Sáng 14/2/2022 tại trụ sở Hội Nhà văn (HNV) Việt Nam (số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội) đã diễn ra Lễ trao giải thưởng văn học và kết nạp hội viên năm 2021. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã đến dự buổi lễ và trao giải thưởng cho các tác giả.
Đây là dịp được các hội viên HNV Việt Nam và bạn đọc yêu văn chương cả nước đặc biệt mong chờ. Đây cũng là mùa giải thưởng và mùa kết nạp hội viên đầu tiên của Ban Chấp hành (BCH) khoá X HNV Việt Nam nên được bạn đọc và công chúng đặt nhiều kì vọng.
Thay mặt HNV Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội đã có những đánh giá, nhìn nhận về chặng đường một năm qua của Hội. Theo đó, 2021 là một năm đầy khó khăn và thách thức đối với HNV Việt Nam. BCH Hội đã lắng nghe ý kiến của các hội viên một cách sâu sắc nhất để làm công việc của mình một cách tốt nhất. Về giải thưởng, và kết nạp hội viên năm nay nhận được sự đồng thuận không chỉ của BCH, các Hội đồng mà có cả sự đồng thuận của dư luận trong xã hội. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng khẳng định: Cách thể hiện cao cả nhất và hiệu quả nhất của mỗi người viết là mang đến những trang viết nhân văn, mới mẻ. Chỉ khi những nhà văn viết những trang văn đáng giá nhất, ích lợi nhất cho đất nước này thì đó là sự bùng nổ sự khẳng định rõ ràng nhất đối với HNV, đối với mỗi bạn đọc, đối với mỗi người viết.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao tư duy đổi mới, thực hiện nhiều hoạt động thiết thực của BCH HNV Việt Nam khóa X để văn học Việt Nam ngày càng phát triển. Đồng chí mong muốn các nhà văn bằng tài năng và tâm huyết của mình sẽ dốc sức sáng tạo, cho ra đời nhiều tác phẩm giá trị, góp phần xây dựng văn hóa và con người Việt Nam. Cùng với đó, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quan tâm chăm lo cho sự phát triển của văn học, loại hình nghệ thuật ngôn từ đặc biệt tinh tế, kết tinh nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi lễ.
Theo ban tổ chức Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam thì Hội nhận được 216 tác phẩm đề cử xét giải năm 2021. Trong đó, có 70 tác phẩm văn xuôi, 91 tác phẩm thơ, 16 tác phẩm lí luận phê bình, 20 tác phẩm văn học dịch và 19 tác phẩm văn học thiếu nhi. Sau hai vòng sơ khảo và chung khảo, ban tổ chức quyết định trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021 cho 4 tác giả, tác phẩm xuất sắc ở 4 thể loại, riêng thể loại thơ không tìm được tác phẩm để trao giải.
Văn xuôi được trao cho tiểu thuyết Một ví dụ xoàng của nhà văn Nguyễn Bình Phương. Theo đánh giá của hội đồng chuyên môn, Một ví dụ xoàng có tính khái quát rất cao một thực trạng không thể chối bỏ của xã hội chúng ta. Từ vụ án một người buôn bốn cân chè mà mất hai mạng người từng rúng động đất Thái Nguyên thời bao cấp, nhà văn đã dựng lại cả một thời đói khổ, vô lí, ấu trĩ, khốn đốn, nghiệt ngã, cái ác đã lên ngôi. Đặc biệt qua nhân vật chính, tác phẩm đã khai thác sâu sắc về thân phận của một con người. Cả tiểu thuyết chỉ có mấy nhân vật, nhưng tác giả đã tạo dựng từng nhân vật một cách độc đáo. Tiểu thuyết dựng lên một không gian mà cái ác bao trùm khiến người đọc bị cuốn theo mê trận, đau đớn, xót xa và bừng tỉnh. Cuộc truy tìm đến tận cùng nguyên nhân của một cái chết, cái kết của vụ án là một cuộc truy tìm thời cuộc. Nguyễn Bình Phương đã dựng lên một giọng điệu riêng biệt của tiểu thuyết đương đại Việt Nam qua từng tác phẩm cho tới Một ví dụ xoàng.
Lí luận phê bình được trao cho cuốn Văn bản văn học và sự bất ổn của nghĩa của PGS.TS Trương Đăng Dung. Đây là công trình tập hợp những suy tư của một nhà lí luận văn học có thiên hướng lí thuyết đặc biệt là những vấn đề liên quan đến văn bản, tiếp nhận và cơ chế tạo nghĩa của văn bản trong đời sống tiếp nhận. Công trình đạt chất lượng khoa học cao, có tính chuẩn mực về học thuật khi người viết tiến hành phân tích, luận giải các vấn đề khoa học văn học xuất phát từ nền tảng triết học và mĩ học. Sức tác động của công trình này không nằm ở tính tức thì mà là tác động mang tính thay đổi nhận thức, trên cơ sở nhận ra những giới hạn của mô hình văn học phản ánh hiện thực đơn giản để hướng đến mô hình kiến tạo trên tinh thần của mĩ học và lí luận văn học hiện đại. Công trình này mang tính khoa học chuyên sâu, hiếm quý trong đời sống lí luận phê bình văn học hiện nay.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021 cho các tác giả đoạt giải.
Văn học dịch được trao cho cuốn Châu Phi nghìn trùng do Hà Thế Giang dịch. Đây là cuốn hồi kí của nhà văn nữ nổi tiếng người Đan Mạch Isak Dinesen, người từng hai lần được đề cử giải Nobel Văn học vào năm 1954 và 1957. Cuốn sách kể về khoảng thời gian tác giả sinh sống tại châu Phi (1914-1931). Cuốn sách được kết thúc bằng câu: “Cũng bởi nhìn từ xa, dáng núi dần trở nên mềm mại và thanh thoát hơn”. Và cũng chính cái nhìn từ xa đó, tác giả có cái nhìn uyển chuyển, bao quát về một châu Phi rộng lớn. Châu Phi nghìn trùng nhất quán một cái nhìn nhân văn, chan chứa tình người. Đó là cái lớn lao và đặc sắc của tác phẩm này. Dịch giả Hà Thế Giang đã chuyển ngữ thành công tác phẩm: chuyển tải đúng nội dung văn bản gốc, lời văn tiếng Việt tự nhiên, trong sáng với ngôn ngữ văn chương trau chuốt, tinh tế. Đây là một trong số tác phẩm dịch mà không nhìn thấy sự vấp váp của ngôn từ và người đọc có thể cảm nhận vẻ đẹp của ngôn ngữ tương xứng với vẻ đẹp mà nó diễn tả.
Văn học thiếu nhi được trao cho cuốn Mùa tiểu học cuối cùng của cố nhà văn Lê Văn Nghĩa. Tác phẩm mang một cách kể giản dị nhưng xúc động bởi tính chân thực và một giọng văn phù hợp với nhân vật ở lứa tuổi. Những câu chuyện thường nhật của những đứa trẻ được nhà văn biến thành những kí ức không thể quên trong tâm hồn một con người. Những kí ức đó đã làm hiển lộ tâm hồn trẻ thơ và với tâm hồn tươi trẻ, trong sáng ấy, chúng sẽ lớn lên để làm một con người tử tế.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch HNV Việt Nam chia sẻ, giải thưởng năm nay đã lựa chọn một cách khá chính xác những tác phẩm tiêu biểu, phần nào phản ánh thực trạng, thực lực của các thể loại văn học trong năm. Tất cả các tác phẩm được trao Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam 2021 đều truyền tải được cái đẹp của nghệ thuật và thông điệp nhân văn của con người. Về sự “mất mùa” của thơ, ông bày tỏ: thơ ca luôn là một “văn bản nghệ thuật khắc nghiệt” với cả người sáng tác và người đọc. Việc cảm nhận thơ ca luôn là sự thách thức và đa chiều. Chính vì lẽ đó mà không có tác phẩm thơ được trao tại Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021.
Trong bài phát biểu tại Lễ trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2021, PGS.TS Trương Đăng Dung đã nói về “lí luận văn học như là một khoa học”: Bên cạnh nghĩa đang tồn tại của văn bản văn học là nghĩa được thiết lập. Vậy nên, có hai vấn đề đặt ra liên quan đến phương thức tồn tại của tác phẩm văn học: Một là tính chất ngôn ngữ, cái quyết định đặc trưng bản thể của văn bản văn học; hai là khả năng tạo lập đời sống cụ thể của văn bản văn học, độc lập với chủ ý của nhà văn. Nhiều năm qua, tôi đã dành tâm sức cho hướng nghiên cứu này với mục đích khám phá phương thức tồn tại của tác phẩm văn học, để từ đó soi sáng trở lại mô hình phản ánh nghệ thuật - một vấn đề quan trọng của lí luận văn học mác xít. Cuốn sách Văn bản văn học và sự bất ổn của nghĩa cùng với những chuyên luận khác đã xuất bản, là kết quả của quá trình học tập và nghiên cứu theo hướng đó của tôi. Càng làm việc và học hỏi, tôi càng ý thức hơn về những giới hạn của chính mình. Tôi hiểu rằng mọi nỗ lực của mình cũng chỉ là sự vươn tới giới hạn của cái chưa biết. Tôi hi vọng, ngày càng có nhiều hơn những nhà nghiên cứu lí luận văn học trẻ tuổi sẽ làm tốt hơn chúng tôi cái công việc gian khổ, lâu mọc mũi sủi tăm này.
Các nhà văn, nhà thơ nhận Quyết định kết nạp hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam.
Một phần quan trọng trong buổi lễ đó là, HNV Việt Nam đã công bố Quyết định kết nạp 34 hội viên mới năm 2021 vào HNV Việt Nam. Có thể kể đến một số hội viên mới được kết nạp nhưng tên tuổi và tác phẩm của họ đã ghi dấu ấn trên văn đàn Việt Nam lâu nay như: nhà văn Nguyễn Việt Hà, nhà phê bình văn học Nguyễn Hoài Nam, nhà phê bình văn học Đỗ Anh Vũ, nhà thơ Đỗ Thượng Thế và một số cây bút trẻ nhiều triển vọng như Cao Nguyệt Nguyên, Phan Đức Lộc…
Nhà phê bình văn học Đỗ Anh Vũ bày tỏ: Vào HNV Việt Nam với tôi là một bước ngoặt mới, ghi nhận một chặng dài sáng tác, đam mê với văn chương. Dấu ấn này khiến tôi sẽ tự ý thức sâu sắc hơn trong nghĩ và viết, trong mỗi trang văn mình viết ra và cũng tạo động lực nhiều hơn cho công việc sáng tạo.
AN CHI
VNQD