. LÊ THÀNH NGHỊ
Mỗi nhà thơ xuất hiện đều có khát vọng mang đến cho người đọc một chút riêng biệt của mình. Nhưng có khi chỉ một chút riêng biệt này thôi cũng đủ để đánh mất một đời người. Kí tự thì cố định, ngữ pháp là tài sản chung, vần điệu đã có sẵn, lại có bề dày văn tự truyền thống cả ngàn năm, lại thời nào cũng đông đảo thi hữu đồng nghiệp chen vai thích cánh… Vậy nên có một chút riêng bút mực là điều không dễ, cần được cẩn trọng xem xét, không thể “thấy không thích, không phù hợp” với quan niệm của mình thì vội vàng phủ nhận. Phan Huyền Thư có khát vọng mang đến cho người đọc một chút riêng đầy thử thách của thơ chị. Ý thơ men theo mùa hạ, tìm một lối đi thu trên đây trích từ bài Men theo mùa hạ trong tập Nằm nghiêng (2002) cũng cho thấy phần nào khát vọng ấy của Phan Huyền Thư.
Nhà thơ Phan Huyền Thư
Tôi hình dung men theo mùa hạ, tìm một lối đi thu nghĩa là đi tìm cái riêng biệt, khác biệt với những gì đã có mà mỗi khi cầm bút Phan Huyền Thư tâm niệm. Cần nói ngay, ý tứ của câu thơ trên cho thấy Phan Huyền Thư không hề muốn dứt bỏ, đoạn tuyệt với truyền thống. Có sự khác nhau ở đây: mùa hạ chói chang ánh sáng, mùa của hạ trắng, mùa của sen hồng, phượng đỏ; mùa thu trời xanh mây trắng, mùa của cúc vàng dịu nhẹ với những mưa thu, tàn thu, thiên thu, giọt lệ thu… Ý tưởng muốn có cảm giác mùa thu ngay trong không gian mùa hạ như một ẩn dụ của khát vọng sáng tạo. Đọc thơ Phan Huyền Thư thấy chị không muốn gò bó mình vào những niêm luật, quy tắc cũ của thơ nữa, cũng không muốn thứ thơ “mono” mặt phẳng, dễ dàng đọc hiểu nữa, mà người viết như chỉ muốn giữ lại chút nhịp điệu, nhạc điệu giữa các dòng chữ, để tự do giải phóng ngôn ngữ, đưa lối tư duy thơ đến giới hạn có thể. Đây là việc làm đáng được ủng hộ, đáng được khích lệ, ngõ hầu tạo ra một sự thay đổi để thơ bớt đi sự chậm chạp, bớt đi sự đơn điệu, sự na ná (đọc câu thơ đồng chí tưởng thơ mình - Tế Hanh), bớt đi sự cân xứng, đăng đối, sự thiểu năng tư tưởng, bớt đi cái nhùng nhằng vần vè hoa hòe hoa sói mà Phan Huyền Thư gọi là những bài thơ đã bục chỉ, ố vàng được là lượt phơi phóng/ thơm lên mùi băng phiến tài năng (Xa vắng) bởi ngôn ngữ đang chết trên cánh đồng/ gieo vần… (Giấc mơ của lưỡi) trong thơ hôm nay. Tại đây, những cách-tân-thơ của Phan Huyền Thư đã ít nhiều thành công: viết/ buồn thành mưa/ trút vào giếng đầy lên, lắng xuống/…/ viết/ buồn thành gió/ lang thang cánh đồng (Viết); buồn rất trong/ lấm tấm mồ hôi gương mặt hoài niệm/ bệnh cúm mùa thu đỏng đảnh/ em cốm mềm ủ lá sen khô (Gió).
Với Phan Huyền Thư, nỗi buồn đi liền với mưa, đi liền với gió. Và mưa gió trong sự liên tưởng với giếng, với cánh đồng. Điều này xác lập logic trong liên tưởng về mưa (giếng đầy lên), về gió (lang thang cánh đồng). Ở đây ý khá cô đọng, lời khá gợi cảm: viết/ buồn thành mưa/…/ viết/ buồn thành gió/…/ em cốm mềm ủ lá sen khô. Tuy khá gợi cảm (nhớ một câu thơ cảm khái của Trần Huyền Trân: nhớ nhau vẩy bút làm mưa gió - Lưu biệt) nhưng buồn thành mưa, buồn thành gió thì có thể cản trở ít nhiều việc giải nghĩa vì những mảnh vỡ ngôn ngữ này, hình như là sự nhảy cóc trong tư duy của người viết đã tạo ra sự gián đoạn trong tiếp nhận của người đọc. Tư duy thơ của Phan Huyền Thư không đơn thuần tuyến tính, tuần tự mà có sự trộn lẫn ám thị của ảo giác, hiển thị của những tri giác, sau những cảm nhận về năng lực ngữ nghĩa của ngôn từ: nước/ chưa bao giờ là kẻ chung tình/ mà luôn yêu say đắm/ “lưu thủy hành vân”/ triết lí cuộc sống/ một chảy một trôi// nước/ chẳng tội gì chung tình/ yêu bằng ảo giác/ mềm/ chạy bằng ảo giác thoát/ mềm buộc chưa chặt/ không trói nổi tiếng chim (Thực dụng hư vô).
Bài thơ trên diễn tả về nước, một thực thể hiển hiện với những đặc tính vật lí cần thiết là chảy, là trôi: một chảy một trôi là những gì nhìn thấy. Nhưng cái nhìn thấy này được đặt ngay cạnh những liên tưởng về những đặc tính phi vật lí mà người viết muốn áp đặt một trạng thái nhân sinh: (nước) chưa bao giờ là kẻ chung tình/ chẳng tội gì chung tình (vậy mà) luôn yêu say đắm, yêu bằng ảo giác… lại mang một ẩn dụ khác. Người viết chỉ đóng vai trò gợi lên, mà không hề có ý định phản biện, không hàm chứa sắc thái định hướng chủ quan về tính nết, lối sống, thói quen của một loại người trong cõi người, mà như chỉ đưa ra một tất yếu từ nguyên nhân: dù có thế nào cũng không thể đồng hóa được cái đẹp (không trói nổi tiếng chim)! Nhưng chắc gì lập luận như vậy đã đúng, hoặc đã đúng như điều Phan Huyền Thư muốn diễn đạt?
Với thơ Phan Huyền Thư, mỗi người đọc tùy tầm đón (kinh nghiệm, thói quen, năng lực thẩm định, thẩm thấu ngôn ngữ, khả năng liên tưởng, tích hợp…) mà có thể lĩnh hội theo cách của mình. Sự đọc tất nhiên vì thế sẽ mệt hơn, thưởng thức có thể vấp ngay phải sự cắc cớ của ngôn ngữ, sự khác thường của tư duy. Cảm nhận của người đọc sẽ không tĩnh nữa, mà động hơn. Nghĩa là từ một văn bản cố định cần một sự tham gia, nhập cuộc, đồng sáng tạo của người đọc. Cái dư vị trong tâm hồn người đọc thơ Thư không phải là cái ngọt ngào, du dương, êm dịu thường thấy của thể loại trữ tình (cho nên qua bốn tập thơ của chị gồm Nằm nghiêng - 2002, Rỗng ngực - 2005, Sẹo độc lập - 2014, Đạo thơ - 2018, hầu như Thư không làm thơ lục bát), mà cái dư vị kia có từ phẩm chất khác: sự kích thích của tri giác, cái ẩn kín sâu giữa mỗi hàng chữ, cái thi vị đọng lại sau mỗi câu, đoạn, bài, sự lạ hóa của ngôn ngữ khi được xếp cạnh nhau hơi “biêng” một chút so với quy luật, so với thói quen, như thể muốn phá vỡ logic thông thường của diễn đạt…
Chẳng hạn, cái đợi này vẫn là đợi, nhưng đã khác với cái đợi bình thường, như thể Thư đang thích ghép vần từ văn bản hư không (Âm bản hồn nhiên): đợi anh/ qua bao mùa nắng quái mưa dông/ cuống quýt rụng tàu cau khô/ gió đãng trí quẩn quanh ngõ hẹp/…/ đợi anh/ em hóa bến/ hóa cánh chim chiều liệng bắt bóng hoàng hôn/ tà dương tịch mịch tự ve vuốt/ sóng hoang mang mơn trớn mạn thuyền (Đợi).
Còn cái ngắt nhịp, chấm câu sau đây là không bình thường, ít thấy trong thơ của các nhà thơ thế hệ trước. Đọc lên, nếu lắng nghe, vẫn có thể nghe được âm nhạc chuyển bên trong câu chữ, dù nó đang chối bỏ đăng đối, dù nó như là khuyên tai một bên của lớp trẻ bây giờ: Nhưng. Cả câm lặng và nước mắt/ đều trong suốt. Vì thế. Em kiêu hãnh/ phiêu du với cánh buồm tự trọng. Theo gió/ khỏa thân vẫy gọi chân trời (Cởi nỗi buồn).
Có khi giữa một bài đang hào hứng cách tân ngôn từ mang dáng vẻ kiêu sa, điệu đà, tác giả lại trở về truyền thống, câu thơ trở nên dễ gần và truyền cảm, có thể nghe được ẩn sau mỗi câu thơ đẹp/…/ có một khoảng lặng/ đủ để nghe thấy/ tiếng nhân sinh thở dài (Lặng): tôi/ vùi sâu lòng đất bên trên không cỏ/ không con dế buồn, không cả giọt sương (Người người đi tương lai); em thở dài/ buốt mùa đông rỗng ngực/ buồn xa xa, thương cũng xa xa (Rỗng ngực); đêm nay lạnh và thiếp/ nằm đáy sông Tiền Đường/ nghe tiếng chàng tha thiết/ thanh minh cùng phu nhân/ nghĩa tình liêm khiết/ minh bạch trò chơi/ ái tình/ cay nghiệt (Gửi Thúc Sinh).
Quả thực, thơ Phan Huyền Thư không quá lệ thuộc với truyền thống về niêm luật, về vần điệu, và các quy tắc ngữ pháp: tháng sáu làm đau em, tia nắng/ xuyên qua lá bàng/ xâu qua lỗ thủng/ hằn vào trang giấy trắng/ tung tóe tuổi dậy thì/ ướt đạn súng cao su (Tháng sáu). Tháng sáu là tháng dương khí. Tháng sáu làm đau em gợi mở nhiều điều, kể cả gợi mở suy diễn những điều sâu kín nào đó như tia nắng xuyên qua lá bàng, xâu qua lỗ thủng. Tuy nhiên đoạn thơ không phải ai đọc cũng hiểu ngay được, bởi vì tại đây logic về ngữ nghĩa giữa các câu thơ bị xâm phạm. Nhất là sau chủ ngữ tia nắng đến các vị ngữ hằn (vào trang giấy trắng), tung tóe (tuổi dậy thì), ướt (đạn súng cao su) thì chỉ có thể hiểu lơ mơ, như thể bất khả tri.
Bởi vì, mọi thứ cảm xúc bề mặt/ đều được đảo lộn (Thi nhân). Ngôn ngữ thơ thường khi rất nhạy cảm. Dừng lại đúng chỗ thì thi vị: khóc đi/ rồi ngửa mặt lên trời/ sẽ thấy thiên hà cát bụi/ lửng lơ trôi (Xin lỗi); khi tôi vấp/ người đỡ tôi bằng tiếng cười đau/ tôi thành công/ người mắng mỏ tôi bằng lo lắng/…/ giờ đây/ “vườn vẫn thức một mùi hương đi vắng” (Ghi trong sổ tang nhà thơ Lê Đạt). Nhưng nếu đi xa một chút thì bí hiểm: nắng tê tái/ mộng du con sẻ già/ xù lông ẩn ức/ gục vào hờn ghen/ hờn ghen độ lượng (Độ lượng); giọt/ giọt/ màu mẫn cán/ tinh tế trườn vào vệt buồn/ thiếu sáng/ phác họa vùng kí ức/ tìm nhau trong hoang tưởng/ miền đêm (Coda)…
Thơ có thể khó hiểu, nhưng không thể bí hiểm. Bởi vì ai cũng hiểu bí hiểm (hũ nút) thì không những gây khó trong cảm nhận mà còn không thể truyền tải thông điệp của người viết. Mà nhà thơ từ cổ chí kim, từ đông sang tây thì luôn có ý thức chuyển thông điệp, vì thế thơ luôn có sứ mệnh tải đạo, đạo của con người theo nghĩa rộng của từ này. Thơ Phan Huyền Thư khá nhiều thi vị, nhưng cũng nhiều chỗ chưa thoát khỏi bí hiểm.
Nhưng thơ Phan Huyền Thư cũng không xa hẳn truyền thống trong cách cảm nhận, lập ý và triển khai cấu tứ. Đó là khi có thể cảm xúc đến trước, mọi thứ khác lùi lại, câu thơ thanh thoát hơn, chữ nghĩa cũng theo đó mà giản dị hơn. Nhưng thanh thoát, giản dị mà vẫn không vơi đi chất thơ, mà vẫn tăng thêm sự gợi cảm. Như thể, thi sĩ là người phát hiện ra cái thi vị trong hình thức giản dị, trong những điều bình thường. Đây là những câu thơ viết bằng kí ức, những kí ức thường ngày, lưu giữ như trầm tích, được đánh thức từ đâu đó rất sâu trong tâm hồn: tôi đã run lên cùng nhịp con tàu chuẩn bị vào ga Long Biên/ lắc lư tiếng chuông ngân nhà thờ Cửa Bắc (Thi nhân); em u mê từ thuở/ theo gió đi chăn mây/…/ em xanh xao từ thuở/ không dạy bảo được tim (Nghĩ lại); con chuồn chuồn lửng lơ/ nhớ mưa trên rào thưa mỏi cánh/…/ kìa trăng mải chơi/ xanh xao về gõ cửa (Độ lượng).
Bài thơ phác chân dung Phan Vũ với những nét vẽ tinh tế pha trộn ảo giác và đời thường, lãng mạn và xúc động, rất gợi cảm, gợi nghĩ: người nhẹ rắc xuống luống hoa của tôi/ vài hạt mưa đãng trí/…/ đêm qua/ hạt mưa của người cựa mầm kí ức/ sáng nay/ hàng cây tương tư trong suốt/ bỗng hiện ra lóng lánh trong mưa (Phan Vũ). Logic bên ngoài diễn đạt cái phi lí mưa đãng trí, mầm kí ức, cây tương tư trong suốt và logic bên trong diễn đạt cái có lí rắc xuống luống hoa của tôi, hạt mưa của người (đã) cựa mầm, và cây tương tư… bỗng hiện ra lóng lánh trong mưa.
Một kiểu “tư duy thơ trên chất liệu ngôn ngữ” (Nguyễn Phan Cảnh) kích thích tri giác từ đó tạo ra hưng phấn trong tâm trạng người đọc. Độ sáng của ngữ nghĩa không gây chói trong tiếp nhận. Mối liên hệ lặng thầm giữa chữ với nghĩa, giữa câu với câu, giữa tên bài với nội dung… không bị che khuất, không bị giấu kín, không bị rắc rối hóa. Vì vậy, thơ dễ tạo sự đồng cảm, dễ lan tỏa.
Như một nét truyền thống của thơ Việt, Phan Huyền Thư gắn thơ với sự kiện theo cách riêng của mình. Chị dùng những nét tả thực đầy ám tượng với ngòi bút mô tả trực tiếp khi cần, để tố cáo sự man rợ tàn bạo mà kẻ xâm lược gây ra đối với dân lành ngày 17/2/1979, hay phản ánh những vấn đề người đọc đang quan tâm ở ngoài biển đảo, ở trên núi cao, ở trong gác tối những phận đời cần lao…
Khi chị muốn chia sẻ những mất mát, trống vắng riêng tư, câu thơ như chùng xuống, sẽ sàng như bước chân lách qua vạt cỏ mềm đẫm sương tháng ba, có âm thanh từ linh cảm tiếng cha gọi, có màu sắc từ thị giác bông cúc dại… trong đám tầm xuân, có cảm thương từ trực giác xơ xác gầy: tháng ba/ bỗng nghe tiếng cha gọi về xén cỏ trên mộ chí/ gặp một bông cúc dại/ xơ xác gầy trong đám tầm xuân (Tháng ba). Chị thấm thía lẽ đời sau những thăng trầm: đường đời trơn/ khi mưa xuân/ lầy lội/ khi mưa rào mùa hạ/ gập ghềnh/ những vũng lầy sỏi đá/ khi mùa thu dông bão đong đầy/ mùa đông về/ tím tái heo may (Ứng xử).
Đường đời chưa bao giờ đơn giản, bốn mùa lầy lội, gập ghềnh, dông bão, tím tái… vốn là mối quan tâm truyền thống của thơ Việt, làm nên tính hiện thực trong thơ Việt. Nếu thơ cách biệt với hiện thực đời sống, chỉ nói chuyện hão huyền thì chắc chắn không thể thuyết phục được người đọc. Nhưng gắn với hiện thực không phải là nệ thực, gắn với hiện thực để tìm ra nỗi đời trong đời sống hiện thực, đúng như Phan Huyền Thư quan niệm: ẩn sau mỗi câu thơ đẹp/ cần có một khoảng lặng/ đủ để nghe thấy/ tiếng nhân sinh thở dài (Lặng).
Để thực hiện sứ mệnh “nhân sinh” ấy thơ cần phải luôn thay đổi, bởi vì đời sống không dừng lại, nhận thức và ý muốn của người đọc cũng không bao giờ giẫm chân tại chỗ, bởi vì thế giới hàng ngày tôi đang sống/ khiến tôi phải lặng người nghĩ suy (Lặng). Cho nên, nếu Phan Huyền Thư có sốt ruột, muốn nhanh hơn, muốn khác hơn… cũng là điều cần thông cảm: sự bất động của nghệ thuật/ là tượng đài hình chiếc cột/ đợi tương lai thi hành án/ tử hình (Giới hạn).
Từ nhận thức ấy, Phan Huyền Thư rất nỗ lực đi tìm chữ nghĩa, tìm nghĩa cho chữ, tìm nghĩa mới cho những chữ đã cũ. Hiển nhiên cách làm này nhà thơ Lê Đạt, người “phu chữ” quả quyết lục tìm “bóng chữ” đã đi trước chị. Việc ảnh hưởng là điều khó tránh. Nếu đọc thơ Thư ở những tập đầu (Nằm ngiêng, Rỗng ngực) thỉnh thoảng lại buộc ta nhớ đến Lê Đạt. Chẳng hạn lối diễn đạt này: trăng non cong nỗi thượng tuần (Men theo mùa hạ); bầu trời của riêng em/ đương nhiên/ đau vùng sao sáng (Phiên bản)…
Có một thực tế là thường khi trong quá trình đọc, những câu thơ hay, những ngôn từ lạ của đồng nghiệp tự nhiên được lưu giữ vào kho tư liệu trong tiềm thức của chúng ta, lâu ngày nếu không cảnh giác rất dễ bị lẫn (một cách vô thức) vào trang viết của mình. Hình như một số ngôn từ của Phan Huyền Thư có sự vô thức này. Nhưng ở các tập sau Thư ý thức được điều từa tựa nhau kia, nên tác giả cố gắng để né tránh, và thơ chị thanh thoát, tung tẩy hơn: tôi không dám có chữ…/ chỉ có nước mắt/ máu/ và sự im lặng/ thiên thanh (Thiên hà).
Không dám có chữ là sự khiêm nhường cần thiết của người viết. Nhưng không có nghĩa sáng tạo không cần sự cố gắng cao nhất của mỗi người cầm bút. Một khi cảm thấy tôi lạc giọng giữa đại dương thơ/ ú ớ gọi tên mình trong câm lặng (Đại dương) là khi biết được mình cần phải làm gì. Nước mắt/ máu/ và sự im lặng/ thiên thanh đủ để làm nên bản lĩnh của ngòi bút.
Thành công trong bất cứ lĩnh vực nào cũng bắt đầu bằng sự quả quyết. Tôi tin sự quả quyết tôi vẫn viết, tôi cứ viết của Phan Huyền Thư. Có điều, quả quyết trong lĩnh vực thơ ca chỉ là một phần thôi, cái khó là làm sao nuôi dưỡng tâm hồn tươi trẻ mãi (như thể cái im lặng thiên thanh kia) để không ngừng sáng tạo, để tránh người, tránh cả chính mình vì chúng ta ai cũng phải về ngôi nhà mang tên chính mình (Thi nhân). Vẫn biết, nói một câu thì dễ, làm một đời mới khó. Nghịch lí này giản dị một cách rất quái dị, vì không biết tại sao lại thế.
L.T.N
VNQD