"Châu Phi nghìn trùng" - Khúc hát của tự do

Thứ Bảy, 19/06/2021 08:44

Xuyên suốt Châu Phi nghìn trùng, ta thấy ở đó một tâm hồn phiêu diêu, một sự thấu hiểu, hòa mình, cảm nhận và nhập thành một của người da trắng lưu dân và người bản địa đầy đủ chủng tộc. Cuốn sách tựa như hồi kí của Nam tước phu nhân Blixen này ra đời sau khoảng 4 năm bà đã vĩnh biệt châu Phi, để mở ra cho người đọc một sự hùng tráng, nhịp đập dồn dập cùng những thống thiết của vở bi kịch năm hồi chăng mình lơ lửng trên dây, mà nhỡ một bước, cả đời đi tong.

Cuốn sách biến ảo của nhà văn Isak Dinesen ở thể phi hư cấu do Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam in và phát hành.

Có thể nói Châu Phi nghìn trùng là một nốt lặng trong chính cuộc đời Isak Dinesen. Khởi đầu từ chính sách lưu dân của chính quyền thực dân Anh nhằm khai phá Đông Phi một cách hiệu quả, bà đến Kenya và rồi mọi thứ mở ra ở nơi đồn điền cà phê với tự nhiên hoang dã, thiên nhiên khắc nghiệt, những ‘kẻ lập dị’, niềm tin dị giáo hay chính những lần tan vỡ trong hôn nhân của mình. Một điều rất đáng ghi nhận là khi đã bỏ qua hết những chua chát vô cùng cá nhân, bà đã hòa mình vào trong châu Phi một cách vẹn toàn như người ở đây mong cơn mưa tới, từ đó một xứ châu Phi từng không thể biết hiện lên trước mắt con người đẹp đẽ và đầy vận động.

TÂM HỒN PHI CHÂU

Không ngoài dự đoán, châu Phi là nơi hỗn tạp. Từ thành thị Nairobi với nhịp sống hiện đại, non trẻ, chực chờ thay da đổi thịt đến thị trấn Somali của những ngôi nhà lụp xụp nhưng bóng loáng, thơm ngát hương trầm. Sắc dân ở đó cũng phân chia thành những tộc người vô cùng khác biệt: từ người Anh, Do Thái, Boer, Ả Rập đến Somali gốc Ấn, Swaheli, Masai, Kawirondo… Mỗi một chủng người lại mang trong mình một tính cách khác, một hiềm thù khác để khâu vá nên lớp áo châu Phi lùng bùng sục sôi nơi những đường chỉ, nhưng vẫn tung bay một cách hào hứng mỗi khi gió đến.

Trong 17 năm tiếp xúc với nhiều dòng máu nóng hổi, Isak Dinesen đã gợi lên được những cụm đại diện cho cộng đồng ấy, như một chủng tộc ‘chuộng các hiệu ứng kịch tính’, có ‘thiên hướng dễ sinh ác ý’ hay những ‘trò mau nước mắt’. Bà để châu Phi ào vào trong mình không bằng gì hơn là cách đối đãi với người bản xứ, để từ đó những gì thật nhất, đẹp nhất hiện trước mắt ta không một mảy may suy nghĩ.

Những người bản xứ đầu óc giản đơn chung sống hài hòa với những tước hiệu nơi đế chế Anh một cách không tưởng. Một mặt nào đó, Isak Dinesen gọi những lưu dân như mình là ‘kẻ lập dị’ – khi đó đồng thời là những con người ít nhiều thất bại từ trong cuộc sống, như lão Kudsen thủy thủ già với con tim hồn nhiên, nồng nàn, nóng nảy, hoang dại hay Emmanuelson – tay quản lí khách sạn kiêm một diễn viên không có nơi ở chốn về ở khoảng sau này. Chính những con người từng được tin cẩn quản lí châu Phi một cách hiệu quả, cuối cùng đã không thoát khỏi định mệnh của một châu Phi rộng lớn, hoang dã, bao trùm.

Đó cũng còn là xứ sở của những con vật chung sống hài hòa, từ trâu, voi, hươu cao cổ, đến linh dương, sư tử, tê giác, lợn rừng… Đó cũng là nơi thiên nhiên khắc nghiệt với những năm không mưa, cà phê héo rũ hoặc mùa nước lũ phá tan đê điều. Đó còn là mùa châu châu đổ về với hằng hà sa số những cơn bão đen phá tan cánh đồng, để rồi còn lại không có gì hơn tàn tích của cánh đồng ngô trơ trọi, héo úa. Khả năng con người cùng với sức mạnh thiên nhiên vẫn chưa khi nào là trận quyền anh liệu có bất ngờ. Đến cuối rồi thì con người vẫn nhỏ bé, khom lưng trước mẹ thiên nhiên rộng lớn bao trùm.

Một khi đã nắm được nhịp điệu của châu Phi, bạn sẽ nhận ra nó nằm trong mọi thứ âm điệu nơi đây. Đó là âm điệu những ngày Ngoma với sáo với trống vọng lên giai điệu rộn ràng, tựa như thanh âm đến từ mặt trăng. Đó là âm điệu của gió, của mưa, của sương quanh năm bao phủ. Nhịp điệu châu Phi đến từ mỗi tiếng động nhỏ của loài ve sầu, châu chấu; đến cú trở mình của loài báo hoa, vài con sư tử; và rồi tiếng vọng của nền văn minh, với búa tạ, đe quay, với máy quay đĩa, với tiếng máy bay.

Thế nhưng con người Phi châu hoàn toàn khác biệt. Với họ khái niệm công bằng vẫn được hành xử theo một phương cách vô cùng lạ lùng. Họ quy mọi thứ thành bầy gia súc để rồi cái giá phải trả cho tội ngộ sát cũng ngang giết người. Họ đặt biệt dành cho người da trắng để rồi tinh thần của những người này gắn chặt với tên, sống một đời khác mãi mãi với nó. Họ không sợ chết nhưng lại thà chết còn hơn chạm vào cái chết. Họ đa nghi, tò mò, phấn khích; nhưng cũng man di và không thiên kiến một cách lạ lùng.

Isak Dinesen viết về châu Phi với một tâm hồn phóng khoáng, hòa mình, nhập lại thành một. Với bà, châu Phi là một lục địa không hề thiên kiến. Bà xem những người quanh mình là người anh em, là những hàng xóm; bà dạy học, chữa bệnh, làm thẩm phán phiên tòa. Bà là Msabu, là quý cô Phi châu, là người mẹ văn minh, là Chúa mang đến ánh sáng dẫu họ khinh thị, coi thường, rẻ rúng những giá trị này. Châu Phi với Karen – là những niềm đau với sự bội phản từ chồng hợp pháp lây bệnh giang mai, là cái mất mát không thể bù đắp của chính Denys – người tình mà bà bấu víu ở nơi đất này. Thế nhưng trung dung, tĩnh tại để nhớ về nơi đồn điền bà đã từng sống, từng viết, từng thở đến những hơi tàn; châu Phi nghìn trùng hiện ra như thế, phập phồng, phấp phỏm nhưng đầy vận động.

VĂN MINH NHƠ NHUỐC

Một khi con người dấn bước tiến sâu vào vùng đất nào, nó liền trở thành một nơi chết chóc đã đoán định trước ở trong tương lai. Và châu Phi không là ngoại lệ. Những năm bắt đầu của thế kỉ mới nếu người ta vẫn sống hài hòa cùng với tự nhiên, với hươu hay loài linh dương không hề cảnh giác; thì chỉ 20 năm sau mọi thứ đã khác. Dumas viết nên phần hậu của Ba chàng lính ngự lâm ở mốc điểm này, cũng là dấu chết của một châu Phi hiền hòa mà đầy sống động.

Những ngày cuối trước khi rời khỏi châu Phi và không bao giờ quay lại, Isak Dinesen nhìn nhận châu Phi theo một cách khác, giống như một người ham sống oằn mình trong cơn hấp hối đã đến sau cùng. Bà tiếc và rằng bất lực cho hươu cao cổ bị bắt ở Mombasa để rồi đưa sang Hamburg làm trò tiêu khiển. Bà tiếc cho những khúc gỗ đã bị đốt trụi thành ra hoang hóa. Bà viết nên những chương này như là hồi cuối của vở bi kịch 5 hồi – nơi mọi cao trào đẩy lên cao nhất như cú đánh chót để một lần được ăn cả hoặc ngã về không.

Nhà văn Isak Dinesen. Ảnh: TL

Màn cuối của bi kịch đó có thể là cái chết vì rơi máy bay của người bà yêu, mà cũng có thể là một khoảnh khắc khi bà nhận ra châu Phi và sự hoang dã gắn chặt với nhau như máu và xương, như hồn và xác không thể tách rời. Câu chuyện về con kỵ đà chuyển màu khi bà săn nó, hay là chiếc vòng của một thiếu nữ người Somali đột ngột tắt màu khi bà đeo chúng vào tay; đã khiến bà chợt nhận ra một chân lí khác, cái gì tạo nên sự sống cho một chiếc vòng, cho miền thuộc địa, cho xứ Phi châu? Dẫu đó là gì thì cũng không hẳn là người da trắng, bước tiến văn minh hay bất cứ mĩ từ nào khác họ đã nhận ra. Chua xót thay cho xứ sở ấy, để còn thốt ra được câu gì đâu hơn chính tựa sách của Alan Paton.

Các loài hoang thú sống ngoài hoang dã không thật sự tồn tại. Con này giờ tồn tại bởi ta đã được nhìn và biết nó ra sao, đã đặt cho nó một cái tên. Còn những con khác vẫn chưa, mà chúng lại chiếm đa số. Thiên nhiên thật hoang phí. Thiên nhiên có thật là thế như lời bá tước Schimmelmann một lần nói tới khi thăm linh cẩu ở trong rạp xiếc? Chẳng ai hiểu được với một con người không sống ở đó, với mọi làn gió hòa vào trong mình, với mọi âm thanh – ánh sáng thẩm thấu vào mình, với một xứ sở đẹp đẽ, thơ mộng mà không mong muốn mất đi bất kể thứ gì. Bởi em biết sao không, miền đất châu Phi này giỏi giễu nhại lắm

Châu Phi nghìn trùng là cả cuộc đời Isak Dinesen, như lời bà nói sau khi được hỏi vì sao đến 4 năm sau mới viết được hết những dòng chữ này, rằng nếu có khi nào tôi viết về châu Phi, sẽ không tránh khỏi việc cuốn sách chứa đựng vô vàn chua chát và oán than cách người Anh xử sự với xứ sở và con người nơi đó. Rằng trên bất kỳ phương diện nào, cuốn sách sẽ chẳng phải tài liệu tuyên truyền chính trị mà là tiếng nức nở lòng tôi, với đầy chua chát trước chế độ nông nô. Và với Isak Dinesen, nó là máu thịt, là người anh em và là mọi thứ đã nhập vào bà, hóa vào trong bà. Và khi vai diễn của Meryl Streep cần một ân huệ cuối trước khi vĩnh viễn rời xa phi châu, Farah trong phim chuyển thể đã gọi tên thật của bà một lần sau cuối tưởng như mãi mãi – Karen, Msabu. Xa xôi, nghìn trùng, muôn vàn cách trở - Châu Phi nghìn trùng sống động và không thể quên.

NGÔ THUẬN PHÁT

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)