Dòng chảy

Từ những tàn phai…

Chủ Nhật, 27/02/2022 11:51

 Chiều 26/2/2022 tại Không gian nghệ thuật MAY (36/70 Nguyễn Gia Trí, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh), họa sĩ Nguyễn Công Hoài đã khai mạc triển lãm tranh lần thứ 5 của mình.

Với 25 bức tranh sơn dầu được sáng tác trong gần một năm qua, Nguyễn Công Hoài gọi tên đó là Nghe những tàn phai. Mọi thứ tồn tại trên cuộc đời này thực đó mà cũng như hư vô. Sự suy tàn phai phôi là điều không tránh khỏi, ý nghĩa phải chăng nằm ở sâu trong tâm tư mỗi người khi đối diện và trải nghiệm sự tàn phai ấy. 25 bức tranh cho chúng ta thấy một quan niệm, một phong cách nhất quán.

Hoạ sĩ Nguyễn Công Hoài (phải)  tại triển lãm.

Có bao giờ người nghệ sĩ hết đau đáu với những niềm nỗi riêng chung giữa cuộc đời này không mà tranh Nguyễn Công Hoài qua năm lần triển lãm vẫn cứ xoáy vào người xem một câu hỏi, một khoảng trống, một hố sâu, một giày xé, một day trở, một vô định…

Nghe những tàn phai anh đã bớt đi sự gai góc, khốc liệt hơn so với Những ngày không mơ mộng của một năm về trước. Lúc đó anh muốn tự nhắc nhủ mình không đi lạc trên con đường nghệ thuật và anh đã chọn cho mình con đường độc đạo, khổ hạnh. Vẫn xoay quanh thân phận con người, đề tài đã tạo nên dấu ấn của Nguyễn Công Hoài, anh đã đưa đến cho công chúng một góc nhìn và sự kiến giải riêng biệt.

Hoạ sĩ Tào Linh cho rằng: Vẫn là nỗi hoang mang về thân phận con người, những giằng xé nội tâm như Hoài vốn thế. Nhưng lần này có vẻ cái nội tâm đó đã khác đi, nỗi hoang mang đó đã khác đi. Như thể Hoài đang đứng trước một ngã ba, đứng trước một lựa chọn, “phong trần” hay “thanh cao”, dấn thân, xuất thế hay an nhiên tự tại. Tôi không biết như vậy là hay hơn hay dở đi, cao hơn hay thấp hơn, với Hoài. Nhưng có vẻ, đã đến lúc Hoài phải lựa chọn, phải quyết định Hoài còn trẻ. Hoài đã định danh tên tuổi mình trong giới mĩ thuật, không chỉ ở Sài Gòn, với một loạt giải thưởng, với thành công của nhiều triển lãm cá nhân Hoài còn trẻ. Cuộc sống của Hoài đã từng vất vả với nhiều gánh nặng. Nhưng đáng kể nhất vẫn là gánh nặng tinh thần mà con người nghệ sĩ trong Hoài đang và sẽ phải mang vác. Hội hoạ đã lấy đi của Hoài nhiều thứ, nhưng cũng đã mang lại cho Hoài nhiều điều.

Con người trong tranh Nguyễn Công Hoài là những con người vô diện, họ không mang gương mặt rõ rệt nào cả, không có ánh mắt, nụ cười để cho công chúng thấy như những bức tranh chân dung thông thường. Chân dung con người trong tranh của anh là những thân phận, những thân phận nhỏ nhoi, bất lực, trần trụi, đau đớn, đơn độc nhưng cũng ở đó ngời ngợi hiển lộ sự dịu dàng, vị tha, thiết tha với cuộc đời này… Bởi trong sự tàn phai rỗng mục của những điều ta nhìn thấy lại đang âm thầm sinh sôi, nảy nở nên những vẻ đẹp hư ảo nhưng vĩnh hằng. Bút pháp của anh trong lần trở lại này cũng đã bớt đi những mảng miếng thô đậm mà thay vào đó là sự lắng, đằm và ngẫu hứng. Phải chăng Nguyễn Công Hoài đã bớt đi những câu hỏi, niềm hoang mang với cuộc đời và thân phận hơn. Phải chăng thay vì dằn vặt trăn trở anh đã chọn cách chấp nhận/ tiếp nhận/ đón nhận nó trong sự mĩ cảm của mình. Dẫu gọi đó là gì thì đây cũng là dấu hiệu của việc người nghệ sĩ đang tiếp tục cho thấy mình đang đi vững chãi và sáng tạo trên con đường nghệ thuật. Thành công trong những lần xuất hiện trước đây không phải là điểm đến mà chỉ là những dấu mốc trên hành trình đi đến cái vô cùng của người nghệ sĩ.

Hoạ sĩ Lương Lưu Biên nhận định: Với bút pháp nặng tính biểu hiện, mỗi bức của Hoài là một hình hài co lại hay buông xuôi, được tạo hình mờ nhoè như hiện ra từ một hiện thực xa xôi nào đó. Thế rồi những nhát đắp dày, cào xước hay bôi xoá như những tra vấn với mỗi thân phận đó. Thi thoảng ánh sáng loé lên, tràn khắp thân thể để làm minh bạch một điều gì đó hoặc dìm tối đi để che đậy, để an ủi cho những nỗi niềm riêng tư khác. Cuộc tra vấn hay cũng chính là tự vấn ấy có lẽ sẽ kết thúc khi hoạ sĩ đủ mệt và bức tranh dừng ở đó. Có khi nó trọn vẹn mà nhiều khi bức tranh chỉ là một câu chuyện dở dang, để rồi hôm sau nó sẽ được tiếp nối trên một tấm toan khác.

Nghe những tàn phai là một cuộc trưng bày nghệ thuật nhưng nó cũng là cuộc trưng bày của nội tâm. Bởi điều đáng quý mà chúng ta thấy được đó là, dù có thành công và chuyên nghiệp như thế nào thì Nguyễn Công Hoài vẫn là người vẽ bằng bản năng, cảm xúc. Sự điêu luyện chín muồi của bút pháp như là phương tiện để truyền tải tâm hồn, thế giới nội tâm của hoạ sĩ. Và khi nhìn vào những tác phẩm nghệ thuật của Nguyễn Công Hoài chúng ta sẽ thấy mọi cách gọi mọi lằn ranh ấy đều trở nên mờ nhoè, cái hiện diện lúc này chính là vẻ đẹp của sự phai tàn đang lay thức, rung động chúng ta.

Một góc triển lãm Nghe những tàn phai.

Nghệ thuật có thể là phơi bày, có thể là ẩn giấu, nhưng điều cốt yếu của nghệ thuật vẫn là để chúng ta thấy lòng mình dịu lại trước những nỗi đau, bất trắc; để trong những tàn phai ta thấy mình trở nên nhẹ nhàng hơn.

Triển lãm Nghe những tàn phai sẽ kéo dài đến ngày 10/3 tại Không gian nghệ thuật May (số 36/70 Nguyễn Gia Trí, P. 25, Q. Bình Thạnh, TP.HCM).

HOÀI PHƯƠNG

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)