Trên cái nền xanh vĩ đại và vô biên ấy…

Thứ Sáu, 05/02/2021 10:23

(Đọc Nhật kí phi công tiêm kích của Nguyễn Đức Soát, Nxb Trẻ, 2020)

. BẢO NINH

Tác phẩm văn học đề tài chiến tranh tôi đã đọc được khá nhiều. Không phải tất cả, nhưng có nhiều cuốn hay đến mức đọc một mạch, hết lại đọc thêm lượt nữa. Nhưng hay thì chỉ thâm tâm mình thấy thế chứ không lí luận được rằng hay thế nào, vì sao hay, mà cũng chẳng để tâm phân biệt rành ra là hư cấu hay phi hư cấu. Hay là hay, vậy thôi. Dĩ nhiên không phải không nhận biết được đây là tiểu thuyết, đây là tự truyện, còn đây là hồi kí, là tạp văn, là nhật kí…

Riêng về nhật kí, thì có hai cuốn đã đọc từ lâu mà còn đậm trong tâm trí: Tây Nguyên ngày ấy của bác sĩ Lê Cao Đài và Nhật kí Đặng Thùy Trâm. Rồi bây giờ cuốn này, Nhật kí phi công tiêm kích, vừa đọc xong nhưng biết chắc là sẽ mãi nhớ.

Thú thực, thoạt đầu hơi ngần ngại. Đánh trận ở trên trời, đúng là chuyện “trên trời” đối với mình, tôi đã nghĩ vậy. Không ngờ, rất hay! Giản dị, chân thực, và hấp dẫn. Hay ngay từ những trang đầu, 20/3/1966, tác giả viết khi mới sang Liên Xô học bay được chừng hơn nửa năm, cho đến trang cuối, 31/12/1972, tác giả cùng đồng đội vừa kết thúc thắng lợi Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không.

Tôi theo cuốn nhật kí từ dòng đầu đến dòng cuối không dứt, trước nhất là nhờ văn chương của tác giả. Hành văn ngắn gọn, câu chữ bình dị, thật lòng, không văn hoa chẳng triết lí dài dòng, và nhất là đích thực giọng bộ đội, chất bộ đội. Dĩ nhiên bộ đội cũng như muôn người, mỗi anh mỗi khác, mỗi đơn vị mỗi chiến trường mỗi binh chủng mỗi khác, và bản thân từng anh trải qua rèn luyện và chiến trận cũng đổi thay dáng dấp, phong cách, lối nghĩ, kiểu nói; tuy nhiên vẫn có một cái gì đó rất chung, rất điển hình cho người chiến sĩ, mặc dù không cụ thể, khó diễn tả nhưng lại rất đậm và thậm chí bất biến, giúp cho chúng ta đến nay tuy đã bao nhiêu năm sau chiến tranh nhưng nhìn phong thái, nghe cách nói của một người không quen biết nào đó vẫn nhận ra ngay đấy là một cựu chiến binh. Cố nhiên không phải cứ từng là bộ đội thì có được trong con người mình và nhất là trong câu chữ viết ra của mình thần thái anh bộ đội. Theo tôi, để có được phẩm chất ấy và hơn thế, thể hiện được ra trong chữ nghĩa của câu văn, dù là văn truyện, văn báo, văn hồi kí, văn nhật kí…, anh bộ đội đó phải có cái tình gắn bó sâu nặng mật thiết với quân ngũ và chiến trường; phải vô hạn thấm thía nghĩa tình đồng chí đồng đội; và phải coi đời mình cho dù về sau thế nào vẫn mãi về cơ bản là đời người lính vì vậy cần phải mãi tạc lòng ghi nhớ những tháng ngày chiến đấu, không để cho phai mờ theo thời gian và tuổi tác. Tôi nghĩ có lẽ với tâm thức như thế mà nhiều người đã cầm bút viết trang đầu tiên của nhật kí đời bộ đội.

Tuy vậy, không phải nhật kí bộ đội nào ngay dù là được xuất bản cũng đạt tầm tác phẩm văn học như cuốn nhật kí của Anh hùng Nguyễn Đức Soát. Muốn cắt nghĩa điều này nhưng vì kém khả năng biện giải nên tôi xin trích dẫn một đoạn lời nhà thơ Hữu Việt viết Tựa cuốn Nhật kí phi công tiêm kích mà tôi thấy là rất xác đáng:

“Từ lâu, nhật kí được coi là một thể loại văn học, được nhiều nhà văn sử dụng như một thủ pháp văn chương.

Nhưng những cuốn nhật kí nổi tiếng nhất lại được viết ra một cách tự nhiên, không mang mục đích làm văn, không vay mượn đến bất cứ thủ pháp nào mà tự nó văn chương hơn cả văn chương, bởi mang đậm dấu ấn cá nhân đặc biệt, gắn với những câu chuyện, trạng thái hoặc sự kiện khác thường, bằng sự trung thực và tin cậy đến tận cùng làm lay động người đọc. Lẽ dĩ nhiên còn bằng cả cái tài của người viết…”

Trung thực và tin cậy đến cùng, nhà thơ viết vậy bởi vì ngay dù là viết nhật kí, mình viết cho mình đọc mình ngẫm, mà không phải ai cũng đủ sức mạnh nội tâm để thật lòng được với chính mình. Còn ở đây, trong cuốn này, cái tài văn và sự trung thực của người viết đã đồng nhất, hoặc có thể nói phẩm chất này tạo ra phẩm chất kia, làm nền và làm động lực cho phẩm chất kia. Và vì là “nhật kí phi công tiêm kích” nên dĩ nhiên những trường đoạn không chiến đối trận là minh chứng trước nhất và rõ nhất cho sự đồng nhất giữa sự trung thực và cái tài văn của người viết.

Tôi thầm ngạc nhiên thấy mình “bị” ngòi bút của Nguyễn Đức Soát hấp dẫn và lôi cuốn vào những trận chiến trên tít tắp trời cao một cách mãnh liệt đến như vậy. Mãnh liệt đến độ hồi hộp theo diễn biến từng giây của mỗi trận đánh, và sâu sắc đến độ hòa cùng tâm trạng với người phi công, lúc rạo rực mừng vui thắng trận, lúc buồn đau vì thất bại, đau đớn xót xa vì hi sinh tổn thất.

Trong nhật kí, mỗi trận đánh mỗi khác, mỗi giai đoạn mỗi khác. Từ những trận trong giai đoạn Mĩ tạm ngừng ném bom miền Bắc (1969-1971), tác giả trên chiếc MiG-21 truy đuổi rượt bắn bọn trinh sát các loại RF và không người lái, đến những cuộc ác chiến năm 1972 giao phong sống mái với bọn cường kích A7, F105, bọn tiêm kích F4, bọn pháo đài bay B-52, đều đã được miêu tả sống động, sắc nét và chớp nhoáng, vừa chi tiết cận cảnh mặt đối mặt, vừa bao la toàn cảnh cuộc quần thảo truy diệt tràn rộng khắp bầu trời và trên nhiều tầng mức độ cao giữa đội bay hai chiếc của quân ta với đông nghịt bầy đàn đủ loại phi cơ Mĩ. Không chỉ nhìn thấy, tôi còn nghe thấy được từ trang sách tiếng nói xung trận của phi công, mệnh lệnh của sở chỉ huy, điều hướng của dẫn đường, tiếng gầm rú của máy bay, của hỏa lực. Thật là một ngòi bút tả thực xuất sắc. Nhưng cái hay của tác phẩm không chỉ ở bút pháp mà còn vì “được viết ra một cách tự nhiên, không mang mục đích làm văn”, nhờ thế mà không sa vào những lối mòn văn chương. Chẳng hạn lối mòn của sự khoa trương, một chiều ta thắng địch thua, ta sống địch chết; hoặc, cũng sự khoa trương, nhưng ngược lại, bi kịch hóa các trạng thái và sự kiện một cách khiên cưỡng. Không sa vào hai lối mòn ấy, khiến cuốn nhật kí “tự nó văn chương hơn cả văn chương”. Đạt được như vậy là nhờ cái tâm và cái tầm của tác giả.

Nhật kí phi công tiêm kích cũng đã thể hiện được chiều sâu và diễn biến nội tâm của người viết, mà đấy là yêu cầu hàng đầu và quan trọng nhất đối với một tác phẩm văn học. Vì là nhật kí, mình viết cho mình nên tác giả không cần chú trọng đào xới mình, nhưng khi nhật kí được xuất bản, thì những dòng tâm tư, những suy nghĩ, những nhận định dù thường khi chỉ thoáng qua viết lướt về cuộc sống, về hòa bình, về chiến tranh, về đồng bào, về quê hương đất nước nói chung và về bản thân mình, bạn hữu thân thiết của mình nói riêng, lại đặc biệt lay động người đọc. Qua từng ngày, từng trang nhật kí, người đọc có thể cảm nhận được con người bên trong của tác giả, về nội tâm, về tính cách, về những phẩm chất tinh thần; có thể thấy được sự trưởng thành của tác giả từ một học viên non trẻ đến một chiến binh dũng mãnh, từng trải, đầy bản lĩnh và nhiều chiến công, hơn thế, một người chỉ huy tài giỏi và đáng tin cậy của đơn vị song vẫn dào dạt tình cảm tuổi thanh xuân, vẫn một tâm hồn tươi trẻ, trong sáng, sẵn sàng chiến đấu hi sinh mà nồng nàn tình yêu cuộc sống.

Cuốn nhật kí này còn đặc biệt toát lên một cách ngời sáng một trong những phẩm chất ưu tú và đẹp đẽ nhất của người chiến sĩ Quân đội Nhân dân, ấy là tinh thần vì đồng đội. Là nhật kí, tất nhiên là của cá nhân tác giả, nhưng cũng có thể đặt tên cho tác phẩm này là “Nhật kí Đồng đội”. Tôi đọc được ở trong đây cuộc sống và cuộc chiến đấu hàng ngày của tác giả Nguyễn Đức Soát, đồng thời cũng đọc thấy đậm nét cuộc đời chiến đấu, chiến công và cả sự hi sinh của rất nhiều phi công tiêm kích nổi tiếng cũng như còn thầm lặng ít được biết tới của Không quân chúng ta. Rộng ra, cuốn nhật kí còn cho thấy một cách trực cảnh và đa chiều cuộc chiến đấu đầy cam go khốc liệt của Không quân ta đánh thắng Không lực Mĩ trong suốt chục năm trời dữ dội lửa đạn của hai lần cuộc chiến tranh phá hoại.

Tôi đọc lại lần nữa Nhật kí phi công tiêm kích với niềm xúc động sâu xa. Nội dung là về cuộc đời chiến đấu của tác giả Nguyễn Đức Soát, nhưng cuốn nhật kí lại đưa tôi trở về những năm tháng của đời mình trước ngày nhập ngũ. Tôi nhớ Hà Nội hồi những năm nửa cuối thập niên 1960, còi báo động, tiếng đạn pháo cao xạ, tiếng gầm gào rùng rợn của oanh tạc cơ bổ nhào trút bom. Trời long đất lở, mù mịt khói lửa, thành phố rúng động, chao đảo, ấy vậy mà vẫn đầy vẻ thanh bình, vẫn đẹp, vẫn duyên dáng, vẫn ấm áp và nồng hậu tình nghĩa.

Tôi nhớ làng quê vùng trung du, những năm tuổi học trò đi sơ tán. Từ trên đồi cao nhìn về Hà Nội cuồn cuộn khói bom. Ngập trời máy bay Mĩ hàng đàn đen đặc. Và bất chợt, máy bay ta! Khắp làng xóm dậy lên tiếng reo mừng. Sung sướng, hãnh diện, tự hào. Máy bay ta, khi là MiG-17, rất giống chim én nhưng nhanh, gan góc và quyết liệt như chim cắt, khi là MiG-21 với cặp cánh tam giác, như ngọn lao ngời sáng vút tới. Bọn Mĩ bao giờ cũng bay kín trời như những khối mây đen, quân ta thì chỉ hai chiếc vậy mà khi xuất hiện và lao tới, đội hình đông đảo của quân thù lập tức tan vỡ, bốc cháy và tháo chạy. Cuốn nhật kí khiến tôi thấy lại sáng rõ cảnh tượng ấy. Nhất là khi diễn ra ở độ cao trung bình hoặc tầm thấp, đấy thực sự là cuộc giao chiến giữa thanh thiên bạch nhật và lồ lộ ra trước bàn dân thiên hạ. Dũng cảm hay hèn nhát, do dự hay quyết đoán, kém cỏi hay tài giỏi, cậy vào số đông hay bằng vào sự thiện chiến và lòng quả cảm, tất cả bày ra mồn một, không thể che giấu, bịa tạc, viết ẩu, nói khoác. Có những cuộc thật sự là đấu tay đôi, dữ dội, nảy lửa, kinh khủng, mà… mã thượng. Tôi nghĩ có những trận chiến của Không quân tựa như là cuộc giao đấu của các hiệp sĩ ngày xưa, chỉ khác xưa trên lưng ngựa còn nay thì trên trời cao.

Đọc xong cuốn Nhật kí phi công tiêm kích, bạn hãy trầm lại và nhìn lên bầu trời. Phải, bầu trời, đấy là cái nền xanh vĩ đại và vô biên của bức tranh kí ức về cuộc kháng chiến anh hùng của Tổ quốc mình.

B.N

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)