Hình tượng mẹ trong thơ Y Phương

Thứ Năm, 22/04/2021 09:25

. THIÊN CẦM
 

Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn thiên tài H.Balzac viết: “Lòng mẹ là vực sâu mà dưới đáy luôn có sự khoan dung.” Tình mẫu tử thiêng liêng đã trở thành mạch nguồn cảm xúc vô tận cho các thi nhân. Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều nhà thơ lớn trên thế giới và ở Việt Nam đều viết và viết hay về mẹ như Pushkin, Yesenin, Heine, Tố Hữu, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Duy, Xuân Quỳnh, Đồng Đức Bốn… Và trong số các nhà thơ dân tộc thiểu số, Y Phương là tác giả có những sáng tác đáng chú ý về đề tài này.

Trong sáng tác của Y Phương, hình tượng mẹ xuất hiện nhiều lần và phong phú về sắc thái. Ông khẳng định: Mẹ/ Người bạn đầu tiên của tôi/ Kho báu đầu tiên của tôi. Khảo sát cho thấy, hình tượng mẹ nơi sáng tác của Y Phương thường được đặt trong thế đối sánh, song hành với những hình tượng khác. Nó có khả năng khêu gợi một trường liên tưởng rộng lớn từ đó. Sự phong phú của tầng nghĩa được hiển lộ và khơi mở. Những hình ảnh được trở đi trở lại là lưng mẹ, mắt mẹ, bàn tay mẹ, bóng mẹ, lòng mẹ... Với người Tày, các cách gọi như mẹ chữ, mẹ đất… khá phổ biến. Ví như nơi bài Mẻ đin (Mẹ đất) trong tập Thất tàng lồm - Ngược gió, Y Phương viết: Dồn tinh hoa cho đời/ Mẹ đất mãi còn ngon ngọt.

Thái độ trân trọng, đề cao người phụ nữ nói chung, người mẹ nói riêng luôn được thể hiện trực tiếp trong sáng tác của Y Phương, bởi ông quan niệm: Đàn bà con gái là giống má. Là mùa màng. Là no ấm. Mùa màng đến xông đất thì còn gì may mắn bằng. Người đàn bà đời thường ấy không chỉ sáng tạo ra thế giới mà còn là chỗ dựa cho tất cả: Người đàn ông tựa lưng người đàn bà/ Còn người đàn bà tựa lưng biển cả, mặc dù họ mang trên vai những vất vả, lo toan, những khổ đau không tả xiết: Vừa đi vừa ôm ngực/ Toàn thân cúi gập/ Như con sâu đo/ Mẹ mùi măng chua/ Tám mươi tuổi/ Mẹ không dám ốm một ngày/ Không dám mỏi một giờ. Nhà thơ Đỗ Trung Lai cho rằng, “Mẹ mùi măng chua” là câu thơ hay phát khóc về mẹ của Y Phương.

Người mẹ ở thơ Y Phương thường được miêu tả trong tư thế sóng đôi với đá: Mẹ mừng ngây như đá hay Nhớ mẹ quá thì ngồi lên đá. Và với nước: Mẹ/ Người bạn đầu tiên của tôi/…/ Người vội vàng thả tôi vào nguồn nước/…/ Mé yêu con lắm nhưng không giữ/ Mé thả con mình theo nước về xuôi.

Lí giải hiện tượng này cũng là cách để hiểu hơn về tính tư tưởng trong những sáng tác của Y Phương. Không phải ngẫu nhiên mà sự lựa chọn lại là đá và nguồn nước. Một biểu tượng hướng đến sự sống ở trạng thái dù tĩnh lặng nhưng trường tồn bất biến, một biểu tượng hướng đến sự vận động trôi chảy không ngừng nhưng lại là khởi nguồn cho sự sống. Đá và nước cũng là hai biểu tượng thiêng của dân tộc Tày và của nhiều dân tộc thiểu số khác ở Việt Nam. Bên cạnh hai cách kết hợp thường thấy này, mẹ trong sáng tác của Y Phương được khai thác với những kết hợp khác. Như với tre: Lá tre lất phất bay vào/ Rối như tóc mẹ/ Nâu như tóc mẹ/ Dày như tóc mẹ thủa nào mẹ ơi. Hay với lúa: Mẹ còng lưng như lúa. Với bó đuốc: Mẹ như bó đuốc/ Cháy hết rồi/ Nay phải về trời. Với khung cửa: Ngày ngày/ Mẹ tôi cặm cụi cấy trồng/ Toàn thân cúi xuống như khung cửa… Những kết hợp này tạo ra sự đa dạng và tính dân tộc trong hình tượng mẹ của thơ Y Phương. Từ cách kết hợp mang bản sắc Tày, Y Phương đã khái quát hóa, kết hợp hình tượng mẹ với những hình tượng lớn lao hơn. Mẹ được ông gắn với hình ảnh của Tổ quốc, Đất nước. Mẹ là Đất nước và Đất nước chính là mẹ với những gì gian lao, vất vả nhất: Nước Việt của tôi đời đời làm mẹ/ Đời đời miền Trung mang bầu/ Trời vô tình/ Biển cũng vô tình/ Sóng với bão cứ thai nhi mà đổ; hay với những gì gần gũi và thân thuộc, yêu thương nhất: Nước Việt/ Là tấm lưng gầy của mẹ/ Cõng tôi vào lớp một/ Nước Việt/ Là mười ngón tay búp măng/ Đêm Trung thu chị tôi ngồi vò cốm.

Với Y Phương, mẹ mang vẻ đẹp của đấng sáng tạo. Lớn lao như Đất nước, nhỏ bé như con người cá nhân, tất cả đều được mẹ kiến tạo, ban cho sự sống: Nặng nhọc người đàn bà đeo gùi/ Nặng nhọc một bầu vú phì nhiêu như đất/ Nặng nhọc một bầu vú mọng căng như nước/ Đất nước/ Sinh ra từ ngực người đàn bà/ Sau đó sinh ra làng quê xóm mạc/ Sinh ra tình yêu, sinh ra bi kịch/…/ Tiếp theo Đất nước/ Là bàn tay chú bé/ Vẽ lên trời chữ A/ Muôn vàn tinh tú mờ đi/ Còn lại niềm vui long lanh mắt mẹ. Khi Y Phương vẽ ra một hành trình của sự trưởng thành, người mẹ vẫn luôn ở thế chủ động: Sớm nay/ Mẹ thả ra đồng/ Đứa con phổng phao/ Trao cho Đất nước.

Mẹ trong thơ Y Phương còn đồng nghĩa với sự cô đơn. Nỗi cô đơn của mẹ cũng sánh ngang với sự đơn độc của mặt trăng, mặt trời. Trong trường ca Đò trăng, ông viết: Trở về nhà/ Mẹ tôi ngồi/ Mắt nhằm nhì nhìn núi/ Tai rằm rì nghe suối/ Lòng rầm rầm đếm tóc/ Sáng hôm sau/ Chưa kịp mở cửa ra/ Nắng tràn vào nhà/ Nỗi trống trải bồng bềnh lên vai mẹ. Trong hồi tưởng của những đứa con xa nhà, mẹ mang nỗi buồn lớn lao bởi sự mong ngóng: Người đi cày thấy mẹ ngồi tựa cửa/ Hình mẹ in từ khi trăng non đến lúc trăng già. Nỗi buồn của mẹ vượt thoát khỏi nỗi buồn cá nhân, đồng nghĩa với nỗi buồn của dân tộc: Trên thế gian này đầy người/ Có ai đau khổ như mẹ tôi không/ Trước mặt là biển Đông/ Sóng trào lên nước mắt/ Trên thế gian này đầy người/ Có ai đau khổ như mẹ tôi không/ Sau lưng/ Dãy Trường Sơn/ Là phần mộ của toàn dân tộc.

Mẹ trong thơ Y Phương còn hiện thân cho sự cứu rỗi, chở che. Trong cuộc đời con người, nói như Octavio Paz, mỗi chúng ta sẽ có hai cú nhảy ớn xương sống, cú nhảy đầu tiên là từ bụng mẹ ra ngoài thế giới và cú nhảy thứ hai chính là vào nấm mồ. Hành trình khép kín từ sự sống đi đến cái chết ấy luôn có bóng dáng của người mẹ chở che. Không ít lần sáng tác của Y Phương nói đến xúc cảm của con người trước cái chết. Và ở mỗi thời khắc ấy, người mẹ luôn hiện lên như một sự cứu rỗi. Ý nghĩa này được ông khai thác sâu ở hình ảnh những người lính và người mẹ có con đi lính. Với những người lính ra trận, mẹ là lí do để sống, để trở về nhà sau bao biến cố và vấp váp: Không/ Không thể/ Tôi phải sống để trở về với mẹ. Nỗi đau mất mẹ với họ là nỗi đau ghê gớm nhất đời người: Chim về với tổ/ Cá về với hang/ Mây về với trời/ Người về với mẹ/…/ Ta không còn mẹ/ Biết là về đâu/ Chiều sập xuống rồi. Ở phía người mẹ, dù đứa con là người lính phía bên nào thì tình cảm, sự chở che vẫn không hề thay đổi: Tôi đâu cần chiếc áo này/ Tôi cóc biết Quốc gia Cộng sản/ Tôi chỉ cần con người/ Hiểu không/ Con người/ Nó là con tôi/.../ Nhưng làm sao phải giấu/ Tôi đàng hoàng là một người mẹ/ Đứt ruột sinh con ra/ Sung sướng vì con lớn khôn/ Đau đớn vì con dại dột/ Hạnh phúc vì con trưởng thành/ Có gì khác những bà mẹ khác.

Người mẹ luôn là nơi trú ngụ an toàn nhất, yên ổn nhất cho những đứa con. Sự che chở của mẹ dành cho con không gì ngăn cản nổi, kể cả cái chết: Các con nhớ hàng năm/ Ngày ba tháng ba/ Mẹ hiện về/ Thôi nào/ Li biệt.

Có thể nói, những suy tư, liên tưởng về mẹ trong sáng tác của Y Phương không hoàn toàn mới so với thơ của các nhà thơ khác cùng viết về đề tài này, nhưng bằng thứ ngôn ngữ thơ đặc sắc, có giọng điệu, bản sắc, thơ về mẹ của Y Phương vẫn mang đến một phong vị riêng khác với nhiều dư ba, ám gợi.

T.C

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)