Đấu tranh chống khuynh hướng phủ nhận tư tưởng cộng sản, xuyên tạc Chủ tịch Hồ Chí Minh theo chủ nghĩa dân tộc!

Thứ Ba, 19/01/2021 07:42

. Nguyên Thanh

 

1. A dua theo một số phần tử bất mãn, hằn học với chế độ xã hội chủ nghĩa mà một số “nhà văn” xây dựng hình ảnh Hồ Chí Minh có tư tưởng dân tộc hơn là tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Trên thực tế, trong tư tưởng Hồ Chí Minh thì tư tưởng dân tộc hoà làm một với tư tưởng về chủ nghĩa xã hội. Đường lối Đảng ta là sự cụ thể hoá tư tưởng này khi quyết tâm “giương cao hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, nhưng họ cố tình tách ra để nhấn mạnh Hồ Chí Minh yêu nước nhưng theo chủ nghĩa dân tộc chứ không phải chủ nghĩa xã hội.

Nguyễn Đăng Mạnh trong Hồi ký bịa chuyện: “Nguyễn Hữu Đang có lần nói với Hoàng Ngọc Hiến: Sau cách mạng tháng Tám, Hồ Chí Minh có nói với Đang: Bảo Đại nó thoái vị sớm quá! Ý ông muốn Bảo Đại cứ tiếp tục làm vua để có thể thành lập ở Việt Nam chính thể quân chủ lập hiến mà ông cho là thích hợp hơn với nước mình. Sau khởi nghĩa tháng Tám, ông ở chiến khu về muộn, lúc đó phái đoàn Trần Huy Liệu, Huy Cận đã lên đường vào Huế nhận ấn kiếm của Bảo Đại. Ông muốn cho người đuổi theo để gọi trở lại, nhưng không kịp”.

Ở đây có hai vấn đề cần làm rõ. Một là thủ thuật “mượn lời” người khác là không trong sáng, là “khôn vặt” vì dồn trách nhiệm vào người đó nói (chứ không phải “tôi” nói): “Nguyễn Hữu Đang có lần nói với Hoàng Ngọc Hiến”. Hai là ông Nguyễn Hữu Đang chưa bao giờ gần gũi với Bác Hồ một khoảng thời gian đủ để nói nội dung câu chuyện trên và ông ta cũng chưa bao giờ đủ thân mật để Bác Hồ “tâm sự” một chuyện “lớn lao” như vậy.

Chúng tôi có đủ tư liệu về thời gian biểu cụ thể của Bác Hồ từ 03/9/1945 đến 01/01/1946 làm căn cứ để khẳng định Bác Hồ chỉ gặp Nguyễn Hữu Đang một lần khi mời nhà kiến trúc tài năng này thiết kế kỳ đài cho ngày lễ Mùng 2 tháng chín lịch sử!

Những chuyện bịa như thế dân gian gọi là “bắc chõ nghe hơi” tức nghe người nọ nói, nghe người kia nói, không thể chính xác. Ở đây ông ta nghe Hoàng Ngọc Hiến kể lại Nguyễn Hữu Đang nói, tức nội dung bị “khúc xạ” rất nhiều lần. Cách kể này nguy hiểm ở chỗ “tung hoả mù” mượn lời những nhân vật có uy tín. Thực tế không có tài liệu lịch sử nào có ý tương tự. Các Hồi ký về Cách mạng Tháng Tám đều không hề có chi tiết nào kể Bác Hồ “có ý” “muốn Bảo Đại cứ tiếp tục làm vua để có thể thành lập ở Việt Nam chính thể quân chủ lập hiến”. Ngay chi tiết Bác Hồ “cho người đuổi theo để gọi trở lại, nhưng không kịp” là rất “trẻ con”, vì đơn giản một việc vô cùng hệ trọng, không muốn nói là nhiệm vụ quan trọng nhất của bất cứ cuộc cách mạng dân chủ nào lật đổ chế độ phong kiến để xây dựng xã hội mới thì cũng phải tước quyền của vua (ở đây là Bảo Đại). Hơn nữa Cách mạng tháng Tám thành công chỉ có thể là kết quả của những bước đi, những tính toán thật sự trí tuệ của thiên tài Hồ Chí Minh và tập thể Đảng ta. Ý này còn hiểm độc ở chỗ ngầm cho bạn đọc hiểu cuộc cách mạng Tháng Tám chỉ là “trò chơi” ngẫu hứng, ăn may!

Nguyễn Đăng Mạnh còn bịa ra chuyện, từ hồi dự hội nghị Fontainebleau ở Paris (1946), Hồ Chí Minh đã muốn liên hệ với Mỹ và sau này muốn thương lượng hoà bình với chính quyền Sài Gòn. Ông ta viết: “Staline vốn không coi Hồ Chí Minh là cộng sản chân chính” và lại “mượn lời”: “Ông Phạm Văn Đồng có lần nói với anh Hoàng Tuệ (khi hai người cùng công tác ở Liên Xô): Năm 1950, Staline triệu Hồ Chí Minh sang gặp. Ông ta không gọi Hồ Chí Minh là đồng chí (tavarich)”. Chi tiết “Phạm Văn Đồng có lần nói với anh Hoàng Tuệ” là không thể kiểm chứng nhưng rõ ràng chi tiết “Năm 1950, Staline triệu Hồ Chí Minh sang gặp” là bịa đặt. Năm 1950, để chuẩn bị thêm sức mạnh đánh Pháp Hồ Chủ tịch, đi thăm Trung Quốc, Liên Xô là có thật. Biên bản gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo lớn giữa Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam ghi rõ họ đều gọi nhau là “đồng chí”!

2.Phủ nhận tư tưởng đoàn kết. Hạt nhân tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng đoàn kết: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công. Đây không chỉ là tư tưởng thời hôm nay mà còn là chân lý lịch sử tổng kết bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước để sẽ mãi là nguồn sáng cho mai sau. Vì lẽ đó nhiều “nhà văn” tập trung công kích nhằm vào tư tưởng này.

Hầu hết các “tác giả” đều xuyên tạc mối quan hệ mật thiết của Bác với Bộ Chính trị qua sự bịa đặt chuyện đời tư: Bác Hồ có vợ con và muốn công khai nhưng Bộ Chính trị không đồng ý. Do vậy Bác cảm thấy cô đơn, bất lực trước sự “thiếu tình người” của các đồng chí…Cái thâm độc là tung ra một nhận định: sự chia rẽ đã ở cấp cao nhất của lãnh đạo Cộng sản Việt Nam, như vậy chính thể này trước sau cũng sụp đổ vì mất đoàn kết. Ở đây chỉ xin được phân tích sâu hơn những trích đoạn hết sức thâm hiểm của Dương Thu Hương trong Đỉnh cao chói lọi:

“Họ trở thành xa lạ với ông. Ông trở thành khó hiểu với họ. Lục địa đã nứt đôi, họ đứng một bờ còn ông bờ khác. Đó là lần đầu tiên ông hiểu sự rạn vỡ của những mối quan hệ thường gọi là đồng chí hay huynh đệ. Những sợi dây gắn bó có thể dệt hàng chục năm hay lâu hơn nữa. Sự phân ly xảy ra chỉ trong khoảnh khắc, khi nhát kiếm hạ xuống. Nhát kiếm của quyền lực. Trước nó mọi sợi dây tương thân tương ái chỉ là mớ tơ nhện mong manh”[1].

“Họ” ở đây là Bộ Chính trị và những đồng chí thân thiết của “ông”. Trong “dòng ý thức” nhân vật (Chủ tịch) là hình ảnh “lục địa nứt đôi”, một bên là “ông”, bên kia là “đồng chí hay huynh đệ”. Cái thâm ý của Hương là cố tạo ra hình ảnh “ông” cô độc, một mình, còn “bờ khác” là “họ” ngấm ngầm chống lại. Cái sự “phân ly” này có nguyên nhân là do “nhát kiếm quyền lực”, tức “ông” có quyền “Chủ tịch” nhưng cũng rất có thể bị “chém” lúc nào. Phải thừa nhận “nhà văn” có lối văn giàu hình ảnh, giỏi xây dựng hình tượng sinh động với những trăn trở nội tâm khá gợi. Đoạn “độc thoại nội tâm” sau là lời “tự thú”, vừa nói lên hoàn cảnh cô độc thảm hại, phụ thuộc, bất lực của cá nhân vừa nói lên cái “đại sự” bị phá vỡ:

- “Lẽ ra, ta phải hiểu sự tình từ ngày ấy. Phải xoay nước cờ từ ngày ấy. Nhưng ta là kẻ chậm chân nên bị dòng lũ cuốn đi.

- Ồ, nhưng bọn họ quá đông còn ta đơn chiếc. Và thảm hại thay ta phải thuận tình theo họ bởi tin rằng sự thoả hiệp đó cứu vãn được đại sự…”[2].

Một sự tương phản triệt để hai hình ảnh: một là “ta” kia là “dòng lũ”, một là “ta đơn chiếc” kia là “bọn họ quá đông” để làm bật lên hoàn cảnh cô lẻ thực sự đáng thương của “ta” (nhân vật “Chủ tịch”). “Ông” truy vấn lịch sử cũng là sự trần tình thú tội và sự xỉ vả chính con người mình: “Nhưng gốc rễ sự thất bại này nằm ở nơi đâu? Sự ngu xuẩn của chính ta hay con đường ngoắt ngoéo của định mệnh? Ta đi cùng họ trên một chuyến tàu để rồi khi đến bờ bên kia đại dương thì một mình ta ở lại trên cô đảo? Hoặc bản chất ta là con sói lẻ bầy nên bất cứ cuộc tụ hợp nào cũng chẳng bền lâu?”[3].

Nhân vật “ta” như bị dồn nén dưới những tầng lớp ngôn từ hình ảnh. Nhiều câu hỏi (dấu hỏi?) như xoáy vào tâm trạng đẩy nhân vật vào thế hoàn toàn bị động. “Ta” hoàn toàn bị mất phương hướng: “gốc rễ sự thất bại này nằm ở nơi đâu?”. “Ta” hoài nghi vào chính mình: “Sự ngu xuẩn của chính ta”. “Ta” đổ lỗi cho định mệnh “hay con đường ngoắt ngoéo của định mệnh”. “Ta” thực sự mất hết sợi dây với đồng loại, hoàn toàn bất lực: “một mình ta ở lại trên cô đảo”. Các hình ảnh “cô đảo” cô đơn, vô vọng; “con sói lẻ bầy” bị triệt tiêu sức mạnh đầy ác ý. Các hình ảnh ấy lại đặt trong ngữ cảnh “lời tự vấn”, “tự thú” của nhân vật để đẩy bạn đọc đi về phía “sự thật”! Quả thực “tác giả” là kẻ phản động rất có “nghề”!

Đến đây bạn đọc đã thấy rõ hơn sự thâm hiểm của các “nhà văn” là “xây dựng” một mô hình nhân vật “Chủ tịch” hoàn toàn tương phản, trái ngược một cách triệt để với con người Hồ Chí Minh vĩ đại luôn toả ra ánh sáng ấm áp của tình người, tình đồng chí, một con người của niềm tin, của tương lai!

N.T


[1] Dương Thu Hương – Đỉnh cao chói lọi, bản pdf, tr 441.

[2] Dương Thu Hương – Đỉnh cao chói lọi, bản pdf, tr 441

[3] Dương Thu Hương – Đỉnh cao chói lọi, bản pdf, tr 441.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)