Dòng chảy

Sự du hành của hình tượng hổ trong hội họa

Thứ Tư, 02/02/2022 06:08

. PHẠM MINH QUÂN
 

Đã từ lâu, hổ thống ngự trong tâm thức dân gian và kho tàng văn chương của nhiều dân tộc, quốc gia trên thế giới. Những con hổ mang một màu sắc thần bí và gây ấn tượng bởi sức mạnh, đời sống đơn độc và sự táo bạo dũng cảm của chúng. Loài động vật mệnh danh chúa tể muôn loài này đóng một vai trò quan yếu trong văn hóa cổ xưa lẫn hiện đại, được sử dụng để đại diện cho nhiều đặc trưng và bản sắc khác nhau xuyên suốt lịch sử. Với giá trị giàu biểu tượng tính của mình, đương nhiên hổ cũng hiện diện như là một motif phổ biến trong nghệ thuật. Nhân năm mới Nhâm Dần, chúng ta sẽ cùng du hành Đông - Tây để khám phá và thưởng ngoạn hình tượng hổ trong hội họa.

Trong văn hóa phương Đông, hổ chiếm một vị trí tối thượng. Hổ trở thành linh vật quốc gia ở các nước như Malaysia, Hàn Quốc, Bangladesh và Ấn Độ. Ngược dòng thời gian, các nhà khảo cổ khi khai quật tại Mohenjo-daro, trung tâm đô thị lớn nhất và sớm nhất trên thế giới nơi lưu vực sông Ấn, đã phát hiện hình tượng hổ trên con dấu Pashupati, thuộc về nền văn minh Indus cách đây 4000 năm. Vương triều Chola bắt đầu từ thế kỉ III TCN cũng lấy hổ làm biểu hiệu, và hình ảnh hổ được xuất hiện trên đồng xu, con dấu và cờ của triều đại này. Rất nhiều tộc người ở Ấn Độ tin rằng mình là hậu duệ của hổ. Người Warli ở Tây Ấn Độ tôn sùng hổ thần có tên Vaghya hoặc Vaghadeva, tin rằng vị thần rừng này ban phát sự sống cho mọi sinh vật, còn bộ lạc Gondi ở miền Trung Ấn Độ cũng phụng thờ nữ thần hổ Waghai Devi. Truyền thuyết sáng thế của người Naga vẫn còn kể lại câu chuyện hổ từng là anh em của loài người, trước khi thất bại trong cuộc thi đấu với người và phải bỏ vào rừng. Còn trong Ấn Độ giáo, hổ gắn liền với những vị thần Hindu như Shiva và Durga. Nữ thần Durga - vị thần tượng trưng cho sự bảo hộ, thiên chức làm mẹ, sức mạnh, chiến tranh và hủy diệt - được mô tả điển hình hóa trong các bức tranh thờ với tám tay và cưỡi trên lưng hổ.

Ở Trung Quốc, hổ là một trong mười hai con giáp, đồng thời là một trong “tứ tượng” (bốn sinh vật thần thoại Trung Hoa cổ đại, cùng với Thanh Long, Huyền Vũ và Chu Tước) và là đối trọng với rồng (Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ; Long tranh, hổ đấu; Long bàn, hổ cứ). Giống như nữ thần Durga của Ấn Độ giáo, tổ sư Trương Đạo Lăng của tông phái Ngũ Đấu Mễ Đạo - tổ chức Đạo giáo đầu tiên xuất hiện thời Đông Hán - cũng gắn liền với hình ảnh ngồi trên lưng hổ. Bạch hổ là một đề tài phổ biến trong tranh thủy mặc Trung Hoa trung đại, thậm chí cấu thành một bộ phận phong thủy trong điêu khắc lẫn kiến trúc. Bức tranh Bạch hổ thường được gia chủ treo trên tường đối diện với cửa vào để đảm bảo quỷ dữ không thể xâm nhập vào nhà. Tranh vẽ hổ truyền thống ở Trung Quốc thường theo một trong hai motif chính: thứ nhất là “thượng sơn”, hình tượng hổ được mô tả đầu ngẩng cao nhìn về phía trăng tròn sáng tỏ, điểm xuyết một vài nhành cây, tạo ra không gian an yên, trấn tĩnh; thứ hai là “hạ sơn”, hổ được khắc họa như đang săn mồi, dáng điệu hung dữ, sẵn sàng vồ lấy mục tiêu trong phút chốc, hậu cảnh thường là đá lớn phủ tuyết trên núi, nhằm nhấn mạnh sức mạnh oai linh của mãnh thú áp chế đối phương. Một trong những họa sĩ Trung Hoa vẽ hổ đáng kể đến là Hồ Tảo Bân (1897 - 1942). Sinh ra ở Thuận Đức, Quảng Đông, ông được học hội họa truyền thống từ bé và sau này theo học hội họa phong cách phương Tây và Nhật Bản tại Viện Mĩ thuật Thành phố Kyoto. Năm 1914, ông quay trở về Trung Quốc và tham gia sáng lập hội nghiên cứu hội họa ở Giang Tô và đến năm 1922 thành lập trường mĩ thuật tại Quảng Đông. Được sự bảo trợ của chính quyền Quảng Đông lúc bấy giờ, ông đã tham quan hơn 30 quốc gia khắp các châu lục Á, Âu, Mĩ và Phi để tập hợp tranh ảnh về hổ, tham gia các cuộc săn bắt hổ của người bản xứ để quan sát và chụp ảnh làm tư liệu sáng tác. Sự nghiệp của ông ước tính để lại hàng trăm bức tranh vẽ hổ, sau này được gia đình quyên góp cho các bảo tàng như Bảo tàng Nghệ thuật Hồng Kông, Bảo tàng Nghệ thuật Macao, Bảo tàng Cố cung Quốc gia Đài Bắc, Đài Loan. Một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của Hồ Tảo Bân đóng góp cho Bảo tàng Nghệ thuật Hồng Kông là Chính nghĩa không cho phép quay đầu lại (1942) được ông hoàn thành vào năm cuối cùng của cuộc đời mình.

Ở Nhật Bản, tuy không phải là loài vật bản địa, nhưng hổ cũng đã được du nhập vào đất nước này và từng bước thâm nhập vào tâm thức người Nhật nhờ… hội họa. Các nhà sư lữ khách từ Trung Hoa khi sang Nhật đã mang theo những bức tranh vẽ hổ và chúng nhanh chóng trở thành một món hàng thịnh hành vào thế kỉ XVI. Trên cơ sở Thần đạo (Shinto) mang tính chất hướng về tự nhiên, vật linh và đa thần, người Nhật vốn dĩ rất gần gũi với các loài động vật và coi chúng như là sứ giả của thần linh, như cáo là đại diện cho thần Inari mùa màng, bồ câu là đại diện cho thần chiến tranh Hachiman... Khi được tiếp xúc, các họa sư Nhật Bản thời Edo sớm bị thu hút bởi kích cỡ và sự uy dũng của hổ, và bắt đầu khai triển các chủ đề liên quan tới hổ dựa trên óc tưởng tượng của mình. Bậc thầy tranh ukiyo-e (phù thể) Nhật, người sau này có ảnh hưởng không nhỏ tới trường phái ấn tượng Âu châu là Katsushika Hokusai (1760 - 1849), vào giai đoạn cuối đời đã chuyên chú vẽ về hổ. Một trong những tuyệt phẩm cuối cùng trong sự nghiệp sáng tác dài lâu của Hokusai là bức Hổ trong tuyết được ông vẽ vào năm cuối cuộc đời của mình, 1849. Bầu không khí của bức tranh lụa chứa đựng đầy tính màu nhiệm huyền bí, thể hiện tinh tế sức mạnh của tinh thần. Một chú hổ già, thân hình uyển chuyển và bóng bẩy, đầu ngẩng cao giương vuốt bay về phía trước trong khung cảnh tuyết rơi. Điểm độc đáo nhất của tác phẩm nằm ở hoa văn trên bộ lông của hổ: bằng những đường nét lượn sóng, Hokusai tạo ra một hiệu ứng dao động cộng hưởng. Phía trước hổ là những cành tre tuyết trắng phủ dày, loáng thoáng những chiếc lá kết hợp lại mang hình dạng đồng dạng hoàn toàn với bộ móng vuốt sắc nhọn của hổ. Thần thái của chú hổ già như thể đang mỉm cười, bày tỏ sự hài lòng trước cuộc sống viên mãn; bởi vậy, có nhiều ý kiến cho rằng hình tượng này tượng trưng cho việc Hokusai rời trần thế để bay sang thế giới bên kia không còn vướng bận, nuối tiếc. Bức tranh hổ của Hokusai đã phá vỡ những mặc định thường có về hổ - khỏe mạnh, dũng mãnh, bạo liệt, để mang lại một cảm thức thuần túy Nhật Bản - mềm mại, thanh tao, tĩnh tại, đầy tính thiền.

Đối với phương Tây, hổ xuất hiện như một động vật ngoại lai, và tất yếu nó thỏa mãn thói chuộng lạ (exotique) vốn là đam mê của các tác giả châu Âu khi sáng tác về phương Đông. Người châu Âu lần đầu diện kiến hổ từ thời La Mã cổ đại, khi hổ được trưng bày và huấn luyện trong gánh xiếc, hoặc được đưa vào các đấu trường để chiến đấu với các đấu sĩ. Kể từ đầu thế kỉ XVII, hổ được coi như là một sản vật lạ sau những công cuộc viễn chinh về phía Đông, được trưng bày trong các vườn thú. Vua James I nước Anh thậm chí còn nuôi một con hổ trong bộ sưu tập thú quý của mình tại tháp London. Hổ gieo cho người phương Tây một cảm xúc lưỡng phân, vừa kinh sợ vừa sùng bái. Thi hào William Blake đã không thể che giấu nổi sự ngưỡng mộ trước vẻ đẹp khôi vĩ của loài mãnh thú này trong bài thơ Tyger được chấp bút năm 1794: Hổ kia, hổ kia cháy bừng như lửa/ Chúa sơn lâm bừng cháy giữa rừng đêm/ Liệu đôi mắt hay bàn tay nào bất tử/ Dựng được nơi ngươi vẻ đối xứng kinh hoàng? Đối với Blake, hổ tượng trưng cho sự hoàn hảo của thế giới tự nhiên hoang dã, đồng thời thể hiện một sức mạnh có khả năng tận diệt.

Cũng với một tinh thần chuộng lạ, các họa sĩ phương Tây nhanh chóng đưa hổ vào trong các bức họa của mình. Tác phẩm Vườn địa đàng và sự sa ngã của con người là một bức tranh nổi tiếng được trưng bày tại Bảo tàng Mauritshuis, The Hague, Hà Lan. Bức họa tái hiện cảnh trí vườn địa đàng do Đức Chúa trời tạo ra trong Sáng thế kí 2 (mục 8-14), cùng cảnh Adam và Eva ăn trái cấm trong Sáng thế kí 3 (mục 4). Đây là sự kết hợp của hai danh họa Flemish kiệt xuất thế kỉ XVII, phần hình tượng của bức tranh được thực hiện bởi Peter Paul Rubens (1577 - 1640), còn phần cỏ cây thực vật được Jan Brueghel Già (1568 - 1625) đảm đương. Trong bức tranh này, hình tượng hổ đang chơi đùa với báo đóng vai trò như một đối xứng chiều ngang với hình tượng Adam và Eva đang chuẩn bị ăn trái cấm. Cùng khoảng năm 1615, Rubens còn sáng tác thêm bức Cuộc săn hổ, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Musée des Beaux-Arts de Rennes, thành phố Rennes.

Không thể không kể đến những bức tranh hổ của Eugène Delacroix (1798 - 1863), một họa sĩ tiên phong của trường phái lãng mạn Pháp thế kỉ XIX, người nhận nhiều ảnh hưởng từ Rubens. Một trong những sở thích của Delacroix là vẽ hổ và sư tử tại Vườn Bách thảo Paris (Jardin des Plantes). Nếu như hổ của Rubens chỉ là một loài muông thú thuần bản năng bị con người săn bắt trong tự nhiên, thì hổ của Delacroix là một sự nhân cách hóa, thể hiện mục đích của người họa sĩ muốn khơi dậy những cảm xúc rất người ở loài động vật dữ dội này. Loạt tác phẩm Hổ con chơi đùa với mẹ (1830), Hổ và rùa (1862), Hổ và rắn (1863) của Delacroix đặc tả một khía cạnh khác: sự hồn nhiên của loài hổ. Rồi cũng chính những tác phẩm về đề tài hổ của Delacroix lại truyền cảm hứng cho họa sĩ nhà đoan Henri Rousseau, để ông vẽ nên bức tranh đầu tiên mang lại tên tuổi cho mình, Hổ trong bão nhiệt đới (1891). Vị họa sĩ mang phong cách hội họa ngây thơ (naive art) nguyên là một viên chức thuế quan, tự học vẽ và đến năm 49 tuổi mới toàn tâm toàn ý theo đuổi nghệ thuật; cho dù sinh thời bị giới phê bình chế giễu nhưng lại trở thành một ảnh hưởng lớn tới những nghệ sĩ tiên phong (avant-garde), lập thểsiêu thực sau này. Rousseau đã mở ra cả một chân trời hội họa nguyên thủy. Xoay quanh motif hổ, ông còn vẽ thêm các tác phẩm Săn hổ (1895), Người do thám bị hổ tấn công (1904), Trâu bị hổ tấn công trong rừng (1908) và Trận thư hùng giữa trâu và hổ (1908). Điểm chung giữa Delacroix và Rousseau là mặc dù chỉ tới vườn bách thảo để chiêm ngưỡng hổ, chưa từng rời khỏi Pháp để đặt chân đến một khu rừng nhiệt đới nào, nhưng cả hai thông qua hội họa đã tạo ra một thế giới sinh động, một sinh thái nguyên sinh mà ở đó hổ là nhân vật trung tâm được cấp cho một sức sống riêng, một sinh mệnh riêng. Rồi từ cánh rừng nguyên sơ, hổ đã bước chân vào địa hạt mơ màng của siêu thực với những ám ảnh phân tâm học của Freud, qua bức Giấc mơ đến từ đường bay của một con ong xuyên qua quả lựu, một giây trước khi thức giấc (1944) của Salvador Dalí.

Ta quay trở về Việt Nam. Cũng giống với các nước đồng văn trong khu vực, hình tượng “ông ba mươi” ở nước ta đã tồn tại trong rất nhiều truyền thuyết, truyện cổ tích, thậm chí gắn liền với tục thờ hổ và tín ngưỡng thờ Mẫu. Với quan niệm được coi là loài vật có sức mạnh thiêng liêng trừ diệt ma quỷ, hình tượng hổ đã được thần thánh hóa và tái hiện thông qua chất liệu tạo hình đa dạng ở hầu khắp các công trình thờ tự như đền, đình, miếu. Trong mĩ thuật Việt nổi bật nhất là hình tượng hổ trong tranh dân gian Hàng Trống với lịch sử trên 400 năm. Hổ trong tranh Hàng Trống có thể là độc hổ, tứ hổ, song đặc sắc nhất là tranh Ngũ hổ. Tranh Ngũ hổ gồm năm hình tượng hổ với năm màu sắc khác nhau có đối xứng dọc, dung chứa nhiều nguyên lí văn hóa phương Đông, như Ngũ hành (Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ), Ngũ phương (Đông - Tây - Nam - Bắc - Trung ương). Ẩn tàng trong sự vận động của màu sắc chính là sự vận động của Âm dương - Ngũ hành. Sự sắp đặt vị trí của Ngũ hổ trong tranh Hàng Trống có một dụng ý riêng biệt, với hổ vàng (hoàng hổ) tượng trưng cho mệnh Thổ tọa ở vị trí trung tâm, còn xung quanh lần lượt là hổ đen (hắc hổ) tượng trưng cho hành Thủy, hổ xanh (thanh hổ) tượng trưng cho hành Mộc, hổ trắng (bạch hổ) tượng trưng cho hành Kim, hổ đỏ (xích hổ) tượng trưng cho hành Hỏa, tạo nên một đồ họa Ngũ hành tương sinh theo chiều kim đồng hồ (Kim sinh Thủy, Thủy sinh Mộc, Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim). Bên cạnh cốt lõi huyền bí phương Đông cho phép người chiêm ngưỡng có nhiều khả thể diễn dịch khác nhau, tranh Ngũ hổ còn hấp dẫn bởi thủ pháp nghệ thuật ước lệ, tượng trưng được nghệ nhân thể hiện thông qua hình dạng lẫn màu sắc. Do đó, tranh Ngũ hổ Hàng Trống vừa có giá trị tín ngưỡng với tư cách là tranh thờ, vừa sở hữu giá trị nội tại về nghệ thuật lẫn kĩ thuật, đồng thời mang một giá trị sâu sắc chứa đựng hằng số của văn hóa dân tộc, vốn là sự hội tụ của những luồng tư tưởng, văn hóa và tôn giáo trên nền tảng cơ tầng bản địa.

Hổ đã có một lịch sử lâu đời trong nghệ thuật biểu đạt, và vẫn tiếp tục là một đề tài lôi cuốn các họa sĩ. Dù là Đông hay Tây, dù được thể hiện bằng thủ pháp ước lệ tượng trưng của phương Đông, hay tả thực bằng kĩ thuật phối cảnh và chiaroscuro (sáng tối) của phương Tây, mỗi một hình tượng hổ trình hiện trong hội họa đều có một sắc thái đặc trưng riêng, một đời sống riêng, một hàm ý văn hóa riêng.

P.M.Q

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)