Học tập Bác Hồ cách phát hiện ra chủ nghĩa cá nhân!

Thứ Năm, 11/02/2021 15:51

. Nguyên Thanh

 

Bác Hồ “định nghĩa” về chủ nghĩa cá nhân cũng nằm trong phong cách của Người là xu hướng “ngụ ngôn hoá” những khái niệm trừu tượng: “Chủ nghĩa cá nhân là như một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm”[1]; “Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. “Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy”. Nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư nết xấu…”[2]. “Chủ nghĩa cá nhân là một thứ rất gian giảo, xảo quyệt; nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc. Mà ai cũng biết rằng xuống dốc thì dễ hơn lên dốc. Vì thế mà càng nguy hiểm”[3]. Nói về ảnh hưởng tiêu cực của chủ nghĩa cá nhân trong đời sống, Bác Hồ so sánh: “Tư tưởng cộng sản với tư tưởng cá nhân ví như lúa với cỏ dại. Lúa phải chăm bón rất khó nhọc thì mới tốt được. Còn cỏ dại không cần chăm sóc cũng mọc lu bù. Tư tưởng cộng sản phải rèn luyện gian khổ mới có được. Còn tư tưởng cá nhân thì cũng như cỏ dại, sinh sôi, nảy nở rất dễ”[4]. Hình tượng lúa và cỏ dại quá quen thuộc với người cán bộ cũng như nông dân nên bất cứ ai cũng hiểu.

Xác định đó là kẻ thù cực kỳ nguy hiểm của người cách mạng nên Bác rất nhiều lần nói về cuộc đấu tranh với nó. Khi Bác viết bài báo Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, một cán bộ tuyên huấn xin đảo thành: Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Bác nói: “Các chú có lý nhưng chưa hợp lý. Bác muốn hỏi điều này. Gia đình các chú tiết kiệm mua được một bộ bàn ghế và giường tủ mới. Vậy trước khi bê vào phòng, các chú có khênh đồ cũ ra quét sạch sẽ hay cứ để rác bẩn thỉu mà kê bàn ghế, giường tủ mới vào?

Ngừng một lát, Bác tiếp: “-Vì các chú là đa số. Bác đồng ý nhượng bộ, đổi lại đầu đề Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nhưng trong bài dứt khoát giữ nguyên Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng[5].

Bác Hồ phê phán lối suy nghĩ cá nhân chủ nghĩa “ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau”[6], chủ nghĩa cá nhân thì sinh ra tham ô, tư lợi: “có đôi đảng viên như những con lợn, (xin lỗi tiếng đó), họ rúc vào vườn rau của Nhà nước, chén một bữa no say, hoặc họ hy sinh lợi ích của nước nhà, để lên mặt mình là khảng khái”[7]. Bác yêu cầu cán bộ đảng viên phải thường xuyên trau dồi phẩm chất: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”[8]. Rèn luyện cả trong tư tưởng và thể hiện ở hành động: “Nếu đảng viên tư tưởng và hành động không nhất trí, thì khác nào một mớ cắt rời, "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược". Như vậy, thì không thể lãnh đạo quần chúng, không thể làm cách mạng”[9]. Rèn luyện bằng cách đấu tranh với những tư tưởng sai trái, loại bỏ cái xấu, phát huy cái tốt: “cải tạo những cái gì không đúng, học tập những tư tưởng tốt. Ghét, bụi còn chải giũa được, nhưng tư tưởng phải đấu tranh gay gắt, không phải dễ dàng. Đấu tranh để tiến bộ, nếu không đấu tranh thì thoái bộ, nên chúng ta phải cố gắng học tập cải tạo, quyết tâm cải tạo”[10]. Dĩ nhiên cuộc đấu tranh ấy là cực kỳ gay go phức tạp, có thất bại sẽ có thành công, theo Bác Hồ đó là "đứt tay, hay thuốc": “Trải qua thất bại, người ta học được kinh nghiệm, để sửa đổi tư tưởng cho hợp quy luật khách quan, rồi đổi thất bại ra thành công, “đứt tay, hay thuốc” là như vậy”[11]. Nếu không học tập, đấu tranh, cải tạo thì lại trở thành lực cản: “Tình hình đã tiến lên, mà sự hiểu biết của họ cứ ở chỗ cũ, vì tư tưởng của họ xa rời thực hành. Họ cũng như những người không đi trước xe để hướng dẫn, lại chạy sau xe và trách xe chạy mau quá. Họ muốn gò xe lại, làm cho xe thụt lùi”[12]. Hai hình ảnh ngụ ngôn tương phản nhau làm bật ra cái phi lý: người hướng dẫn lại chạy sau xe. Nhân dân có câu: đảng viên đi trước làng nước theo sau, ở ngụ ngôn của Bác Hồ đưa ra lại ngược lại: “cái xe” làng nước lại đi trước còn các đảng viên lạc hậu lại đi sau, thậm chí họ còn muốn “gò xe lại”.

Bác Hồ chỉ ra một loạt các biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân trong đời sống, ví như tham ô, không chỉ là biểu hiện lấy của công làm của tư, mà còn một biểu hiện khác: “Nói đến tham ô, có người chỉ nghĩ đến ăn cắp của công làm của tư mà không thấy thứ tham ô gián tiếp. Thí dụ một cán bộ, Chính phủ, nhân dân trả lương hàng tháng đều cho, nhưng lại kém lòng trách nhiệm, đứng núi này trông núi nọ, làm việc chậm chạp, ăn cắp giờ của Chính phủ, của nhân dân”[13]. Hoặc có làm việc nhưng “Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy, v.v…”[14]. Hoặc là xa dân, thiếu thực tế: “cả đời chỉ loanh quanh trong trụ sở. Có người thì bao giờ “sấm ra đá kêu” mới gặp dân chúng một lần. Khi gặp dân chúng thì đút tay vào túi quần mà "huấn thoại", nói hàng giờ, nói bao la thiên địa”[15]. Thậm chí có kẻ lại chỉ thích ăn diện trong khi mọi người chẳng nghĩ đến trang sức cá nhân, làm lụng vất vả, tần tảo sớm hôm. Những kẻ ấy được Bác Hồ giễu qua một ngụ ngôn (trích ra từ bài báo Cán bộ và đời sống mới được Bác viết đăng báo Sự thật số 88, ngày 2-9-1947 với bút danh A.G):

“Nếu ăn mặc bảnh, mà được oai tín thể diện, thì mấy chàng Sở Khanh chẳng nhiều thể diện oai tín lắm ư?

Mà Hồ Chủ tịch, quanh năm bốn mùa, chỉ mặc một bộ áo vải ka ki cũ, mỗi ngày chỉ có rau ăn rau, có mắm ăn mắm. Như thế, Người chẳng mất oai tín thể diện đi sao?”[16].

Bác kể chuyện ở lớp Chỉnh Đảng Trung ương khoá 1 năm 1952 tại Việt Bắc: “ Từ khi loài người có đầu óc tư hữu thì sinh ra nhiều thói hư tật xấu. Đường Tăng là một vị chân tu, bản chất tốt, có lòng nhân hậu, có tính khoan dung. Ông ta muốn chống áp bức, nhưng không có đường lối cách mạng dẫn đường. Tin vào sức mạnh cảm hoá cảu đạo Phật, nên ông tình nguyện đi lấy Kinh Phật để truyền bá. Sau 14 năm trời, tức là qua 5048 ngày đêm, thầy trò Đường Tăng vượt 18 vạn 8 ngàn dặm đường, chịu đựng 81 tai ương để lấy được 55 bộ kinh gồm 5048 quyển. Đó là pho truyện dài, đấu tranh giữa thiện và ác, chính nghĩa và phi nghĩa. Còn có thể tìm thấy ở Tây du ký nhiều vấn đề bổ ích nữa. Đường Tăng là một người có lập trường kiên định, có bản lĩnh, tạo được cái “bất biến” để đối phó với cái “vạn biến”.

Còn Tôn Ngộ Không vì không tu hành đạo được nên vẫn còn cái đuôi. Khi Tôn Ngộ Không biến thành cái đình thì cái đuôi ở sau phải hoá phép làm cái cột cờ. Bọn ma vương thấy lạ, tại sao cột cờ ở phía sau đình, phát hiện ra cái đuôi của Tề Thiên Đại thánh nên không bị mắc lừa, không vào đình nữa, nên mưu của họ Tôn bị thất bại.

Bác nói tiếp: “Người cách mạng chúng ta nếu không tu dưỡng thì cũng có phen có cái đuôi ấy, dù nhỏ sẽ có ngày gây hậu quả khôn lường”[17].

Năm 1952, trong một lần đến thăm lớp Chỉnh huấn, Bác “viết” chữ rồi hỏi cán bộ. “Bác cầm que vạch một vạch, rồi hai vạch dọc từ trên xuống dưới, ban đầu thì thẳng đứng, xuống đến vạch ngang thứ hai đã “queo”, vạch thứ ba thì “quẹo”, vạch bốn như một con giun, loằng ngoằng như cái đuôi chuột nhắt...

Bác đứng dậy:

- Chịu hết à? Có thế mà không đoán ra... Các chú biết cả đấy...

Để que xuống đất, Bác nói:

- Chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng đúng đắn... Đến tỉnh đã hơi cong, đến huyện đã “tả hữu”, đến xã đã sai lệch. Vì sao? Vì cán bộ làm không đúng, không nắm chắc chủ trương đường lối, không gần gũi dân, không chịu làm “đầy tớ nhân dân” mà chỉ muốn làm “quan cách mạng”. Cho nên chữ ấy là chữ “quan liêu”. Các chú không học nhưng biết và vẫn làm. Còn cái các chú học, thì các chú lại ít làm...”[18].

Mùa thu năm 1951, Bác đến thăm lớp Chỉnh huấn chính trị toàn quân. Sau khi đọc lên những con số cụ thể về tệ nạn tham ô, lãng phí mà ban lãnh đạo nhà trường đã báo cáo với Bác, Bác nói:

  • Các chú xem đấy, mới có từng này cán bộ mà đã tham ô lãng phí như vậy, thử hỏi nếu cán bộ trong toàn quân, toàn quốc cũng phạm khuyết điểm như các chú ở đây thì thiệt hại cho công quỹ của nhà nước, của nhân dân biết bao nhiêu. Ngừng một lát, Bác hỏi:
  • Ở đây những chú nào có vợ rồi giơ tay.

Có độ một phần ba số cán bộ giơ tay.

Bác chỉ vào một đồng chí trong số những người vừa giơ tay ngồi ở hàng ghế đầu, rồi hỏi:

  • Chú có bao giờ ăn bớt phần cơm của con mình không?

Đồng chí cán bộ trả lời:

  • Thưa Bác, không ạ!
  • Thế thì tại sao của cải của nhân dân, tiêu chuẩn của chiến sĩ hễ sểnh ra là đút vào túi?”[19].

Những câu chuyện thật sâu sắc, thấm thía bởi nó lấy điểm tựa là những sự thật trong đời sống xã hội, trong tình cảm gia đình để nói về đạo đức người cán bộ. Nếu chỉ nói toàn lý thuyết chắc chắn không thể đi vào lòng người như những ngụ ngôn trên.

Bác Hồ đến thăm lớp chỉnh huấn khoá I dành cho cán bộ cao cấp trong kháng chiến chống Pháp. Do chưa có kinh nghiệm nên tình hình học tập căng thẳng về cách làm. Người đến không hề nói lý luận mà kể chuyện Tây du ký:

“Một lần, thầy trò Đường Tăng đi đến một khu rừng thì trời vừa tối. Bỗng thấy trước mặt có một lâu đài nguy nga, tráng lệ với bốn cây cột cao to, mái và tường hoa rực rỡ, sau nhà có một cột cờ đang phấp phới…Thì ra, đó là cạm bẫy của Hầu tinh: bốn cột là bốn cái chân, mái tường là da thịt, chỉ có cái đuôi là không giấu vào đâu được, nó bèn biến thành cái cột cờ. Muốn diệt nó phải chặt cái đuôi của nó đi”. Người rút ra kết luận: “Thế thì trong chỉnh huấn, các cô các chú cũng hay nói: phải cắt cái đuôi tiểu tư sản đi, có phải thế không?”. Lớp chỉnh huấn sôi nổi hẳn lên[20].

Quan điểm của Hồ Chí Minh trước hết là phải làm việc, dĩ nhiên là làm công việc vì dân vì nước, Người gọi là “tinh thần làm chủ”: “Cần nâng cao tinh thần làm chủ. Ví dụ như nhà mình có rác thì phải cầm chổi mà quét chứ không phải kêu la mà nhà sạch được. Kêu la mà không tự mình quét là thiếu tinh thần cách mạng, tinh thần làm chủ. Người cách mạng phải lo lắng trước nhân dân, nhưng phải lo lắng cho đúng”[21].

Chúng tôi xin khép lại mục này bằng mẩu chuyện ngụ ngôn rất tiêu biểu. Hôm đó đồng chí Trần Đăng Ninh lên gặp Bác xin ý kiến vụ án Trần Dụ Châu. Người kéo ông Ninh ra một góc rừng, chỉ lên ngọn cây xoan bị héo, hỏi:

  • Chú có để ý ngọn cây kia không?
  • Dạ, thưa, ngọn cây đã bị úa lá, nó sắp chết ạ!
  • Thế chú có để ý vì sao không?
  • Dạ, thân cây bị lỗ sâu đục rất to, làm cây chảy hết nhựa, đó là nguyên nhân làm cây xoan chết ạ!
  • Theo chú, muốn cứu cây phải làm gì?
  • Dạ, phải bắt và giết hết những con sâu mọt ấy đi ạ!

Bác Hồ gật đầu và nói:

  • Chú nói đúng đấy, với loài sâu mọt đục khoét nhân dân cũng vậy, nếu phải giết đi một con mà cứu được cả rừng cây, thì việc đó là cần thiết, hơn nữa là nhân đạo!

Đêm đó Bác thức trắng suy nghĩ và ký bác đơn chống án tử hình của Trần Dụ Châu”[22].

Hôm nay học và làm theo tư tưởng Bác, Đảng ta đang kiên quyết loại ra khỏi hàng ngũ những “con sâu Trần Dụ Châu” để toàn tâm toàn ý vào mục đích phục vụ nhân dân tốt hơn!

N.T


[1]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia 1994-2002, tập 5, tr 255.

[2]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia 1994-2002, tập 10, tr 306.

[3]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia 1994-2002, tập 9, tr 284.

[4]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia 1994-2002, tập 9, tr 448.

[5]Kể chuyện Bác Hồ, tập 4, tr 19.

[6]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia 1994-2002, tập 10, tr 299.

[7]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia 1994-2002, tập 6, tr 500.

[8]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia 1994-2002, tập 9, tr 293.

[9]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia 1994-2002, tập 9, tr 288.

[10]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia 1994-2002, tập 9, tr 25.

[11]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia 1994-2002, tập 6, tr 249.

[12]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia 1994-2002, tập 6, tr 255.

[13]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia 1994-2002, tập 6, tr 436.

[14]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia 1994-2002, tập 6, tr 345.

[15]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia 1994-2002, tập 6, tr 89.

[16]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia 1994-2002, tập 5, tr 209.

[17]Bác Hồ - con người và phong cách, Tập 4, tr 8.

[18]Bác Hồ với chiến sĩ, Nxb Quân đội nhân dân, 1994.

[19]Tấm lòng của Bác, NXB Công an nhân dân, 2005.

[20]Theo Hồi ký của đồng chí Trần Cung. Chuyển dẫn từ GS Song Thành- Hồ Chí Minh, Nhà văn hoá kiệt xuất. Nxb Chính trị Quốc gia, 2010, tr 60.

[21]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia 1994-2002, tập 10, tr 166.

[22]Nguyễn Chí Thắng, Nguyễn Ngọc Đào, Lê Kim Dung (Biên soạn và tuyển chọn) - Bác là Hồ Chí Minh. Nxb Thanh niên, 2004, tr 72, 73.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)