Dòng chảy

“Châu Phi nghìn trùng” - Sự lộng lẫy của ngôn ngữ

Chủ Nhật, 20/02/2022 07:24

 Sáng 19/2/2022, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức buổi toạ đàm “Châu Phi nghìn trùng - Sự lộng lẫy của ngôn ngữ” nhân dịp cuốn sách Châu Phi nghìn trùng của nhà văn Đan Mạch Isak Dinesen, dịch giả Hà Thế Giang chuyển ngữ vừa được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2021 ở hạng mục Văn học dịch.

Bài liên quan:

Châu Phi nghìn trùng - Khúc hát của tự do

Isak Dinesen là bút danh của bà Karen Blixen. Châu Phi nghìn trùng là cuốn hồi ức ra đời từ những năm tháng bà sinh sống tại châu Phi (1914 - 1931) tại một đồn điền cà phê rộng 4000 mẫu Anh gần Nairobi. Nhân một cuộc phỏng vấn sau sự kiện công bố giải Nobel Văn chương năm 1954, Ernest Hemingway từng nói về Isak Dinesen (dù hai người chưa từng gặp gỡ) như thế này: “Hôm nay, tôi cũng sẽ hạnh phúc - hạnh phúc hơn nữa - nếu giải thưởng ấy được trao cho nhà văn nữ xuất sắc Isak Dinesen...”

Châu Phi nghìn trùng được in lần đầu năm 1937 bằng tiếng Anh, lập tức gây tiếng vang lớn ở Mĩ rồi châu Âu. Cho tới nay, cuốn sách đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới và lọt vào các danh sách bình chọn những cuốn sách phi hư cấu hay nhất mọi thời đại.

Các khách mời tham dự toạ đàm: nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, Giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam Khúc Thị Hoa Phượng, dịch giả Hà Thế Giang, nhà văn Kiều Bích Hậu.

Tại buổi toạ đàm, dịch giả Hà Thế Giang chia sẻ, anh đã mất hơn ba năm để dịch cuốn sách này. Anh từng bỏ dở một lần vì cảm thấy bất lực. Bắt đầu dịch từ 2011-2012 nhưng do bản thảo đưa đến quá nhiều thách thức, sự đậm đặc về yếu tố văn hoá bản địa, những điển tích, điển cố… đòi hỏi người dịch phải tra cứu kĩ lưỡng, nghiêm túc. Thêm nữa, tác giả sử dụng phong cách nói xa xôi, mập mờ, bà lại là người Đan Mạch, viết bằng tiếng Anh, cho nên dịch giả phải so sánh đối chiếu với một số bản dịch khác. Các câu văn không có cấu trúc tương đương trong tiếng Việt cũng là một sự khó khăn.

Bên cạnh những thách thức ấy thì dịch giả Hà Thế Giang cũng chia sẻ, điều khiến anh đã hoàn thành cuốn sách một cách trọn vẹn nhất: “Hành trình dịch là hành trình tự tìm kiếm, khám phá của tôi. Gần đây tôi hứng thú với những vùng đất mới mà tôi chưa biết gì. Đây là cuốn tôi tìm thấy, đọc, thấy tâm đắc và muốn chia sẻ với mọi người”. Dịch giả cũng bày tỏ, nếu bỏ qua những thông điệp lớn, cuốn sách chỉ là một góc nhỏ trong bức tranh châu Phi rộng lớn, nên anh muốn đọc nhiều cuốn khác để có cái nhìn rộng lớn hơn về châu Phi.

Châu Phi nghìn trùng là cuốn sách chinh phục được những người mê say tìm kiếm vẻ đẹp và sự biến ảo khôn lường của ngôn từ. Không chỉ thế, cuốn sách mang đến những hình ảnh lộng lẫy về thiên nhiên, con người và văn hóa châu Phi, qua ngòi bút tài tình của Isak Dinesen, sẽ đem đến cho bạn đọc những trải nghiệm không thể quên.

Bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam bày tỏ: Đây là một tác phẩm lay động về văn chương, nghệ thuật và để lại cho bạn đọc rất nhiều suy ngẫm. Tác phẩm ra đời đã lâu nhưng vẫn còn nguyên giá trị về sự hài hoà với thiên nhiên, tình yêu con người, tình yêu cái đẹp… Tác phẩm hay sẽ có vô vàn cách tiếp cận, Châu Phi nghìn trùng là một cuốn sách như vậy. Người đọc không chỉ tưởng thưởng nó như một tác phẩm văn chương ngôn ngữ đơn thuần mà ở đó còn có văn hoá, lịch sử...

Châu Phi nghìn trùng bao gồm 5 phần: hai phần đầu tập trung mô tả cư dân bản xứ với những quan niệm lâu đời, độc đáo về công lí cũng như sự trừng phạt. Phần thứ ba nói về các vị khách của đồn điền, chuyển sang khắc họa tuyến nhân vật tìm đến tá túc ở nhà Blixen - như bà lí giải: “Tại các xứ thuộc địa mới khai phá, lòng hiếu khách là điều cần thiết cho cuộc sống của không chỉ du khách mà cả của người định cư tại đây. Mỗi vị khách là một người bạn, đem đến tin tức, tốt hoặc xấu, thứ bánh mì cho những tâm trí đói khát sống nơi cô quạnh. Một người bạn chân chính ghé chơi là một thiên sứ, mang theo bánh thánh”. Phần bốn, bao gồm những ghi chép ngắn phản ánh đời sống của một thực dân da trắng tại châu Phi. Cuối cùng, phần năm khép lại dòng hồi ức: Đồn điền lụn bại, vài thân hữu của Blixen như thủ lĩnh Kinanjui, vận động viên Denys Finch-Hatton ra đi vĩnh viễn.

Âm hưởng chung của toàn bộ cuốn hồi ức là niềm hoài vọng châu Phi, mãnh liệt đến nỗi kí ức trở nên sống động trên từng trang sách. Cách hành văn của tác giả gần gũi, mến yêu, quả là đáng ngạc nhiên bởi bà viết từ góc độ một thực dân da trắng. Chẳng hề xa cách, khinh mạn, chẳng hề cho rằng mình đến để “khai sáng” cho người châu Phi, Blixen tiếp cận dân cư bản xứ đầy cởi mở, trìu mến, và càng về sau càng gắn bó, bảo bọc. Cũng có lẽ vì ăm ắp những kỉ niệm với châu Phi, dù là vui hay buồn, lành hay gở... thì tất cả đều như “mới hôm qua” nên tác giả đã chọn mạch phi-tuyến tính khi viết, hầu như xáo tung, làm mờ trật tự thời gian. Thế nhưng trên phương diện không gian rõ ràng giữa Blixen và châu Phi đã tồn tại khoảng cách “nghìn trùng” để rồi nỗi nhớ thêm day dứt.

Nhà văn Kiều Bích Hậu đã đọc cuốn sách trong sự ngỡ ngàng về tình yêu với một vùng đất tưởng như xa lạ của tác giả. Chị chia sẻ: tình yêu thiên nhiên, con người và sự nhập tâm đã giúp tác giả tạo dựng nên một tác phẩm trác tuyệt. Cách xây dựng nhân vật, khắc hoạ những số phận tuyệt vời, thiệt thòi nhưng lộng lẫy đã đem lại ấn tượng lớn cho tác phẩm.

Châu Phi nghìn trùng ra đời từ những trải nghiệm cá nhân của một con người, nhưng lại mở cho chúng ta cánh cửa tới châu Phi rộng lớn: Có thiên nhiên hoang dã, khoáng đạt, trao tặng nhiều song lấy đi cũng cực kì tàn nhẫn; có con người “nguyên sơ” lắm lúc đến mức khôi hài và cũng thật đáng yêu. Qua tác phẩm này, châu Phi hiện lên lạ lùng trong mối tương giao giữa cái bản địa và thực dân da trắng, từ góc nhìn khác biệt, không khinh khi, xa cách mà ẩn chứa tình yêu.

Nói về bản dịch, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nhận định: Đây là một bản dịch xuất sắc. Người dịch đòi hỏi phải có kiến văn rất rộng vì cuốn sách có nhiều điển tích điển cố trong văn học, trong Kinh Thánh. Hà Thế Giang là một dịch giả có trách nhiệm không chỉ với công việc dịch thuật mà anh có trách nhiệm với tiếng Việt. Bên cạnh việc mang đến một bản dịch đẹp - hơn cả một bản dịch - đó là sự khuyến khích người trẻ say mê dịch thuật và đồng thời yêu tiếng Việt, bảo vệ, giữ gìn tiếng Việt.

Ban tổ chức Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2021 cũng nhận định: Dịch giả Hà Thế Giang đã chuyển ngữ thành công tác phẩm, chuyển tải đúng nội dung văn bản gốc, lời văn tiếng Việt tự nhiên, trong sáng với ngôn ngữ văn chương trau chuốt, tinh tế. Đây là một trong số tác phẩm dịch mà không nhìn thấy sự vấp váp của ngôn từ và người đọc có thể cảm nhận vẻ đẹp của ngôn ngữ tương xứng với vẻ đẹp mà nó diễn tả.

Cuốn sách được cho là đặc biệt còn ở chỗ nó khắc hoạ những mất mát của tác giả: mất mát về kinh tế, tình yêu, hôn nhân, nhưng trong sự ngoái nhìn về châu Phi thì trong bà rợn ngợp những kỉ niệm đẹp nhất. Bà đã âu lo cho châu Phi nhiều hơn việc suy nghĩ cho cá nhân mình.

ĐỨC SƠN

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)