. NGUYỄN THANH
Sinh thời Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định về Bác Hồ: “Sự nghiệp văn hóa quan trọng nhất của Người là đã lãnh đạo toàn dân đánh đuổi giặc ngoại xâm trong thời đại mới, giành lại cho nhân dân những quyền sống của con người, một cuộc sống có văn hóa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng với loài người loại trừ một trở lực to lớn trên con đường tiến lên thế giới văn minh, xóa đi một vết nhơ trong lịch sử là chế độ thuộc địa”[1]. Đối thoại văn hóa là một phương diện quan trọng trong sự nghiệp văn hóa vĩ đại ấy!
Ngày nay thế giới đang bước mạnh mẽ vào kỷ nguyên của hội nhập văn hóa. Đối thoại văn hóa vừa là mục tiêu, động lực vừa là phương tiện để hội nhập nhanh và toàn diện hơn. Khái niệm đối thoại văn hóa được hiểu là một quá trình giao tiếp giữa các bên tham gia chủ yếu bằng ngôn ngữ, tiếng nói, rộng hơn là bằng cả nhân cách văn hóa (những hành vi ứng xử, thái độ, quan niệm...), trên cơ sở hiểu biết, bình đẳng, tôn trọng, lắng nghe nhau nhằm mục đích thuyết phục, thu phục để cùng thống nhất về những vấn đề các bên cùng quan tâm. Xét về quy mô thì có đối thoại cá nhân với cá nhân, cá nhân với tập thể, cộng đồng này với cộng đồng khác, thời đại này với thời đại kia...
Thế nên trước nay ngành ngoại giao cử đại diện đối thoại luôn là những người hiểu nhiều, hiểu sâu, hiểu kỹ về đối tượng và những vấn đề đối thoại. Hiểu giản dị nhất thì đối thoại là làm người ta hiểu mình, nghe mình, tin mình, làm theo mình. Vì lẽ này mà Bác khuyên cán bộ, thanh niên phải học, học suốt đời, mà Bác là tấm gương tự học sáng nhất. “Nhân bất học bất tri lý”. Có học mới hiểu được mình, hiểu được người, từ đó mới có thể nói tới chuyện thuyết phục người khác nghe theo, làm theo mình.
Ở góc độ này, nhiều nhà nghiên cứu nói triết học của Bác là “triết học hành động”, “triết học vô ngôn” là có cơ sở. Chính Bác là một chân lý “một tấm gương sống còn hơn cả trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Bác là một cá nhân nhưng suy nghĩ, việc làm của Bác mang tầm thời đại, tầm đất nước, dân tộc. Bác thay mặt những người An Nam bị áp bức đối thoại với chủ nghĩa thực dân để đòi quyền sống cho dân tộc và cho những người bị áp bức trên thế giới. Bác kêu gọi cả nhân loại đau khổ thức tỉnh. Bác kêu gọi cả Quốc tế thứ Ba hành động vì các dân tộc thuộc địa. Vì thế gọi đối thoại của Bác là “đối thoại văn hóa” là đích đáng.
Để hiện thực hóa lý tưởng “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”, trong khoảng thời gian từ 1917 đến 1940, Nguyễn Ái Quốc đồng thời tiến hành ba cuộc đối thoại với chủ nghĩa thực dân và chế độ phong kiến; với đồng bào An nam và nhân dân các nước thuộc địa; với các đồng chí của mình.
Mục đích, nội dung các cuộc đối thoại cũng rất rõ ràng, chính nghĩa, công lý, nhân tính,... nói chung là vì con người. Lên án, tố cáo, vạch trần tội ác để dừng lại, trước hết là giảm thiểu tính chất của tội ác. Thức tỉnh nô lệ để kêu gọi con người ý thức được nhân tính để đòi trả lại nhân tính. Muốn vậy trước hết phải đòi chủ nghĩa thực dân đế quốc trả lại môi trường có nhân tính. Chia sẻ, động viên, kêu gọi (đồng chí), xét đến cùng là nhận chân kẻ thù chung và cùng nhau giải phóng con người.
Có thể ví cấu trúc nhân cách Hồ Chí Minh như một lâu đài bề thế, lộng lẫy thì cái nền móng vững chãi là tình yêu thương, cái khung kết cấu là trí tuệ. Được trổ nhiều cửa sổ ngoại ngữ để đón nhiều luồng gió nhân văn từ khắp chân trời văn hóa nên lâu đài ấy luôn lộng gió thời đại, luôn chan hòa hương thơm và ánh sáng tinh hoa của cả nhân loại.
Con người Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đáp ứng đầy đủ nhất các yếu tố cơ sở của đối thoại văn hóa để Người trở thành con người của đối thoại văn hóa. Không ngẫu nhiên ngay sau ngày Nước Việt Nam mới ra đời Bác Hồ kiêm nhiệm và hoàn thành cực kỳ xuất sắc vai trò Bộ trưởng Ngoại giao. Từ đó Người trở thành hiện thân cũng là hình mẫu của ngoại giao văn hóa.
Thế giới hôm nay đồng thanh khẳng định Hồ Chí Minh đi trước thời đại, là người đặt nền móng cũng là tấm gương của đối thoại văn hóa với quan điểm “làm bạn với tất cả các nước dân chủ” và không “gây thù chuốc oán” với một ai. “Vĩnh viễn không bao giờ xâm lược nước khác” và cũng “vĩnh viễn không để nước khác xâm lược”.
Lịch sử nước ta từ 1975 đến nay càng khẳng định tư tưởng vàng về đối ngoại của Hồ Chí Minh không chỉ là tài sản văn hóa của dân tộc mà còn là tài sản tinh thần của toàn nhân loại. Vì lý do khách quan này nọ mà chúng ta lỡ mất nhịp ngoại giao với nước Mỹ và khối ASEAN ngay sau 1975. Phải mấy chục năm sau chúng ta mới khắc phục được...
Cơ sở triết học của “đối thoại văn hóa” là sự đấu tranh, phản biện, bổ sung của các trường phái khoa học vật lý lý thuyết và toán học hiện đại. Nghiên cứu cơ học lượng tử trường phái Nguyên lý bất định (Uncertainly Principle - do Werner Heisenberg khái quát), cho rằng không thể đồng thời xác định chính xác các đặc trưng vật lý của hạt lượng tử. Nhưng điều này lại bị Einstein “phản biện”.
Ủng hộ “bất định”, Niels Bohr nêu Nguyên tắc bổ sung (Complemantarity Principle) coi “Trái ngược không phải là mâu thuẫn mà là bổ sung cho nhau” (Contraria non contradictoria sed complementa sunt) vì thế những gì trái ngược cần bổ sung cho nhau (Contraria sunt conplementa), do vậy phải biết chấp nhận thậm chí dung hòa cái khác mình. Hô ứng với điều này nhà toán học Godel nêu Định lý bất toàn nêu mọi lý thuyết toán (và mọi thứ) đều không đầy đủ, không thể hoàn hảo.
Nhà vật lý lỗi lạc Stephen Hawking trong Lý thuyết về mọi thứ khẳng định mọi lý thuyết vừa không đầy đủ vừa không nhất quán. Do vậy để mô tả thế giới vũ trụ cần nhiều lý thuyết chồng lên nhau, bổ sung cho nhau. Từ đó nhu cầu đối thoại ngày càng được mở rộng để hiểu biết thêm trên tinh thần bình đẳng, dân chủ, tôn trọng sự khác biệt, biết lắng nghe nhau, kể cả những điều “nghịch nhĩ”!
Như vậy mọi hiểu biết đều “bất toàn”, “bất định” cả nên luôn cần sự “bổ sung”, đã hiểu biết rồi cần hiểu biết thêm, hiểu biết nữa. Về điều này, chính Hồ Chí Minh khẳng định “Dù ai tài giỏi mấy, cũng không thể biết hết cả, làm hết cả”[2] và ai mà “tự cho là mình biết đủ cả rồi, thì người đó dốt nhất”[3]. Người nói một cách hình tượng học tập là cái thang không nấc chót, là quyển vở không trang cuối cùng, và hài hước những người nào nói biết hết chính là người chẳng biết gì hết. Đó chính là triết học!
Trong cuộc đối thoại mang tính toàn cầu thì “hiểu biết” luôn được nhấn mạnh, đề cao. Để tạo ra cuộc đối thoại, các bên tham gia đều phải có vốn tri thức sâu rộng về giao tiếp văn hóa, về lĩnh vực cùng quan tâm. Vì thế mà người đối thoại (nói và nghe) phải miệt mài học hỏi, phải cắm rễ rất sâu vào hai mạch nguồn văn hóa của dân tộc và nhân loại để hút lấy dưỡng chất văn hóa.
Để hiểu, để vận dụng, để cắt nghĩa. Ví dụ bài thơ “Thần” tương truyền của Lý Thường Kiệt là thông điệp (đối thoại) gửi tới bọn xâm lăng phương Bắc khẳng định sự độc lập tự chủ, tự cường của nước Nam. Chữ “đế” là linh hồn của bài thơ phải được hiểu từ góc nhìn triết học văn hóa tức cắt nghĩa từ phía cội nguồn sâu xa.
Một là từ quan niệm vũ trụ của người Trung Hoa cổ đại quan niệm có “tứ phương ngũ đế” tức bốn vị “đế” ở bốn phương trời: Phục Hi (phương Đông), Chuyên Húc (phương Bắc), Thiếu Hạo (phương Tây), Thần Nông (phương Nam), bốn vị này châu tuần quanh Trung ương Hoàng đế (hoàng nghĩa là màu vàng).
Hai là, trong lịch sử, thế kỷ III TCN cuối thời Chiến Quốc nhà Tần thống nhất Trung Quốc, vua Tần xưng Hoàng Đế thì chữ “đế” cùng nghĩa với “ngũ đế” trong triết học, tức để gọi “trời”; chữ “hoàng” có nghĩa là vĩ đại, tươi sáng, rực rỡ. Như vậy “hoàng đế” của nhà Tần có nghĩa là vua của mọi vua, sánh ngang với trời, các nước xung quanh chỉ là “man di”. Hiểu như vậy sẽ thấy một chữ “đế” trong bài thơ “Thần” cực kỳ có ý nghĩa: “đế” nước Nam ta cũng vẻ vang, lớn lao khác gì Trung Hoa, cương phận thì sách trời đã phân… sao các người lại có ý đồ xâm phạm!?
Rõ ràng đây là lời lẽ của sự khẳng định, của lòng tự hào, lời lẽ của sự cảnh tỉnh, ngăn chặn một ý đồ (với kẻ thù). Đồng thời còn là lời lẽ của sự cảnh giác, khích lệ tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc (với dân ta). Nên nếu đánh giá bài thơ chưa có quan điểm nhân dân (mới có yếu tố “thần”) thì chưa nói đến bản chất đối thoại để khẳng định chủ quyền của một áng hùng văn.
Có thế hiểu bài thơ sâu hơn, hay hơn nhưng qua đó đủ để thấy hiểu văn, viết văn phải có triết học làm nền tảng. Trong Lời than vãn của Bà Trưng Trắc tác giả Nguyễn Ái Quốc thật sự hiểu sâu từng “quẻ” trong Kinh Dịch mới có thể mỉa mai cực kỳ thâm thúy hình tượng Khải Định, cho rằng “mệnh” Khải Định tương ứng với quẻ Dương Cửu lên ở mức cao nhất (là vua) rồi sẽ tuột xuống thân phận thảm hại đớn hèn nhất (là nô lệ, tay sai).
Văn học cổ điển cả phương Đông lẫn phương Tây đều gọi những nhà văn lớn là “đại thụ”, chắc từ một sự liên hệ là cây xanh thì bao giờ cũng phải cắm rễ sâu vào đất để hút dinh dưỡng và vươn cao lá cành để quang hợp ánh sáng. Cây đại thụ văn học cũng vậy, cắm những nhánh rễ khỏe khoắn vào mảnh đất văn hóa truyền thống và được quang hợp ánh sáng tư tưởng của thời đại. Cây xanh khẳng khiu còi cọc như nhà văn non bấy chỉ có những trang viết nhợt nhạt vì thiếu dưỡng chất văn hóa và không có tư tưởng.
Một tác phẩm văn học lớn bao giờ cũng là sự tích hợp các vỉa tầng văn hóa truyền thống và hiện đại, rộng hơn của phương Đông và phương Tây. Điểm tựa để người ta phác thảo ra chân dung con người văn hóa nhà văn là các khái niệm mới của triết học văn hóa: đối thoại văn hóa, nhân học văn hóa, tiếp biến văn hóa… Nhà văn viết văn là một cách tham gia đối thoại sâu sắc nhất, với văn hóa truyền thống, với cuộc đời, với nhân vật, với độc giả (trong nước, ngoài nước) và với cả chính mình…
Mà để có thể đối thoại thì phải có điều kiện đầu tiên là hiểu biết. Càng hiểu biết nhiều càng có cơ hội mở rộng lĩnh vực quan tâm và làm sâu các vấn đề đối thoại. Cho nên phẩm chất trước hết của nhà văn thời hội nhập là giàu có tri thức. Vì là sứ giả văn hóa trong cuộc đối thoại toàn cầu nên nhà văn không chỉ hiểu biết rộng về văn hóa đương đại mà phải hiểu sâu văn hóa truyền thống dân tộc. Có vậy anh ta mới nắm chắc được bản sắc văn hóa (một số ngôn ngữ thông dụng hiểu là căn cước văn hóa) của đất nước mình để tham gia vào cuộc đối thoại chung.
Nếu không có điều này thì chẳng có gì để nói, vì người ta chỉ muốn biết cái nét riêng đặc sắc của nước anh. Đồng thời nhà văn phải giỏi ít nhất một ngoại ngữ chính (tiếng Anh) để biết thế giới nghĩ gì, cần đối thoại gì… và để dịch chính tác phẩm của mình (mà anh ta nắm rõ nhất tư tưởng, ý đồ nghệ thuật) đến với bạn đọc ngoài nước.
Nhà văn phải sống trong nhiều môi trường văn hóa, để so sánh, để học hỏi thì trang viết mới sâu, vì ngoài lượng thông tin, bạn đọc còn chờ đợi ở tác giả sự gợi dẫn về cách đánh giá, lý giải ở nhiều góc độ khác nhau. Phải suốt đời rèn luyện vốn sống, phải nhập thân vào đời sống, phải ngụp lặn xuống tận đáy dòng sông cuộc đời may ra mới viết đúng được bản chất vấn đề. Một lần về tát nước chống hạn ở Hà Đông, thấy một nhà báo ăn mặc chải chuốt, Bác Hồ nói: “Nhà báo của nông dân phải biết lao động như nông dân thì viết mới đúng được”[4].Đây là phương châm rèn luyện không của riêng người cầm bút nào.
Trong đối thoại thì tất cả đều bình đẳng, không ai hơn ai, không ai là kẻ lớn, kia là phận nhỏ, cũng không ai có quyền ép người này phải thế này, phải thế kia…Đối thoại văn hóa tối kỵ những câu mệnh lệnh thức hay cầu khiến…Trước một vấn đề đối thoại các bên đều có chính kiến, phản biện, bảo vệ… Các nền giáo dục tiên tiến hiện nay đang đi theo hướng này.
Thầy giáo không bao giờ áp đặt trò phải hiểu, phải nghe lời mà chỉ có nhiệm vụ gợi mở hướng đi, gợi ý các cách hiểu chứ không có quyền kết luận chân lý. Tìm ra chân lý phải là trò. Nên họ rất coi trọng tự học, nhờ vậy một khi đã tìm được chân lý thì kiến thức sâu và vững.
Đối thoại giữa các nền văn hóa càng cần đến bình đẳng, vì xét từ bản chất thì tiếp biến văn hóa là lẽ tự nhiên. Không có nước lớn về văn hóa mà chỉ có sự đặc sắc về văn hóa, nhờ có sự đặc sắc ấy mà tạo nên ảnh hưởng. Truyện cổ “Trầu cau” không chỉ có ở một Việt Nam mà có ở hầu khắp các nước Đông Nam Á.
Motip chàng Thạch Sanh hay cô Tấm cũng có ở nhiều nước trên thế giới…Ngày nay người ta thấy thật dễ hiểu khi vở kịch “Hăm lét” của Sếchxpia có gốc gác từ Đan Mạch hay “Truyện Kiều” chịu ảnh hưởng cốt truyện từ Trung Quốc…Triết học văn hóa hiện đại không chấp nhận tư tưởng sôvanh văn hóa, tư duy kẻ cả trong văn hóa cho rằng chỉ có văn hóa nước mình mới là “trung tâm” mới là “nhất”…
Vì không độc quyền chân lý nên không coi trọng kết luận cuối cùng mà nhiều khi gợi mở ra để mời gọi tiếp tục đối thoại. Sự quan tâm chú ý của các bên là sự mới mẻ, hấp dẫn của vấn đề, sự chính xác của dữ liệu, là cách lập luận, luận chứng, cách phản biện…của nhau. Do vậy phải thật sự trí tuệ, phải thật hiểu vấn đề, và nhất là phải thật sự giỏi ngoại ngữ.
Bình đẳng được coi là điều kiện thứ nhất trong tiếp nhận văn học, vì là quá trình khám phá hình tượng nên rất cần đến nhiều con đường liên tưởng, tưởng tượng, do vậy nếu có sự áp đặt cách hiểu tức là bóp nghẹt các con đường tư duy ấy. Trước một hình tượng văn học, nhờ vốn sống, hiểu biết, tính khí… mà mỗi người hiểu một cách, cần tôn trọng các cách hiểu thẩm mỹ vì chúng sẽ làm giàu thêm ý nghĩa cho hình tượng.
Trước khi có cách hiểu hồn nhiên mà không kém phần sâu sắc của một cậu bé bảy tám tuổi thì bạn đọc Nga vẫn thường hiểu nhân vật ông lão trong truyện “Ông lão đánh cá và con cá vàng” là người hiền lành phúc hậu, nên lấy đó làm gương. Nhưng cậu bé kia thì hiểu ngược lại cho rằng ông lão đần độn đến ngu xuẩn, có gì đáng học vì đã xin con cá được nhiều thứ thế mà không nghĩ ra được xin thay bà vợ tử tế hơn cho đỡ khổ…
Nhiều khi cách hiểu hồn nhiên mới nói đúng về chân lý mà câu chuyện ngụ ngôn “Bộ quần áo mới của hoàng đế” là ví dụ sinh động. Vì quen là nô lệ cho thói nịnh hót, bợ đỡ mà chẳng ai dám nói lên sự thật, chỉ có cậu bé ngây thơ kêu toáng lên về cái hiện trạng thảm hại, đã giật phăng cả cái mặt nạ giả dối khổng lồ làm trơ ra cái đáng cười đau đớn…Các tác giả (Puskin và Anđecxen) thực sự là những nhà văn hóa vĩ đại vì có công xây dựng những hình tượng nghệ thuật bất hủ cho người đời sau còn đối thoại mãi với nhau để cùng hướng về cái trong sáng tốt lành.
Trong đối thoại, nhất là đối thoại đa phương, không có tiếng nói riêng sẽ khó được chấp nhận. Bản sắc văn hóa là những yếu tố độc đáo, đặc sắc biểu hiện nét đặc thù của một dân tộc. Bản sắc làm nên giá trị mà muốn đi tìm giá trị này lại thường phải dựa vào hệ tọa độ Chủ thể - Không gian - Thời gian, vì văn hóa luôn là sản phẩm của một chủ thể, diễn ra trong một không gian, thời gian cụ thể. Phạm trù chủ thể là cơ bản, chủ yếu vì mọi vấn đề đều thông qua, khúc xạ qua con người, và chỉ có con người chủ thể ở không gian nhất định mới có thể phần nào thấu hiểu ý nghĩa của văn hóa.
Nói đến giá trị là nói đến chuẩn mực. Mỗi dân tộc sở hữu những bản sắc văn hóa riêng tức những giá trị riêng, chuẩn mực riêng. Căn cứ vào đó để phân biệt văn hóa của dân tộc này khác với văn hóa của dân tộc khác. Người ta càng quý cái riêng vì đơn giản là có cái riêng mới có thể đối thoại, hội nhập. Một quy luật thông thường là người nói muốn nói và chỉ nên nói những điều mình biết, người nghe thì muốn được nghe/xem những điều mình chưa biết.
Vì là đặc thù nên giá trị/ chuẩn mực văn hóa của cộng đồng này chưa hẳn là giá trị/chuẩn mực của cộng đồng khác, có khi còn ngược lại. Do vậy vội vã chê dân tộc kia là dã man, là thiếu văn minh…tức là đã sa vào thái độ sô vanh văn hóa, thiếu tôn trọng, xa lạ với trào lưu học hỏi văn hóa lẫn nhau. Không thể có kiểu người phương Tây vốn quen với văn hóa du mục, con ngựa với họ là con vật gần gũi mà họ vẫn ăn thịt, lại đi chê bai dè bỉu một số dân tộc phương Đông là người của văn hóa nông nghiệp ăn thịt chó...
Mặt khác mỗi nền văn hóa đều sản sinh những phong tục tập quán. Các điều kiện địa lý, đất đai, khí hậu, canh tác… lại quy định nội dung các phong tục tập quán này. Có phong tục ở dân tộc này là khác lạ, thậm chí là “quái lạ” so với dân tộc kia. Vì thế cũng không thể đem cái nhìn, quan niệm sống của dân tộc này phán xét dân tộc kia là thế này, thế nọ, phải là thế này, không được là thế kia…
Nguyên tắc căn bản của Folklore học yêu cầu phải giữ nguyên dạng các di sản văn hóa là xuất phát từ vấn đề cơ bản này. Các nền văn hóa đều có mục tiêu chung là vì con người, xem xét tính chất, tiêu chuẩn của mỗi nền văn hóa đều phải lấy con người làm thước đo. Nước anh có cái hay của nước anh, nước tôi có cái hay của nước tôi. Chúng ta cố gắng giữ gìn và phát triển cái nét hay (riêng) đó và cùng học tập trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Nhiều nét riêng, nét hay mới làm nên bản sắc. Một đất nước giàu có bản sắc là đất nước đáng kính, đáng phục, đáng được kết bạn.
Giá trị luôn thay đổi theo thời gian, có giá trị ở thời này là chuẩn mực nhưng thời sau lại lạc hậu. Ví như hành động gắp thức ăn cho người khác là hành vi quan tâm lẫn nhau (biểu thị sự đoàn kết, gắn bó) ở cái thời mọi người sống trong một làng, những mối quan hệ quanh quẩn trong lũy tre. Nhưng ở ngày hôm nay giao lưu mở ra với cả thế giới thì hành động này cần loại bỏ vì có khi lại là nguyên nhân dẫn đến sự truyền nhiễm nhanh chóng các vi khuẩn gây bệnh.
Mỗi cá nhân đều phải có trách nhiệm gìn giữ những chuẩn mực văn hóa của cộng đồng mình nhưng không thể khư khư bảo thủ giữ lại cả những cái gì bất cập với ngày hôm nay, hiện đại và hòa nhập. Văn hóa học có khái niệm “tự điều chỉnh”, tức văn hóa tự thân nó sớm muộn sẽ có sự thay đổi để thích ứng với xã hội, nhưng có sự tác động của thể chế tiến bộ (như văn bản luật, quy định…) thì sự điều chỉnh sẽ nhanh hơn, đúng hướng hơn.
Cần có cái nhìn văn hóa trước các hiện tượng văn hóa gây tranh luận, không cực đoan bảo thủ khẳng định đó là truyền thống tốt đẹp, cũng không phủ nhận sạch trơn. Phải phân tích, cắt nghĩa lí giải một cách hệ thống, cụ thể để giữ lấy cái lõi nhân văn, gạt bỏ cái lỗi thời. Văn hóa là con người, hãy để chủ thể con người nơi đó nói lên tiếng nói của văn hóa nơi họ đang sinh tồn. Và hãy quan sát, suy ngẫm, đối sánh, gợi mở cho chủ thể văn hóa điều chỉnh hành vi văn hóa cho phù hợp với thời đại mới. Mọi áp đặt hoặc can thiệp thô bạo là không phù hợp với tinh thần mềm mại, uyển chuyển và tinh tế của văn hóa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà văn hóa kiệt xuất, đi trước thời đại khi chính mình là người thể hiện văn hóa biết lắng nghe người khác, đặc biệt hơn nữa là lắng nghe tiếng nói của trẻ em. Đồng chí Lê Duẩn nguyên Tổng Bí thư Đảng ta nhiều lần nhắc nhở cán bộ học tập Bác Hồ thì trước hết là học tình yêu thương con người ở Bác từ những việc cụ thể. Ví như một lần đồng chí trực tiếp chứng kiến một đêm mưa rét Bác nghe thấy tiếng rao bán bánh của một đứa trẻ, đang nằm Người ngồi bật dậy, thế rồi suốt đêm trằn trọc thao thức, chắc là Người thương lắm những số phận còn đang phải chịu nhiều vất vả khổ đau...
Giáo sư Hoàng Xuân Sính nhớ mãi một kỷ niệm, khoảng năm 1945-1946, khi nước nhà vừa mới Độc lập, Bác Hồ đến thăm trường nữ trung học ở Hà Nội. Bác vào lớp dự giảng một tiết tiếng Anh. Vì hồi hộp nên cô học trò Sính phát âm không chuẩn. Bác đến gần đọc lại những câu trong bài, Sính đọc theo vẫn không đúng. Bác kiên trì chữa lại từng âm.Người nhẹ nhàng nói: “Cháu đọc thế này mới đúng”. Và câu chuyện “Chiếc vòng bạc” trong sách phổ thông thì ai cũng nhớ. Một lần ông Ké (tức Bác Hồ) được nghe một cháu bé ao ước có một cái vòng bạc. Năm sau ông Ké trở về đưa cho cháu bé ấy cái vòng bạc mà cháu hằng ước ao.
Ai cũng có thể hình dung ra sự sung sướng vô bờ của cháu bé ấy và sự cảm phục kính trọng vô ngần của dân bản về một hành động tuy nhỏ mà ý nghĩa cực lớn của ông Ké. Bác Hồ của chúng ta là thế. Bác đã chứng minh chân lý: phải là một tâm hồn giàu yêu thương, giàu lòng trắc ẩn, khoan dung và luôn tôn trọng con người mới có thể biết lắng nghe lòng con trẻ …
Biết lắng nghe là một hành vi văn hóa cao thượng trong xã hội hiện đại vì nó thể hiện rõ nhất tinh thần dân chủ, bình đẳng giữa người với người. Thế giới khâm phục ông Xukhômlinxli, nhà giáo dục nổi tiếng nước Nga cho rằng văn hóa là năng lực biết nhìn và nhìn thấy người bên cạnh. Thế giới kính trọng nhà bác học lỗi lạc Likhachốp, cũng người Nga khi khẳng định văn hóa là biết lắng nghe người khác. Cả thế giới nghiêng mình trước một Hồ Chí Minh kiệt xuất, vì trên cả sự lắng nghe trẻ em nói là sự thực hành điều trẻ em muốn, mà hình ảnh chiếc vòng bạc, là cách rèn phát âm cho trẻ đã dẫn ở trên là những ví dụ cụ thể nhất.
Nhưng biết lắng nghe là cả một năng lực văn hóa bởi về bản chất đấy là một quá trình tiếp nhận, do vậy phải có vốn sống, vốn tri thức, chính trị…để phân tích, tiếp nhận, loại bỏ, phản biện. Cho nên từ cổ xưa người phương Đông sâu sắc dồn triết lý ấy vào con chữ tượng hình, chữ “Thính” trong tiếng Hán có nghĩa là “nghe” được cấu thành (chiết tự) bởi các chữ mang các ý nghĩa: Vương (coi người nghe mình như vua); Nhĩ (khi nghe phải lắng tai chăm chú); Nhãn (khi nghe phải nhìn người nói thể hiện sự chú ý, tôn trọng); Tâm (nghe bằng cả tâm trí); Nhất (cả người nói và người nghe phải đồng nhất, đồng hướng). Ngày nay thế giới coi một biểu hiện của khoan dung hòa giải văn hóa là biết lắng nghe nhau!
Nhà thơ nhạc sỹ Nguyễn Đình Thi kể trong không khí bừng sôi thắng lợi của Đại hội Tân Trào tháng 8-1945 đã hát rất say sưa để “cố gắng nhằm truyền cảm mạnh nhất đến toàn thể các đại biểu. Tôi hát to: “Gươm đâu, gươm đâu, thời cơ đang đến! Tiến lên, tiến lên, theo cờ Việt Minh!”. Tôi hoàn toàn không biết rằng Hồ Chủ tịch đang chăm chú lắng nghe tiếng hát của tôi.Khi vừa hát xong, tôi bỗng nghe rõ tiếng Hồ Chủ tịch: “Bây giờ mà chú còn hát gươm đâu, gươm đâu thì thật không hợp với tình hình! Chú nên hát gươm đây, gươm đây!”[5]
Ví dụ này cho thấy phải có một nhãn quan chính trị cực kỳ sắc bén mới có một phát hiện vỏ âm thanh của ngôn từ dù nhỏ nhưng ý nghĩa biểu hiện lại rất lớn.
Bản chất của đối thoại văn hóa là khẳng định giá trị văn hóa của con người. Với ý nghĩa này cả cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ là một cuộc đối thoại văn hóa vĩ đại, với chủ nghĩa thực dân đế quốc, với nhân loại tiến bộ, với đồng chí, đồng bào. Hồ Chí Minh thấu hiểu sâu sắc và với những nỗ lực phi thường, bằng tâm hồn yêu nước lớn lao, bằng trí tuệ kiệt xuất Người hy sinh hết thảy cuộc đời riêng để đi tìm rồi trở thành hiện thân khát vọng hòa bình của dân tộc, của nhân loại. “Đối thoại văn hóa” là một phương pháp cũng là một nguyên tắc trong cuộc đời hoạt động cách mạng huyền thoại của Người!
Di chúc - theo tính chất thể loại thì là một dạng văn bản ghi lại những điều mà người sắp từ giã cõi đời nói với những người đang sống, Di chúc thường được công bố khi người viết đã ra đi, do vậy thì đây là một văn bản mà bản thân nó đã gợi nên những gì là ngậm ngùi, tiếc nhớ, buồn thương. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dĩ nhiên vẫn mang những nét đặc trưng thể loại thông thường nhưng luôn có xu hướng vượt thoát ra ngoài ranh giới thể loại để mang tầm vóc của một văn kiện lịch sử vô giá, có thể gọi đây là siêu thể loại. Không ngẫu nhiên mở đầu tác phẩm là một niềm tin chiến thắng:
“Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn.
Đó là một điều chắc chắn”.
Ở câu trên mệnh đề song nhất định thắng lợi hoàn toàn là một khẳng định nhưng vẫn được nhấn mạnh một lần nữa ở câu Đó là một điều chắc chắn. Để tác động mạnh hơn nữa vào thị giác người đọc, tác giả còn cho câu văn khẳng định này tách dòng đứng riêng. Các từ nhất định, hoàn toàn, chắc chắn là không thể thay thế, ví dụ dùng phép giả định tỉnh lược, để chỉ còn song sẽ thắng lợi thì nội dung câu văn vẫn giữ nguyên nhưng rõ ràng ý nhấn mạnh niềm tin đã bị giảm đi rất nhiều.
Đặt Di chúc trong bối cảnh công bố (1969) khi mà cuộc kháng chiến chống Mỹ còn đang ở giai đoạn cực kỳ gian khổ chúng ta càng thấy niềm tin này chỉ có thể có ở một bản lĩnh lớn, một nhãn quan chiến lược. Hơn nữa đây là niềm tin của một vị Chủ tịch nước nên có tác dụng cổ vũ động viên rất lớn, từ niềm tin của một người gieo niềm tin đến muôn người. Có thể coi đây là một sự kết tinh của văn hoá người Việt về niềm tin, niềm lạc quan, dù ở trong tình huống khó khăn nào thì vẫn luôn hướng về những điều tốt đẹp, còn da lông mọc, còn chồi nảy cây.
Một trí tuệ kiệt xuất, một tầm nhìn chiến lược toàn thế giới cùng với văn hoá niềm tin là cơ sở cho những khẳng định mang tính tiên tri của Bác Hồ. Ngoài những tiên đoán về Chiến tranh 1 và 2, về Phe Đồng Minh chiến thắng...những tiên đoán về Việt Nam độc lập (từ 1942), về Mỹ xâm lược, Mỹ thua trên bầu trời Hà Nội…là những khẳng định hùng hồn cho quy luật ấy.
Hồ Chí Minh là người kiến tạo niềm tin, ở Người luôn toả ra ánh sáng niềm tin rồi truyền niềm tin cho cả dân tộc đứng lên theo Đảng, theo Cách mạng đánh đuổi quân xâm lược và xây dụng đất nước giàu đẹp hơn. Lời của Người là lời non nước, thiêng liêng và chắc chắn một niềm tin, giục giã: “Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!”.
Trong phong cách tu từ cả viết và nói của Người có ba đặc điểm cơ bản là chân thành; tích cực, thiên về khẳng định và luôn hướng về tương lai. Chân thành nên văn Bác ngắn gọn, giản dị, trong sáng, dễ hiểu, đi thẳng vào lòng người. Không chỉ trong thơ mà cả trong văn, các hình tượng tích cực đều luôn hướng về phía ánh sáng, về sự khẳng định.
Ta cũng hiểu thêm các trạng/động từ chỉ thời tương lai luôn chiếm tỷ lệ cao: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam, Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”.
Di chúc là một văn bản đối thoại văn hóa theo nghĩa đầy đủ nhất của khái niệm này, cực kỳ trí tuệ, sâu sắc, tầm nhìn vượt thời gian, không gian; rất mực yêu thương, nhân ái, khoan dung, vì con người. Văn bản hầu như đối thoại với tất cả mọi người (toàn dân, toàn Đảng, bộ đội, thanh niên, nhi đồng...); đối thoại về mọi vấn đề thiết cốt nhất của xã hội (đối nội, đối ngoại, chấm dứt chiến tranh, xây dựng đất nước, việc riêng, việc chung...).
Có thể coi những câu chữ trong Di chúc là sự khái quát cao nhất cho một cương lĩnh phát triển vĩ mô cho những vấn đề được đề cập. Di chúc như mở ra một tương lai, một chân trời mới bằng sự khẳng định chắc chắn, tất yếu về niềm tin để trở thành một biểu hiện rõ nhất, khái quát, cô đọng nhất về khát vọng Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và chủ nghĩa xã hội!
N.T
-------
Tài liệu tham khảo chính:
- Hồ Chí Minh: Toàn tập (15 tập). Nxb Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011.
-Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh(10 tập). Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội 2010.
- PGS.TS Phạm Văn Đức, PGS.TS Đặng Hữu Toàn (đồng chủ biên) (2007) - Triết học trong kỷ nguyên toàn cầu. NXb Khoa học Xã hội.
- J.Brecher (1993). Global visions beyond the new world order. Boston.
-Thomas L.Friedman (2005). The world is flat: a brief history of the twenty-first century. http: //www. Thomaslfriedman.com/worldisflat.htm
[1] Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia- Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam: Chủ tịch Hồ Chí Minh-Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995, tr.21.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5. Nxb Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội 2011, tr 631.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6. Sđd, tr 356.
[4] Hồ Chí Minh – chân dung đời thường. Nxb Lao động, 2005, tr 101.
[5] Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh, tập 1. Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội 2010, tr 41.
VNQD