Dòng chảy

Khung cửa sổ tâm hồn của người Séc

Thứ Bảy, 19/03/2022 07:27

 Tối 18/3/2022 Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức buổi giao lưu online giới thiệu trọn bộ tác phẩm văn học kinh điển Séc Vận mệnh người lính tốt Svejk trong Đại chiến Thế giới của nhà văn Jaroslav Hašek. Chương trình có sự tham dự của các nhà phê bình, các dịch giả của Việt Nam và Cộng hoà Séc.

Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến Thế giới bao gồm 4 tập: Ở hậu phương, Ngoài mặt trận, Trận đòn vẻ vang, Tiếp tục trận đòn vẻ vang. Tác phẩm kể về một anh chàng tên là Švejk kiếm sống bằng nghề bán chó ở Prague. Anh chàng từng đi lính nhưng được cho giải ngũ vì bị ban quân y kết luận là kẻ ngu độn. Tác phẩm hài hước bậc nhất này mở đầu bằng một câu mà nay đã trở thành kinh điển của bà giúp việc của Švejk “Thế là họ giết mất Ferdinand của chúng ta rồi”. Nó nhắc đến vụ ám sát Đại Công tước Franz Ferdinand của đế quốc Áo-Hung, nguyên nhân trực tiếp gây ra cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Đáp lại lời thông báo đầy trịnh trọng ấy, Švejk ngây ngô hỏi rằng đó là Ferdinand nào, bởi anh biết hai người cũng có tên như vậy: một thằng hầu, và một thằng chuyên nhặt phân chó. Švejk là người hay chuyện, tốt tính, nhưng nhiều lúc lại đần độn như thể có chủ ý, Švejk nhiệt tình tham gia vào cuộc chiến để phụng sự Hoàng đế Áo - Hung. Cuốn tiểu thuyết theo chân Švejk trong những tình huống dở khóc dở cười phần lớn do chính Švejk gây nên. Tác phẩm được coi là “Chén Thánh của tâm hồn Séc”, “một khung cửa sổ nhìn thực sự vào tinh thần Séc”. Trọn bộ câu chuyện về anh Svejk vui tính bao gồm 4 tập, khi dịch sang tiếng Việt được chia thành 2 quyển: Quyển 1 gồm tập I-II, xuất bản tháng 10/2020; Quyển 2 gồm tập III-IV, xuất bản vào tháng 12 năm 2021.

Buổi giao lưu giới thiệu sách được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam là nhà xuất bản đầu tiên ở Việt Nam xuất bản trọn bộ một tác phẩm văn học kinh điển đồ sộ này với độ dày trên 1.000 trang in. Bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam nhận định: Có thể nói, bạn đọc Việt Nam cũng yêu quý anh lính tốt Svejk nhiều như ở quê hương anh và ở nhiều nước trên thế giới. Thậm chí, anh lính tốt Svejk còn được bạn đọc phân tích kĩ các phẩm chất hài hước, hồn nhiên, lạc quan, yêu đời… như là một phẩm chất của của người dân Séc khi đương đầu với khó khăn, nghịch cảnh… Nhiều bạn đọc thích chất giễu nhại của tác phẩm và so sánh điều đó với một số nhân vật trong văn học dân gian của Việt Nam. Số khác thích tác phẩm vì nó còn nguyên giá trị đến hôm nay: tác phẩm cất lên tiếng nói phản chiến mạnh mẽ, và là một trong các tác phẩm viết về chiến tranh hay nhất dưới góc nhìn hài hước. Những bạn đọc thích chiêm nghiệm thì cho rằng câu chuyện của cá nhân Svejk cũng là bài học về cách thế ứng xử/lựa chọn sinh tồn của một quốc gia… Một số bạn đọc Việt Nam say mê tác phẩm viết về anh Svejk vì tác phẩm mang lại nhiều hiểu biết về văn hoá Séc với những địa danh lịch sử thú vị, đến nỗi, khi đọc sách…

Lần xuất hiện đầu tiên của nhân vật Svejk tại Việt Nam là năm 1991, qua bản dịch từ tiếng Pháp do dịch giả Nguyễn Văn Sĩ chuyển ngữ và được Nhà xuất bản Văn học xuất bản năm 1992 với nhan đề Những cuộc phiêu lưu mới của Xvêch, anh lính chân thực. Tuy nhiên, bản dịch này không đầy đủ, vì độc giả Việt Nam hồi đó chỉ mới biết Svejk qua những câu chuyện mà nhà văn Jaroslav Hašek kể ở tập II. Phải gần 30 năm sau, vào năm 2020, tác phẩm kinh điển này mới được xuất bản trọn bộ tại Việt Nam, do Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam ấn hành và bản dịch được dịch giả Bình Slavická chuyển ngữ trực tiếp từ tiếng Séc sang tiếng Việt. Giống như khi xuất hiện qua 61 ngôn ngữ khác, nhân vật Svejk và tác phẩm kinh điển này đã khiến độc giả Việt Nam thích thú và lấy làm cảm hứng trong cuộc sống thường ngày.

Ngài Vítězslav Grepl - Đại sứ Cộng hoà Séc tại Việt Nam đã thổ lộ rằng: Svejk là cách gọi của người Séc khi nhắc tới bộ sách này, chính bản thân ông đã lấy cảm hứng từ tác phẩm cho những tình huống trong cuộc sống thường ngày. Ngài Đại sứ cũng cho biết, tác phẩm này đã đạt được thành công lừng lẫy trên thế giới, tại những nơi mà tác phẩm được xuất bản. Svejk như một khung cửa sổ nhìn vào tâm hồn thực sự của dân tộc Séc.

Sau đúng 100 năm xuất bản lần đầu tiên tại Séc (1921), bộ tiểu thuyết đồ sộ này được giới thiệu đầy đủ tại Việt Nam. Tại Cộng hòa Séc, tác phẩm và nhân vật người lính tốt Švejk được yêu thích đến nỗi người ta dựng tượng Švejk tại các địa điểm công cộng.

Ông Radim Kopáč - nhà phê bình văn học và nghệ thuật, nhân viên Bộ Văn hoá Séc bày tỏ: Nhà văn đã viết được một tác phẩm không phụ thuộc vào thời gian, địa điểm hay bất kì một điều gì khác. Cuốn tiểu thuyết có thể được đưa vào bất kì một môi trường nào, đất nước nào. Nó có sức mạnh làm cho đổ vỡ cả chế độ quân chủ Áo-Hung bởi tinh thần chống quan liêu, ngu xuẩn, xấu xa và sự bí ẩn nào đó.

Jaroslav Hašek là một trong bộ ba nhà văn nổi tiếng nhất của nền văn học Séc nửa đầu thế kỉ 20: Jaroslav Hašek, Franz Kafka và Karel Čapek. Franz Kafka và Karel Čapek là hai tác giả đã rất quen thuộc với độc giả Việt Nam nhưng Hašek thì vẫn còn là một ẩn số xa lạ. Trong khi đó bộ tiểu thuyết Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến Thế giới của ông lại là tác phẩm văn học kinh điển Séc được dịch ra tiếng nước ngoài nhiều nhất, tính đến nay đã được dịch sang 62 ngôn ngữ khác nhau. Suốt 100 năm qua, anh Svejk ngây độn mà tinh quái ấy không chỉ nằm yên trên trang sách, mà anh còn bước sang sân khấu, điện ảnh, truyền hình và truyền thanh…

Theo nhà tiểu thuyết lừng danh Milan Kundera: Cuốn sách này có thể là cuốn tiểu thuyết dân gian lớn cuối cùng.

ĐỨC SƠN

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)