(Trường hợp Sóng ngầm của Linda Lê)
. THÁI PHAN VÀNG ANH
1. Viết văn không bằng tiếng mẹ đẻ - mà bằng một ngôn ngữ “mạnh” (tiếng Pháp) - riêng điều này đã cho thấy Linda Lê không lựa chọn trở thành nhà văn của chỉ một dân tộc, một quốc gia. Tuy vậy, không thể đoạn tuyệt với cái tôi đời thực vốn có một quốc tịch, một quê hương, rốt cuộc Linda Lê vẫn thuộc về một nơi chốn, dẫu đó là nơi “không thể xác định”, bấp bênh và không ngừng chuyển dịch, và dẫu tự tác giả luôn cảm thấy không thật sự gắn kết với một nơi nào. Vì vậy, không chủ đích viết văn từ tiểu sử, hay ưu tiên tự thuật hơn hư cấu, song, như một ám ảnh, đề tài về tình phụ tử, sự lìa xa gia đình, quê hương, bi kịch bị chối bỏ, sự lạc lõng, chông chênh của thân phận lưu đày… lặp đi lặp lại trong nhiều tiểu thuyết của Linda Lê. Sóng ngầm(1) được xem là tiểu thuyết thể hiện rõ nhất cái tôi đồng bệnh tương lân của nhà văn gốc Việt này với các nhân vật trong tác phẩm.
2. Không thuộc dòng văn học chấn thương, song bằng cách nhìn sâu vào những khuất lấp nội tâm của kiểu con người loay hoay xác lập, truy tìm căn tính, Sóng ngầm đem lại một cách nhìn mới về những thân phận nhập cư, những con người đang đánh mất dần tiếng mẹ đẻ để trở thành những công dân toàn cầu, không bị trói buộc bởi các đường ranh giữa các quốc gia, dân tộc. Bi kịch của họ không phải ở chỗ “nơi sống” mà chính là tình thế bị lưu đày trong tâm thức. Qua bốn nhân vật chính (Văn, Lou - vợ, Laure - con gái và Ulma - người tình của Văn), Linda Le đã khái quát về thời cuộc, về số phận của nhiều thế hệ không thể bám rễ vào quê hương với những sang chấn tinh thần đồng dạng.
Văn, 15 tuổi rời Việt Nam, đến Pháp và đứt lìa với quê hương bởi mẹ anh đã mất trước khi kịp đến nước này đoàn tụ cùng anh như dự định. Văn cũng chưa bao giờ vượt qua nỗi đau bị cha ruồng bỏ ngay từ khi chưa tròn tuổi, kể cả khi anh “gần như nhẹ người khi hay tin ba chết”. Giống Văn, Ulma- đứa con hoang, đứa con lai giữa Âu và Á, không biết gì về người bố Việt và hầu như không có mẹ trong những năm tháng tuổi thơ - cũng mang những di chứng nặng nề của chấn thương tâm lí và những rối loạn tâm thần. Lou, vợ Văn, được cha dượng yêu thương nhưng lại luôn mâu thuẫn với mẹ và rốt cuộc cũng bị mẹ chối bỏ. Lou còn bị “mất” chồng trong mối quan hệ tay ba giữa cô, Văn, Ulma và rồi vì ghen tuông mà rơi vào bi kịch giết chồng.
Nếu sự thiếu hụt tình cảm gia đình, thèm khát máu mủ đã khiến Văn và Ulma (em gái cùng cha khác mẹ) rơi vào mối tình loạn luân không thể kiểm soát thì hi vọng về một cuộc hôn nhân ổn định, một gia đình thuận hòa khiến Lou hóa điên khi bị bội phản. Những bất thường trong hành động, tâm lí từ những sang chấn tinh thần ấy chính là có nguồn cơn từ những bất hạnh sâu xa, những nỗi cô đơn, khát vọng bản thể. Chấn thương của họ là chấn thương kép: vừa bị bỏ rơi, từ chối (bố/ mẹ - nguồn cội) vừa bị lấy mất chỗ dựa thân thiết, ruột rà (mẹ/ chồng - sợi dây gắn kết với quê hương, với cuộc đời).
Mặc cảm thân phận khiến các nhân vật trong Sóng ngầm phản ứng với cuộc đời theo những cách riêng. Lou chọn nghề dạy học để truyền đạt những tư tưởng độ lượng, đi ngược các luận thuyết định kiến của mẹ. Ulma tìm đến sách vở và chút ràng buộc máu mủ trong mối quan hệ loạn luân. Văn xoay trở để tự tin bên cạnh người bản xứ, lựa chọn các giá trị phi quốc gia và nhờ Ulma, qua Ulma, nối lại với phần cội nguồn từng bị lãng quên. Bi kịch từ gia đình của các nhân vật không tách rời với bi kịch đánh mất, không có quê hương. Nhìn sang tiểu sử tác giả có thể thấy bi kịch “thiếu quê hương” của chính Linda Lê được cài cắm vào cặp đôi Văn và Ulma, vừa tương đồng vừa đối lập, làm nên một sự bổ sung hoàn hảo cho kiểu con người lưu đày, vừa chối bỏ, đánh mất vừa truy tìm thân phận.
Lớn lên trong hoàn cảnh bị bỏ rơi, bị xóm giềng nhòm ngó nghi kị, Văn bị đẩy dần về phía văn hóa Pháp. Văn nói tiếng Pháp cùng với mẹ, sành sỏi tập tục, văn học Pháp trong khi ù cạc ca dao, truyền thuyết Việt hay các trang sử về bán đảo Đông Dương. Rời bỏ quê hương với nhiều ảo vọng, trong đó có cả ảo vọng sẽ vượt lên trước dân Pháp gốc khu Latinh, ham muốn tự khẳng định của Văn suy cho cùng chính là để che đi những mặc cảm về cội rễ trong những ngày tháng lưu vong. Văn hấp thu được nhiều tinh hoa văn hóa phương Tây, hòa nhập tốt đến mức “chỉ còn chất Á ở dung mạo và chất Việt ở danh xưng” và hẳn nhiên “không thuộc số người lưu vong mỏi mòn vì xa tổ quốc”.
Cùng với các phản ứng tự khẳng định và quên đi những nỗi đau, cội nguồn quê hương với Văn ngày càng xa cách. Anh sống ở khu phố nhan nhản người châu Á, nhưng thờ ơ với đồng bào, với những người cùng sắc tộc, “không day nhấn vào thân phận nhập cư của mình, mà gạch chéo trang lai lịch bản thân”. Bi kịch mất quê hương dù không quá giày vò anh song vẫn luôn hiện hữu dù Văn có tìm cách không nhắc đến. Văn đã tự “kéo màn khép lại tuổi thơ tại Việt Nam” cho đến khi nhận được thư của Ulma, biết mình có một người em cùng nguồn cội, bản thể khác của chính mình. Bằng khao khát tìm hiểu thân phận, Ulma đã giúp Văn biết thêm một phần đời khác của bố họ. Và bằng tất cả những mất mát về gia đình, Ulma cũng đã giúp Văn nhìn thấu bi kịch bị chối bỏ, dẫu anh cố tình quên lãng, như một cơ chế tự vệ, xoa dịu chấn thương.
Thái độ và hành động quyết liệt tìm kiếm quê hương, nguồn cội của Ulma đã làm sống dậy trong Văn cả một tuổi thơ cùng cố quốc vốn chỉ tạm đóng băng trong tiềm thức. Có thể xem Ulma là phần sáng của những góc tối trong Văn, buộc anh đối diện với bi kịch đánh mất quê hương, để rồi vỡ lẽ, hóa ra nó cũng đau đớn như việc không có quê hương của cô, trước khi họ tìm thấy nhau để lấp đầy những khuyết thiếu.
3. Đề cập bi kịch con người xa xứ, Sóng ngầm gần với một chủ đề quen thuộc của văn học hải ngoại là cảm thức tha hương. Nhưng khác với các nhà văn Việt ở hải ngoại, Linda Lê không quá nhấn mạnh đến tâm thức lưu vong. Nhân vật của chị không loay hoay đi tìm căn cước, sống cuộc đời vô nghĩa ở xứ người chỉ vì lãng quên nguồn cội (như An Mi trong Và khi tro bụi của Đoàn Minh Phượng), cũng không đau đáu hướng về quê nhà dù đã chủ động rời bỏ (như Quyên trong tiểu thuyết cùng tên của Nguyễn Văn Thọ). Nhân vật của Linda Lê ý thức rõ về tình trạng “lơ lửng” của bản thân, không quá dằn vặt, đau đớn, dù trong thẳm sâu không thể từ bỏ, cũng như không thôi truy tìm căn tính Việt.
Có thể nói, chọn viết để “khôi phục lại những nỗi đau và những nỗi ngất ngây từng cảm nhận, khi di trú từ một không gian tưởng tượng đến một không gian khác”, Linda Lê dễ dàng nhập thân vào nhân vật để chiêm nghiệm về thân phận lưu đày của những người tha hương, hay những người bơ vơ giữa một chốn hai quê. Bi kịch của Linda Lê và nhân vật của chị là bi kịch của “kẻ khác”, đối với cả quê hương lẫn nơi đang sinh sống.
Nhờ lấy Lou, Văn “không bị rơi vào cái bẫy co cụm cộng đồng, tiền định dành cho những kẻ vô xứ, khi họ phải chịu cảnh biệt lập”, song gốc gác lưu vong, bất chấp ý muốn của Văn đã hiển lộ rất rõ ở thế hệ F2 - cô con gái Laure “da trắng nõn nà, mũi Hi Lạp, nhưng tóc lại đen như than còn mắt thì xếch”. Văn, “da vàng, mặt nạ trắng”, không còn liên hệ gì với quê hương, vẫn không thể chối bỏ căn tính Việt, trước tiên là ở dấu hiệu hình thức. Và mặc dù từ chối nhớ đến cội rễ Á Đông, Văn vẫn ý thức rất rõ sức hấp dẫn ít nhiều mang căn tính Việt của bản thân, biết Lou ngả vào anh, thay vì những người đàn ông Pháp bản xứ lịch lãm, chỉ bởi anh là một “kẻ khác”.
Lí giải sự hấp dẫn đến từ cái khác/ kẻ khác, Laure cho rằng Lou chọn Văn “có thể vì ổng từng là kẻ lưu vong và hồi hai mươi tuổi bả làm từ thiện cho tổ chức Amnesty International”. Lou quan tâm đến Văn như cô từng quan tâm đến vấn đề giải phóng thực dân, đến chiến dịch Điện Biên Phủ và chọn Văn như là một hình thức chuộc tội của kẻ thuộc về phía đám thực dân áp bức. Dường như, có sự lặp lại mang tính di truyền thế hệ về hấp lực Việt của Văn đối với cả Lou và Ulma. Bố Văn đã từng làm mẹ Ulma mê mệt và khiến bà tình nguyện đứng bên lề cuộc đời ông, một người đàn ông đã có gia đình.
Nhờ là “một người lính Cụ Hồ”, biểu tượng của “cuộc đấu tranh của một dân tộc nhỏ bé anh hùng chống lại bá quyền của một quốc gia lớn”, hình ảnh người bố chung của Văn và Ulma đã không bị tầm thường hóa. Đây chính là ưu thế của cái khác, của căn tính Việt, từ cái nhìn bên ngoài xứ sở. Sự kiêu hãnh ngấm ngầm về sự khác biệt cũng chính là điểm tựa để Văn không mấy trăn trở về thân phận lưu vong, xoa dịu bi kịch bị ruồng bỏ, bi kịch không có/còn Tổ quốc của một kẻ nhập cư ở xứ người.
Với “một chút máu Việt, một chút máu Thổ bên đằng cụ cố ngoại, một chút máu Basque của bà ngoại”, Ulma là “cái ngoại lai hẳn hoi”. Và “vốn tán thành sự pha trộn các dân tộc”, Văn lập tức bị Ulma thu hút, trước khi kịp nhận ra phần Việt Nam trong Ulma mới là thứ khiến anh tìm thấy chính mình và tìm lại được Tổ quốc. Ulma là phần bổ sung để Văn nhìn sâu vào nội tâm và xác lập bản thể. Và nếu Văn chưa bao giờ có ý vượt biển tìm về quê cha đất tổ, bị/tự đồng hóa và an cư ở Pháp, thì Ulma lại có ý thức tìm hiểu về bố, về Việt Nam. Dù giữa Ulma và bố chỉ có một sợi dây níu mơ hồ, song dòng máu Việt trong cô vẫn thôi thúc cô truy tìm căn cước. Cô đến Sài Gòn, tìm về đồng bằng sông Cửu Long dù không biết để làm gì, tìm gì. Cô viết thư cho người anh trai cùng cha khác mẹ, tìm sợi dây nối hiếm hoi của mình với nguồn cội, dù đã đắn đo, chần chừ mất hai mươi năm.
Và rồi Ulma, người em “bản sao có quyền uy thần diệu”, người cũng mang dòng máu Việt Nam, đã khiến Văn từ chỗ chối bỏ đi đến tìm lại được quê hương, xác lập được căn cước. Văn đã biết khát thèm được sống lại trong âm thanh thân thuộc, sinh động của tiếng Việt: “Tôi thấy ngọt ngào làm sao khi thốt Yêu em với Ulma bằng thứ tiếng ba mươi năm nay tôi không còn nói nữa”; “Yêu em, với kẻ luôn cảm thấy đang bị lưu đày như tôi, là tìm được cho mình một tổ quốc, không còn là kẻ ngoại cuộc chẳng đồng điệu với ai”. Nhờ Văn, Ulma cũng đã tìm được sợi dây gắn kết với nguồn cội, gốc gác. Chính vị thế lập lờ, “luôn chìa ra chơi vơi, mãi băn khoăn về chỗ của mình giữa người đời” là cội nguồn cho những loay hoay truy tìm căn tính của cả hai người.
4. Hiểu rõ cảm giác không thuộc về đâu của những thân phận lưu vong, bằng văn chương, Linda Lê đã xóa nhòa mọi sự phân cách để mỗi người luôn đồng thời là người kia/ kẻ khác. Có thể nói, tính lưỡng phân của giới tuyến đã chi phối cách nhìn của Linda Lê về vấn đề dân tộc - quốc gia trong thời kì toàn cầu hóa. Bởi, như nhiều người nhập cư khác, Linda Lê luôn thuộc về phía bên kia, dẫu nhìn từ bên phía nào của mọi lằn ranh (với Pháp, cô thuộc về Việt Nam, song với Việt Nam, cô lại là công dân Pháp). Tình trạng lập lờ, nước đôi này là bi kịch nhưng cũng là cơ hội để Linda Lê nhận diện hai mảnh phân thân của những người lưu vong, một - gắn với khát khao truy tìm cội nguồn và một - gắn với những lãng quên, chối bỏ khi xem quê hương chính là nơi cư trú. Vượt qua chấn thương để xác lập, truy tìm căn tính Việt trở thành một chủ đề có tính thống nhất, lặp lại trong các tác phẩm của nhà văn Pháp gốc Việt này mà Sóng ngầm là tiểu thuyết tiêu biểu nhất.
T.P.V.A
--------
1. Sóng ngầm, tiểu thuyết của Linda Lê (Bùi Thu Thủy và Hồ Thanh Vân dịch), Nxb Hội Nhà văn, 2018.
VNQD