Ninh Bình, vùng đất “tụ sơn, hội thủy, tụ nhân, hội tụ văn hóa dân tộc”, địa danh văn hóa đặc sắc của đất nước Việt Nam với những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống đã cùng cất cánh trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế, như một trong những điểm đến không thể bỏ qua của mỗi du khách khi đến Việt Nam. Tỉnh Ninh Bình đang ở thời điểm 30 năm kể từ ngày tái lập (1/4/1992 - 1/4/2022), nhưng địa danh Ninh Bình thì đã xuất hiện vào năm Minh Mệnh thứ 3 (1822), từ đó đến nay đã 200 năm; 30 năm với một vùng đất là một khoảng thời gian ngắn, nhưng Ninh Bình đã tiến được những bước dài, nắm bắt được thời cơ và xu hướng phát triển của thời đại, nhận diện tiềm năng và thế mạnh, có định hướng đúng cùng những điều chỉnh kịp thời để phát triển nhanh và bền vững. Mời bạn đọc cùng nhìn lại chặng đường 30 năm của vùng đất Cố đô, những gì Ninh Bình đã và đang làm qua bài đối thoại với TS. Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình. Bài đối thoại mang tên Để di sản thực sự sống trong đời sống vật chất, tinh thần của người dân sẽ mở đầu Tạp chí số 984.
Phần Văn xuôi được tiếp tục với truyện ngắn Thông bách tử của Phan Ngọc Chính, Rừng của mùa sau của Thu Trân, Mưa ngang của Trung Sỹ.
Thông bách tử viết về Thám hoa Giang Văn Minh trong lần đi sứ nhà Minh năm 1637 - 1638. Trong bối cảnh đất nước đang còn lung loạn, kẻ phù Lê người theo Trịnh, Giang Văn Minh hiện diện minh chứng cho nghĩa khí tiết tháo của quân và dân An Nam. Đối mặt với hiểm nguy gian khổ nơi xứ người ông vẫn hiên ngang như cây thông bách tử. Truyện tái hiện không khí lịch sử với nhiều điều đáng suy ngẫm.
Rừng của mùa sau là câu chuyện của tuổi trẻ với những khát khao đam mê của lí tưởng và tình yêu bỏng cháy. Mối tình của Huyên và Đước đến một cách tự nhiên, không tính toán, không phân biệt. Nhưng rồi họ phải li biệt vì hoàn cảnh, thời cuộc. Không chỉ là câu chuyện của tuổi trẻ nữa khi thời gian trôi qua, những gì họ còn giữ lại sẽ sinh sôi…
Mưa ngang mang dấu ấn hơi thở của cuộc sống hôm nay. Với giọng văn sinh động pha giữa triết lí và sự hóm hỉnh nhà văn kể một câu chuyện không mới nhưng đầy cuốn hút, hấp dẫn. Chán đồng lương kĩ sư ba cọc ba đồng biên chế nhà nước cùng bầu không khí văn phòng tẻ nhạt tù túng, Chương xin nghỉ chế độ, đầu quân cho một công ti xây dựng tư nhân ngoại tỉnh. Sự thay đổi ấy kéo theo những trải nghiệm thú vị, sâu sắc.
Ninh Bình, thêm một lần khẽ chạm… là ghi chép mang đậm dấu ấn về mảnh đất và con người Cố đô của nhà văn Nguyễn Mạnh Hùng; tản văn Ai sang Hà Nội với tôi không của nhà văn Đỗ Bích Thuý sẽ góp phần ấn tượng cho phần Văn xuôi số này.
“Truyện ngắn hay tác giả tự chọn” giới thiệu tác phẩm Rừng thích đổ vàng của nhà văn Đoàn Hữu Nam.
Phần Thơ với sự tham gia của các tác giả: Vũ Ngọc Thư, Đỗ Trọng Khơi, Hà Phi Phượng, Lê Nguyệt Minh, Nguyễn Trọng Văn, Lương Đình Khoa, Đỗ Bạch Mai, Mã Giang Lân.
Những suy nghiệm của người viết về cuộc chiến đã đi qua, những tiếng nói vọng cảm từ cuộc sống, những vẻ đẹp của đời sống… làm cho trang thơ số này lắng đọng trong nhiều cảm xúc, sống động trong nhiều đề tài.
Những trang thơ dự thi ấn tượng bởi sự đa dạng về đề tài, thể loại, phong cách. Đặc biệt, một số tác giả đã khẳng định mình bằng nội lực sáng tạo cũng như chiều sâu của tư duy thơ. Ban biên tập vẫn mong chờ đón nhận những tác phẩm mới gửi đến đóng góp vào “Cuộc thi Thơ trên tạp chí Văn nghệ Quân đội 2021-2022”.
“VNQĐ giới thiệu” là chân dung tác giả trẻ Vũ Gia Hà cùng chùm thơ ấn tượng của anh.
Phần Bình luận văn nghệ với sự góp mặt của các tác giả: Đỗ Anh Vũ, Thái Vũ, Đặng Thị Thái Hà, Kim Nhạn, Hoàng Thuỵ Anh, Hoàng Cẩm Giang.
Có vẻ như, hậu hiện đại (chủ nghĩa hậu hiện đại - Postmodernism) đang dần trở thành một điểm bấu víu cho những mù mờ, hỗn loạn hay tùy tiện về biểu đạt và diễn giải. Việc hiểu hậu hiện đại, chí ít là ở đặc tính của nó, có thể sẽ giúp chúng ta vững tâm hơn, bớt đi sự hoang mang khi đứng trước các hệ thống biểu đạt mang màu sắc hậu hiện đại. Bài viết Hậu hiện đại có phải là cái cớ của sự tù mù vô nghĩa? sẽ cùng chúng ta bàn luận về vấn đề đáng quan tâm này.
Dù thơ hay văn xuôi, Ocean Vuong đã đem đến cho chúng ta một lịch sử thật khác biệt: có bóng tối, có chết chóc, có dữ dằn nhưng cũng lấp lánh sự sống, lấp lánh cái đẹp. Bài viết Ocean Vuong: Lịch sử và kí ức qua cái nhìn xuyên thấu chia sẻ với bạn đọc những góc nhìn về một tác giả đầy ấn tượng.
Những con sông luôn là cội nguồn văn minh, văn hóa của các đất nước, là nguồn sinh kế bất tận và tự nó tạo ra những hệ sinh thái hoàn chỉnh bao đời. Sông Dương Tử là con sông lớn nhất Trung Quốc và vùng Đông Á, ảnh hưởng và tác động sâu sắc đến đời sống văn hóa, tinh thần, kinh tế, xã hội… đất nước này. Những con sông như Dương Tử đi vào điện ảnh như một điều tất yếu. Bài viết Hình ảnh sông Dương Tử trong một số tác phẩm điện ảnh độc lập Trung Quốc sẽ bàn sâu về câu chuyện này.
Cũng trong phần này, chúng ta sẽ đọc và gặp những bài viết, những nhân vật, những nghiên cứu thú vị và sâu sắc về các vấn đề đáng quan tâm của văn học nghệ thuật hôm nay.
Tạp chí VNQĐ số 984 dày 120 trang với những bài viết thú vị, tranh, ảnh minh họa đẹp dự kiến sẽ phát hành ngày 10/3/2022. Thân mời các bạn đón đọc!
Văn
VNQĐ
TS. Phạm Quang Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình: Để di sản thực sự sống trong đời sống vật chất, tinh thần của người dân
Phan Ngọc Chính
Thông bách tử
Nguyễn Mạnh Hùng
Ninh Bình, thêm một lần khẽ chạm…
Đoàn Hữu Nam
Rừng thích đổ vàng
Đỗ Bích Thúy
Ai sang Hà Nội với tôi không?
Thu Trân
Rừng của mùa sau
Trung Sỹ
Mưa ngang
Thơ
Vũ Ngọc Thư
Trang sách đời bạn; Một ngày như thế; Gọi
Đỗ Trọng Khơi
Mẹ; Về ở chiêm bao; Nhành sương
Hà Phi Phượng
Câu chuyện mùa ngâu; Chuyến tàu đêm xuân; Tiếng chuông mở đóa mặt trời
Lê Nguyệt Minh
Nhẫn nại; Ngàn cỏ xanh cuống quýt
VNQĐ giới thiệu thơ Vũ Gia Hà
Bay cao; Gặp bố; Hoa nở trong trăng
Nguyễn Trọng Văn
Phia Oắc; Tà Đùng
Lương Đình Khoa
Hoa sống đời ở nghĩa trang liệt sĩ; Rơi và hát một mình
Đỗ Bạch Mai
Miền dĩ vãng; Sông Đuống bình yên; Hai mươi năm
Mã Giang Lân
Tiếng gõ thuyền; Trong ánh sáng; Ở nghĩa trang
Bình luận văn nghệ
Đỗ Anh Vũ
Hổ luận
Thái Vũ
Hậu hiện đại có phải là cái cớ của sự tù mù vô nghĩa?
Đặng Thị Thái Hà
Phụ nữ Việt Nam trong truyền thống qua góc nhìn sử gia Mĩ
Kim Nhạn
Ocean Vuong: Lịch sử và kí ức qua cái nhìn xuyên thấu
Hoàng Thụy Anh
Những kẻ câu chính mình
Hoàng Cẩm Giang
Hình ảnh sông Dương Tử trong một số tác phẩm điện ảnh độc lập Trung Quốc
Mỹ thuật, ảnh
Bìa 1: Tranh: Phố đêm trăng của hoạ sĩ Nguyễn Tùng
Minh họa, ảnh: Đỗ Dũng, Lê Trí Dũng, Bùi Trọng Dư,
Phạm Hà Hải, Hải Kiên, Vũ Đình Tuấn, PV.
VNQD