Dòng chảy

Chiến tranh không có kẻ thắng

Thứ Bảy, 26/03/2022 14:06

Tối ngày 25/3, Nxb Phụ Nữ đã tổ chức buổi giao lưu trực tuyến để giới thiệu đến độc giả Việt Nam tác phẩm Tiền từ Hitler. Tại đây, những quan điểm về chiến tranh của ngày hiện tại, các vấn đề xoay quanh cuốn sách từ khi ra mắt… đã được đưa ra thảo luận, giúp độc giả có thêm nhiều góc nhìn thú vị về tác phẩm này.

Bài liên quan:

Tiền từ Hitler - Bản án từ quá khứ

Buổi tọa đàm có sự góp mặt của tác giả Radka Denemarková, dịch giả của cuốn sách - Hậu Phamová, dịch giả Bình Slavicka - người dịch tác phẩm đồ sộ Vận mệnh người lính tốt Svejk trong đại chiến thế giới của nhà văn Jaroslav Hašek, bà Renata Greplová - Phu nhân Đại sứ CH Séc tại Việt Nam, nhà phê bình - dịch giả Phạm Xuân Nguyên, đại diện Nxb Phụ Nữ Việt Nam cũng như nhiều độc giả tham gia chương trình.

TÁC PHẨM GÂY NHIỀU TRANH CÃI

Tiền từ Hitler kể về cô gái 16 tuổi Gita Lauschmannová và cuộc đời nhiều biến động của mình. Sống cùng bố mẹ trong ngôi làng Puklice ở Séc, khi Thế chiến thứ hai ập đến, gia đình cô bị bắt đến trại tập trung vì là người Do Thái. Thoát khỏi trại Diệt chủng, khi trở về nhà, những tưởng sẽ được hưởng những giờ phút bình yên, thì Gita bỗng chốc phát hiện ra giờ đây nó đã thuộc về những người Séc mới đến định cư, vì gia đình cô bị vu là Đức Quốc xã do trước đó thuộc tầng lớp trung lưu và nói tiếng Đức.

Tác phẩm Tiền từ Hitler.

Trong một nỗ lực giành lại nhà mình, Gita bị những cư dân mới hành hạ, bỏ đói và định giết chết. Được cứu thoát bởi một phụ nữ đang mang thai, cô về lại Praha với dì mình, và tiếp tục chịu nhiều đau đớn theo dòng lịch sử. 60 năm sau, Gita lúc này là một bác sĩ già lão, về lại Puklice chỉ với mong muốn dựng lại bức tượng cho cha mình khi Tòa án đã rửa sạch hết mọi oan sai, nhưng tréo ngoe thay, những cư dân mới - hậu duệ những người từng hành hạ bà, không chấp nhận yêu cầu đó.

Gita từng bước giành lại sự thật, trong quá trình đó những nỗi đau cũng như mất mát từ trong quá khứ được tái hiện lại một cách đầy đau đớn nhưng cần thiết trong bộ mặt bạo tàn của chiến tranh và sự đánh mất nhân tính. Có thể nói, với cách viết dồn nén, dùng nhiều hình tượng mạnh cũng như các mốc thời gian xóa nhòa, tác giả Radka Denemarková đã bổ sung vào dòng văn chương Holocaust một góc nhìn mới về những nỗi đau thời hậu chiến.

Tiền từ Hitler tái hiện một cách đau đớn nạn phân biệt chủng tộc, nạn bài trừ người Do Thái, những tổn thương thời hậu chiến cũng như sự vô tình của con người mới với những nạn nhân vô tội chiến tranh. Khi mới ra đời, tác phẩm đã chịu nhiều làn sóng phản đối bởi khai thác các vấn đề nhạy cảm trong mối quan hệ giữa trục Đức - Séc - Do Thái.

Tác giả Radka Denemarková.

Về việc này, tác giả Radka Denemarková cho rằng dù cho chiến tranh đi qua đã từ rất lâu, thế nhưng xã hội vẫn chưa trưởng thành và dám nhìn lại những gì đã từng xảy ra. Bà nói: “Tôi không muốn tham gia vào các vấn đề dân tộc của trục Đức – Séc – Do Thái, mà đây đơn thuần chỉ là vấn đề giữa con người với nhau. Nhưng dù sao thì đó cũng là động lực giúp tôi viết với một thái độ không khoan nhượng trước sự thật. Tôi muốn tính nhân văn không chỉ xuất hiện trong văn chương, mà còn là trong đời sống hiện nay nữa”. Tuy gây nhiều tranh cãi, tác phẩm đã được dịch sang 24 thứ tiếng (tiếng Ukraine là ngôn ngữ mới nhất), đồng thời giành được các giải thưởng danh giá như giải Magnesia Litera - giải thưởng văn chương danh giá nhất của Séc - ở hạng mục hư cấu năm 2007, giải Văn học Usedom và giải Georg Dehio…

BỐI CẢNH HIỆN TẠI

Trùng hợp là khi buổi trao đổi xảy ra, thế giới cũng đang chứng kiến những căng thẳng leo thang ở Ukraine và Nga. Tác giả Radka Denemarková cũng chia sẻ rằng, bà đề tặng Tiền từ Hitler cho con trai mình, và sau hơn 16 năm xuất bản, giờ đây chính cậu cũng đang đi đón những người từ Ukraine sang Praha tị nạn. Như một vòng lặp, nhiều phụ nữ giờ đây cũng như Gita, đang phải chạy khỏi quê hương mình, và rõ ràng với chiến tranh, thì không bao giờ có người chiến thắng.

Bà cũng nói thêm: “Tôi không trở về quá khứ chỉ để viết về lịch sử, mà là đang viết cho ngày hiện tại. Tôi viết về không gian nơi tôi sinh ra, và tất cả những gì đã xảy ra giữa người Đức, Séc và Do Thái ngày ấy đều có sự kết nối. Tôi viết về số phận con người sinh ra vốn dĩ tự do nhưng lại bị thời đại đàn áp. Tôi không viết về chiến tranh mà đó là vấn đề công bằng. Ở Praha, người dân rất tự hào về Franz Kafka như một biểu tượng văn hóa, và thử hỏi nếu ông cũng như Gita bị lôi vào cỗ máy điên cuồng của chiến tranh, thì điều gì sẽ xảy ra, khi ông cũng là người gốc Do Thái và nói tiếng Đức?”

“Tất cả sự việc đều có hai mặt, dù cho có thế nào thì mọi thứ cũng sẽ trồi lên dù được giấu kín đến đâu đi nữa. Dù cho đó là Hitler hay một nguyên thủ quốc gia khác, thì văn chương của tôi cũng vẫn sẽ có sức mạnh như thế".
Tác giả Radka Denemarková chia sẻ trong buổi giao lưu trực tuyến.

Do đó có thể thấy rằng, “Chiến tranh luôn luôn xảy ra và lặp lại, và văn học là phương tiện tốt để truyền tải tất cả những gì thực nhất. Những gì tôi viết là bản chất cuộc sống ở khắp nơi trên thế giới. Bằng ẩn dụ, tôi miêu tả những vấn đề còn tồn đọng trong xã hội, khi công lí và công bằng không đạt được ở mọi nơi và mọi phương diện”.

Chia sẻ thêm về nhan đề tác phẩm, tác giả Radka Denemarková đã giải thích rằng đây là một phép ẩn dụ, khi mà chính thứ giam cầm Gita cũng rồi sẽ là phần thưởng mà cô nhận lại sau này. Bà cũng chia sẻ thêm rằng với bản dịch tiếng Đức, do có tên của người mà đất nước này không muốn nhắc đến, nên nó đã bị thay đổi. “Tất cả sự việc đều có hai mặt, dù cho có thế nào thì mọi thứ cũng sẽ trồi lên dù được giấu kín đến đâu đi nữa. Dù cho đó là Hitler hay một nguyên thủ quốc gia khác, thì văn chương của tôi cũng vẫn sẽ có sức mạnh như thế. Các tác phẩm văn học cần viết đúng hiện thực để nêu lên tiếng nói của những người không nói lên được sự thật. Và trách nhiệm của một nhà văn là cần cảnh báo cho xã hội những cơn khủng hoảng, giúp nạn nhân nói lên được tiếng nói của mình”.

TƯƠNG LAI CỦA VĂN HỌC SÉC TẠI VIỆT NAM

Trong buổi thảo luận, nhà văn Radka Denemarková cũng chia sẻ thêm về cuốn sách mới nhất của mình, mang tên Hodiny z olova (tạm dịch Đồng hồ chì) được viết trong vòng 5 năm, với 2 năm sống tại Trung Quốc. Trong cuốn sách này, bằng nhãn quan của một con mèo, tác giả đã phơi bày được thực trạng coi kinh tế là thứ quan trọng duy nhất, từ đó biến các giá trị dân chủ, bình đẳng xuống hàng thứ yếu. Tác phẩm chính là tiếng nói đòi hỏi một sự tự do nhất định.

Dịch giả Hau Phamová trong buổi giao lưu trực tuyến.

Nói riêng về quá trình dịch Tiền từ Hitler, dịch giả Hậu Phamová cũng chia sẻ về những trải nghiệm cũng như khó khăn trong quá trình chuyển ngữ tác phẩm. Theo đó, với phong cách viết dùng nhiều ẩn dụ cũng như chơi chữ, cô đã phải tra cứu, nhờ đến sự giúp đỡ của bạn bè ở Praha cũng như của chính tác giả để mang đến được một tác phẩm tròn vẹn nhất. Cô cũng nói rằng đôi khi bản thân phải tự hóa thân, tưởng tượng đang trên một sân khấu lớn, để nhập vai vào nhân vật và nói tiếng nói trong tâm tưởng mình.

Bà Renata Greplová - Phu nhân Đại sứ CH Séc tại Việt Nam nhân buổi hội thảo cũng đã nhắc lại quá trình giao lưu văn hóa giữa hai nước Séc - Việt qua hàng loạt tác phẩm đã được ra mắt bạn đọc như của Karel Čapek (Nhà máy chế tạo siêu nhiên, Dịch bệnh trắng), Jaroslav Hašek (Vận mệnh người lính tốt Svejk trong đại chiến thế giới), Jan Neruda (Những câu chuyện về khu phố nhỏ ven sông), Zdeněk Jirotka (Saturnin), Petra Soukupová (Điều tốt nhất cho tất cả)… và hi vọng trong tương lai nhiều tác phẩm nữa của văn học Séc sẽ được giới thiệu và ra mắt tại Việt Nam.

NGÔ MINH

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)