Không thể phủ nhận giá trị văn hóa của văn học Việt Nam bằng cách nói ngược!

Thứ Ba, 05/01/2021 09:59

. PGS.TS Nguyễn Thanh Tú

 

Thời gian gần đây trên một vài trang mạng văn chương cá nhân có xu hướng “dân chủ”, “đa nguyên”... bỗng có một vài ý kiến muốn gây sự chú ý bằng cách “nói ngược”. Với giọng điệu mỉa mai, coi thường, chê bai họ phủ nhận một cách triệt để văn học Việt Nam. Có thể khoanh lại thành các vấn đề: 1.Truyện cổ dân gian nghèo nàn, thiếu một chiều sâu triết lý cần có; 2. Nguyễn Du được coi là nhà thơ lớn nhưng thực ra cũng không có cảm hứng và tư tưởng riêng mà “đi theo cảm hứng và tư tưởng của tác giả Trung Quốc”; 3. Văn học trung đại quá nhiều điển cổ Trung Quốc, đó là biểu hiện cho sự nô lệ văn hóa.

Thực ra đây là những vấn đề đã cũ, đã ít nhiều được đề cập nhưng được phân tích, phản biện trên tinh thần khoa học chứ không theo kiểu “nói ngược” như ở trên. Kiểu “nói ngược” này là nói lấy được, nói để gây chú ý vì mục đích chính trị chứ không hề là mục đích văn chương. Nói đúng hơn là lấy chuyện văn chương để vì mục đích chính trị. Nhưng với tư cách là một bài viết, chúng tôi không thể chứng minh bằng sự phân tích đã cũ mà đứng trên tinh thần đối thoại – quan điểm tiếp cận mới nhất của triết học văn hóa đương đại, để trình bày vấn đề. Cũng xin nói rõ là bài viết này là một dịp để “đối thoại” với độc giả chứ không phải là “đối thoại” với các ý kiến “nói ngược” trên. Vì người ta chỉ đối thoại khi nội dung đối thoại có tính vấn đề. Còn sự “nói ngược” thì không, vì đơn giản, ai chả nói được. Thậm chí đó là những “ý kiến” ác tâm đáng lên án.

 

Trong đối thoại văn hóa, “chê bai” là biểu hiện sự thiếu hiểu biết

 

Cũng phải xin nói qua về “đối thoại văn hóa”.

“Đối thoại văn hóa” trong bối cảnh toàn cầu hóa hôm nay hầu như được nhìn nhận một cách tương đối thống nhất. Đó là quá trình giao lưu, hợp tác, chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau để cùng nhau khẳng định vị thế, cùng thể hiện khát vọng hòa bình, hữu nghị, cùng phát triển.

Mục đích đối thoại văn hóa là cùng nhau tôn trọng các giá trị cơ bản cũng là các nguyên tắc đạo đức phổ quát:

- Để hướng tới sự đồng thuận, các bên cùng thể hiện tinh thần khoan dung văn hóa.

- Tôn trọng quyền con người, đề cao tinh thần dân chủ, bình đẳng.

- Tôn trọng quyền độc lập của các cá nhân/dân tộc. Tôn trọng sự đa dạng và khác biệt văn hóa.

Tinh thần dân chủ của đối thoại thể hiện rõ ở chỗ nâng vị thế của người tiếp nhận từ bị động thành chủ động. Trước đây “người nói phải có kẻ nghe” thì người nghe là bị động, ví dụ học trò “tập trung chăm chú nghe giảng” từ thầy được coi là trò ngoan. Thầy nói đúng, nghe đúng làm theo đúng được coi là trò giỏi. Trò giỏi nhưng ít sáng tạo vì cái giỏi ấy phần lớn của thầy, chưa phải đích thực của trò. Đấy không phải là đối thoại. Đối thoại là có sự phản ứng, phản biện, chọn lọc, đưa ra ý mới…từ phía người tiếp nhận. Nhờ đối thoại mà hiểu biết nhân lên hiểu biết, sáng tạo nhân lên sáng tạo, con người được là chính mình, làm chủ mình rồi làm mới mình. Đối thoại làm nên bản chất cuộc sống.

Đối thoại chủ yếu bằng tiếng nói. Sự khát khao đối thoại cũng chủ yếu biểu hiện bằng tiếng nói. Xuân Diệu từng vội vàng cuống quýt: “Anh phải nói, phải nói và phải nói”. Vẫn chưa đủ “Phải nói yêu trăm bận đến ngàn lần”. Đó chẳng phải là một khát khao đối thoại với tình yêu, với cuộc đời rất mực nồng nàn sao? Rồi ở ngày hôm nay càng thế. Bài hát Sao biển (Phạm Minh Tuấn) cũng là một khát khao cháy bỏng đam mê được nói, được thổ lộ, giãi bày: “Hãy nói đi, hãy nói đi, hãy nói đi, nói đi - lời nồng nàn”...

Con người sẽ không còn là con người nữa nếu không được đối thoại! Sẽ không phải là tình yêu khi không có đối thoại đích thực, đúng nghĩa!

Nhà văn sẽ không phải là nhà văn nếu tác phẩm của ông ta không để đối thoại với cuộc đời, với con người để “nâng đỡ con người”!

Theo Mác, các triết học đều nghiên cứu về con người, triết học văn hóa tập trung nghiên cứu về con người văn hóa, một phạm trù rất rộng, trừu tượng nhưng cũng rất gần gũi, cụ thể. Đối thoại văn hóa chỉ là một đơn vị kiến thức nhỏ mà thôi.

* * *

Ngay sự “chê” đã cho thấy một “tầm văn hóa” đáng chê của người chê. Vì sao vậy?

1.Trong cuộc đối thoại mang tính toàn cầu thì “hiểu biết” luôn được nhấn mạnh, đề cao. Để tạo ra cuộc đối thoại, các bên tham gia đều phải có vốn tri thức sâu rộng về giao tiếp văn hóa, về lĩnh vực cùng quan tâm. Vì thế mà người đối thoại (nói và nghe) phải miệt mài học hỏi, phải cắm rễ rất sâu vào hai mạch nguồn văn hóa của dân tộc và nhân loại để hút lấy dưỡng chất văn hóa. Để hiểu, để vận dụng, để cắt nghĩa. Ví dụ bài thơ “Thần” tương truyền của Lý Thường Kiệt là thông điệp (đối thoại) gửi tới bọn xâm lăng phương Bắc khẳng định sự độc lập tự chủ, tự cường của nước Nam. Chữ “đế” là linh hồn của bài thơ phải được hiểu từ góc nhìn triết học văn hóa tức cắt nghĩa từ phía cội nguồn sâu xa. Một là từ quan niệm vũ trụ của người Trung Hoa cổ đại quan niệm có “tứ phương ngũ đế” tức bốn vị đế ở bốn phương trời: Phục Hi (phương Đông), Chuyên Húc (phương Bắc), Thiếu Hạo (phương Tây), Thần Nông (phương Nam), bốn vị này châu tuần quanh Trung ương Hoàng đế (hoàng nghĩa là màu vàng). Hai là, trong lịch sử, thế kỷ III TCN cuối thời Chiến Quốc nhà Tần thống nhất Trung Quốc, vua Tần xưng Hoàng Đế thì chữ “đế” cùng nghĩa với “ngũ đế” trong triết học, tức để gọi “trời”; chữ “hoàng” có nghĩa là vĩ đại, tươi sáng, rực rỡ. Như vậy “hoàng đế” của nhà Tần có nghĩa là vua của mọi vua, sánh ngang với trời, các nước xung quanh chỉ là “man di”. Hiểu như vậy sẽ thấy một chữ “đế” trong bài thơ “Thần” cực kỳ có ý nghĩa: “đế” nước Nam ta cũng vẻ vang, lớn lao khác gì Trung Hoa, cương phận thì sách trời đã phân…sao các người lại có ý đồ xâm lược!? Rõ ràng đây là lời lẽ của sự khẳng định, của lòng tự hào, lời lẽ của sự cảnh tỉnh, ngăn chặn một ý đồ (với kẻ thù). Đồng thời còn là lời lẽ của sự cảnh giác, khích lệ tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc (với dân ta). Nên nếu đánh giá bài thơ chưa có quan điểm nhân dân (mới có yếu tố “thần”) thì chưa hiểu bản chất đối thoại để khẳng định chủ quyền của một áng hùng văn.

Có thế hiểu bài thơ sâu hơn, hay hơn nhưng qua đó đủ để thấy hiểu văn, viết văn phải có triết học làm nền tảng. Trong Lời than vãn của Bà Trưng Trắc tác giả Nguyễn Ái Quốc thật sự hiểu sâu từng “quẻ” trong Kinh Dịch mới có thể mỉa mai cực kỳ thâm thúy hình tượng Khải Định, cho rằng “mệnh” Khải Định tương ứng với quẻ Dương Cửu lên ở mức cao nhất (là vua) rồi sẽ tuột xuống thân phận thảm hại đớn hèn nhất (là nô lệ, tay sai)!

Văn học cổ điển cả phương Đông lẫn phương Tây đều gọi những nhà văn lớn là “đại thụ”, chắc từ một sự liên hệ cây xanh thì bao giờ cũng phải cắm rễ sâu vào đất để hút dinh dưỡng và vươn cao lá cành để quang hợp ánh sáng. Cây đại thụ văn học cũng vậy, cắm những chùm rễ khỏe khoắn vào mảnh đất văn hóa truyền thống và được quang hợp ánh sáng tư tưởng của thời đại. Cây xanh khẳng khiu còi cọc như nhà văn non bấy chỉ có những trang viết nhợt nhạt vì thiếu dưỡng chất văn hóa và không có tư tưởng. Một tác phẩm văn học lớn bao giờ cũng là sự tích hợp các vỉa tầng văn hóa truyền thống và hiện đại. Điểm tựa để người ta phác thảo ra chân dung con người văn hóa nhà văn là các khái niệm mới: đối thoại văn hóa, nhân học văn hóa, tiếp biến văn hóa…Nhà văn viết văn là một cách tham gia đối thoại sâu sắc nhất, với văn hóa truyền thống, với cuộc đời, với nhân vật, với độc giả (trong nước, ngoài nước) và với cả chính mình…Mà để có thể đối thoại thì phải có điều kiện đầu tiên là hiểu biết. Càng hiểu biết nhiều càng có cơ hội mở rộng lĩnh vực quan tâm và làm sâu các vấn đề đối thoại. Cho nên phẩm chất trước hết của nhà văn thời hội nhập là giàu có tri thức. Vì là sứ giả văn hóa trong cuộc đối thoại toàn cầu nên nhà văn không chỉ hiểu biết rộng về văn hóa đương đại mà phải hiểu sâu văn hóa truyền thống dân tộc. Có vậy anh ta mới nắm chắc được bản sắc văn hóa (còn gọi là căn cước văn hóa) của đất nước mình để tham gia vào cuộc đối thoại chung. Nếu không có điều này thì chẳng có gì để nói, vì người ta chỉ muốn biết cái nét riêng đặc sắc của nước anh. Đồng thời nhà văn phải giỏi ít nhất một ngoại ngữ chính (tiếng Anh) để biết thế giới nghĩ gì, cần đối thoại gì… và để dịch chính tác phẩm của mình (mà anh ta nắm rõ nhất tư tưởng, ý đồ nghệ thuật) đến với bạn đọc ngoài nước.

Nhà văn phải sống trong nhiều môi trường văn hóa, để so sánh, để học hỏi thì trang viết mới sâu, vì ngoài lượng thông tin bạn đọc còn chờ đợi ở tác giả sự gợi dẫn về cách đánh giá, lý giải ở nhiều góc độ khác nhau. Phải suốt đời rèn luyện vốn sống, phải nhập thân vào đời sống, phải ngụp lặn xuống tận đáy dòng sông cuộc đời may ra mới viết đúng được bản chất vấn đề. Một lần về tát nước chống hạn ở Hà Đông, thấy một nhà báo ăn mặc chải chuốt, Bác Hồ nói: “Nhà báo của nông dân thì phải biết lao động như nông dân thì viết mới đúng được”[1].Đây là phương châm rèn luyện không của riêng người cầm bút nào.

Là những người đi tìm sự thật, nói lên sự thật nên nhà văn phải có phẩm chất dũng cảm. Khi tự mình “bẻ cong” ngòi bút cũng tức là đã tự “bẻ cong” lương tâm mình. Hết lòng yêu cuộc đời mà phanh phui mặt trái, vạch ra cái xấu, cái thấp hèn để mọi người nhìn thấy cùng lên án mà xa lánh, rời bỏ. Đấy cũng là cách xây dựng cho cuộc đời thêm tốt đẹp hơn. Như thế mới có thể có những tác phẩm để đời như trường hợp Cái đêm hôm ấy… đêm gì của Phùng Gia Lộc…

2. Trong đối thoại thì tất cả đều bình đẳng, không ai hơn ai, không ai là kẻ lớn, kia là phận nhỏ, cũng không ai có quyền ép người này phải thế này, phải thế kia…Đối thoại văn hóa tối kỵ những câu mệnh lệnh thức hay cầu khiến…Trước một vấn đề đối thoại các bên đều có chính kiến, phản biện, bảo vệ…Các nền giáo dục tiên tiến hiện nay đang đi theo hướng này. Thầy giáo không bao giờ áp đặt trò phải hiểu, phải nghe lời mà chỉ có nhiệm vụ gợi mở hướng đi, gợi ý các cách hiểu chứ không có quyền kết luận chân lý. Tìm ra chân lý phải là trò. Nên họ rất coi trọng tự học, nhờ vậy một khi đã tìm được chân lý thì kiến thức sâu và vững.

Đối thoại giữa các nền văn hóa càng cần đến bình đẳng, vì xét từ bản chất thì tiếp biến văn hóa là lẽ tự nhiên. Không có nước lớn về văn hóa mà chỉ có sự đặc sắc về văn hóa, nhờ có sự đặc sắc ấy mà tạo nên ảnh hưởng. Truyện cổ “Trầu cau” không chỉ có ở một Việt Nam mà có ở hầu khắp các nước Đông Nam Á. Motip chàng Thạch Sanh hay cô Tấm cũng có ở nhiều nước trên thế giới…Ngày nay người ta thấy thật dễ hiểu khi vở kịch “Hăm lét” của Sếchxpia có gốc gác từ Đan Mạch hay “Truyện Kiều” chịu ảnh hưởng cốt truyện từ Trung Quốc…Triết học văn hóa hiện đại không chấp nhận tư tưởng sôvanh văn hóa, tư duy kẻ cả trong văn hóa cho rằng chỉ có văn hóa nước mình mới là “trung tâm” mới là “nhất”…

Vì không độc quyền chân lý nên không coi trọng kết luận cuối cùng mà nhiều khi gợi mở ra để mời gọi tiếp tục đối thoại. Sự quan tâm chú ý của các bên là sự mới mẻ, hấp dẫn của vấn đề, sự chính xác của dữ liệu, là cách lập luận, luận chứng, cách phản biện…của nhau. Do vậy phải thật sự trí tuệ, phải thật hiểu vấn đề, và nhất là phải thật sự giỏi ngoại ngữ.

Bình đẳng được coi là điều kiện thứ nhất trong tiếp nhận văn học, vì là quá trình khám phá hình tượng nên rất cần đến nhiều con đường liên tưởng, tưởng tượng, do vậy nếu có sự áp đặt cách hiểu tức là bóp nghẹt các con đường tư duy ấy. Trước một hình tượng văn học, nhờ vốn sống, hiểu biết, tính khí…mà mỗi người hiểu một cách, cần tôn trọng các cách hiểu thẩm mỹ vì chúng sẽ làm giàu thêm ý nghĩa cho hình tượng. Trước khi có cách hiểu hồn nhiên mà không kém phần sâu sắc của một cậu bé bảy tám tuổi thì bạn đọc Nga vẫn thường hiểu nhân vật ông lão trong truyện “Ông lão đánh cá và con cá vàng” là người hiền lành phúc hậu, nên lấy đó làm gương. Nhưng cậu bé kia thì hiểu ngược lại cho rằng ông lão đần độn đến ngu xuẩn, có gì đáng học vì đã xin con cá được nhiều thứ thế mà không nghĩ ra được xin thay bà vợ tử tế hơn cho đỡ khổ…Nhiều khi cách hiểu hồn nhiên mới nói đúng về chân lý mà câu chuyện ngụ ngôn “Bộ quần áo mới của hoàng đế” là ví dụ sinh động. Vì quen là nô lệ cho thói nịnh hót, bợ đỡ mà chẳng ai dám nói lên sự thật, chỉ có cậu bé ngây thơ kêu toáng lên về cái hiện trạng thảm hại, đã giật phăng cả cái mặt nạ giả dối khổng lồ làm trơ ra cái đáng cười đau đớn…Các tác giả (Puskin và Anđecxen) thực sự là những nhà văn hóa vĩ đại vì có công xây dựng những hình tượng nghệ thuật bất hủ cho người đời sau còn đối thoại mãi với nhau để cùng hướng về cái trong sáng tốt lành.

3. Vì là đối thoại mang tính toàn cầu nên không có tiếng nói riêng sẽ khó được chấp nhận. Bản sắc văn hóa là những yếu tố độc đáo, đặc sắc biểu hiện nét đặc thù của một dân tộc. Bản sắc làm nên giá trị mà muốn đi tìm giá trị này lại thường phải dựa vào hệ tọa độ Chủ thể - Không gian - Thời gian, vì văn hóa luôn là sản phẩm của một chủ thể, diễn ra trong một không gian, thời gian cụ thể. Phạm trù chủ thể là cơ bản, chủ yếu vì mọi vấn đề đều thông qua, khúc xạ qua con người, và chỉ có con người chủ thể ở không gian nhất định mới có thể phần nào thấu hiểu ý nghĩa của văn hóa.

Nói đến giá trị là nói đến chuẩn mực. Mỗi dân tộc sở hữu những bản sắc văn hóa riêng tức những giá trị riêng, chuẩn mực riêng. Căn cứ vào đó để phân biệt văn hóa của dân tộc này khác với văn hóa của dân tộc khác. Người ta càng quý cái riêng vì đơn giản là có cái riêng mới có thể đối thoại, hội nhập. Một quy luật thông thường là người nói muốn nói và chỉ nên nói những điều mình biết, người nghe thì muốn được nghe/xem những điều mình chưa biết. Vì là đặc thù nên giá trị/ chuẩn mực văn hóa của cộng đồng này chưa hẳn là giá trị/ chuẩn mực của cộng đồng khác, có khi còn ngược lại. Do vậy vội vã chê dân tộc kia là dã man, là thiếu văn minh…tức là đã sa vào thái độ sô vanh văn hóa, thiếu tôn trọng, xa lạ với trào lưu học hỏi văn hóa lẫn nhau. Không thể có kiểu người phương Tây vốn quen với văn hóa du mục, con ngựa với họ là con vật gần gũi mà họ vẫn ăn thịt, lại đi chê bai dè bỉu một số dân tộc phương Đông là người của văn hóa nông nghiệp ăn thịt chó...

Mặt khác mỗi nền văn hóa đều sản sinh những phong tục tập quán. Các điều kiện địa lý, đất đai, khí hậu, canh tác…lại quy định nội dung các phong tục tập quán này. Có phong tục ở dân tộc này là khác lạ, thậm chí là “quái lạ” so với dân tộc kia. Vì thế cũng không thể đem cái nhìn, quan niệm sống của dân tộc này phán xét dân tộc kia là thế này, thế nọ, phải là thế này, không được là thế kia… Nguyên tắc căn bản của Folklore học yêu cầu phải giữ nguyên dạng các di sản văn hóa là xuất phát từ vấn đề cơ bản này. Các nền văn hóa đều có mục tiêu chung là vì con người, xem xét tính chất, tiêu chuẩn của mỗi nền văn hóa đều phải lấy con người làm thước đo. Nước anh có cái hay của nước anh, nước tôi có cái hay của nước tôi. Chúng ta cố gắng giữ gìn và phát triển cái nét hay (riêng) đó và cùng học tập trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Nhiều nét riêng, nét hay mới làm nên bản sắc. Một đất nước giàu có bản sắc là đất nước đáng kính, đáng phục, đáng được kết bạn.

Giá trị luôn thay đổi theo thời gian, có giá trị ở thời này là chuẩn mực nhưng thời sau lại lạc hậu. Ví như hành động gắp thức ăn cho người khác là hành vi quan tâm lẫn nhau (biểu thị sự đoàn kết, gắn bó) ở cái thời mọi người sống trong một làng, những mối quan hệ quanh quẩn trong lũy tre. Nhưng ở ngày hôm nay giao lưu mở ra với cả thế giới thì hành động này cần loại bỏ vì có khi lại là nguyên nhân dẫn đến sự truyền nhiễm nhanh chóng các vi khuẩn gây bệnh. Mỗi cá nhân đều phải có trách nhiệm gìn giữ những chuẩn mực văn hóa của cộng đồng mình nhưng không thể khư khư bảo thủ giữ lại cả những cái gì bất cập với ngày hôm nay, hiện đại và hòa nhập. Văn hóa học có khái niệm “tự điều chỉnh”, tức văn hóa tự thân nó sớm muộn sẽ có sự thay đổi để thích ứng với xã hội, nhưng có sự tác động của thể chế tiến bộ (như văn bản luật, quy định…) thì sự điều chỉnh sẽ nhanh hơn, đúng hướng hơn.

Cần có cái nhìn văn hóa trước các hiện tượng văn hóa gây tranh luận, không cực đoan bảo thủ khẳng định đó là truyền thống tốt đẹp, cũng không phủ nhận sạch trơn. Phải phân tích, cắt nghĩa lí giải một cách hệ thống, cụ thể để giữ lấy cái lõi nhân văn, gạt bỏ cái lỗi thời. Văn hóa là con người, hãy để chủ thể con người nơi đó nói lên tiếng nói của văn hóa nơi họ đang sinh tồn. Và hãy quan sát, suy ngẫm, đối sánh, gợi mở cho chủ thể văn hóa điều chỉnh hành vi văn hóa cho phù hợp với thời đại mới. Mọi áp đặt hoặc can thiệp thô bạo là không phù hợp với tinh thần mềm mại, uyển chuyển và tinh tế của văn hóa.

Thế nên chỉ những ai thiếu hiểu biết mới hàm hồ chê bai này nọ, nhất là lại đi chê tài sản văn hóa của cả một dân tộc được thế giới khẳng định và ca ngợi!

N.T.T

[1]. Hồ Chí Minh – chân dung đời thường. Nxb Lao động, 2005, tr 101.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

prev
next