũng như toàn cầu hóa giúp các sản phẩm này đến gần hơn với người nghe thế giới. Mỹ Anh, Trần Uy Đức, Rắn Cạp Đuôi Collective… là những tên tuổi mới đây được đánh giá rất cao, tiệm cận gần hơn người nghe trẻ. Và ở phía ngược lại, khán giả cũng rất ủng hộ tài năng của họ. Cùng với đó, các dự án mới của Hoàng Rob, Hoàng Thùy Linh, Ngọt… cũng được tiết lộ, góp phần hình thành nên một bức tranh nhạc Việt của năm 2022 được dự báo là sẽ đa dạng.
Có thể thấy rằng tuy mới chỉ là quý I của năm nhưng làng nhạc đã rất sôi động với nhiều sản phẩm được cho ra mắt, báo hiệu thời kì nhộn nhịp sắp tới của âm nhạc Việt Nam sau hai năm gần như đóng băng hoàn toàn.
NGÔ MINH
VNQD