Dòng chảy

Tích huyền sử Thánh Mẫu được thể hiện kết hợp giữa cải lương và xiếc

Thứ Hai, 07/02/2022 16:02

Sau sự kết hợp thành công với vở diễn Cây gậy thần, Nhà hát Cải Lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã tiếp tục trình diễn vở Thượng thiên Thánh Mẫu trong ba tối 6-7-8/2/2022 (tức mùng 6, mùng 7, mùng 8 xuân Nhâm Dần) tại Rạp Xiếc Trung Ương. Vở diễn nằm trong trong dự án “Huyền sử Việt” kể về Tứ bất tử Việt Nam.

Kịch bản Thượng thiên Thánh Mẫu được viết bởi tác giả Lê Thế Song và Xuân Hồng, dựa theo huyền tích dân gian về công chúa Liễu Hạnh - vị Đệ nhất Thánh Mẫu, một trong Tứ bất tử Việt Nam. Mẫu Liễu Hạnh tên thật là Quỳnh Hoa công chúa là con gái thứ hai của Ngọc Hoàng Thượng đế, vì đánh vỡ chén ngọc mà bị vua cha giáng xuống trần gian và đầu thai làm người trần mắt thịt. Nàng đã ba lần giáng trần để cứu độ nhân thế và truyền dạy nhiều ngành nghề truyền thống cho nhân dân. Ba lần luân hồi chuyển kiếp của Thánh Mẫu Liễu Hạnh đó là mối lương duyên với Đào Lang, bữa tiệc thiên giới huyền ảo, và cảnh Thánh Mẫu đối đầu Tiền Quân Thánh để bảo vệ dân chúng…

Vở diễn với nhiều yếu tố kì ảo được kết hợp giữa cải lương và xiếc đã tạo nên những sự cộng hưởng tốt.

Thượng thiên Thánh Mẫu dưới sự kết hợp dàn dựng bởi đạo diễn, NSND Triệu Trung Kiên và NSND Tống Toàn Thắng, một tác phẩm sân khấu có sự đan xen hài hòa giữa ca, kịch và xiếc. Nếu như sân khấu cải lương có sự đằm thắm, đầy nét duyên mềm mại thì sân khấu xiếc chứa đựng sự mạo hiểm, mạnh mẽ. Công chúng sẽ được thưởng thức những phân đoạn ca cải lương: điệu lí, vọng cổ… mang sắc thái ước lệ đậm chất dân gian. Là một tác phẩm sân khấu với nhiều tích huyền sử, ngôn ngữ kịch bản vừa mang tính biểu hiện, ước lệ chứa đựng tính duy mĩ và triết lí sâu sắc nhưng cũng mang hơi thở đương đại, giúp khán giả dễ cảm nhận. Nghệ thuật xiếc có nhiều “đất riêng” trong những trường đoạn cao trào huyền ảo, đan cài vào trong tình huống kịch giằng xé mâu thuẫn, nhiều tiết mục xiếc mạo hiểm: bay trên không, thăng bằng với kiếm, ảo thuật nâng người… đã khiến khán giả không khỏi thót tim và hướng ánh nhìn vào nghệ sĩ.

Sân khấu luôn đòi hỏi những sáng tạo mới mẻ, để kết hợp những loại hình nghệ thuật là cơ hội thú vị nhưng cũng mang đầy thách thức đối với người nghệ sĩ. NSƯT Quang Khải trong vai Đào Lang, trong cảnh tiễn biệt Giáng Tiên, anh đã phải vừa hát vừa phải đu dây, đối với anh, việc đu dây là một thách thức lớn. NSƯT Quang Khải chia sẻ: “Đây là một vở cải lương thể nghiệm, kết hợp giữa hai loại hình nghệ thuật giữa xiếc và cải lương. Trong lần kết hợp thứ hai này, nghệ sĩ đến từ hai đơn vị đã ăn ý hơn, khăng khít với nhau hơn. Họ học tập lẫn nhau, nghệ sĩ cải lương học nghệ sĩ xiếc cách đu dây trên không, các động tác kĩ thuật khó… Và cứ mỗi khi biểu diễn cách mặt đất từ 10 đến 20 mét như vậy thì trải nghiệm vô cùng đặc biệt, bản thân tôi lúc diễn cảnh Đào Lang hát trên không cũng không tránh khỏi lo lắng. Anh chị em nghệ sĩ xiếc thì có dịp học hỏi thêm về diễn xuất. Từ việc phối hợp với nghệ sĩ cải lương, họ đã nhập vai nhân vật tốt hơn, trau dồi lời thoại sân khấu”.

Các bạn trẻ thời hiện đại đã lạc vào huyền sử khi bay vào quá khứ là tình huống giả tưởng vở diễn sử dụng.

Để kết nối giữa cuộc sống hiện đại với huyền tích lịch sử, ê kíp vở diễn Thượng Thiên Thánh Mẫu đã cho khán giả thấy câu chuyện về công chúa Liễu Hạnh được kể bằng yếu tố kì ảo qua tình huống các bạn trẻ đương đại bay vào quá khứ và được chứng kiến những điều huyền sử. Sân khấu được thiết kế bởi NSƯT Doãn Bằng có yếu tố kì ảo của Thiên Đình, vừa mang sắc thái lịch sử của thời Vua Lê - Chúa Trịnh, vừa mang hơi thở của cuộc sống đương đại qua lớp người trẻ.

Diễn viên cải lương Minh Lý trong vai Giáng Tiên với những phân đoạn đu dây của nghệ thuật xiếc.

Để trình diễn một tác phẩm sân khấu trong thời buổi dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến rất phức tạp là sự cố gắng không ngừng của ekip với những thành viên đến từ hai đơn vị nghệ thuật. Đạo diễn NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam chia sẻ: “Do dịch phức tạp nên mọi lễ hội đều phải dừng lại, để tổ chức những đêm diễn như này là cả một sự cố gắng, nỗ lực lớn của hai Nhà hát Liên đoàn Xiếc Việt Nam và Nhà hát Cải lương Việt Nam. Chúng tôi đã chuẩn bị chu đáo cho vở diễn và các nghệ sĩ cũng rất hồi hộp đón chờ những khán giả đầu tiên đến xem thành quả mà chúng tôi đã nỗ lực miệt mài trong hơn một năm qua. Đây là một tác phẩm mà chúng tôi hướng đến khán giả và mong muốn đưa nhiều yếu tố giải trí vào trong một cái câu chuyện huyền thoại, vừa truyền đạt lại những huyền tích của dân tộc, nhưng đồng thời cũng lại vừa mong muốn hấp dẫn và thu hút khán giả, đặc biệt là giới trẻ đến với sân khấu cải lương cũng như với nghệ thuật xiếc và cùng thắp lên tình yêu với lịch sử và văn hóa dân tộc”.

Một cảnh hát chầu văn trong vở diễn Thượng thiên Thánh Mẫu.

Khán giả không chỉ thưởng thức cải lương và xiếc, mà không gian nghệ thuật chầu văn tái hiện qua hệ thống thần linh Tứ phủ với nhiều chi tiết đặc biệt như: thiết kế sân khấu đa sắc màu, trang phục bắt mắt, tạo hình uy nghiêm còn gợi không khí thiêng liêng thánh lễ… Đặc biệt, với sự tham gia của NSƯT Phạm Hải Hậu và giọng hát của Đại tá, NSND Tự Long với những khúc Văn ca Thánh mẫu, nghi lễ Hầu Đồng khiến vở diễn càng thêm vững vàng.

Qua vở diễn Thượng thiên Thánh Mẫu, ekip dàn dựng của hai đơn vị nghệ thuật Nhà hát Cải Lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã cho khán giả một tác phẩm sân khấu “lạ”. Vở diễn có tính giải trí cao nhưng vẫn mang tính triết lí sâu sắc, trữ tình và tư duy của sân khấu đương đại, phù hợp với thị hiếu thưởng thức của khán giả hiện nay. Ngoài ra còn có sự kết nối giữa với khán giả trẻ với những tích truyện huyền thoại của dân tộc.

NGUYỄN ĐỨC CẦM

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)