Quá khứ chụp xuống chúng ta

Thứ Năm, 13/05/2021 15:29

. HOÀI NAM

 

Trong đời sống văn chương có phần trầm lắng, nhàn nhạt của hai thập niên đầu thế kỉ XXI, các cuộc thi truyện ngắn do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức dẫu sao vẫn giữ được chất lượng ổn định của mình, một sự ổn định được hình thành từ bề dày truyền thống, từ uy tín của một giải thưởng tầm quốc gia và “nghiêm trọng” đến mức, có lẽ, nhiều tác giả sẽ ngần ngại gửi tác phẩm dự thi nếu tự thấy mình chỉ là tay viết truyện ngắn làng nhàng. Nhưng mặt khác, với những tác giả tự tin, thậm chí quá thừa tự tin, thì chỉ cuộc thi truyện ngắn của Nhà số 4 mới đáng là “sàn diễn” cho họ, mới đáng để họ cán đích. Từ cả hai phía “lãng ra” và “nhảy vào” như vậy, cộng thêm khâu thẩm định khá nghiêm khắc và đa dạng về cá tính của Ban giám khảo, tôi tin rằng khi đọc các tuyển truyện ngắn hay và đoạt giải của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, ta có thể hình dung được, phần nào đó, diện mạo của truyện ngắn Việt Nam trong những thời đoạn nhất định. Và tôi đã đọc với niềm tin như thế, tuyển tập tác phẩm hay và đoạt giải từ cuộc thi truyện ngắn mang tên Lửa Mới, kéo dài trong hai năm, từ 2018 đến 2019, của Tạp chí Văn nghệ Quân đội (tuyển tập do Nxb Hội Nhà văn và Tao Đàn ấn hành năm 2020).

Trong Lời giới thiệu tuyển tập có đoạn: “Mỗi người một phong cách, một giọng điệu, một vùng sáng tác... Từ tinh thần hòa giải dân tộc cho đến khát vọng hội nhập, từ kết cấu thượng tầng xã hội cho đến tổ chức hôn nhân gia đình thời kinh tế thị trường, từ những câu chuyện lớn của cộng đồng với những vấn đề thuộc về phong tục, tập quán, tín ngưỡng cho tới những vấn đề thuộc về bản thể của mỗi cá nhân... đều được các nhà văn phản ánh sinh động.” Đây là một nhận định tổng kết bao quát và kín kẽ đến mức có lẽ đã không bỏ lọt một trường hợp tác phẩm cá biệt nào. Nhưng tôi vẫn muốn lách vào đó để tìm ra một nhịp mạnh, nhịp gây ấn tượng với cá nhân tôi, trong số khá nhiều truyện ngắn Lửa Mới, cả những truyện đoạt giải và những truyện không/ chưa đoạt giải. Nhịp mạnh ấy, tôi gọi tên là “Quá khứ chụp xuống chúng ta”.

Quá khứ là cái ở phía đằng sau, cái thuộc về thời gian đã qua, cái một đi là bất khả vãn hồi, giống như những tờ lịch bị xé ra khỏi cuốn lịch vậy. Nhưng quá khứ không bao giờ chết, hay nói như K.Marx, quá khứ là “cái chết tóm lấy cái sống”. Nó có thể kết lại trong một vật thể hữu hình. Nó có thể bàng bạc thành một trạng thái, một tình thế. Song điều cốt yếu là nó, quá khứ, luôn gõ vào hiện tại, luôn thúc vào hiện tại, thậm chí luôn tạo ra những cú sốc khiến cho con người hiện tại dù muốn cũng không cách nào giả vờ rằng mình đã xóa được nó khỏi kí ức. Hiểu theo cách ấy, quả thực rất nhiều truyện ngắn Lửa Mới đã được viết ra như là sự thể hiện cái trải nghiệm, thực tế hoặc tưởng tượng, việc con người bị quá khứ chụp xuống. Có một số truyện đi vào khai thác đề tài “lịch sử xa”, tức là truyện kể được đặt trong bối cảnh của những thời đại, những triều đại xa xưa. Và có một số truyện khác, nhiều hơn gấp bội, lại đi vào khai thác những “lịch sử gần”, tức là những cuộc chiến tranh mà nhân dân Việt Nam đã phải trải trong thế kỉ XX vừa qua. Tuy nhiên, không giống với cách các tác giả cựu binh hồi tưởng chiến tranh - tức là nói chuyện chiến tranh đã thật sự diễn ra như thế nào, anh dũng, khốc liệt, đau thương, tàn bạo hay lãng mạn đẹp đẽ ra sao - hầu hết tác giả (hẳn là khá trẻ) của tuyển truyện ngắn Lửa Mới lại đặt trọng tâm chú ý của mình vào những dư chấn của các cuộc chiến tranh: những đau đớn uất kết mãi không thể giải tỏa được, những ngậm ngùi buồn bã mãi kéo dài với thời gian, những nghịch cảnh trớ trêu mãi xiết chặt cái vòng ôm ma quái của nó vào các cuộc đời người đã đi qua chiến tranh. Bông điên điển hồng và Người trở về của Bảo Thương (giải Nhì), Từ bờ bên kia của Lê Vũ Trường Giang và Tiếng rền của đá của Trần Tú Ngọc (đồng giải Ba), Khói biên phương và Tiếng vọng của Lê Quang Trạng (giải Tư), hay Người đàn bà giặt chiếu của Đoàn Ngọc Hà, Khói mật hương của Trần Ngọc Diệp, Trong lòng thuyền lõng của Mai Tiến Nghị… là những truyện như vậy. “Chỉ tại chiến tranh mà thành ra oái oăm như thế”, đây chính là cái quyết định luận ngầm, chạy suốt các truyện ngắn viết về hậu chiến của Lửa Mới. Chiến tranh, tất cả các cuộc chiến tranh, bất chấp ý nghĩa cao đẹp thiêng liêng tự chúng hay là trong các diễn ngôn khoác lên chúng, đều đày đọa con người, nhất là những người lính từ chiến trường sống sót trở về. Cái bi và cái hài nhào trộn để làm nên số phận con người. Độc giả nhạy cảm có thể khóc, có thể cười, hoặc có thể vừa khóc vừa cười với truyện Người trở về khi chứng kiến nhân vật người thương binh chiến trường Campuchia, từ chỗ bị mất trí nhớ thật, đến chỗ phải giả mất trí nhớ để giữ cho gia đình được yên ổn. Hay với truyện Trong lòng thuyền lõng, nhân vật người thương binh do không vượt qua được cái sĩ diện đàn ông to tướng nên đã không thể tha thứ cho người vợ nhẹ dạ, và bởi thế chấp nhận cảnh sống vô gia cư vật vờ trên chiếc thuyền lõng ximăng suốt mấy chục năm, ngay tại làng, với người bạn từng là nhân tình một đêm của vợ mình… Những số phận đầy bi hài như thế, nhìn từ phương diện khách quan, chính là lời đáp của quá khứ chiến tranh cho hiện tại hậu chiến. Chiến tranh càng lùi xa thì người ta lại càng thấy lời đáp ấy nghiệt ngã và biến hóa muôn vẻ đến thế nào. Không thể nói khác hơn: “Quá khứ chụp xuống chúng ta.”

Nhưng quá khứ không nhất thiết cứ phải là chiến tranh. Trong khá nhiều truyện ngắn Lửa Mới, quá khứ còn là những cái gì đó thuộc về đời sống tinh thần của mỗi cá nhân hoặc mỗi cộng đồng người, là những giá trị được cố kết theo thời gian và làm nên diện mạo đa dạng của mỗi miền quê, mỗi vùng đất. Tùy từng trường hợp cụ thể, ta sẽ gọi quá khứ đó là truyền thống, là đạo lí, là phong tục, tập quán, là niềm tin thiêng liêng, hoặc là văn hóa nói chung. Có cả một phổ truyện rất rộng viết về hiện tại xói mòn của những giá trị quá khứ này, mà ta thấy ở đó, quá khứ bị xâm hại, cưỡng bức, bị bóp méo, lăng nhục, hoặc chỉ đơn giản là nó bị lờ đi, bị lãng quên, bị chìm vào trong vô tăm tích. Nhà thánh của Vũ Thanh Lịch (giải Nhất), Người về Tranh Sơn của Phạm Thu Hà (giải Nhì), Mây tía ngang trời và Bóng người dưới trăng của Nguyễn Luân (giải Ba), hay Sau lưng là rừng thẳm của Hoàng Hiền, Trái tim sói tuyết của Kiều Duy Khánh, Ngược nguồn của Trần Hoài… là những truyện như vậy. Trong truyện Nhà thánh, từ điểm nhìn của một người câm có xuất thân là đứa trẻ trôi sông không cha không mẹ, được ông đồng giữ phủ cứu mạng, nuôi lớn rồi cho làm phụ lễ nơi cửa thánh, ta thấy hiện lên một cách sỗ sàng cái bản diện của mối quan hệ giữa con người thời nay với thánh thần các đấng. Thánh thần trên điện thờ không còn là nơi để người ta trao gửi niềm tin thiêng liêng nữa, mà là đối tượng của sự ngã giá tín ngưỡng, là kẻ bị bắt phải chịu đựng lòng tham, thói hãnh tiến, tính đố kị và sự ngu muội vô tận của con người. Nhà thánh giống như cái cửa hàng tạp hóa của đủ thứ đồ cung tiến. Thánh thần bị chèn ép, bị mất giá, và thánh thần bỏ đi. Đoạn kết truyện “Mùa mưa năm ấy, lũ thượng nguồn tràn về xối xả suốt ba ngày. Người chết trong lũ không kể xiết. Nước rút, phủ Vòm còn trơ lại vài cây cột đá chạm khắc cầu kì, những vết chạm ngậm đầy bùn đất”, là đoạn văn dễ tạo một liên văn bản đến trận đại hồng thủy trong kinh Cựu ước, nó dựng lên khung cảnh một thế giới lụi tàn, khi mà những truyền thống, quá khứ nhân văn đã bị đánh tráo, khi mà đến cả cái thiêng cũng mất chỗ trước sự toan tính thực dụng.

Tuy nhiên ở mảng truyện này tôi lại chú ý đến một trong hai tác phẩm giải Ba của Nguyễn Luân, Bóng người dưới trăng. Truyện ngắn của Nguyễn Luân thuộc về hệ đề tài “dân tộc và miền núi”, như ta vẫn quen gọi lâu nay, và quả thật nó có một nét “hương xa xứ lạ” (exotic) khá đặc biệt đối với độc giả phổ thông. Truyện kể về một gia đình người Nùng, vì một lí do nào đó mà phải dỡ ngôi nhà được dựng từ thời ông cố tổ, nơi đất cũ, để đến chỗ tái định cư. Chỉ thế thôi, nhưng ngôi nhà ấy và việc dỡ nó đã gây ra bao nỗi ngậm ngùi trong sâu thẳm tâm hồn của những người trong nhà. Họ bị đẩy về và chìm trong miền nhớ. Bởi ở đây, từ cái kèo, cái cột, tấm ván sàn, miếng ngói nhà, chiếc xiên cửa… đều thấm, đều ngấm đẫm trong chúng hình ảnh của quá khứ và kỉ niệm về những người đã khuất hoặc những người đã đi xa, về việc họ đã sống với nhau, đã yêu thương hoặc ghét bỏ nhau như thế nào. Những đồ vật biết nói, biết cất tiếng kể lịch sử của mình theo một cách đầy thuyết phục, có thể nói như vậy về sức tác động trên cảm xúc người đọc mà Nguyễn Luân đã làm được. Con người trong truyện ngắn này, người đàn ông Nùng tên Chái và bà mẹ già, là những con người bị quá khứ bủa vây, thậm chí đến mức họ không sao thoát được. “Chái thấy ông nội ngồi tỉ mẩn đẽo lên cây cột cũ, thấy bố ngồi kéo xẻ tấm ván bưng trước hiên nhà, thấy anh cả Pài nhìn như xoáy vào vết rìu của bố. Tất cả những người còn sống hay đã chết đều có mặt đang rì rầm kể câu chuyện của mình nhưng không một ai nói với nhau câu nào…” Đây là một truyện ngắn giàu tính nhân văn - cho dẫu không khỏi có phần sa vào một thứ chủ nghĩa thương cảm nào đó - bởi nó nhấn mạnh vào quá khứ, kí ức, những yếu tố cần thiết để tạo dựng lịch sử của những cá nhân và những cộng đồng người, và để neo họ vào hiện tại. Mất quá khứ, người ta sẽ không còn biết chia sẻ với bất cứ ai về bất cứ điều gì.

Điều đó, xem ra không phải là không có ý nghĩa, đặc biệt khi đặt những truyện ngắn nặng trĩu ám ảnh quá khứ này trong một phối cảnh rộng lớn, khi mục tiêu hiện đại và phát triển với những chỉ số tăng trưởng kinh tế, những xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa, thực phẩm, năng lượng, những thu nhập bình quân tính theo đầu người, những kilômét đường bêtông về nông thôn và miền núi… đang cuốn toàn bộ sự quan tâm của xã hội theo nó. Người ta không còn thì giờ để sống với quá khứ nữa, thậm chí người ta không muốn bị quá khứ làm cho vướng bận nữa, cho dẫu, nói như triết gia Hà Lan Spinoza: “Phủ định cái gì sẽ bị chính cái đó quy định, ràng buộc.” Có lẽ, chính sự phức tạp này của thực tại xã hội, khi được dịch chuyển vào truyện ngắn Việt Nam đương đại theo cách riêng của nó - như đã bộc lộ qua mảng “truyện ngắn quá khứ” của tuyển tập Lửa Mới - đã tạo nên sự phức tạp của các cấu trúc tác phẩm, các cách viết cách kể. Những quan niệm truyền thống như “truyện ngắn là một lát cắt của hiện thực”, “truyện ngắn được viết ra để có thể đọc liên tục đến hết và chỉ cần đọc một lần ấy thôi”, “với truyện ngắn, người đọc có ngay một quan niệm tổng thể và trực tiếp”… - nhà phê bình người Pháp gốc Ba Lan Daniel Grojnowski đã trình bày rất kĩ về những quan niệm này trong công trình Đọc truyện ngắn, Trần Hinh và Phùng Kiên dịch, Nxb Hội Nhà văn và Tao Đàn, 2017 - đã tỏ ra là không đủ nữa. Đó cũng chính là một tín hiệu đáng mừng cho truyện ngắn Việt Nam hiện nay.

H.N

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)