Một Hà Nội đổi mới trong tranh Trần Khánh Chương

Thứ Sáu, 19/03/2021 16:20

. THU SANG

 

Hà thành là vùng đất gợi cảm hứng sáng tác cho nhiều thế hệ văn nghệ sĩ, trong đó có họa sĩ. Nhiều họa sĩ đã tạo nên tên tuổi, thương hiệu, bản sắc cho riêng mình chỉ bằng việc vẽ về Hà Nội, trong đó tiêu biểu nhất là Bùi Xuân Phái. Và trong rất nhiều trường phái, phong cách vẽ về Hà Nội, chúng ta bắt gặp ở đó một nét riêng của họa sĩ Trần Khánh Chương. Nhắc đến Trần Khánh Chương là nhắc đến tranh thạch cao và tranh tempera trên lụa, tranh sơn dầu, tranh acrylic... Với tranh khắc thạch cao lấy cảm hứng từ vốn cổ dân tộc, ông từng giành giải chính thức Triển lãm đồ họa quốc tế “InterGrafik 1984” ở Berlin. Đó thực sự là một thành công lớn của nghệ sĩ Việt Nam trên trường quốc tế, bởi cho đến thời điểm đó chỉ có hai người Việt Nam vinh dự được nhận giải thưởng này (người đầu tiên là họa sĩ Phạm Văn Đôn, tại InterGrafik 1980). Với tranh tempera trên nền lụa, Trần Khánh Chương cũng tạo ra cho mình một hình thái riêng, hoàn toàn mới của hình sắc, thoát khỏi sự ràng buộc một cách truyền thống hoặc cổ điển. Với tranh sơn dầu là sự phát triển của tempera, họa sĩ Chương cũng thỏa sức ngập trong sắc màu với những lớp lang. Đề tài họa sĩ thể hiện thường là tĩnh vật, tranh phong cảnh với cái nhìn mới mẻ, tranh vẽ hoa với nhiều sắc màu và nổi hơn cả là vẽ về người phụ nữ mà đặc biệt là vợ ông - nhà sưu tập Bích Ngọc. Cũng không thể không nhắc đến mảng tranh về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng hay đề tài công nghiệp hóa, hiện đại hóa của ông. Đây là những dòng tranh mà bên cạnh ý nghĩa nghệ thuật là ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ về tình yêu nước, yêu quê hương. Trở lại với dòng tranh về Hà Nội, Trần Khánh Chương không lựa chọn vẽ về Hà Nội với những con phố cổ, những ngôi nhà hàng trăm năm tuổi, những thắng cảnh chùa chiền, hay Hà Nội đi vào mười hai mùa hoa vốn đã quá quen thuộc với công chúng yêu hội họa. Thay vào đó, ông lựa chọn một hướng đi mới: Vẽ Hà Nội trong dáng dấp một Thủ đô đang từng ngày công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Họa sĩ Trần Khánh Chương

Là một trong những họa sĩ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mĩ, Trần Khánh Chương đã chứng kiến sự đổi thay của đất nước, mà cụ thể là một Thủ đô Hà Nội thay da đổi thịt qua nhiều giai đoạn bằng một tinh thần mạnh mẽ, đặc biệt là giàu hoài bão khi ông còn trẻ. Nhờ sự mở cửa thông thương mà các chất liệu mới được du nhập về, sự phát triển của khoa học kĩ thuật đã cho ra đời những chất liệu hội họa mới, đặc biệt là màu acrylic. Trong lịch sử hội họa, chất liệu acrylic thực sự làm nên một cuộc cách mạng. Hoạ sĩ Chương đã nhanh chóng tiếp thu bảng màu mới, sử dụng chính chất liệu mới để phản ánh sự thay đổi mới của một Hà Nội nghìn năm văn hiến. Phát huy hết khả năng của màu và khả năng nhìn nhận của mình, Trần Khánh Chương đã cho ra đời một loạt tác phẩm về Hà Nội đổi mới, trong đó đặc biệt chú trọng việc khắc họa các công trình giao thông công cộng hiện đại, những ngôi nhà chọc trời, sự đi lại đầy nhộn nhịp của một vùng đất đông dân…

Hà Nội đổi mới trong mắt của họa sĩ Chương là những cột bê tông dày cộp, chắc nịch, giàn giáo sắt thép kiên cố đầy ấn tượng được dựng lên nhanh chóng thế chỗ cho hàng cây xà cừ đã đi vào tiềm thức của những người dân quận Thanh Xuân một thời trong tác phẩm Buổi sáng trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội (120 x 140 cm); là sự nhộn nhịp xe cộ trong hai làn đường hầm vào buổi sáng sớm trong Qua hầm Kim Liên, Hà Nội (120 x 140 cm); là những chiếc ô tô con, ô tô tải, xe container chở hàng hóa cồng kềnh ì ạch qua cầu Đông Trù trong tác phẩm Qua cầu mới Đông Trù (120 x 140 cm); là những nhà cao tầng, biển chỉ ngân hàng với cái tên rất mới, đường hầm cong dài hun hút trong Hà Nội ngày mới (120 x 140 cm)… Nhờ ưu tính của chất liệu màu, họa sĩ đã thành công trong việc đẩy nhanh tốc độ sáng tác của mình khiến mọi cảm xúc được nắm bắt trọn vẹn mà không bị trôi tuột. Ấn tượng nơi những bức tranh về sự đổi mới là khoảng không gian bao la, rộng lớn, điểm nhìn từ thấp lên cao, hoặc ngang tầm mắt; là những cột bê tông, những giàn giáo, những thanh sắt to sụ chiếm phần lớn diện tích bức tranh cho thấy sự “bê tông hóa” của đô thị và con người xuất hiện thật nhỏ bé trên đường. Luật xa - gần ở đây được họa sĩ triển khai có hiệu quả cho người xem thấy được sự hun hút, sâu và dài, cái thần, cái hồn của một Hà Nội vừa cổ kính vừa đang chuyển mình mạnh mẽ. Phát huy tối đa bảng màu của acrylic, cảnh vật trong tranh Trần Khánh Chương đều rực lên bởi nhiều sắc màu và dường như mọi cảnh vật về Hà Nội đều bừng tỉnh với diện mạo mới trong ánh nắng chói sáng. Cách đi bút của họa sĩ rất dày màu, có chỗ như cuộn màu, thay đổi đường hướng đi liên tục cho ta thấy một Thủ đô đang đổi mới từng giây từng phút từ những điều nhỏ nhất. Màu sắc rực rỡ là vậy nhưng nếu để ý từng góc nhỏ trong tranh, ta vẫn bắt gặp đâu đó những khoảng tĩnh ẩn sâu dưới những lớp lang. Người họa sĩ già đương đại nhìn về một thành phố năng động cùng nhiều nét đổi thay song vẫn giữ được sự hài hòa trong từng nhịp sống.

Ở đây, trong bất kì tranh về Hà Nội nào của họa sĩ Trần Khánh Chương, chúng ta đều bắt gặp sự tĩnh - động, sáng - tối, nóng - lạnh rất nét, biểu hiện mối quan hệ tương phản rất rõ ràng. Các bức tranh đều có không gian rộng nhưng lại được khai thác khá nhiều chi tiết có ý nghĩa như: công trường xây dựng không thể thiếu những cột biển báo xin người tham gia giao thông nhường đường; kiến trúc của cây cầu Đông Trù - cây cầu rộng nhất cả nước, là huyết mạch quan trọng thông xe đi sân bay Nội Bài; hầm giao thông Kim Liên là đường hầm hiện đại nhất Việt Nam với kết cấu hầm kín bê tông cốt thép và tường kín bê tông cốt thép khổng lồ ẩn hiện sừng sững trong nắng gắt của Thủ đô… Nắm bắt đúng cảm xúc, sự vật mà người dân đang nhìn thấy, Trần Khánh Chương phản ánh những thay đổi đó không phải bằng sự phê phán, phàn nàn mà chỉ đơn giản là diễn tả một đô thị đang thay áo, một đô thị đang trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa bằng yêu thương, lạc quan, hi vọng. Seri tranh đề tài Hà Nội đổi mới giúp người xem đón nhận và cảm nhận được trong từng bức là sự lãng mạn, tính mới mẻ, thời sự phù hợp với sự nắm bắt nhạy cảm của công chúng hiện nay. Và điều đó cần được ghi nhận như là một thành công mới của ông.

Trong sự phát triển của nền văn học nghệ thuật nước nhà nói chung, của mĩ thuật nói riêng, họa sĩ Trần Khánh Chương đóng góp to lớn trên cả hai phương diện: làm nghề và hoạt động của Hội Mĩ thuật Việt Nam. Sự ra đi của ông để lại niềm tiếc thương với người thân, bạn bè, đồng nghiệp và những người yêu mĩ thuật. Về cuộc đời làm nghề của họa sĩ Trần Khánh Chương, họa sĩ Lương Xuân Đoàn nói: “Họa sĩ Trần Khánh Chương là người gần gũi, thấu hiểu, lắng nghe và chia sẻ với các nghệ sĩ ở từng thế hệ, từ những người cao tuổi đến nghệ sĩ trẻ. Ông luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến các nghệ sĩ và luôn tạo điều kiện tốt nhất cho họ hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Đó cũng là cống hiến thầm lặng của ông trong nhiều thập kỉ qua cho sự phát triển của mĩ thuật Việt Nam.” Chúng ta cũng thấy sự gần gũi, quan tâm thế hệ của họa sĩ Trần Khánh Chương được biểu hiện ngay ở đề tài Hà Nội. Nhiều họa sĩ trẻ đã tiếp nối, mở rộng và phát triển theo những hướng khác nhau mạch đề tài Hà Nội công nghiệp hóa, hiện đại hóa của ông. Có thể kể đến Ngân Chài với Những con đường thành phố, Đỗ Chuyển với Tan ca, Nguyễn Thị Phương Lan với Cầu Nam Triệu ở cửa sông, Nguyễn Văn Đức với Công trường ngày mới, Nguyễn Văn Vinh với Bê tông hóa…

Hà Nội, Thủ đô ngàn năm văn hiến, là trung tâm văn hóa lớn của cả nước, là nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận cho giới văn nghệ sĩ nói chung, họa sĩ nói riêng. Theo suốt chiều dài lịch sử, Hà Nội không ngừng được phát hiện, làm mới những lớp trầm tích văn hóa kiến tạo bởi những tác phẩm nghệ thuật có giá trị, trong đó có hội họa. Và trong số những tác phẩm giúp người Việt cũng như thế giới hiểu và yêu Hà Nội, tôi tin chắc chắn có những tác phẩm của họa sĩ Trần Khánh Chương.

T.S

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)