. NGUYỄN HÀ THANH
1. Máu/xương, máu/mủ, máu/thịt –Biểu tượng cho sự quý giá, thiêng liêng, tình nghĩa bền chặt.
Hồ Chí Minh cũng thường dùng những ẩn dụ, hoán dụ quen thuộc của nhân dân. Ví dụ để nói về sự quý giá, thiêng liêng của thân xác con người, của tình người, từ vựng tiếng Việt có nhiều thành ngữ tục ngữ dùng hình ảnh máu, máu mủ…: “Quý như máu”; “Giọt máu đào hơn ao nước lã”; “Máu chảy ruột mềm”; “Xót tình máu mủ thay lời nước non” (Kiều)... Theo Kinh Thánh máu là sự sống. Máu chảy ra từ vết thương của Chúa Kitô là thứ nước uống bất tử. Những quan niệm này đi vào trong lời văn Hồ Chí Minh tạo ra hình tượng đậm một sắc thái biểu cảm về tình thương, về lẽ phải, lương tâm của con người.
Ngay sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, đoàn đại biểu Quốc hội Nam bộ do đồng chí Nguyễn Văn Tạo dẫn đầu ra báo cáo trước Quốc hội, tố cáo những âm mưu gây hấn và tội ác của thực dân Pháp và niềm tin tưởng của đồng bào miền Nam với Bác. Người xúc động nói: “Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi. Nam bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý đó không bao giờ thay đổi”[1].
Ngày 12-7-1946, Bác tiếp các trí thức Việt Nam và trả lời các báo tại Pháp: “Nam Kỳ là đất Việt Nam. Đó là thịt của thịt Việt Nam, máu của máu Việt Nam…Các người hãy phái đến nước chúng tôi những kỹ sư, những nhà khoa học, những vị giáo sư, phái đến những người họ biết yêu chuộng chúng tôi. Nhưng chớ phái qua những người muốn bóp cổ chúng tôi”[2].
Nói về sự mất mát, tổn thất do chiến tranh, Bác Hồ nói ngắn gọn mà sâu sắc, giàu giá trị biểu cảm vì dùng biểu tượng: “Máu Pháp và máu Việt chảy đã nhiều…”[3]. “Máu” là quý giá, vì chiến tranh mà cả “máu Pháp” và “máu Việt” đều chảy. Nghe tin miền Nam bão lũ Bác viết thư thăm hỏi với tâm trạng của một người thân thiết: “Thân ái gửi đồng bào các tỉnh bị bão lụt ở miền Nam. Vừa qua, mấy tỉnh miền Nam bị bão lụt dồn dập. Hàng nghìn đồng bào bị hy sinh. Hàng vạn nhà cửa bị đổ nát. Làng mạc xơ xác, vườn ruộng tơi bời.
Máu chảy ruột mềm, được tin tức đó, tôi và toàn thể đồng bào miền Bắc rất là đau xót như muối xát vào lòng”[4].
Người nói với đồng bào: “Nam Bắc là một nhà, là anh em ruột thịt, quyết không thể chia cắt được”[5]. Người khẳng định trước dư luận quốc tế: “Miền Nam Việt Nam là thịt của thịt chúng tôi, là máu của máu chúng tôi. Nhân dân Việt Nam sẽ được thống nhất”[6]. Máu, thịt, ruột, lòng là những hình tượng hoán dụ mang tính biểu cảm cao nhất về sự quý giá, về sự quan hệ chặt chẽ nhất, thống nhất cao nhất trong một cơ thể. Chỉ có những hình tượng ấy mới diễn tả sâu sắc nhất về tình cảm thiêng liêng, về mong muốn sự đoàn kết, thống nhất muôn người như một.
Nhắc nhở bộ đội hậu cần, Bác dùng biểu tượng: “Xe, xăng là mồ hôi, nước mắt, xương máu của nhân dân. Các chú phải chăm sóc xe, yêu xe như con, quý xăng như máu”[7]. Ví dụ này đặc sắc ở chỗ chuyển sự quý giá thiêng liêng (xương máu) của nhân dân thành sự quý giá cá nhân (như máu). Ý bật ra: tài sản chung cũng quý như tài sản riêng.
2. Máu/xương, máu mủ –Biểu tượng cho sự hy sinh.
Người dùng hai chữ “máu mủ” để nói về sự hy sinh lớn lao của bộ đội: “Các chiến sỹ đã hy sinh máu mủ để giữ gìn đất nước”[8]. “Trên đống xương máu, trên đống tro tàn, thanh niên ta, con cháu ta, sẽ xây dựng một nước Việt Nam hoàn toàn độc lập”[9]. “Xương máu” ở đây là sự hy sinh của các chiến sỹ, của đồng bào đã ngã xuống vì sự độc lập tự do của Tổ quốc. Câu văn lại hướng về cái đích: các thế hệ sau thừa hưởng thành quả phải biết ơn các vị tiên liệt.
Người lấy những tấm gương “đảng viên đã vì Đảng, vì giai cấp, vì dân tộc mà oanh liệt hy sinh như đồng chí Lê Hồng Phong, Trần Phú, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Văn Cừ, Lương Khánh Thiện, Minh Khai, cùng trăm nghìn đồng chí khác. Và những thanh niên cộng sản anh dũng như Trọng Con, Hồng Quang. Máu xương của các tiên liệt đã thấm nhuần gốc rễ của Đảng ta, làm cho cây nó càng vững, ngành nó càng to, và kết quả khai hoa ngày càng rực rỡ”[10]. Hình tượng ẩn dụ giàu biểu cảm:“cây” Đảng ta tươi tốt là nhờ vì “gốc rễ” được “thấm nhuần” máu xương của các bậc tiền bối. Hình tượng này được Người hơn một lần nhắc lại: “Các đồng chí ấy đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc. Các đồng chí ấy đã đem xương máu mình vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay”[11].
Bác làm ca dao động viên tiền phương, hậu phương thi đua kháng chiến:“Tiền phương chiến sĩ hy sinh/ Đem xương máu mình, giữ nước non ta/ Hậu phương sản xuất tăng gia/ Cũng là kháng chiến, cũng là vẻ vang”[12]. Đoạn văn vần có cấu trúc tương phản: tiền phương và hậu phương. Tiền phương đổ “xương máu”, đã là vẻ vang, còn hậu phương “sản xuất” cũng vẻ vang như thế. Hàm ý của câu như nhắc nhở: ai cũng có công lao, ai cũng vẻ vang cả. Nhờ hậu phương mà tiền phương chắc thắng và ngược lại. Không nên so bì gì cả!!!
3. Máu/xương –Biểu tượng cho tội ác.
Trong văn hoá nhân loại, “máu” là một biểu tượng đa nghĩa, có khi chỉ sự hy sinh, sự thiêng liêng quý giá nhưng cũng biểu hiện cho tội ác (khát máu)…Chủ nghĩa thực dân đế quốc luôn nói về “văn minh”, về “khai hoá” nhưng đó lại là những kẻ mang bản chất dã man nhất, tàn bạo nhất:“Khi người ta nhớ rằng đã phải tốn xương máu của một triệu rưởi người lao động mới tạo nên được sáu chiếc gậy thống chế, thì cái chết của 29 kẻ khốn khổ chưa đủ để hoan hô bài diễn văn hùng hồn của ngài thống chế - khâm sứ! Nhưng như vậy thì cái quyền dân tộc tự quyết, mà vì nó trong suốt bốn năm trời, người ta đã chém giết lẫn nhau, cái quyền ấy, các ngài để đâu mất rồi? Thật là một cách khai hoá kỳ khôi: để dạy mọi người sống cho ra sống, người ta bắt đầu bằng việc giết họ đi đã!”[13].
Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch trần bản chất khát máu của đế quốc Mỹ “gây ra một cuộc chiến tranh xâm lược rộng lớn nhất, dai dẳng nhất và đẫm máu nhất” mà lại tự coi là mình là kẻ “đi tìm hoà bình”: “Từ năm 1961, đế quốc Mỹ đã đưa sĩ quan và vũ khí vào miền Nam, trực tiếp chỉ huy chính quyền tay sai và quân đội đánh thuê ở miền Nam, gây ra một cuộc chiến tranh xâm lược rộng lớn nhất, dai dẳng nhất và đẫm máu nhất trên thế giới ngày nay. Đế quốc Mỹ đã đốt phá hàng vạn làng mạc, bắn giết hàng chục vạn người, dồn ép hàng triệu người vào các trại tập trung - đó là kết quả mười năm “đi tìm hoà bình” của Chính phủ Mỹ ở miền Nam nước chúng tôi!”[14].
Như vậy biểu tượng như một cấu trúc đa dạng để có thể sử dụng trong nhiều ngữ cảnh. Đó là một đặc điểm của biểu tượng nghệ thuật mà Bác hay dùng trong giao tiếp văn hóa!
N.H.T
[1] Hồi ký của cán bộ Văn phòng Quốc hội, NXB CTQG, H.2000, tr.27
[2]Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 3. Nxb Chính trị Quốc gia 2006, tr 279.
[3]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5. Nxb Chính trị Quốc gia 2011, tr 65.
[4]Hồ Chí Minh toàn tập, tập14. Sđd, tr 418.
[5]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9. Sđd, tr 226.
[6]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11. Sđd, tr 266.
[7]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7. Sđd, tr 58.
[8]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5. Sđd, tr 16.
[9]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5. Sđd, tr 104.
[10]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6. Sđd, tr 5.
[11]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7. Sđd, tr 5.
[12]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4. Sđd, tr 540.
[13]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2. Sđd, tr 36.
[14]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 14. Sđd, tr 353.
VNQD